Số người tử vong do COVID-19 toàn cầu vượt mốc 5 triệu, Singapore có ca mắc biến thể phụ AY.4.2 đầu tiên
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 46,7 triệu ca mắc và hơn 765.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 51.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2, cao nhất thế giới.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/10, nước này ghi nhận hơn 14.000 ca mắc mới COVID-19 và 551 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 457.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 607.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,78 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát tại châu Âu dù một số quốc gia vẫn kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Đây là nhận định của các chuyên gia dịch tễ học châu Âu. Các chuyên gia này cho rằng, tiêm phòng toàn diện là cần thiết nhưng chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 vốn phát triển mạnh trong thời tiết mùa thu và mùa đông. Một số quốc gia hiện đang xem xét áp đặt trở lại các biện pháp để ngăn chặn làn sóng gia tăng số ca mắc bệnh và nhập viện.
Trong số các quốc gia châu Âu, nhóm các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng trong khoảng 60-70% như Anh, Đức và Áo vẫn chưa đủ để ngăn chặn các ca nhiễm mới gia tăng. Ngoài ra, ở những quốc gia tụt hậu nhất về tiêm chủng như Bulgaria và Romania, hệ thống y tế bị quá tải đang dẫn tới vấn đề y tế đáng lo ngại.
Nga đang thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ vị thành niên. Đây là tuyên bố của người đứng đầu phòng thí nghiệm thuộc trung tâm nghiên cứu Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V. Vaccine phòng COVID-19 sử dụng cho trẻ em có thành phần tương tự như Sputnik V và được tối ưu hóa cho độ tuổi để giảm thiểu tác dụng phụ.
Hiện nay, Trung tâm Gamaleya đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng, thu thập tất cả các dữ liệu cần thiết để trong tương lai gần, Bộ Y tế Nga sẽ hoàn thành việc kiểm tra và đưa ra quyết định về việc sử dụng vaccine cho trẻ em. Dự kiến vaccine có tên gọi Sputnik M. Trước đó, Thủ tướng Nga đã quyết định phân bổ khoảng 1,5 triệu USD cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Sputnik V ở trẻ em.
Ngày 29/10, nước này ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay với hơn 1.160 trường hợp và là ngày thứ 9 liên tiếp số người thiệt mạng ở mức cao. Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Nga cũng đạt gần 40.000 trường hợp, đặt ra các thách thức đối với hệ thống y tế Nga. Từ giữa tuần này, thủ đô Moscow đã áp dụng lại các biện pháp phong tỏa một phần, trong đó, chỉ các cửa hàng thiết yếu, siêu thị mới được phép mở cửa. Trong tuần đầu tiên của tháng 11, nước Nga sẽ đóng cửa tất cả các nơi làm việc trên toàn quốc.
Biến thể phụ của biến thể Delta với tên gọi là AY.4.2 không gây lo ngại, theo nhận định của các nhà khoa học Anh. AY.4.2 hiện đang được cho là có thể dễ lây lan hơn biến thể Delta, nhưng các quan chức y tế công cộng ở Anh đã khẳng định chưa có bằng chứng đủ để chứng minh điều này. Họ cho biết thêm, AY.4.2 cũng không gây bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine.
Trong khi đó, các chuyên gia sinh học Anh cho biết, AY.4.2 đã thôi phát triển ở một số nước châu Âu khác như Đức và Ireland. Tuy nhiên, AY.4.2 có thể gây khó khăn cho những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, và vì thế, các chuyên gia Anh nhấn mạnh cần đẩy mạnh độ phủ vaccine.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps thông báo, Chính phủ nước này sẽ xóa tên tất cả 7 quốc gia còn lại trong "danh sách đỏ" hạn chế đi lại do dịch bệnh COVID-19, theo đó hủy bỏ lệnh cấm người nước ngoài đến England. Theo Bộ trưởng Shapps, 7 quốc gia gồm Colombia, CH Dominica, Ecuador, Haiti, Panama, Peru và Venezuela sẽ được đưa ra khỏi "danh sách đỏ" của Anh từ ngày 1/11. Như vậy, khi công dân Anh trở về từ những nước này sẽ không còn phải thực hiện cách ly tại khách sạn 11 đêm, trong khi công dân của những quốc gia đó cũng sẽ được phép nhập cảnh vào England.
