Thứ 4, 15/01/2025, 18:44[GMT+7]

Ca mắc mới/ngày ở Hàn Quốc có thể vượt 10.000, Đài Loan (Trung Quốc) điều tra ca nhiễm nghi do chuột cắn

Thứ 7, 11/12/2021 | 09:24:52
1,326 lượt xem
Đến sáng 11/12, thế giới có trên 269,28 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,3 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 269,28 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.Đến sáng 11/12, thế giới có trên 269,28 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,3 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 50,64 triệu ca mắc và hơn 816.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 86.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp tiêm liều thứ ba vaccine COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ em từ 16-17 tuổi. Liều vaccine thứ ba của Pfizer sẽ được tiêm cho trẻ từ 16-17 tuổi sau 6 tháng từ thời điểm tiêm mũi thứ hai. Khoảng 2,6 triệu trẻ tại Mỹ ở độ tuổi này có thể tiêm liều tăng cường. Pfizer hiện là loại vaccine duy nhất được cơ quan y tế Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ dưới 18 tuổi.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 10/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,67 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 474.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Cơ quan Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo, các chuyến bay thương mại đến và đi từ nước này sẽ tiếp tục bị tạm ngừng cho đến ngày 31/1/2022. Tuy nhiên, các hạn chế này sẽ không áp dụng cho những hoạt động chở hàng quốc tế và các chuyến bay được DGCA phê chuẩn riêng. Các chuyến bay thương mại bị tạm dừng từ khi Ấn Độ áp đặt phong tỏa toàn quốc vào cuối tháng 3/2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Các chuyến bay trong nước được nối lại ngày 25/5/2020 sau gần 2 tháng dừng hoạt động trong khi các chuyến bay quốc tế tiếp tục bị tạm ngừng.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 616.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,17 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ủy ban Tiêm chủng thường trực thuộc Viện Robert Koch của Đức đã ra khuyến nghị tiêm chủng vaccine Pfizer-BioNTech ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi có bệnh nền. Theo Ủy ban trên, trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 là nhóm hiếu động, thường tụ lại chơi đùa ở các nhà trẻ và trường học, do vậy nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đặc biệt, những trẻ mắc một số bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng. Ngay cả các trẻ khỏe mạnh ở nhóm tuổi này vẫn có thể được tiêm vaccine nếu có nhu cầu.

Số ca mắc COVID-19 ở học sinh Đức trong tuần từ ngày 29/11 đến ngày 5/12 là 103.000 trường hợp, cao hơn khoảng 10.000 ca so với tuần trước đó.

Australia đã chấp thuận việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ ngày 10/1/2022. Vaccine được sử dụng với 1/3 liều lượng của người lớn, tức là 10 microgram/liều với các lọ được dán nhãn riêng. Giới chức y tế Australia khuyến cáo, thời gian giữa 2 mũi tiêm của trẻ em là 8 tuần và có thể giảm xuống 3 tuần trong những trường hợp đặc biệt.

Giới chức nước này nhấn mạnh, việc tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với những trẻ em có rủi ro mắc bệnh nặng hoặc sống tại các khu vực có ổ dịch bùng phát, đồng thời có thể giúp giảm lây lan bệnh dịch trong cộng đồng, ngăn ngừa trẻ em truyền virus sang người thân trong gia đình và cộng đồng.

Tại Anh, nhiều hành khách đã hủy vé trên các chuyến bay khởi hành từ sân bay Heathrow ở London do lo ngại bị mắc kẹt ở nước ngoài vì các biện pháp hạn chế đi lại vì biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Sân bay Heathrow cho biết, lượng hành khách qua sân bay này trong tháng 11 giảm 60% so với trước đại dịch COVID-19 dù Mỹ đã nối lại các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.

Giám đốc điều hành sân bay Heathrow đã kêu gọi Chính phủ Anh dỡ bỏ các bỏ các hạn chế để công dân Anh về nước từ các quốc gia thuộc "danh sách đỏ" được cách ly tại nhà. Nếu Chính phủ Anh đồng ý nới lỏng hạn chế đi lại, hành khách sẽ tiếp tục đặt vé cho năm sau, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương.

