Thứ 6, 17/01/2025, 02:09[GMT+7]

Tháng 7/2021 là một trong ba tháng 7 nóng kỷ lục trên thế giới

Thứ 6, 06/08/2021 | 15:09:12
1,498 lượt xem
Tháng 7/2021 là một trong những tháng 7 nóng nhất thế giới được ghi nhận, chỉ sau năm 2019 và 2016, với nhiệt độ cao bất thường ở các khu vực từ Phần Lan đến Mỹ.

Xu hướng nhiệt độ tăng lên diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới. (Ảnh: AP)

Đây là thông tin do các nhà khoa học EU cho biết vào ngày 5/8.

Thông tin trên là minh chứng mới nhất cho xu hướng ấm lên trong bối cảnh 7 năm qua được coi là khoảng thời gian nóng nhất được ghi nhận trên thế giới do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm thay đổi khí hậu trên Trái đất.

Freja Vamborg, nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Biến đổi Khí hậu (Copernicus) của Liên minh châu Âu, nói: "Khi chúng tôi xem xét nhiệt độ toàn cầu, có sự thay đổi từ năm này sang năm khác hoặc thậm chí tháng này sang tháng khác. Tuy nhiên, cuối cùng điều cơ bản mà chúng tôi nhận thấy là xu hướng ấm lên trên toàn cầu và xu hướng này diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới".

Tháng 7/2021 là tháng 7 nóng thứ 3 trên thế giới được ghi nhận, sau tháng 7/2019 và tháng 7/2016, Copernicus cho biết. Đây cũng là tháng 7 nóng thứ hai ở châu Âu được ghi nhận, sau tháng 7/2010.

Dữ liệu của Copernicus được thống kê từ năm 1950, nhưng số liệu này được kiểm tra chéo với các hồ sơ dữ liệu khác có từ giữa thế kỷ 19.

Tháng 7/2021, nhiều khu vực đã bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với ý kiến thống nhất của các nhà khoa học rằng, tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm cho các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, trong khi một hành tinh nóng hơn sẽ dẫn đến lượng mưa lớn hơn.

Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và Canada bắt đầu diễn ra từ tháng 6, khiến hàng trăm người tử vong và dẫn đến hàng loạt vụ cháy rừng. Ở Trung Quốc, Bỉ và Đức, mưa lớn với lượng mưa cao kỷ lục đã dẫn đến lũ lụt gây chết người.

Copernicus cho biết, khu vực nhiệt đới phía Bắc của Australia đã ghi nhận nhiệt độ trần hàng ngày ở mức cao nhất vào tháng 7, trong khi nhiệt độ cao hơn bình thường "hầu như ở mọi nơi" tại khu vực Bắc Phi. Một số khu vực lạnh hơn một chút so với mức trung bình, bao gồm Đức và một số vùng ở Nga.

Theo ông Ralf Toumi, đồng Giám đốc của Viện Grantham về biến đổi khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, những đợt nắng nóng kỷ lục gần đây là không có gì đáng ngạc nhiên do nền nhiệt tăng cao trong thời gian dài.

Theo vtv.vn