Thứ 6, 29/11/2024, 04:29[GMT+7]

Các nước Đông Âu có số ca mắc Covid-19 và tử vong tăng vọt

Thứ 5, 28/10/2021 | 08:05:21
787 lượt xem
Tính đến sáng 28/10, thế giới đã ghi nhận 245,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,98 triệu trường hợp tử vong. Các nước Đông Âu có số ca mắc và tử vong tăng vọt.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moscow, Nga, ngày 11/10/2021.

Bộ Y tế Lào ngày 27/10 cho biết, nước này ghi nhận 733 ca mắc mới, trong đó có tới 731 ca cộng đồng ghi nhận tại 12 tỉnh, thành, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 37.751 ca. Có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 59 ca. Tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, Lào đã ghi nhận 41 ca tử vong do COVID-19 và hầu hết đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền và chưa được tiêm vaccine.

Cùng ngày, Campuchia có 111 ca mắc mới, trong đó có 11 ca nhập cảnh. Ngoài ra nước này ghi nhận thêm 7 ca tử vong, trong đó có 6 ca chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Sau 27 ngày "bình thường mới" với số ca mắc mới ở mức thấp và hiện ở mức hơn 100 ca/ngày, Campuchia đang xem xét mở cửa hoàn toàn nền kinh tế-xã hội. Trong động thái mới nhất nhằm từng bước mở cửa du lịch cho khách quốc tế, Bộ Du lịch Campuchia ngày 26/10 đã thông báo từ ngày 30/11 tới sẽ chính thức triển khai "cơ chế hộp cát" cho phép miễn cách ly đối với những du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine tới Sihanoukville, đảo Koh Rong và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor Resort ở tỉnh Koh Kong.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) cho biết bắt đầu từ tháng 11 tới, các sân bay thuộc các tỉnh thành trên cả nước sẽ tái khởi động các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình 3 giai đoạn tiến tới "sống chung với COVID-19". Theo thông cáo báo chí của MOLIT, Chính phủ Hàn Quốc sẽ dần dần nới lỏng những hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế, vốn được áp dụng từ tháng 4/2020 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời nối lại các dịch vụ bay quốc tế một cách thường xuyên kể từ tháng 11 tới dành cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc có chứng nhận miễn cách ly.

Các nước Đông Âu có số ca mắc COVID-19 và tử vong tăng vọt - Ảnh 1.

Đeo khẩu trang ở Anh hầu như không còn bắt buộc sau khi các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ - Ảnh: Reuters

Tại châu Âu, Anh ghi nhận 43.941 ca nhiễm mới và 207 ca tử vong. Trong khi đó, các nước khu vực Đông Âu chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng vọt. Hungary ghi nhận 3.125 ca mắc mới, mức tăng hàng ngày cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 4. Chính phủ Hungary đã kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, vốn đã được triển khai trên toàn quốc. Số ca tử vong tại Hungary đã lên tới 30.647 ca.

CH Séc ghi nhận 6.274 ca mắc mới, tăng gần gấp đôi trong một tuần trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới. Đây cũng là mức tăng cao nhất hàng ngày được ghi nhận kể từ ngày 7/4 ở đất nước có 10,7 triệu dân này. Số liệu của Bộ Y tế Séc cũng cho thấy số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng lên 1.146 ca tính đến ngày 26/10, tăng gấp hơn 4,5 lần so với đầu tháng, trong đó có 166 ca phải điều trị tích cực. Mặc dù tăng nhanh song số ca mắc và nhập viện hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh được ghi nhận vào đầu năm nay và cuối năm ngoái.

Nga thông báo có thêm 1.123 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát. Nước này cũng ghi nhận thêm 36.582 ca mắc mới, trong đó có 5.789 ca ở thủ đô Moscow. Dù đã áp dụng cơ chế tuần lễ không làm việc nhưng số ca nhiễm mới tại Nga vẫn tăng lên. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, giới chức Nga đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong tuần lễ không làm việc kéo dài từ ngày 30/10 đến ngày 7/11.

Tại Đức, ba chính đảng đang bày tỏ mong muốn chấm dứt "tình trạng khẩn cấp" vào tháng 11 tới. "tình trạng khẩn cấp" vốn được áp đặt ở nước này từ tháng đầu năm ngoái để phòng chống đại dịch COVID-19.

Biện pháp mới đang được các chính đảng đề xuất, đó là: chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc, hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người hoặc yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội. Tính đến 27/10, mới có gần 2/3 dân số Đức đã hoàn thành việc tiêm chủng.

Bang New South Wales của Australia hôm qua đã ban hành luật mới: ngăn chặn người dân giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Luật này quy định những cá nhân liên quan đến việc làm và sử dụng chứng nhận giả mạo sẽ phải chịu mức phạt lên đến 3.800 USD. Nhà chức trách nước này đang lo ngại về việc ngày càng có nhiều người chưa tiêm, sử dụng các thông tin giả mạo để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo vtv.vn