Ca mắc mới/ngày ở Hàn Quốc có thể vượt 10.000, Đài Loan (Trung Quốc) điều tra ca nhiễm nghi do chuột cắn - Ảnh 1.

Slovakia đã nới lỏng một số hạn chế dù là quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)


Tại Pháp, nhiều hiệu thuốc trên khắp đất nước đang thiếu bộ xét nghiệm COVID-19 do người dân đang tìm cách tích trữ để tự xét nghiệm trong dịp nghỉ lễ cuối năm sắp tới. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng từ ngày 9/11 - 5/12, nước Pháp đã tiêu thụ 5,3 triệu bộ xét nghiệm PCR và xét nghiệm kháng thể. Con số này đã tăng hơn 30% so với một tuần trước đó.

Số ca F0 và nhập viện đang tăng mạnh mặc dù Pháp là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Âu. Hiện đã có 12,5 triệu người ở Pháp được tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19, dự kiến con số này sẽ tăng lên 20 triệu trước Giáng sinh năm nay.

Bất chấp là quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới, ngày 10/12, Chính phủ Slovakia đã cho phép các cửa hàng, khu trượt tuyết và nhà thờ mở cửa tiếp đón người dân đã tiêm vaccine hoặc đã bình phục sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế được đưa ra sau khi dư luận chỉ trích, chính sách của Chính phủ khiến họ không thể đi mua sắm Giáng sinh hoặc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm.

Slovakia đã áp dụng lệnh phong tỏa một phần vào cuối tháng 11 khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày là 1.099 ca/100.000 dân. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU), với chưa đến 50% dân số được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Dữ liệu từ các bệnh viện Nam Phi cho thấy, số ca nhập viện do COVID-19 hiện đang tăng mạnh ở hơn một nửa trong số 9 tỉnh của nước này, nhưng số trường hợp tử vong không tăng đột biến và các chỉ số như thời gian nằm viện duy trì ở mức trung bình.

Mặc dù các nhà khoa học cho biết cần có thêm thời gian để đưa ra kết luận chính xác, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết, các thông tin về mức độ nghiêm trọng do biến thể Omicron là tích cực.

Singapore thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng và cảnh báo, số ca nhiễm biến thể mới có thể tăng trong vài ngày tới. Ca nhiễm biến thể mới là một nữ nhân viên người Singapore, làm việc tại sân bay Changi, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và không có triệu chứng nào. Trước đó, vào ngày 7/12, Singapore cũng phát hiện một ca nhiễm biến thể Omicron là du khách nhập cảnh từ Đức. Hiện 96% dân số đủ điều kiện tại Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ; người dân đang được kêu gọi tiêm mũi tăng cường để ngăn nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron.

Để ứng phó dịch bệnh, Singapore đã ký thỏa thuận mua thuốc kháng thể điều trị COVID-19 Evushed của hãng dược AstraZeneca. Lô thuốc đầu tiên dự kiến sẽ tới Singapore vào cuối năm nay.

Chính phủ Indonesia vừa quyết định cho phép các địa phương trong cả nước bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi vào ngày 24/12 tới. Các địa phương được phép tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi cần đáp ứng một số tiêu chí như đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi thứ nhất cho ít nhất 70% dân số và 60% người cao tuổi.

Trước đó, vào ngày 1/11, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi dựa trên đánh giá an toàn và miễn dịch.

Chính phủ Lào đã thông qua kế hoạch "vùng xanh du lịch" nhằm mở cửa trở lại một số lĩnh vực của đất nước cho khách du lịch từ tháng 1/2022. Tất cả những người đã tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19 đều có thể nhập cảnh Lào qua đường hàng không trừ khi đến từ một quốc gia không được chấp nhận thị thực.

