Thứ 4, 15/01/2025, 19:05[GMT+7]

Ca nhiễm Omicron đầu tiên vượt qua kiểm tra y tế, số người mắc COVID-19 tại Nga trên mốc 10 triệu

Thứ 2, 13/12/2021 | 07:56:43
999 lượt xem
Đến sáng 13/12, thế giới có trên 270,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 270,3 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 50,78  triệu ca mắc và hơn 817.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 21.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang tiến hành các cuộc "thảo luận tích cực" về việc bắt buộc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa cho các quân nhân, ngay cả khi hàng nghìn người từ chối hoặc tìm cách miễn tiêm mũi ban đầu bắt buộc. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này, nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin khuyến khích mọi quân nhân, nếu có thể và đủ điều kiện, tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện Bộ này chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc liên quan việc thực hiện mũi tiêm tăng cường.

Ông Kirby cho biết, khoảng 96,4% tổng số quân nhân tại ngũ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Tỷ lệ này giảm khi tính cả các thành viên của lực lượng Dự bị và Vệ binh Quốc gia. Chỉ khoảng 74% tổng quân số, bao gồm cả lực lượng tại ngũ, vệ binh và dự bị đã được tiêm phòng đầy đủ, nhưng lực lượng vệ binh của Lục quân phải đến tháng 6/2022 mới được tiêm.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 12/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,69 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 475.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron ở một du khách đến từ Zimbabwe. Sở y tế thành phố New Delhi cho biết theo lịch trình đi lại, người này có tới Nam Phi trong thời gian gần đây. Bệnh nhân đã được đưa vào bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan (LNJP) tại New Delhi, nơi đã lập một phòng riêng biệt phục vụ bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 616.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,18 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Brazil thông báo, nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại bang Sao Paolo đông dân nhất ở quốc gia Nam Mỹ này. Đây là ca nhiễm biến thể Omicron thứ 7 được xác định tại Brazil, trong đó có 4 trường hợp tại Sao Paolo. Điểm đáng chú ý là trường hợp nhiễm bệnh mới nhất này là một người chưa từng đi ra nước ngoài, trong khi các ca trước đó đều là những người trở về từ châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết, những dữ liệu ban đầu cho thấy, biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia, trong đó tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi, nơi chủng Delta ít phổ biến hơn, và tại Anh, nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19. Theo báo cáo kỹ thuật của WHO, Omicron gây ra "sự giảm sút về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại sự lây nhiễm" và căn cứ vào dữ liệu hiện có, "nhiều khả năng Omicron sẽ vượt qua chủng Delta" về quy mô lây nhiễm trong cộng đồng.

Báo cáo cũng cho biết, tính đến thời điểm này, các ca nhiễm biến thể Omicron chỉ bị những triệu chứng "nhẹ" hoặc hầu như không có triệu chứng. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của biến thể này.

Ca nhiễm Omicron đầu tiên vượt qua kiểm tra y tế, số người mắc COVID-19 tại Nga trên mốc 10 triệu - Ảnh 1.

Đến nay, Pháp ghi nhận tổng cộng trên 8,2 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)


Tính đến sáng 12/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt mốc 10 triệu người, cao thứ 5 thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Anh. Số ca tử vong gần 290.000. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc mới, đồng thời ghi nhận hơn 1.100 người tử vong. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất trong ngày vẫn là thủ đô Moscow và thành phố St. Petersburg.Tiêm phòng vẫn là hình thức bảo vệ đáng tin cậy nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nga, số lượng người đã tiêm vaccine nhiễm bệnh chỉ chiếm chưa tới 4% tổng số bệnh nhân, các trường hợp nặng rất ít.

Pháp đã phê duyệt việc sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể Evusheld của hãng AstraZeneca để ngăn ngừa COVID-19. Thuốc này sẽ được dùng trên những người có hệ miễn dịch kém hoặc có tiền sử có các phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Phương pháp điều trị kháng thể Evusheld là sản phẩm của công ty dược phẩm AstraZeneca, trong tuần này đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Pháp mới chỉ chấp thuận việc sử dụng sản phẩm này cho người lớn.

