Thứ 5, 16/01/2025, 15:57[GMT+7]

Covid-19 thế giới 20/9: Ấn Độ tính mở cửa du lịch; vaccine Pfizer giảm mạnh hiệu quả sau 4 tháng; nguy cơ lãng phí khoảng 100 triệu liều vaccine

Thứ 2, 20/09/2021 | 14:22:16
916 lượt xem
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 229,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,7 triệu người tử vong và xấp xỉ 206 triệu bệnh nhân bình phục.

Một nghiên do Kaiser Permanente Medical Group, có trụ sở tại Nam California, thực hiện cho thấy, Pfizer giảm gần một nửa hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm đầy đủ 4 tháng. (Nguồn: Business Focus)

Tình hình dịch Covid-19

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 350.897 ca mắc mới và 5.748 ca tử vong, trong đó Mỹ có 32.731 ca nhiễm mới và 311 ca tử vong. Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch với hơn 42,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 691.880 ca tử vong.

Trong vòng một ngày qua, Nga ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất thế giới, với 793 trường hợp trong tổng số 20.174 ca mắc mới. Đến nay, Nga đã phát hiện 7.274.928 ca mắc bệnh, trong đó có 198.218 người không qua khỏi.

Xét theo khu vực, châu Á có nhiều ca nhiễm nhất với tổng số 74.119.476 người bệnh. Châu Âu đứng thứ hai với 57.634.319 ca nhiễm. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là hơn 51,5 triệu ca trong khi ở Nam Mỹ là hơn 37,5 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn với hơn 8,2 triệu ca và châu Đại Dương có hơn 202.000 ca nhiễm bệnh.

Xét theo số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.203.563 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.146.989 ca. Con số này ở châu Á và Bắc Mỹ là hơn 1 triệu ca.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ có những dấu hiệu lắng dịu, nước này có thể sớm mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài, lần đầu tiên sau một năm rưỡi.

Theo các quan chức Ấn Độ, 500.000 khách nước ngoài đầu tiên sẽ được cấp thị thực miễn phí cho đến ngày 31/3/2022 hoặc cho đến khi cấp đủ trong nỗ lực nhằm hồi sinh các ngành du lịch, khách sạn và hàng không, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kể từ tháng 3 năm ngoái, khi New Delhi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt.

Biện pháp này sẽ có chi phí ước tính khoảng 1 tỷ Rupee (13,5 triệu USD) và được cho là sẽ khuyến khích du khách đến thăm Ấn Độ ngắn ngày. Quyết định sẽ được đưa ra khi số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đang tiếp tục giảm. Ngày 19/9, Ấn Độ ghi nhận 30.773 ca nhiễm mới.

Hiện các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Ấn Độ đang thảo luận với tất cả bên liên quan về thời điểm dự kiến và phương thức mở cửa đối với du khách nước ngoài. Thông báo chính thức về vấn đề này có thể được đưa ra trong 10 ngày tới.

Bộ Y tế Lào ngày 19/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 371 ca mới; trong đó có tới 303 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào là 19.185 ca, trong đó có 16 người tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ghi nhận thêm 26.398 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 6.847.259 ca. Tổng số ca tử vong do đại dịch tại nước này cũng tăng lên 61.574 ca sau khi có thêm 213 ca tử vong.

Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 từ ngày 14/1 năm nay sau khi nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Đến nay, hơn 52,67 triệu người tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó khoảng 42.02 triệu người được tiêm đủ 2 liều.

Bộ Y tế Iran cùng ngày thông báo, có thêm 15.975 ca nhiễm mới và 391 ca tử vong nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.424.835 ca và tổng số người không qua khỏi lên 117.182 người.

Đến nay, có 29.467.568 người tại Iran đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó 13.904.702 người đã được tiêm đủ 2 liều. Iran hiện đang phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hệ thống y tế tại Lebanon có nguy cơ sụp đổ do tình trạng "chảy máu chất xám" khi có khoảng 40% bác sĩ có trình độ và khoảng 30% y tá có bằng cấp đã rời khỏi quốc gia này tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Trong khi đó, việc thiếu hụt nhiên liệu cũng đang khiến hầu hết các bệnh viện hoạt động chỉ với 50% công suất, trong khi các vật tư y tế cơ bản cũng như thiết bị nhằm cứu sống bệnh nhân cũng bị thiếu trầm trọng.

Vaccine và tiêm chủng

Theo Reuters, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, một nghiên cứu của công ty Anh Airfinity dự đoán, nếu các nước không đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng so với hiện tại, thế giới có nguy cơ ghi nhận thêm 100 triệu ca Covid-19 vào mùa hè tới và có thể sẽ có thêm một triệu người chết vì thiếu máy thở và oxy.

Bên cạnh đó, Airfinity ước tính, khoảng 100 triệu liều vaccine Covid-19 đang được các nước giàu tích trữ có nguy cơ hết hạn vào tháng 12 nếu không được sử dụng kịp thời.

Ông Brown kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nên đưa ra quyết định khi nào các quốc gia có thể hoán đổi các hợp đồng giao vaccine, làm thế nào để vượt qua các rào cản về quy định đối với xuất khẩu vaccine và ai sẽ chi trả chi phí cho vaccine đang trong kho các dự trữ.

Cựu Thủ tướng Anh nhấn mạnh: "Không có ai là an toàn cho tới khi mọi người ở khắp nơi đều an toàn. Lợi ích của tất cả mọi người ở khắp nơi là điều mà Tổng thống Biden và các lãnh đạo cần làm để loại bỏ Covid-19 ở mọi ngóc ngách trên thế giới".

Trong khi đó, ngày 17/9, Sputnik đưa tin, Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Pfizer của Mỹ trình báo cáo lên Ủy ban Tư vấn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trích dẫn một nghiên cứu gần đây cho hay, hiệu quả của vaccine do Pfizer sản xuất đối với chủng Delta cao trong tháng đầu tiên sau khi tiêm, nhưng giảm mạnh (từ 93% xuống 53%) trong vòng 4 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.

Nghiên cứu được Pfizer trích dẫn trong báo cáo do Kaiser Permanente Medical Group, có trụ sở tại Nam California, thực hiện.

Các tác giả của nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine Pfizer chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 và số lần nhập viện liên quan Covid-19 sau khi tiêm chủng dựa trên dữ liệu thu thập được trên khắp nước Mỹ từ 14/12/2020 đến 8/8/2021.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, Pfizer bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện trong "khoảng sáu tháng" và "sự suy giảm hiệu quả của vaccine theo thời gian chủ yếu là do tác dụng của Pfizer bị yếu đi".

Với kết quả nghiên cứ này, Pfizer đề xuất FDA tiêm mũi nhắc lại khoảng 6 tháng 1 lần cho người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer, tuy nhiên, theo Sputnik, Ủy ban Tư vấn của FDA đã bác đề xuất trên do thiếu dữ liệu an toàn.

Theo Baoquocte.vn