Thứ 6, 29/11/2024, 03:06[GMT+7]

Đức siết chặt các biện pháp chống đại dịch

Thứ 6, 19/11/2021 | 15:16:15
994 lượt xem
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đức đã buộc Chính phủ nước này phải siết chặt các biện pháp chống dịch.

Ảnh minh họa

Ngày 18/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Thủ hiến 16 bang ở Đức ngày 18/11 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến bàn về các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Hội nghị đã nhất trí nhiều biện pháp nghiêm ngặt chống dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục gia tăng lên mức cao kỷ lục mới trong nhiều ngày qua, trong khi khả năng tiếp nhận bệnh nhân nặng tại nhiều địa phương đã tới hạn.

Giới chức Đức đã thông qua một số biện pháp như yêu cầu tất cả người tới thăm và nhân viên các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm hàng ngày; các nhân viên đã tiêm đủ liều vẫn cần làm xét nghiệm 3 lần trong tuần.

Đức cũng áp dụng quy tắc 2G (chỉ nới lỏng với người đã tiêm và đã khỏi bệnh) trên cả nước. Nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá năng lực của bệnh viện, các bang cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn như 2-G+ (cần thêm xét nghiệm) tùy thuộc vào tỷ lệ nhập viện trung bình 7 ngày/100.000 dân ở các bang.

Nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá năng lực của bệnh viện, các bang cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn. Cụ thể, hội nghị đề ra ba cấp độ với mức hạn chế khác nhau. Trong đó nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá 3, các bang sẽ phải áp dụng quy tắc 2-G đối với các sự kiện hay việc vào các nhà hàng, các cơ sở làm đẹp.

Đức siết chặt các biện pháp chống đại dịch - Ảnh 1.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đức. (Ảnh: AP)


Trên thực tế, hiện hầu hết các bang đều đã vượt quá ngưỡng này. Nếu tỷ lệ nhập viện vượt ngưỡng 6, các bang phải áp dụng quy tắc 2-G+ hoặc các biện pháp khác. Khi tỷ lệ nhập viện vượt quá ngưỡng 9, các bang cần có những biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa, trong đó có thể áp đặt các biện pháp cứng rắn như hạn chế tiếp xúc hoặc hạn chế và cấm các sự kiện.

Hội nghị cũng kêu gọi tất cả những người chưa tiêm chủng thể hiện tinh thần đoàn kết và nhanh chóng đi tiêm chủng. Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng, làm rõ lợi ích (kể cả các nguy cơ) của việc tiêm chủng. Các địa phương tại Đức sẽ mở rộng cơ hội tiêm chủng cho người dân như các nhóm tiêm chủng lưu động, trung tâm tiêm chủng, bệnh viện, phòng khám, bác sĩ doanh nghiệp, sở y tế hoặc những khả năng khác.

Sau khi được cấp phép vào cuối tháng 11 này, trẻ từ 5-11 tuổi cũng có thể được tư vấn để tiêm chủng từ nửa sau tháng 12 tới. Việc tiêm mũi tăng cường (sớm nhất sau khi đã tiêm đủ 5 tháng) đối với tất cả mọi người trên 18 tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Chính quyền liên bang Đức và các bang yêu cầu áp dụng quy tắc 3-G (đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm cho kết quả âm tính) tại nơi làm việc. Khi chỉ số lây nhiễm ở mức cao, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như tàu liên vùng ngoài việc đeo khẩu trang bắt buộc cần phải tuân thủ quy tắc 3-G.

Theo vtv.vn