Thứ 6, 17/01/2025, 02:16[GMT+7]

Philippines có ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên, Lào ghi nhận trường hợp người Việt mắc Covid-19

Thứ 2, 16/08/2021 | 08:40:33
1,254 lượt xem
Đến sáng 16/8, thế giới có trên 207,9 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 4,37 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 207,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP).

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 37,4 triệu ca mắc và hơn 637.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 23.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 14/8, Mỹ ghi nhận số trẻ em nhập viện vì COVID-19 cao chưa từng có với 1.900 ca. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Mỹ, biến thể Delta đang gây bệnh cho hầu hết những người chưa tiêm chủng và khiến số ca nhập viện gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây. Hiện trẻ em chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì COVID-19.

Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao. Ngoài ra số ca nhập viện mới vì COVID-19 trong độ tuổi 18 - 29 cũng đạt mức cao kỷ lục trong tuần này.

Mỹ hiện ghi nhận trung bình khoảng 129.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, tăng gấp đối sau hơn hai tuần. Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng và trung bình 600 người tử vong mỗi ngày, gấp đôi tỷ lệ tử vong vào cuối tháng 7.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tờ The Guardian cho thấy, các hạt bồ hóng nhỏ, được gọi là PM2.5, trong khói từ các đám cháy rừng lớn ở phía Tây nước Mỹ đã gây ra sự gia tăng số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở một số bang. Theo nghiên cứu, khói đã làm tăng tỷ lệ nhiễm virus lên gần 20% ở một số hạt nhất định ở các bang California, Washington và Oregon. Ở một số nơi, ô nhiễm không khí đã góp phần vào hơn một nửa số ca tử vong vì COVID-19. 

Nghiên cứu khác từ năm 2020 cho thấy, 15% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên khắp thế giới có liên quan đến việc hít không khí ô nhiễm. Các nhà khoa học cho rằng, chất ô nhiễm thải ra có thể giúp lây lan virus, đồng thời làm suy yếu phổi của con người, làm tăng khả năng người nhiễm virus bị bệnh nặng hoặc tử vong

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/8, nước này ghi nhận hơn 33.200 ca mắc mới COVID-19 và 421 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 431.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc mới của Ấn Độ hàng ngày được ghi nhận là 1,88%, giảm 3% trong 20 ngày qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tỷ lệ dương tính hàng tuần được ghi nhận ở mức 2%.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 568.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Philippines có ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên, Lào ghi nhận trường hợp người Việt mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Khói khiến số người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ tăng đột biến. (Ảnh: AP)

Bang New South Wales của Australia, gồm thành phố Sydney, vừa tuyên bố siết chặt quy định phong tỏa phòng dịch, gia tăng mức phạt lên đến 5.000 AUD đối với người vi phạm.:

Cụ thể, cảnh sát bang New South Wales bắt đầu xử phạt đến 5.000 AUD (khoảng 84 triệu đồng) đối với người rời khỏi nhà hoặc khai man với các quan chức làm nhiệm vụ truy vết COVID-19. Người đi đến các vùng khác mà không xin phép sẽ bị phạt 3.000 AUD. Đây là mức phạt nặng nhất từ trước đến nay ở bang New South Wales đối với những người không tuân thủ quy tắc phòng dịch. Lệnh ở yên tại nhà được ban hành trong 7 ngày tại các vùng đang không bị phong tỏa. Đám tang, đám cưới sẽ được phép tổ chức trong một ngày, trường học vẫn phải đóng cửa. Hàng trăm quân nhân sẽ được triển khai đến Sydney để thi hành lệnh phong tỏa này.

Dù là nước có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, Israel vẫn đang trong một làn sóng lây nhiễm mới. Ngày 15/8, số ca biến chứng nặng ở đây đã vượt 500 người, cao nhất trong gần nửa năm nay. Israel tiếp tục có thêm hơn 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Chính phủ nước này phải tái áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm chủng cho những người chưa từng được tiêm, đồng thời tiêm mũi bổ sung thứ 3 cho người trên 50 tuổi.

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Lao động Serbia, bà Darija Kisic Tepavcevic, thông báo, các cơ quan y tế nước này đã cho phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, đội ngũ nhân viên y tế và những người đã được tiêm vaccine ít nhất 6 tháng trước đây.

Trong chương trình được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia RTS TV, Bộ trưởng Kisic Tepavcevic cho biết, từ ngày 17/8, các cơ quan y tế Serbia sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu. Bà Kisic Tepavcevic nói: "Những người dân đã được chủng ngừa ít nhất 6 tháng trước đây cũng có thể yêu cầu tiêm liều vaccine thứ 3", nhưng không nêu rõ loại vaccine sẽ được sử dụng.

Serbia đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19 mới, với mức độ bình quân 900 ca/ngày trong tuần qua do biến thể Delta. Hiện quốc gia này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người. Serbia đến nay đã ghi nhận tổng cộng 732.044 ca COVID-19, trong đó có 7.167 người tử vong.

Ngày 15/8, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 198 ca mắc mới COVID-19. Trong số các ca mắc mới, có 186 người nhập cảnh được cách ly ngay và 12 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Vientiane ghi nhận 1 ca mắc cộng đồng là người Việt Nam có liên quan đến các bệnh nhân trước đó. Các ca cộng đồng còn lại là tại tỉnh Savannakhet.