Anh sẽ xóa tên tất cả 7 quốc gia còn lại trong "danh sách đỏ" hạn chế đi lại. (Ảnh: AP)
Việt Nam nằm trong số hơn 135 quốc gia/vùng lãnh thổ được Anh công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 theo danh sách mới nhất được Chính phủ Anh cập nhật. Các công dân nước ngoài muốn nhập cảnh vào Anh phải hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 14 ngày trước đó bằng các loại vaccine được Anh công nhận.
Anh đã phê duyệt sử dụng 4 loại vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, đồng thời chấp nhận việc tiêm trộn 2 loại vaccine. Tuy nhiên, Anh lại yêu cầu cả những người từng mắc COVID-19 khỏi bệnh cũng phải tiêm đủ liều vaccine 2 tuần trước thời điểm nhập cảnh. Anh chỉ chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng do cơ quan y tế công quốc gia phát hành.
Indonesia đã vừa phải hủy đợt nghỉ phép tập thể cuối năm để phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan. Công chức Indonesia sẽ không được nghỉ phép vào mọi dịp lễ quốc gia, gồm đợt lễ kéo dài từ Giáng sinh đến cuối năm. Người dân được kêu gọi ở nhà, không trở về quê nếu không có việc cấp bách. Người có nhu cầu di chuyển phải trải qua xét duyệt nghiêm ngặt, tuân thủ các yêu cầu về y tế.
Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo Indonesia có thể đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 3 vào cuối năm nếu chính quyền không có biện pháp ngăn chặn dòng người di chuyển.
Theo Bộ Y tế Singapore (MOH), nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta là trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh ngày 26/10 và không có bằng chứng về sự lây lan ra cộng đồng từ ca bệnh này. MOH cho biết thêm, trong khi các tác động của biến thể này vẫn đang được nghiên cứu, AY.4.2 hiện được cho là tương tự như các biến thể phụ Delta khác về khả năng lây truyền và mức độ gây bệnh nghiêm trọng.
AY.4.2, còn được gọi là biến thể Delta Plus, là một dạng đột biến của biến thể Delta. Nó là sự kết hợp của biến thể AY.4 Delta và biến thể đột biến SY145H. Biến thể phụ này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là một biến thể đáng quan tâm nhưng chưa phải là một biến chủng đáng lo ngại. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới.
Campuchia đã bắt đầu lộ trình hướng tới khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch trong và sau đại dịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm liên tục kể từ đầu tháng 10. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth cho biết, "cơ chế hộp cát" (mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch) cho phép khách du lịch quốc tế đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế. Theo ông Pornmoniroth, "cơ chế hộp cát" sẽ được giám sát và đánh giá kỹ lưỡng. Nếu thành công, cơ chế này sẽ mở đường cho Campuchia đón khách du lịch không cần cách ly.
Bộ Y tế Campuchia ngày 29/10 xác nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức thấp nhất trong 29 ngày với 101 ca, trong đó có 18 trường hợp nhập cảnh. Bộ trên cũng thông báo về 7 ca tử vong mới, trong đó có 5 người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Campuchia đã cho phép tất cả các bảo tàng, rạp chiếu phim và các cơ sở biểu diễn nghệ thuật tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại từ ngày 30/10 sau một thời gian dài phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia tuyên bố, những cơ sở này phải tuân thủ nghiêm túc những quy định phòng ngừa dịch bệnh do Bộ này và Bộ Y tế đưa ra.
