Thứ 5, 16/01/2025, 00:41[GMT+7]

Hàng triệu người bài vaccine đẩy nước Đức lao dốc Covid-19

Thứ 6, 12/11/2021 | 15:03:56
2,183 lượt xem
Từng là tấm gương chống dịch, Đức giờ đây phải đối diện sóng Covid-19 thứ tư với số ca nhiễm mới cao kỷ lục, khi hàng triệu người bài xích vaccine.

Một trung tâm tiêm chủng ở Munich ngày 11/11.

Bệnh viện Đại học Giessen, một trong những cơ sở khám và điều trị bệnh phổi hàng đầu Đức, đang phải hoạt động hết công suất, khi số bệnh nhân Covid-19 gần đây tăng gấp ba. Gần một nửa trong số họ cần sử dụng máy thở và gần như tất cả đều chưa tiêm vaccine.

"Tôi hỏi họ tại sao không tiêm phòng?", bác sĩ Susanne Herold, lãnh đạo khoa truyền nhiễm, cho biết sau cuộc họp giao ban ngày 11/11. "Đó là những người không tin vaccine, không tin chính quyền và thường khó bị thuyết phục bằng các chiến dịch vận động".

Các người bài xích vaccine mà bác sĩ Herold chỉ trích được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sóng Covid-19 thứ tư của Đức với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát đến nay.

Đối với Đức, đây là bước lao dốc không ai ngờ tới. Khi Covid-19 mới xuất hiện, Đức là tấm gương cho châu Âu và cả thế giới về khả năng ứng phó đại dịch, khi luôn giữ được số ca tử vong ở mức thấp.

Nhưng hiện tại, sự kết hợp của nhiều yếu tố đã thúc đẩy ca nhiễm gia tăng đột biến, như nhiệt độ thấp của mùa đông, chính quyền chậm triển khai vaccine tăng cường hay tình trạng tăng ca nhiễm rõ rệt ở các quốc gia Đông Âu lân cận, điển hình là Cộng hòa Czech. Mặt khác, Đức còn đang ở trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa chính quyền cũ và chính quyền mới, điều chắc chắn không giúp ích cho nỗ lực chống dịch.

Tuy nhiên, các nhà virus học và chuyên gia về dịch bệnh nói rằng chính những người chưa tiêm chủng mới là nguyên nhân lớn nhất tạo nên sóng lây nhiễm thứ tư đang đè nặng lên hệ thống bệnh viện khắp đất nước.

"Đó là vì tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chúng ta chưa thực sự làm những gì cần thiết", bác sĩ Herold cho hay. Bà là thành viên trong nhóm các nhà khoa học đã lập mô hình tác động của sóng Covid-19 thứ tư và cảnh báo hồi đầu mùa hè rằng với biến chủng Delta siêu lây nhiễm, ít nhất 85% dân số Đức cần được tiêm chủng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có thể nghiền nát hệ thống y tế.

"Tỷ lệ tiêm chủng của Đức vẫn dưới 70%", bà nói. "Tôi không biết bằng cách nào chúng ta có thể chiến thắng cuộc đua với đợt bùng phát thứ tư này. Tôi sợ rằng chúng ta đã thua rồi".

Độ phủ vaccine của Đức vẫn cao hơn đáng kể so với nhiều nước Trung và Đông Âu, nơi số người chết do Covid-19 đang tăng vọt. Ở Romania, chỉ có khoảng 40% được tiêm đủ hai mũi và số ca tử vong do Covid-19 liên tục tăng lên những mức kỷ lục mới.

Tuy nhiên, với khoảng 1/3 dân số, tương đương hơn 27 triệu người, chưa được tiêm vaccine đủ phác đồ, tỷ lệ tiêm chủng của Đức thuộc hàng thấp nhất ở Tây Âu. Tại Bỉ, Đan Mạch và Italy, cứ 4 người thì có ba người đã tiêm vaccine đầy đủ. Ở Tây Ban Nha và Iceland, chỉ khoảng 1/5 số dân chưa tiêm mũi thứ hai. Bồ Đào Nha có tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 90%.

"Những gì chúng ta đang trải qua trên hết là một đại dịch của những người chưa tiêm chủng", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đầu tháng trước nói.

Số ca nhiễm đang tăng mạnh ở một số khu vực thuộc Bavaria và Baden-Württemberg, hai bang miền nam giàu có, nơi diễn ra phong trào biểu tình ồn ào phản đối các biện pháp chống dịch, được gọi là "Querdenker" hay "Người chống đối".

"Chúng ta đang đối diện hai loại virus, nCoV và thứ độc dược này, thứ chất độc đang lan rộng", Thống đốc Baravia Markus Söder cho biết trong một cuộc tranh luận trên truyền hình gần đây, đề cập đến những thông tin sai lệch về vaccine.

