Thứ 6, 17/01/2025, 20:51[GMT+7]

Bắc Âu trải qua đợt nắng nóng bất thường

Thứ 3, 06/07/2021 | 14:12:39
917 lượt xem
Cuối tuần qua, các nước Bắc Âu đã trải qua đợt nắng nóng bất thường, nhiệt độ tại một số khu vực cao gần mức kỷ lục, tới 34 độ C.

Viện Khí tượng quốc gia Phần Lan thông báo nước này vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ được ghi nhận từ năm 1844.

Theo hãng thông tấn STT của Phần Lan, nhiệt độ tại Kevo - khu bảo tồn tự nhiên nằm ở cực Bắc của Phần Lan - trong ngày 4/7 ở mức 33,4 độ C - cao nhất kể từ năm 1914 ghi nhận nhiệt độ tại đây lên tới 34,7 độ C.

Một số vùng của Thụy Điển cũng ghi nhận nền nhiệt độ cao trong tháng 6 vừa qua. Tính nhiệt độ trung bình trên cả nước, tháng 6 vừa qua Thụy Điển trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng thứ 3 ở nước này.

Trong khi đó, Viện Khí tượng Na Uy ghi nhận nhiệt độ 34 độ C tại Saltdal, một địa điểm gần vòng cực. Đây là nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Na Uy trong năm nay và chỉ thấp hơn 1,6 độ C so với nhiệt độ cao kỷ lục ghi nhận ở nươc này.

Không chỉ Bắc Âu, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đang trải qua những ngày Hè nắng nóng. Canada đang phải ứng phó với một loạt đám cháy rừng tại tỉnh British Columbia sau khi trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao chưa từng thấy, tới 49,6 độ C.

Ngày 1/7 vừa qua, Liên hiệp quốc xác nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Nam Cực là 18,3 độ C được ghi nhận năm ngoái.

Tại châu Phi, nắng nóng khắc nghiệt đã gây cháy rừng tại Đông Bắc Algeria cuối tuần qua, thiêu hủy hàng chục ha rừng cây. Hơn 200 lính cứu hỏa đã được huy động để dập lửa. Lực lượng quân đội, cảnh sát và tình nguyện viên cũng tham gia chữa cháy và hỗ trợ sơ tán người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi, song Algeria chỉ có 4,1 triệu ha đất rừng. Trong năm 2020, cháy rừng cũng đã thiêu rụi gần 44.000 ha rừng cây, trong khi tỷ lệ trồng cây gây rừng ở nước này chỉ đạt 1,76%.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm đợt hạn hán tại Algeria, dễ làm bùng phát thảm họa cháy rừng, tổn hại môi trường sống của con người và các loài động vật.

Theo vtv.vn