Thứ 5, 16/01/2025, 04:51[GMT+7]

Covid-19 thế giới 25/10: Mối lo mới - biến thể AY.4.2; Anh đứng nhất về số ca mới; khẩu trang phát hiện virus SARS-CoV-2 giá 5 USD

Thứ 2, 25/10/2021 | 14:19:25
319 lượt xem
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 244,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,96 triệu ca tử vong và gần 221,5 triệu bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, Anh là nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất thế giới với 39.662 ca

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19 với 46,31 triệu ca nhiễm, với hơn 756.362 ca tử vong. Xếp thứ hai là Ấn Độ với 34,18 triệu ca, trong đó có hơn 4524.700 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,72 triệu ca nhiễm và hơn 605.000 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Anh là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới (39.662 ca), tiếp sau là Nga (35.660 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (24.792 ca), Ukraine (20.791 ca).

Trong tuần qua, châu Âu và Nam Mỹ là hai khu vực ghi nhận số ca mắc mới tăng lần lượt ở mức 23% và 14%, trong khi đó, con số này tại khu vực Bắc Mỹ giảm 20%, châu Phi giảm 15%, châu Á giảm 8% và châu Đại Dương giảm 5%.

* Tại châu Âu, số ca mắc mới tăng trở lại là do thời tiết chuyển lạnh khi mùa Đông đang đến gần, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 không đồng đều và các nước nới lỏng quy định phòng dịch.

Giới chuyên gia y tế lo ngại châu Âu có thể phải hứng chịu làn sóng dịch mới trong mùa Đông năm nay. Tình hình đang đặc biệt nghiêm trọng tại Anh cùng với sự xuất hiện biến thể mới AY.4.2 của chủng Delta.

AY.4.2 có khả năng lây nhiễm hơn 15% so với chủng Delta thông thường và số liệu giải trình tự gen cho thấy, chủng này đang gây ra 6% số ca bệnh mới tại Anh trong tuần đầu của tháng 10.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid thừa nhận, các ca mắc mới có thể đạt kỷ lục 100.000 ca mỗi ngày trong thời gian tới, nhưng khẳng định tình hình vẫn nằm trong khả năng dự phòng của Hệ thống y tế công (NHS) và các biện pháp mùa Đông “kế hoạch B” sẽ được kích hoạt nếu NHS bị áp lực đáng kể.

Chính phủ Anh sẽ bổ sung 6 tỷ Bảng Anh (8,25 tỷ USD) cho NHS để giải quyết những công việc tồn đọng trong đại dịch.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ, vi sinh quốc gia Nga Gamaleya (nơi bào chế vaccine Sputnik V) cho rằng, việc tiêm quá sớm mũi vaccine tăng cường trong thời gian dưới 6 tháng kể từ mũi đầu tiên sẽ không gây hại cho cơ thể, nhưng có thể không đặc biệt hữu ích.

Ông nói thêm rằng, mốc 6 tháng là thời gian tối ưu để tiêm mũi tăng cường, khi hệ miễn dịch có thể phản ứng đúng với vaccine.

Trong một diễn biến liên quan, chỉ dẫn sử dụng vaccine Sputnik V đã loại bỏ các phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ khỏi danh sách chống chỉ định tiêm vaccine này.

Chính phủ liên bang hôm 22/10 đã quyết định, những người Nga không có giấy tờ xác nhận tiêm chủng hoặc đã khỏi Covid-19, khi nhập viện tại các cơ sở y tế liên bang trong những ngày không làm việc sẽ phải làm xét nghiệm nhanh.

* Tại châu Mỹ

Chính quyền Mỹ đang tiếp tục nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ lây lan của đại dịch.

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Tiến sĩ Anthony Fauci, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tại Mỹ sẽ được tiêm chủng vào đầu tháng 11 tới khi cơ quan chức năng nước này phê chuẩn cấp phép các loại vaccine tiêm chủng cho nhóm tuổi này.

Hiện Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đang đánh giá mức độ an toàn vaccine của Pfizer/BioNTech để cấp phép sử dụng tiêm chủng cho trẻ em. Dự kiến, một ban thuộc FDA sẽ nhóm họp thảo luận về vấn đề này vào ngày 26/10.