Klaus-Peter Hanke là một trong những người đầu tiên nếm trải sự độc hại của làn sóng bài vaccine. Ông là thị trưởng Pirna, một thị trấn chưa đến 40.000 dân thuộc bang Saxony, phía đông nước Đức. Nơi đây từng chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối dữ dội từ những người bài vaccine trong những ngày cuối cùng của đợt phong tỏa hồi mùa xuân năm ngoái.

Gần 50% cư dân Pirna từ chối tiêm vaccine, khiến Saxony trở thành bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Đức và có số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất.

"Mức độ sẵn sàng tiêm chủng ở đây rất thấp", thị trưởng Hanke nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi cố gắng giải quyết điều này bằng đối thoại nhưng đã va phải bức tường và không thể tiến thêm được nữa. Hệ quả là tình hình ngày càng xấu đi".

"Khu điều trị Covid-19 tại bệnh viện sắp hết giường. Khoảng 90% bệnh nhân ở đó đều chưa tiêm chủng", ông cho hay.

Một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ Đức ở thành phố Leipzig, bang Saxony, hồi tuần trước. Ảnh: AFP.

Một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ Đức ở thành phố Leipzig, bang Saxony, hồi tuần trước. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, một số nhà hàng trong thị trấn vẫn trưng biển sẵn sàng tiếp đón "tất cả mọi người", kể cả những khách chưa tiêm chủng. Nhà chức trách hiện duy trì 10 đội kiểm soát, mỗi đội gồm một cảnh sát, một quan chức y tế và một nhân viên từ Cơ quan Trật tự Công cộng, đi rà soát các nhà hàng, quán bar và tiệm làm tóc để phạt những ai không tuân thủ quy định phòng dịch. Khi bị phát hiện vi phạm, chủ cơ sở kinh doanh bị phạt 500 euro (khoảng 572 USD), còn khách hàng phải nộp phạt 150 euro (170 USD).

"Biện pháp này khá cứng rắn. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác để khiến mọi người thay đổi hành vi", Hanke nhấn mạnh.

Ít nhất, nó cũng mang lại hiệu quả. Thời gian chờ tại các điểm tiêm chủng lưu động đã tăng lên hai tiếng trong tuần qua, cho thấy mối lo bị cô lập khỏi cuộc sống thường nhật dường như đang thúc đẩy nhiều người đi tiêm hơn.

Một số bang khác của Đức cũng đang thực hiện những quy định tương tự, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt hơn về khẩu trang và bắt buộc người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc từng nhiễm nCoV khi đến nhiều địa điểm, thay vì chỉ cần giấy xét nghiệm âm tính như trước.

Song theo Sandra Ciesek, giám đốc Viện Virus Y học tại Bệnh viện Đại học Frankfurt, những việc làm này có thể chưa đủ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ciesek cùng một số nhà khoa học danh tiếng của Đức tuần trước kêu gọi chính quyền áp dụng thêm các biện pháp mạnh tay khác, như phong tỏa một phần với những khu vực chưa tiêm chủng hay thậm chí phong tỏa ngắn hạn trên toàn quốc nếu cần.

Sự thiếu vắng "đầu tàu" lãnh đạo ở cấp quốc gia vào thời điểm mà số ca nhiễm mới hàng ngày tăng vọt vượt 50.000 càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.

Kể từ khi đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel thất bại trong cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 9, bà chỉ là lãnh đạo chính phủ tạm thời, trong khi người tiềm năng kế nhiệm bà là Olaf Scholz đang bị cuốn vào các cuộc đàm phán khó khăn với hai đảng khác để lập liên minh cầm quyền.

"Angela Merkel ở đâu?", "Scholz ở đâu?", tờ Der Spiegel đặt câu hỏi trong một bài viết mới đây.

Đây cũng là câu hỏi mà nhiều nhà virus học trên khắp đất nước đang đặt ra với mối lo ngại rằng tình trạng thiếu lãnh đạo chính trị đang làm lãng phí thời gian quý báu và cái giá phải trả có thể là mạng sống của người dân.

"Không có quyền lực tập trung và trách nhiệm thực sự. Đất nước đang thiếu vắng lãnh đạo", Michael Meyer-Hermann, trưởng khoa Miễn dịch học Hệ thống tại Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz kiêm thành viên hội đồng chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng Merkel về đại dịch, nhận xét. "Chính phủ sắp mãn nhiệm không thực sự hành động nữa và chính phủ sắp tới đang coi nhẹ mọi thứ".

Sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày chạm mức cao kỷ lục vào ngày 3/11, lên đến 33.949 ca, các nhà virus học Đức đã gióng lên thông điệp cảnh báo. Nhưng các đối tác trong liên minh cầm quyền tương lai của Scholz lại tuyên bố rằng sẽ không có một cuộc phong tỏa nào nữa.

"Đối với tôi, hiện tại là thời điểm quan trọng", giáo sư Meyer-Hermann nói. "Họ hành động như thể đại dịch đã kết thúc, trong khi số ca nhiễm đang bùng nổ".

Theo vnexpress.net