Thứ 5, 28/11/2024, 23:31[GMT+7]

Trung Quốc dự báo hơn 630.000 ca mắc/ngày nếu mở cửa, Đông Nam Á cần cảnh giác trước biến thể Omicron

Thứ 2, 29/11/2021 | 08:02:34
796 lượt xem
Đến sáng 29/11, thế giới có trên 261,68 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,21 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 261,68 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 49,09 triệu ca mắc và hơn 799.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 13.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 28/11, nước này ghi nhận hơn ca mắc mới COVID-19 và trên trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,57 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 468.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại quốc tế trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định biến thể Omicron của virus SARS CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi là “biến thể gây quan ngại”.

Trong cuộc họp với các quan chức Chính phủ cấp cao, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải sàng lọc tất cả khách quốc tế nhập cảnh và tiến hành xét nghiệm theo quy định, trong đó đặc biệt tập trung vào các quốc gia được xác định “có nguy cơ”. Thủ tướng Modi cũng yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ liều thứ hai vaccine COVID-19, thu thập mẫu phẩm của khách quốc tế và trong cộng đồng để giải mã trình tự gene theo quy định, tiến hành xét nghiệm và nhận dạng các tín hiệu cảnh báo sớm để kiểm soát COVID-19.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 28/11 đã sửa đổi quy định đối với khách quốc tế đến nước này, có hiệu lực từ ngày 1/12. Chính phủ Ấn Độ yêu cầu khách quốc tế đến nước này phải gửi lịch trình đi lại chi tiết trong 14 ngày và tải lên kết quả xét nghiệm COVID-19 (RT-PCR) âm tính trên cổng trực tuyến Air Suvidha trước khi khởi hành. Hành khách đến từ "những quốc gia có nguy cơ" như các nước châu Âu (trong đó có Anh), Nam Phi, Brazil, Bangladesh, Botswana, Zimbabwe, Singapore, Israel…  sẽ cần phải làm xét nghiệm COVID-19 ngay khi đến và chờ kết quả tại sân bay. Nếu kết quả là âm tính, họ sẽ phải tự cách ly 7 ngày tại nhà, xét nghiệm lại vào ngày thứ 8 và nếu âm tính một lần nữa, sẽ tự theo dõi thêm trong 7 ngày tiếp theo.

Những hành khách đến từ các quốc gia không nằm trong danh sách "các quốc gia có nguy cơ" sẽ được phép rời sân bay và phải tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Một bộ phận hành khách (5% trong tổng số hành khách đi máy bay) sẽ được xét nghiệm ngẫu nhiên sau khi đến sân bay.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 614.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,07 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Châu Âu, nơi đang hứng chịu làn sóng dịch nghiêm trọng từ biến thể Delta, đã ghi nhận những ca nhiễm biến thể mới Omicron.

Anh thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Đây là trường hợp nhập cảnh vào Italy từ Mozambique. Hiện người này và thân nhân đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Cùng ngày, giới chức y tế Hà Lan cho biết đã phát hiện một số ca nghi nhiễm biến thể Omicron trong số hành khách nhập cảnh từ Nam Phi. 

Các nước Anh, Bỉ, Đức, Đan Mạch, Czech đã ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên của biến thể này, là những người có tiền sử dịch tễ liên quan đến Nam Phi. Trong nỗ lực mới nhất, Anh đã yêu cầu tất cả các trường hợp nhập cảnh phải xét nghiệm, cách ly cho đến khi có kết quả âm tính với COVID-19, áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng từ tuần tới.

Bộ Y tế Đan Mạch đang nhanh chóng làm xét nghiệm đối với hai trường hợp nghi nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 Omicron. Theo Bộ Y tế Đan Mạch, hai ca nhiễm nói trên mới vừa trở về nước từ Nam Phi, quốc gia phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vào tuần trước.

Trung Quốc dự báo hơn 630.000 ca mắc/ngày nếu mở cửa, Đông Nam Á cần cảnh giác trước biến thể Omicron - Ảnh 1.

Một số quốc gia đã ghi nhận những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, một bệnh viện tại thành phố Liberec, phía Bắc của Czech thông báo về một bệnh nhân nữ đã nhiễm biến thể Omicron. Người phát ngôn của bệnh viện này khẳng định, kết quả phân tích gene và chẩn đoán cho thấy, 90% khả năng bệnh nhân này này nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2.

Australia thông báo 2 ca nhiễm COVID-19 tại bang đông dân nhất New South Wales đã được xác nhận nhiễm biến thể Omicron. Hai người này đến từ khu vực miền Nam châu Phi. Cả hai đều không biểu hiện bệnh.

Áo cũng thông báo phát hiện trường hợp đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron. Người này trở về từ Nam Phi và dương tính với virus SARS-CoV-2 cùng những dấu hiệu nghi nhiễm biến thể Omicron.

Như vậy đến nay đã có hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron.

Các nhà khoa học Anh đang chủ nhiệm công trình nghiên cứu về tăng cường hiệu quả vaccine của hãng AstraZeneca cho rằng, một loại vaccine mới có khả năng đối phó với biến thể Omicron, có thể được bào chế trong thời gian rất ngắn. Theo Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm vaccine Đại học Oxford, các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay có thể vẫn hiệu quả với biến thể mới, điều này sẽ được khẳng định rõ ràng trong vài tuần tới.

Theo Giáo sư Pollard, "cực kỳ ít" nguy cơ bùng phát thành một đại dịch lớn như năm ngoái khi biến thể Delta xuất hiện, do hiện nay nhiều người dân trên thế giới đã được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19. Với các công nghệ vaccine hiện nay, giới khoa học có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới để ngăn chặn biến thể Omicron. Ngoài ra, các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới như AstraZeneca, Pfizer, BioNTech, Moderna... cũng thông báo nghiên cứu về Omicron và tự tin có thể đối phó hiệu quả với biến thể này.

