Thứ 6, 29/11/2024, 00:40[GMT+7]

Ca Covid-19 tăng kỷ lục tại nhiều nước châu Âu

Thứ 5, 25/11/2021 | 15:39:12
765 lượt xem
Hungary, Hà Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech đều ghi nhận ca Covid-19 tăng kỷ lục, khi mùa đông đến và mọi người tụ tập trong nhà trước Giáng sinh.

Nhân viên y tế di chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Sofia, Bulgaria hôm 23/11. Ảnh: AFP.

Cộng hòa Czech hôm 24/11 lần đầu tiên ghi nhận ca Covid-19 hàng ngày vượt 25.000, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ đang tìm cách áp yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc cho người trên 60 tuổi và một số ngành nghề, như nhân viên y tế.

Thủ tướng Andrej Babis cho biết nội các sẽ thảo luận thêm về các biện pháp vào 26/11.

Hà Lan ghi nhận hơn 23.700 ca Covid-19 trong 24 giờ, cũng là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch và chính phủ sẽ công bố các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn virus lây lan.

Hungary báo cáo kỷ lục 12.637 ca Covid-19 mới trong một ngày. Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban, vốn phản đối tiếp tục phong tỏa vì lo ngại kìm hãm nền kinh tế, đã phát động chiến dịch tiêm chủng trong tuần này để người dân tiêm chủng mà không cần đăng ký trước.

Slovakia hôm qua ban bố tình trạng khẩn cấp trong 90 ngày và phong tỏa hai tuần, sau khi ca Covid-19 tăng đột biến với số ca trung bình trong 7 ngày vượt 10.000. Quốc gia Trung Âu này hiện là một trong những nước ghi nhận ca nhiễm tăng nhanh nhất thế giới.

"Slovakia đang thua trong trận chiến với Covid", Tổng thống Zuzana Čaputová phát biểu hôm 23/11, đồng thời giải thích phong tỏa là cần thiết vì nhân viên y tế làm việc quá sức và áp lực quá lớn với hệ thống y tế.

Trong thời gian phong tỏa hai tuần, người dân chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do thiết yếu như mua hàng, đi làm, đi học hoặc tiêm chủng. Người chưa tiêm chủng sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm hoặc chứng minh đã khỏi Covid-19.

"Tình hình nghiêm trọng", Thủ tướng Eduard Heger nói. "Chúng ta đi đến bước này vì các biện pháp hiện có đã không được tuân thủ".

Giới chức ở Nga, nơi ca nhiễm và tử vong liên tục tăng nhanh thời gian qua, cho biết đang truy lùng trên mạng xã hội và các trang web để tìm người tung tin thất thiệt về sự nguy hiểm của tiêm chủng.

Pháp hôm nay sẽ công bố các biện pháp hạn chế mới, trong khi Italy siết chặt hạn chế với người chưa tiêm chủng, như không được đến rạp chiếu phim, nhà hàng và các sự kiện thể thao, bắt đầu từ 6/12.

Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, sẽ tiêm mũi tăng cường cho 1/4 dân số vào cuối tháng 1/2022. Nước này hôm 24/11 ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất trong 4 tháng.

Áo đầu tuần này áp lệnh phong tỏa ít nhất 10 ngày, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tái áp đặt hạn chế này. Chính phủ cũng yêu cầu toàn bộ người dân phải tiêm vaccine trước ngày 1/2.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC), cơ quan y tế công cộng của Liên minh Châu Âu (EU), khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho tất cả người trưởng thành, ưu tiên người trên 40 tuổi, dù trước đó cho rằng nên cân nhắc tiêm mũi tăng cường cho người lớn tuổi ốm yếu và người suy yếu hệ miễn dịch.

Nhiều quốc gia EU đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường, nhưng đang sử dụng tiêu chí khác nhau để xếp thứ tự ưu tiên và khoảng thời gian khác nhau giữa các mũi đầu tiên và mũi tăng cường.

Quan chức chính phủ và y tế Thụy Điển cho biết sẽ dần triển khai mũi tăng cường cho tất cả người trưởng thành. "Chúng ta đang phải đối mặt với mùa đông bất định. Bạn có thể đóng góp bằng cách ở nhà nếu bị ốm, tiêm phòng nếu chưa tiêm và tiêm mũi tăng cường khi được yêu cầu", Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren phát biểu trong một cuộc họp báo.

Theo vnexpress.net