Thứ 5, 16/01/2025, 16:01[GMT+7]

Pháp triệu hồi các Đại sứ tại Mỹ, Australia vì lý do “đặc biệt nghiêm trọng”

Thứ 7, 18/09/2021 | 09:31:34
1,364 lượt xem
Ngày 17/9, Pháp đã triệu hồi các Đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Ảnh: AP)

Động thái triệu hồi đại sứ trên diễn ra sau khi Australia từ bỏ thỏa thuận mua tàu ngầmcủa Pháp trị giá khoảng 40 tỷ USD để chuyển sang nhận tàu ngầm động cơ hạt nhân của Mỹ.

Trong thông cáo chính thức được công bố vào tối 17/9 (theo giờ Paris), Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian viết: “Theo yêu cầu của Tổng thống Cộng hòa Pháp, tôi đã quyết định triệu tập ngay lập tức hai Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn. Quyết định ngoại lệ này là do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các tuyên bố do Australia và Mỹ đưa ra vào ngày 15/9”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pháp quyết định triệu hồi Đại sứ tại hai quốc gia Australia và Mỹ về nước. Giới ngoại giao Pháp đánh giá, đây là một động thái thể hiện mức độ căng thẳng đặc biệt trong quan hệ ngoại giao của Pháp với Mỹ, một trong những đồng minh chiến lược có lịch sử lâu đời nhất của Pháp.

Trước đó, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo quan hệ đối tác mới, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều này dẫn tới việc Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp.

Pháp triệu hồi các Đại sứ tại Mỹ, Australia vì lý do “đặc biệt nghiêm trọng” - Ảnh 1.

Tàu ngầm Pháp FNS Amethyste (S605) đi qua sông Thames ngày 1/9/2021. (Ảnh: AP)

Điều này đồng nghĩa với việc Australia sẽ hủy bỏ "hợp đồng thế kỷ" tổng trị giá đến 56 tỷ Euro mà nước này ký với Pháp vào năm 2016 để chế tạo 12 tàu ngầm động cơ diesel thế hệ mới. Phía Pháp phản ứng gay gắt khi chỉ được thông báo tin tức vào phút cuối cùng, coi đây là hành động "đâm sau lưng" đồng minh của các nước Mỹ, Anh và Australia.

Các lãnh đạo chính trị tại mọi đảng phái của Pháp đều chỉ trích quyết liệt quyết định của Mỹ, Anh, Australia. Ngay trong ngày 17/9, Chính phủ Pháp đã quyết định hủy bỏ buổi lễ dự tính diễn ra trong tối 17/9 để kỷ niệm trận đánh Vịnh Chesapeake, một trong những trận đánh quyết định giúp Mỹ giành độc lập năm 1781, trong đó có sự đóng góp lớn của quân đội Pháp.

Hầu hết giới phân tích tại Pháp đều cho rằng, bất chấp những lời trấn an từ phía các quan chức cấp cao của Mỹ và Anh cũng như những giải thích từ phía Australia, nước Pháp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao đặc biệt nghiêm trọng với Mỹ. Rất nhiều chính trị gia và nghị sĩ Pháp đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Pháp phải có phản ứng đáp trả cứng rắn.

Ông Gwendal Rouillard, nghị sĩ Quốc hội Pháp thuộc đảng "Nền Cộng hòa Tiến bước" (LREM) của Tổng thống Macron, đồng thời là thành viên Ủy ban Quốc phòng và quân lực của Quốc hội Pháp, cho rằng, Pháp không còn có thể tin tưởng vào các đồng minh.

"Người Mỹ đã hành xử một cách bất lịch sự hoàn toàn với nước Pháp, trên thực tế là đáng hổ thẹn. Với người Anh, Pháp đã phải chịu nhiều khó khăn trong vài năm qua, như trong phi vụ máy bay vũ trang không người lái. Tóm lại, tôi nhận thấy rằng, nước Pháp không còn có thể tin tưởng vào các đồng minh và vì thế, ít nhất là cần phải có những thay đổi sáng tỏ về mặt chiến lược ngay trong các tuần tới", ông Gwendal Rouillard nói.

Theo vtv.vn