Theo các kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được công bố hồi tháng 8, thuốc Evusheld giúp giảm 77% nguy cơ triệu chứng bệnh trở nặng ở người mắc COVID-19. Ngoài ra, thuốc này có thể giúp kéo dài thời gian tồn tại của các kháng thể trong cơ thể người từ vài tháng cho đến một năm.

Australia hiện ghi nhận 45 ca nhiễm biến thể Omicron tại bang New South Wales. Trước tình hình biến thể mới có nguy cơ lan rộng, nước này đã quyết định rút ngắn thời gian tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường. Thời gian tiêm mũi tăng cường từ nay sẽ chỉ còn 5 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2, thay vì 6 tháng như trước đây.

Giới chức y tế Australia viện dẫn nghiên cứu của Israel cho biết, việc tiêm mũi tăng cường giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giảm nguy cơ trở nặng ở những người trên 40 tuổi, và giảm nguy cơ tử vong ở những người trên 40 tuổi. Hai loại vaccine được sử dụng cho mũi tăng cường tại nước này là vaccine của Pfizer và Moderna.

Cơ quan An ninh y tế Anh đã công bố một nghiên cứu cho thấy, mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 có thể hiệu quả đến 75% trong việc ngăn ngừa các ca mắc biến thể Omicron có triệu chứng. Theo nghiên cứu, trong số 581 người mắc biến thể Omicron đã tiêm hai mũi vaccine của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech, mức độ bảo vệ các ca bệnh xuất hiện triệu chứng thấp hơn nhiều so với biến thể Delta, nhưng mức độ bảo vệ này đã tăng lên 70 - 75% hai tuần sau khi họ được tiêm mũi thứ ba.

Giới chức y tế Anh xác nhận có thêm 633 ca nhiễm Omicron. Đây là ngày Anh ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng cao nhất kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại quốc gia châu Âu này. Hiện tổng số bệnh nhân nhiễm Omicron được biết đến tại Anh đã lên tới 1.898 ca. Ngày 12/12, Anh đã nâng cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron tại "xứ sở sương mù" đang “tăng nhanh chóng”. Mức độ 4 đồng nghĩa với việc “tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế”.

Hơn 89% người từ 12 tuổi trở lên tại Anh đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi đầu tiên, trong đó có hơn 81% người đã tiêm đầy đủ 2 mũi. Trên 39% người trong số đó đã tiêm mũi tăng cường.

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ được các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sheba, Israel công bố, tiêm mũi tăng cường vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với biến thể Omicron. Theo đó, kháng thể của những người chỉ tiêm 2 mũi không thể chống trả biến thể Omicron, mặc dù vẫn có khả năng chống chọi với biến thể Delta và chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2. Ở người tiêm đủ 3 mũi, khả năng tạo kháng thể đối với Omicron là có, nhưng lại thấp hơn 4 lần so với biến chủng Delta.

Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Pfizer khẳng định, vaccine của hãng cũng có khả năng phòng ngừa biến thể Omicron.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Y tế Bồ Đào Nha Lacerda Sales thông báo, từ ngày 18/12, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, theo khuyến nghị của Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha (DGS) và Ủy ban kỹ thuật về tiêm chủng. Phụ huynh có thể đặt lịch tiêm chủng từ tuần sau, ưu tiên những trẻ có bệnh kèm theo.

Số liệu cho thấy, trẻ em dưới 9 tuổi hiện có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất ở Bồ Đào Nha. Nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm Antonio Silva Graca nói rằng, việc tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi là một phần quan trọng để chống lại đại dịch vì giúp "làm tăng tỷ lệ dân số được bảo vệ". Theo dữ liệu chính thức, 88,6% dân số Bồ Đào Nha đã được tiêm vaccine đủ liều và 71,69% dân số đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, nước này đã phát hiện 6 ca nhiễm Omicron đầu tiên. Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong số 6 ca nhiễm này có 5 ca tại thành phố Izmir và 1 tại thành phố Istanbul. Hiện cả 6 trường hợp nhiễm đều không cần nhập viện điều trị.