Bộ Y tế Lào ngày 29/10 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 432 trường hợp cộng đồng ghi nhận tại 12 tỉnh thành, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 38.728 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này có chiều hướng giảm khi số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong 24 giờ qua đã giảm so với những ngày trước (có ngày ghi nhận hơn 700 ca mắc mới). Tuy nhiên, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Vientiane vẫn ở mức ba con số với 253 trường hợp trong một ngày. Điều này khiến số bản được quy định là "vùng đỏ" tại thủ đô vẫn ở mức cao với 228 bản thuộc 9 quận.
Trung Quốc áp đặt thêm một số biện pháp hạn chế phòng dịch. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nước này vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 1 trường hợp chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và có bệnh lý nền, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng từ đầu đại dịch lên 61 bệnh nhân.
Ngày 29/10, giới chức thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã yêu cầu người dân hoãn tổ chức đám cưới và tổ chức tang lễ ngắn gọn trong bối cảnh quốc gia này đang siết chặt kiểm soát dịch bệnh khi chỉ vài tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội (Olympic) mùa Đông.
Phát biểu họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, bà Pang Xinghuo cho rằng, người dân nên hoãn tổ chức đám cưới và tổ chức lễ tang ngắn gọn, không tổ chức tiệc tùng và giảm các cuộc tụ tập không cần thiết. Người phát ngôn chính quyền thành phố Bắc Kinh Xu Hejian cho biết, các địa điểm du lịch sẽ hạn chế hơn nữa trong tiếp nhận du khách, trong khi công viên giải trí Universal Studios mới khai trương sẽ bị đặt trong tình trạng khẩn cấp ngăn ngừa dịch bệnh.
Hàn Quốc ngày 29/10 đã công bố kế hoạch từng bước đưa ngành giáo dục trở lại trạng thái bình thường mới, theo đó cho phép học sinh tất cả các cấp trở lại trường học từ ngày 22/11 sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học 2021-2022. Các trường đại học sẽ được phép dần dần nối lại các lớp học trực tiếp bắt đầu từ ngày 1/11 tới.
Xét theo điều kiện từng khu vực, khối lớp 3 đến lớp 6 (tiểu học) có thể giới hạn chỉ cho phép 3/4 số học sinh đến lớp, còn ở khối trung học cơ sở và phổ thông trung học sẽ cho phép mỗi lớp có tối đa 2/3 số học sinh. Ngoài ra, các trường cũng được phép tổ chức hoạt động trải nghiệm quy mô nhỏ như vui chơi ngoài trời (ở trường mẫu giáo) và học nhóm, thảo luận nhóm đối với trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học.
Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch theo các giai đoạn nhằm quay trở lại cuộc sống bình thường, trong đó có dỡ bỏ các hạn chế về giờ mở cửa đối với các nhà hàng, quán cà phê, thực hiện "hộ chiếu vaccine" tại các địa điểm có nguy cơ cao như phòng tập thể dục, phòng xông hơi, quán bar. Khi đến các địa điểm có nguy cơ cao này, người dân sẽ được yêu cầu đưa các giấy chứng nhận đã tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ. Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch sống chung với COVID-19 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 và kéo dài trong 1 tháng.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng hạn chế về tổ chức các sự kiện thể thao, giải trí đông người trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tiếp tục giảm trên toàn quốc. Tại thời điểm hiện nay, số người tối đa được phép tham dự các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở 27 trong số 47 tỉnh, thành bị giới hạn ở mức 50% sức chứa của địa điểm tổ chức, nhưng không vượt quá 10.000 người.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/11, Chính phủ Nhật Bản sẽ bỏ mức giới hạn 10.000 người tham dự các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở 27 tỉnh, thành đó. Mặc dù vậy, Nhật Bản sẽ vẫn giữ nguyên giới hạn về số lượng người tham dự ở mức tối đa 50% sức chứa của địa điểm tổ chức và giới hạn đó sẽ được áp dụng trên toàn quốc. Điều này có nghĩa từ ngày 1/11, các sự kiện được tổ chức ở sân vận động có sức chứa 50.000 người sẽ được phép tiếp đón tối đa 25.000 người.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật