Thứ 5, 16/01/2025, 12:55[GMT+7]

Bầu cử Chủ tịch LDP Nhật Bản: Giải mã chiến thắng của ông Kishida Fumio

Thứ 4, 29/09/2021 | 15:07:14
782 lượt xem
Yếu tố nào đã giúp ông Kishida Fumio vượt ông Kono Taro để kế nhiệm ông Suga Yoshihide trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Thủ tướng Nhật Bản?

Chiến thắng trong cuộc bầu cử LDP, ông Kishida Fumio trở thành Chủ tịch đảng này và khả năng tiếp quản vị trí Thủ tướng Nhật Bản ngày 4/10 tới.

Đầu tiên, khác với ông Kono Taro, một nhân vật với nhiều tư tưởng cách tân, ông Kishida Fumio là chính trị gia truyền thống, với phong cách điềm đạm và không phải là người của công chúng.

Tuy nhiên, cá nhân ông Kishida vẫn tiếp thu và ủng hộ nhiều sáng kiến và thay đổi, đặc biệt là về kinh tế.

Một mặt, ông ủng hộ Tokyo chi thêm hàng trăm tỷ USD để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng ảm đạm do các biện pháp hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Mặt khác, ông kêu gọi một “chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới”, phân phối của cải mạnh mẽ hơn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vốn ngày một lớn sau dịch Covid-19.

Đồng thời, ông cam kết điều chỉnh chính sách thị trường, vốn là trọng tâm trong tầm nhìn kinh tế Abenomics.

Thứ hai, tương tự ông Kono Taro khi từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, ông Kishida Fumio là chính trị gia có nhiều kinh nghiệm với quan điểm đối ngoại “hợp thời” hơn.

Khi làm Ngoại trưởng, ông được biết đến với tư tưởng ôn hòa về đối ngoại, chủ trương thúc đẩy “ngoại giao nhân văn” và không ủng hộ đề xuất sửa đổi Hiến pháp của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.

Tuy nhiên, các tuyên bố mới đây cho thấy ông Kishida đã có quan điểm đối ngoại cứng rắn hơn, để thích ứng phù hợp với sự thay đổi của tình hình thế giới và vị thế ngày một lớn của Nhật Bản tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó thu hút sự ủng hộ của đảng viên và nghị sĩ từ LDP.

Một mặt, giống như những người tiền nhiệm, ông Kishida Fumio ủng hộ liên minh Mỹ-Nhật mạnh mẽ, đồng thời và lo ngại về bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Mặt khác, ông thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng Nhật Bản có thể xem xét khả năng tấn công căn cứ tên lửa của đối phương khi cần thiết, dù là Trung Quốc hay Triều Tiên.

Đồng thời, tân Chủ tịch LDP từng cho rằng eo biển Đài Loan (Trung Quốc) sẽ là “vấn đề ngoại giao lớn tiếp theo” sau Hong Kong (Trung Quốc). Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cần tăng cường hợp tác với Đài Loan.

Cuối cùng, một ưu thế khiến ông Kishida nhận được sự ủng hộ lớn của nghị sĩ LDP đến từ quãng thời gian làm Trưởng bộ phận Nghiên cứu chính sách của đảng.

Cương vị này giúp ông có thời gian tiếp xúc với giới nghị sĩ, tìm hiểu lập trường, quan điểm chung về đối nội, đối ngoại, từ đó thay đổi để giành sự ủng hộ và chiến thắng trong bầu cử Chủ tịch LDP chiều ngày 29/9.

Theo Baoquocte.vn