Canada đã đóng cửa biên giới với những du khách nước ngoài gần đây đã đến 7 quốc gia tại khu vực Nam Phi để giúp ngăn chặn sự lây lan của một biến thể mới CPVID-19. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, công dân nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh vào Canada nếu họ đã đến 7 quốc gia tại khu vực Nam Phi trong 14 ngày qua gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini, Zimbabwe và Mozambique.

Kể cả những người dân Canada hoặc người đang thường trú tại đây, nếu từng đến 7 quốc gia này trong 14 ngày sẽ cần phải xét nghiệm trước khi được phép quay trở lại đất nước và tiến hành cách ly 14 ngày. Chính quyền Canada đã nâng cao cảnh giác sau những cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới liên quan đến biển thể Omicron.

Israel thông báo sẽ cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia Do Thái này, qua đó trở thành nước đầu tiên đóng cửa hoàn toàn biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết, lệnh cấm này còn chờ được Chính phủ Israel thông qua, sẽ có hiệu lực trong vòng 14 ngày để đánh giá khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện có trước biến thể Omicron.

Israel cũng thông báo tái triển khai công nghệ theo dõi điện thoại vốn được dùng cho chống khủng bố để phục vụ công tác truy vết ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Israel hiện đã xác nhận một trường hợp dương tính với COVID-19 có biến thể này và 7 ca khác nghi nhiễm.

Trung Quốc dự báo hơn 630.000 ca mắc/ngày nếu mở cửa, Đông Nam Á cần cảnh giác trước biến thể Omicron - Ảnh 2.

Nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc có thể có hơn 630.000 ca mắc COVID-19/ngày nếu nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cứng rắn. (Ảnh: AP)

Ngày 28/11 (theo giờ địa phương), người dân Thụy Sĩ sẽ đi bỏ phiếu để quyết định việc duy trì hay gỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID-19 trong bối cảnh nước này đang ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới và được cảnh báo có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 5. Khi tham gia bỏ phiếu, người dân Thụy Sĩ sẽ thể hiện quan điểm về luật sử dụng "chứng chỉ COVID-19", theo đó chỉ những người đã được tiêm phòng vaccine hoặc từng bị nhiễm COVID-19 nay đã phục hồi, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được quyền tham dự các sự kiện và tụ họp nơi công cộng.

Ngoài ra, họ còn sẽ quyết định có nên chi hàng tỷ Franc Thụy Sĩ để hỗ trợ cho các công nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Các cuộc thăm dò cho thấy, phần lớn người Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu chấp thuận thực hiện các biện pháp hạn chế vốn đã có hiệu lực.

Các quốc gia Đông Nam Á cần cảnh giác, tăng cường những biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỷ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện. Đây là cảnh báo của Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách khu vực Đông Nam Á.

Theo WHO, các nước Đông Nam Á nên đánh giá rủi ro virus xâm nhập vào nội địa thông qua khách quốc tế và thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó biến thể Omicron. Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO nhấn mạnh, các quốc gia khu vực không được hạ thấp cảnh giác, nguy cơ vẫn luôn tồn tại và các nước cần tiếp tục làm hết sức để bảo vệ khỏi virus và ngăn chặn lây lan.

Hiện 31% dân số khu vực Đông Nam Á đã tiêm chủng đầy đủ và một nửa dân số đã tiêm một mũi. WHO cảnh báo, ngay cả khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, các bệnh pháp phòng tránh lây lan vẫn phải duy trì như đeo khẩu trang, khử khuẩn, tránh tập trung đông người và tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Trung Quốc có thể đối mặt với hơn 630.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày nếu nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cứng rắn. Đây là dự báo của các nhà toán học Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc được đăng trên tờ China CDC Weekly của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc.

Các nhà toán học đã sử dụng dữ liệu về dịch bệnh trong tháng 8 tại các quốc gia Mỹ, Anh, Israel, Tây Ban Nha và Pháp, sau đó xem xét kết quả có thể xảy ra nếu Trung Quốc áp dụng các chiến lược ứng phó với đại dịch tương tự những quốc gia trên. Kết quả cho thấy, nếu làm theo các cách làm của Mỹ, mỗi ngày Trung Quốc có thể ghi nhận hơn 630.000 ca mắc mới COVID-19. Còn nếu làm theo cách của Pháp hoặc Anh, con số này lần lượt là hơn 200.000 ca mỗi ngày hoặc 400.000 trường hợp/ngày. Các nhà toán học thừa nhận, những ước tính trên được đưa ra dựa trên những phép tính số học cơ bản và cần có các mô hình phức tạp hơn để dự đoán sự tiến triển của đại dịch nếu các hạn chế được dỡ bỏ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 28/11 cho biết, nhà chức trách nước này đang theo dõi sát biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên Omicron, vốn được đánh giá là nguy hiểm hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành và "đảo quốc sư tử" có thể phải trì hoãn việc nới lỏng giãn cách.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Singapore đang có tiến triển tích cực với số ca nhiễm mới hàng ngày trong cộng đồng bình quân trong 10 ngày qua tiếp tục ở mức dưới 2.000 ca/ngày. Singapore bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội và bước vào giai đoạn 2 (trong 4 giai đoạn) mở cửa nền kinh tế từ ngày 22/11 vừa qua. Trong bối cảnh đó, giới chức Singapore nhận định, nếu tình hình tiến triển tích cực, nước này sẽ xem xét tiếp tục nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 12 tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể đáng quan ngại Omicron có thể sẽ cản trở và làm chậm lại kế hoạch mở cửa của quốc gia này.

Theo vtv.vn