Trong khi đó, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) sẽ xem xét khuyến nghị sử dụng vaccine cho đối tượng trẻ em trong cuộc họp ngày 2-3/11.

Một khi được cấp phép, sẽ có khoảng 28 triệu trẻ em tại Mỹ đủ điều kiện để tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech. Hiện Mỹ đang sử dụng loại vaccine này tiêm chủng cho thanh thiếu niên 12-18 tuổi.

Ngày 24/10, số ca mắc mới cũng như số ca tử vong vì dịch bệnh tại Cuba tiếp tục giảm, với 1.319 ca mắc mới và 15 ca tử vong ghi nhận trong ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, tại Cuba đã có 945.750 ca nhiễm và 8.182 ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Cuba, những số liệu mới cho thấy tình hình lây nhiễm đã phần nào được kiểm soát.

Trong khi đó, chương trình tiêm chủng đang được triển khai rộng khắp với hơn 62% dân số tại quốc đảo 11,2 triệu dân này đã được tiêm chủng bằng các vaccine do Cuba tự sản xuất, gồm Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus.

* Tại châu Á

Ngày 25/10, Trung Quốc đại lục ghi nhận 35 ca mắc mới trong cộng đồng. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã lan rộng ra 11 tỉnh của Trung Quốc trong tuần tính từ ngày 17/10.

Bắc Kinh đã siết chặt các biện pháp hạn chế vào thủ đô sau khi nhiều ca mắc mới được ghi nhận. Theo đó, du khách đến từ các khu vực có ca lây nhiễm trong cộng đồng phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 2 ngày và theo dõi sức khỏe 14 ngày sau khi đến Bắc Kinh.

Các cơ quan văn hóa và du lịch cũng đã yêu cầu thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch trong ngành, trong đó có “cơ chế ngắt mạch” đối với du lịch liên tỉnh cần được thực thi mạnh mẽ.

Tính tới ngày 23/10, Trung Quốc đã tiêm đủ liều vaccine cho khoảng 75,6% dân số và đang tiến hành tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành được tiêm liều cuối cùng cách đây ít nhất 6 tháng, trong đó ưu tiên người miễn dịch yếu.

Từ ngày 25/10-27/11, Malaysia cấm tất cả các hoạt động tụ họp chính trị liên quan đến bầu cử, kể cả lễ ra mắt cơ chế bầu cử, cũng như tụ tập xã hội, nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm và số ca nhiễm tăng mạnh.

Bộ Y tế nước này dự kiến nhiều cuộc tụ họp liên quan đến bầu cử và các hoạt động xã hội sẽ diễn ra, thu hút người dân từ khắp nơi trên đất nước.

* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định nhân loại có mọi khả năng để chiến thắng đại dịch.

Ông Tedros nhấn mạnh, chính phủ các nước và các nhà sản xuất dược phẩm phải "cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất", vì đây là cách duy nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Tổng Giám đốc WHO cũng chỉ ra sự cần thiết phải ký một "hiệp ước toàn cầu về đại dịch".

* Trong một phát triển mang tính đột phá, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard và Massachusetts của Mỹ cho ra đời một loại khẩu trang có khả năng phát hiện chính xác virus SARS-CoV-2.

Tính năng phát hiện SARS-CoV-2 trên chiếc khẩu trang này sẽ được kích hoạt bằng một nút nhấn cấp ẩm cho thiết bị cảm biến, nhờ đó phá vỡ liên kết của virus và khuếch đại DNA để phát hiện virus. Quá trình phát hiện sẽ mất khoảng 90 phút sau khi kích hoạt.

Sản phẩm mới này có khả năng phát hiện chính xác virus SARS-CoV-2 tương tự các kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Chiếc khẩu trang này sẽ sớm được tung ra thị trường với mức giá 5 USD và sẽ góp phần hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, cùng với một loạt các thiết bị đeo sử dụng công nghệ gen tương tự.

Theo Baoquocte.vn