Thứ 5, 16/01/2025, 01:56[GMT+7]

Thế giới ghi nhận 249,5 triệu ca nhiễm COVID-19, ca mắc mới tại Lào giảm còn 3 con số

Thứ 7, 06/11/2021 | 17:39:21
1,460 lượt xem
Tính đến sáng 6/11, thế giới đã ghi nhận 249,5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5,04 triệu trường hợp tử vong vì đại dịch này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Vientiane, Lào

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 772.394 ca tử vong trong tổng số 47.193.257 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 459.880 ca tử vong trong số 34.333.199 ca. Brazil đứng thứ ba với 608.715 ca tử vong trong số 21.849.137 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 608 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 357 người và CH Bắc Macedonia với 345 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latin và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 75,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 79,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 56 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 219.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.600 người.

Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 959 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào đã giảm từ mức 4 con số xuống 3 con số (giảm 211 ca so với ngày 4/11) nhưng vẫn ở mức cao. Trong số các ca mắc mới có tới 948 ca cộng đồng ghi nhận tại 14 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45.020 ca, trong đó có 77 ca tử vong.

Thế giới ghi nhận 249,5 triệu ca nhiễm COVID-19, ca mắc mới tại Lào giảm còn 3 con số - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia.

Bộ Y tế Malaysia cho biết trong ngày 5/11 nước này ghi nhận thêm 4.922 ca mắc COVID-19 và 64 bệnh nhân không qua khỏi, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lần lượt thành 2.497.265 và 29.155. Tính đến nay, Malaysia đã phát hiện tổng cộng 3.692 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.672 ca nhiễm biến thể đáng lo ngại (VOC) gồm 3.432 người nhiễm biến thể Delta, 226 người nhiễm biến thể Beta và 14 người nhiễm biến thể Alpha.

Trong khi đó, Indonesia đang phối hợp cùng Singapore thiết lập chương trình Hành lang du lịch đã tiêm chủng (VTL) cho du khách nước ngoài. Người phát ngôn Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia Wiky Adisasmito cho biết VTL là chương trình đảm bảo cho du khách nước ngoài thực hiện các hoạt động đi lại khi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và có giấy chứng nhận y tế.

Philippines đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch ở thủ đô Manila, khi mà số ca mắc mới COVID-19 giảm mạnh. Tại thủ đô Manila, cho phép các trường đại học, dịch vụ karaoke, bóng rổ được mở trở lại. Tất cả các hạn chế đối với việc di chuyển của thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ở thủ đô được dỡ bỏ.

Quyết định này được đưa ra khi độ bao phủ vaccine tăng và sự lây lan dịch bệnh chậm lại tại đây. Hiện số ca mắc mới COVID-19 ở thủ đô Manila đã giảm mạnh từ mức trung bình 2 nghìn ca mỗi ngày vào tháng trước xuống còn hơn 400 ca/ngày.

Thế giới ghi nhận 249,5 triệu ca nhiễm COVID-19, ca mắc mới tại Lào giảm còn 3 con số - Ảnh 2.

Người dân Nhật Bản đã tích cực tham gia chương trình tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)

Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 xuống còn 3 ngày đối với những doanh nhân nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ khi họ nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 8/11 tới. Điều kiện đối với những người nước ngoài nhập cảnh này là phải hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, loại vaccine đã được Nhật Bản phê duyệt và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Tại Australia, hai bang đông dân nhất của nước này là New South Wales (NSW) và Victoria ngày 5/11 đã nối lại hoạt động đi lại với nhau sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao. Lần đầu tiên trong nhiều tháng, các du khách NSW, trong đó có cả những người chưa tiêm vaccine, có thể đến bang Victoria mà không cần cách ly hay xét nghiệm, nhưng họ vẫn cần giấy phép đi lại và chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 5/11, NSW ghi nhận 249 ca nhiễm COVID-19 mới và 3 ca tử vong, trong khi bang Victoria ghi nhận 1.343 ca mắc COVID-19 và 10 ca không qua khỏi.

Ngày 5/11, Nga ghi nhận gần 1.200 ca tử vong do COVID-19, tiếp tục ở mức cao mới vượt trên mức một ngày trước đó. Kể từ tháng 9, Nga liên tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày đều ở mức cao. Giới chức y tế Nga cảnh báo: Các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải trước làn sóng lây nhiễm tăng mạnh. Hiện số người Nga đã tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19 ở mức 35% trong số gần 146 triệu dân.

Thế giới ghi nhận 249,5 triệu ca nhiễm COVID-19, ca mắc mới tại Lào giảm còn 3 con số - Ảnh 3.

Phun khử khuẩn tại nhà ga xe lửa Kazansky ở Nga ngày 2/11 - Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York và các tổ chức nghiệp đoàn đại diện cho hơn 70.000 người lao động đã đạt được một thỏa thuận về việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có nội dung về miễn trừ và chính sách cho nghỉ việc. Nghiệp đoàn District Council 37, một trong các nghiệp đoàn tham gia thỏa thuận, cho biết theo thỏa thuận, những người lao động không xuất trình được chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ có 2 lựa chọn là thôi việc hoặc nghỉ việc. Những người không có chứng nhận do không nộp đơn xin miễn tiêm vaccine hoặc đã bị từ chối miễn trừ sẽ bị xếp vào diện nghỉ không lương từ ngày 1-30/11. Trong thời gian này, họ vẫn được hưởng các lợi ích về chăm sóc y tế.

Tại châu Âu, Bỉ đã ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại khiến nước này phải áp đặt phong tỏa vào tháng 10/2020. Số liệu của viện y tế Sciensano của Bỉ cho thấy số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày trong 14 ngày qua là 6.728 ca, tăng 36% so với tuần trước đó. Trung bình 164 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện hàng ngày trong 7 ngày qua, tăng 31% và 343 bệnh nhân phải điều trị tích cực.

Tây Ban Nha có tỷ lệ lây nhiễm ngày 4/11 vượt mức 50 ca/100.000 dân, trở lại ngưỡng mà Bộ Y tế nước này xác định là "nguy cơ trung bình", chỉ 4 tuần sau khi cơ quan này hạ mức xuống "nguy cơ thấp". Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động xã hội, tuy vẫn duy trì yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín.

Số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu tại Italy đã tăng 12,9% trong tuần từ ngày 27/10-2/11, đi ngược lại xu hướng giảm đều đặn từ cuối tháng 8/2021. Số ca mắc mới cũng tăng 16,6% và số bệnh nhân phải nhập viện tăng 14,9%. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần trước là 257 người, tăng nhẹ so với 249 người của tuần trước. Các cơ quan y tế Italy đang khuyến nghị việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao và những người trên 60 tuổi cũng như nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, số đối tượng được tiêm mũi này cho đến nay vẫn chưa được mở rộng.

Theo vtv.vn