Các du khách nhập cảnh vào Lào theo chương trình "vùng xanh du lịch" phải tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 14 ngày trước chuyến đi và phải có xác nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR ít nhất 72 giờ trước khi nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh, du khách sẽ phải xét nghiệm thêm một lần và được cách ly 24 tiếng tại khách sạn trong khi chờ kết quả. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, du khách sẽ được đi đến vùng xanh du lịch. Nếu kết quả là dương tính, du khách sẽ phải cách ly 3 ngày trước khi xét nghiệm lại. Nếu thời gian cách ly dài hơn ba ngày, chi phí của du khách sẽ được trả lại.

Trẻ em từ 5-18 tuổi cũng phải làm xét nghiệm PCR nhưng không bắt buộc phải tiêm vaccine. Trong khi đó, trẻ em dưới 5 tuổi không cần làm xét nghiệm COVID-19.

Ca mắc mới/ngày ở Hàn Quốc có thể vượt 10.000, Đài Loan (Trung Quốc) điều tra ca nhiễm nghi do chuột cắn - Ảnh 2.

Trong tháng 12, số ca mắc mới/ngày ở Hàn Quốc có thể vượt mốc 10.000 trường hợp. (Ảnh: AP)


Các chuyên gia về dịch tễ của Hàn Quốc ngày 10/12 đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng sớm số ca mắc COVID-19 ở nước ngày ở mức trên 10.000 ca/ngày, đồng thời khuyến cáo Chính phủ nước này tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Số liệu thống kê do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy, ngày 10/12, nước này đã có thêm 7.022 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 503.606. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trên 7.000 trường hợp. Trong khi đó, số bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng ở nước này là 852 người và có thêm 53 trường hợp tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 4.130 bệnh nhân. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron là 63 người, trong đó có 3 trường hợp mới liên quan đến ổ dịch tại một nhà thờ ở thành phố Incheon.

Theo các chuyên gia về dịch tễ của Hàn Quốc, chiến lược tập trung vào vaccine hiện nay của Chính phủ nước này vẫn chưa đủ để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng. Một số chuyên gia đưa ra dự báo, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, số ca mắc bệnh hàng ngày ở Hàn Quốc sẽ sớm vượt ngưỡng 10.000 ca ngay trong tháng 12 này.

Ngày 10/12, Nhật Bản đã xác nhận thêm 8 trường hợp nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc chủng virus mới ở nước này lên 12 người. Nhật Bản đã công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron mới ở nước này vào ngày 30/11.

Cùng ngày, Nhật Bản ghi nhận 173 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này lên trên 1,72 triệu người, bao gồm hơn 18.300 trường hợp thiệt mạng.

Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc đã chính thức cấp phép sử dụng thuốc kháng thể của công ty công nghệ sinh học Brii Biosciences trong điều trị COVID-19. Đây là loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được "bật đèn xanh" tại nước này. Liệu pháp gồm các kháng thể đơn dòng Brii -196 và Brii -198 của công ty này, được phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, nhưng có nguy cơ cao dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Thuốc có thể sử dụng ở cả người lớn và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.

Kể từ đầu tháng 11, thuốc đã được cấp phát cho gần 700 bệnh nhân, phục vụ điều trị khẩn cấp. Hiện công ty đang nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc này tại Mỹ.

Ngày 10/12, Đài Loan (Trung Quốc) thông báo đang điều tra mối liên hệ giữa vết chuột cắn với một nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm bảo mật cao có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên tại vùng lãnh thổ này trong nhiều tuần qua.

Trao đổi với báo giới, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho rằng, khả năng nữ nhân viên trên lây nhiễm từ nơi làm việc là cao hơn vì Đài Loan (Trung Quốc) không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn đang điều tra để xác định giữa khả năng lây nhiễm do chuột cắn hay do môi trường.

Vùng lãnh thổ Đài Loan được đánh giá có công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Tới nay, Đài Loan mới chỉ ghi nhận hơn 14.500 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 848 ca tử vong do COVID-19 kể từ đầu đại dịch. Trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng được xác nhận gần đây nhất là vào ngày 5/11.

Theo vtv.vn