Trung tâm Xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế Lào, cho biết, thời gian gần đây nước này đã ghi nhận một số trường hợp người Việt có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm tại thủ đô Vientiane để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Điểm chung của những người này là đều có quá trình di chuyển qua vùng dịch tỉnh Bokeo.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo của Lào. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID -19 tại Lào là 10.092 ca, trong đó có 9 người tử vong.

Thái Lan có thể sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đang áp dụng tại 29 tỉnh, thành phố bao gồm cả thủ đô Bangkok nhằm ngặn chặn số ca nhiễm mới tại nước này, được dự đoán có thể lên tới 70.000 ca mỗi ngày. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, với 21.882 ca nhiễm mới và 209 người tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua, đến nay Thái Lan đã có 907.157 trường hợp nhiễm COVID-19 kể từ đầu dịch, trong đó có 7.552 bệnh nhân tử vong.

Để duy trì tình trạng lây nhiễm với tốc độ hiện tại khoảng 20.000 ca nhiễm mới và khoảng 200 ca tử vong mỗi ngày, Bộ Y tế Thái Lan cho rằng, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt phải được thực hiện trong ít nhất hai tháng nữa cùng với việc tiêm chủng cho người cao tuổi và các nhóm đối tượng khác ở những khu vực rộng lớn hơn. Với tỷ lệ lây nhiễm này, Thái Lan vẫn sẽ có đủ giường bệnh, trong khi tỷ lệ tử vong sẽ ở mức có thể kiểm soát được.

Bộ Y tế Thái Lan ước tính, nếu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hiện tại không được tiếp tục, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 có thể vào khoảng 60.000 - 70.000 bệnh nhân và số ca tử vong có thể lên tới 800 người mỗi ngày.

Philippines có ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên, Lào ghi nhận trường hợp người Việt mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Thái Lan cân nhắc gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều tỉnh thành. (Ảnh: AP)

Ngày 15/8, Bộ Y tế Philippines cho biết đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Lambda, biến thể phát hiện lần đầu tại Peru. Trường hợp này là một phụ nữ 35 tuổi, không có triệu chứng, hiện được xác định là đã phục hồi sau 10 ngày cách ly điều trị. Giới chức Philippines hiện đang tiến hành điều tra các thông tin dịch tễ liên quan ca bệnh.

Trong bối cảnh làn sóng dịch mới do biến thể Delta vẫn đang diễn biến phức tạp, chính giới Philippines cảnh báo, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Trong ngày qua, nước này ghi nhận gần 14.749 ca mắc mới COVID-19, mức tăng hàng ngày lớn thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 1,74 triệu trường hợp.

Sau nhiều tháng giãn cách xã hội toàn quốc, Malaysia ngày 16/8 chính thức nới lỏng các biện pháp hạn chế. Những hoạt động kinh tế, dịch vụ sẽ mở cửa trở lại, tùy thuộc vào các khu vực được phân loại nguy cơ khác nhau. Cả chợ truyền thống tới cửa hàng cắt tóc, nhưng vẫn phải đảm bảo quy định phòng dịch, như khử khuẩn, hay chỉ phục vụ người đã được tiêm. Đây là giai đoạn 1 trong kế hoạch tổng thể 4 giai đoạn thoát dịch được Chính phủ Malaysia đưa ra, tiến tới quay trở lại nhịp sống bình thường vào tháng 10. Giai đoạn 4 là cả nước phải có dưới 500 ca mắc mới/ngày, 60% người dân được tiêm chủng đủ 2 mũi, trống nhiều giường bệnh chăm sóc tích cực.

Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua thêm một phương pháp điều trị cho các bệnh nhân Covid điều trị tại các cơ sở lưu trú, đó là sử dụng phương pháp hỗn hợp kháng thể. Mục đích của phương pháp này chính là ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng của các bệnh nhân, từ đó có thể giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Nhật Bản hiện có ba hình thức điều trị COVID-19 là điều trị y tế tại nhà, điều trị y tế tại cơ sở lưu trú như khách sạn và nhập viện. Để tăng cường hiệu quả điều trị từ đó giảm áp lực cho hệ thống y tế, Nhật Bản đã cho phép sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể cho các bệnh nhân cho điều trị tại nhà và điều trị tại cơ sở lưu trú.

Với 20.147 ca mắc mới trong ngày 15/8, đến nay, Nhật Bản ghi nhận trên 1,12 triệu người nhiễm COVID-19, bao gồm 15.400 trường hợp thiệt mạng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và hội chứng suy hô hấp cấp nặng (ISARIC) thông báo sẽ thu thập dữ liệu về những người mắc di chứng kéo dài hậu COVID-19 để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vấn đề này. Di chứng kéo dài hậu COVID-19 là hiện tượng những bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi nhưng vẫn gặp các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh.

Tuyên bố của WHO cho biết, dù một bộ phận đáng kể người mắc COVID-19 gặp phải các di chứng kéo dài hậu COVID-19 nhưng đây vẫn là một trong số những khía cạnh ít được biết đến của đại dịch, và nếu không sớm tìm hiểu có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Do đó, WHO và ISARIC sẽ dẫn đầu một dự án nghiên cứu về vấn đề này với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Dự án sẽ bắt đầu khảo sát với những người bị di chứng kéo dài hậu COVID-19.

Theo vtv.vn