Ca nhiễm Omicron đầu tiên vượt qua kiểm tra y tế, số người mắc COVID-19 tại Nga trên mốc 10 triệu - Ảnh 2.

Thêm nhiều nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. (Ảnh: AP)


Bộ Y tế Lào ngày 12/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.274 ca mắc mới COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 11 người tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Lào, sau 2 ngày tăng đột biến, ngày 12/12, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm mạnh (giảm 624 trường hợp so với một ngày trước đó), nhưng vẫn ở mức 4 chữ số. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca cộng đồng vẫn ở mức cao với 809 trường hợp tại 198 bản thuộc 8 quận. Đáng chú ý, số ca tử vong trong 24 giờ qua là cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 89.320 ca, trong đó có 247 người tử vong.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào hiện đang tập trung thúc đẩy chương trình tiêm chủng để sớm đưa đất nước đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine đủ cho việc mở cửa trở lại. Theo đó, các địa phương được yêu cầu cập nhật danh sách người chưa tiêm vaccine để tiến hành phân bổ và cung cấp kịp thời.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết vừa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vượt qua kiểm tra y tế khi nhập cảnh. Bệnh nhân là nam giới khoảng 40 tuổi, người nước ngoài sống tại tỉnh Gifu. Ông đến từ Sri Lanka, nhập cảnh tại sân bay quốc tế Narita gần thủ đô Tokyo vào ngày 4/12. Bệnh nhân đã tiếp xúc gần với 4 trường hợp đến từ Nigeria và lây nhiễm biến thể Omicron. Bệnh nhân chỉ được phát hiện khi nhập viện với các triệu chứng sốt trong thời gian tự cách ly tại nhà ở tỉnh Gifu. Giới chức tỉnh Gifu cho rằng, bệnh nhân vẫn chưa lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến nay, Nhật Bản đã phát hiện được 13 ca nhiễm biến thể Omicron

Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng với virus SARS-CoV-2 vào cuối năm nay, đây là nhận định được ông Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu của nước này. Tính đến nay, Trung Quốc đã có 1,15 tỷ người hoàn thành tiêm chủng và đây là nền móng vững chắc để nước này đạt miễn dịch cộng đồng. Theo ước tính, tỷ lệ người hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Trung Quốc đến nay đạt 81,9%. Còn đến cuối năm nay, con số này có thể lên tới 83% . Đây là tỷ lệ an toàn để khẳng định Trung Quốc đạt miễn dịch cộng đồng.

Cũng theo ông Chung Nam Sơn, tiêm phòng là ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 khi giới khoa học còn biết rất ít về biến thể Omicron, từ nguồn gốc, quy luật lây truyền và cơ chế gây bệnh cho đến việc tiêu diệt virus.

Trung Quốc đã yêu cầu một số thành phố biên giới nước này tăng cường cảnh giác trước đại dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp, trong đó có xét nghiệm bắt buộc cho các du khách nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài. Kể từ giữa tháng 10, các ca nhiễm trong cộng đồng có biểu hiện triệu chứng đã tăng lên tới hơn 2.000 ca tại Trung Quốc, phần nhiều ở các thị trấn nhỏ miền Bắc giáp biên giới Nga và Mông Cổ.

Đặc điểm di truyền trong tiểu cầu của hơn nửa người dân Nhật Bản có thể là lý do giúp giảm tác động của dịch COVID-19 tại nước này. Theo Viện Nghiên cứu Riken, các nhà khoa học đã tập trung vào một loại kháng nguyên bạch cầu có tên gọi HLA-A24 ở người. Kháng nguyên này được phát hiện ở khoảng 60% người dân Nhật Bản bản địa. Từ đó nghiên cứu kết luận, ở những người mắc COVID-19 có kháng nguyên bạch cầu này, tế bào T trong cơ thể đã nhớ lại những lần nhiễm virus Corona cúm mùa trong quá khứ, từ đó tạo phản ứng miễn dịch hiệu quả.

Theo vtv.vn