Thứ 5, 16/01/2025, 04:55[GMT+7]

Nga tái phong tỏa thủ đô; nhiều nước châu Âu cùng cảnh; Nhật Bản sắp có vaccine nội địa

Thứ 6, 22/10/2021 | 14:15:06
458 lượt xem
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 243 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,94 triệu ca tử vong và gần 220,5 triệu bệnh nhân bình phục.

Vaccine Covid-19 do công ty Shinogi của Nhật Bản sản xuất được kỳ vọng sẽ trở thành vaccine nội địa đầu tiên được cấp phép của nước này.

Tình hình dịch Coivd-19

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 461.290 ca mắc mới và 7.194 ca tử vong. Mỹ có số ca mắc và tử vong mới cao nhất, lần lượt là 80.835 ca và 1.428 ca. Anh có số ca nhiễm mới cao thứ hai với 52.009 ca và số ca tử vong là 115 ca.

* Ngày 21/10, Thị trưởng thủ đô Moscow của Nga Sergei Sobyanin thông báo, thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/10 để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 với số ca mắc mới tăng cao.

Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc.

Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10-7/11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.

Ngày 21/10, Nga tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới và số ca tử vong do Covid-19, với lần lượt 36.339 và 1.036 ca. Đến nay, Nga đã ghi nhận tổng cộng hơn 8,13 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 227.300 ca tử vong.

* Trong những ngày qua, châu Âu ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm mới, buộc chính phủ nhiều nước phải đưa ra các biện pháp hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh.

Ngày 21/10, Latvia đã trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc và nhà hát phải đóng cửa trong một tháng.

Hiện Latvia là quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ghi nhận trong 14 ngày gần nhất là 1.406 ca/100.000 dân (theo AFP). Các quốc gia láng giềng ở khu vực Baltic như Lithuania và Estonia đứng ngay sau Latvia với tỷ lệ lần lượt là 1.221 ca và 1.126 ca/100.000 dân.

Số ca mắc Covid-19 ở Anh đã vượt 40.000 ca/ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 7 ngày qua, số ca mắc tăng gần 18% trong khi số ca nhập viện và tử vong tăng lần lượt 15,4% và 10,8% so với tuần trước đó, mặc dù con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch vào tháng 1.

Dịch bệnh cũng đang có xu hướng gia tăng tại Hà Lan. Trong tuần, tính đến ngày 19/10, nước này ghi nhận tổng cộng 25.751 ca nhiễm mới, tăng 44% so với tuần trước đó.

Ngày 21/10, Hà Lan ghi nhận 5.223 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong 3 tháng qua. Số ca nhiễm mới xuất hiện ở tất cả các khu vực và nhóm đối tượng.

Các chuyên gia Hà Lan cho rằng, làn sóng lây nhiễm mới là do nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh và tác động của thời tiết. Hầu hết những ca phải nhập viện là những người chưa tiêm vaccine.

Bỉ cũng đang đối mặt với tình trạng số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng khiến các chính trị gia nước này phải cân nhắc về tính hiệu quả của vaccine và việc tăng cường áp dụng các biện pháp giãn cách để tránh làn sóng nhập viện.

Tuy nhiên, giới chức Bỉ khẳng định, không có bất kỳ một chiến lược "Zero Covid" nào ở cấp độ chính trị; tham vọng chung vẫn là "sống chung" với loại virus gây bệnh này, chứ không phải đóng cửa toàn bộ xã hội.

Do đó, chính phủ Bỉ vẫn đang tập trung cho công tác tiêm chủng đại trà nhằm ngăn chặn làn sóng nhiễm bệnh chuyển thành làn sóng nhập viện điều trị tích cực.

Vacccine và sống chung với Covid-19

Trong khi đó, Canada công bố chuẩn hóa chứng nhận tiêm chủng cho hoạt động đi lại quốc tế. Chứng nhận được tiêu chuẩn hóa bao gồm tên, ngày sinh của người được chứng nhận, số liều vaccine đã tiêm, loại vaccine, số lô, ngày tiêm chủng và mã QR lịch sử tiêm chủng.

Ngày 21/10, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông "rất tin tưởng" các nước trên thế giới sẽ chấp nhận chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 của Canada.

Các quan chức chính phủ cho biết, họ đã làm việc với các tỉnh để đưa ra một "định dạng" trên toàn quốc và tin tưởng sẽ được chấp nhận rộng rãi. Ottawa cũng đang làm việc với các quốc gia khác để đảm bảo sự chấp nhận ở nước ngoài.

Tại Mỹ, ngày 21/10, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) ra khuyến nghị về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đối với những người đã tiêm vaccine của các hãng dược Moderna và Johnson & Johnson. Theo đó, người dân Mỹ có thể lựa chọn tiêm mũi tăng cường bằng loại vaccine khác loại mũi tiêm ban đầu.

Như vậy, CDC Mỹ đã khuyến nghị sử dụng cả 3 loại vaccine đang được tiêm chủng tại Mỹ làm mũi tăng cường, gồm các vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Ở Nhật Bản, công ty dược phẩm Shionogi có trụ sở tại tỉnh Osaka vừa thông báo kế hoạch thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với vaccine Covid-19 nội địa đầu tiên của nước này.

Theo đó, có 3.000 tình nguyện viên sẽ tham gia quá trình thử nghiệm lần này nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn của vaccine do Shionogi nghiên cứu, phát triển. Công ty cũng dự kiến bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối cùng trong năm nay và nếu mọi việc thuận lợi sẽ khẩn trương hoàn tất thủ tục xin cấp phép phê duyệt lên chính phủ Nhật Bản vào đầu năm sau.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường cần đặt lịch tiêm ngay lập tức trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng, đồng thời kêu gọi trẻ em từ 12 đến 15 tuổi đi tiêm bởi nguồn cung vaccine không thiếu.

Theo Baoquocte.vn