Thứ 2, 02/09/2024, 03:18[GMT+7]

Liên tiếp ghi nhận ca mắc Omicron ở Đông Nam Á, Mỹ đối mặt cùng lúc 3 làn sóng dịch ngay từ đầu năm 2022

Thứ 6, 17/12/2021 | 07:58:29
1,360 lượt xem
Đến sáng 17/12, thế giới có trên 273,05 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,35 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 273,05 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 51,37 triệu ca mắc và hơn 824.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 82.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong lúc này, biến thể Omicron đã lây lan nhanh chóng tại Mỹ và có thể gây ra một làn sóng dịch vào đầu năm 2022. Và trong bối cảnh biến thể Delta vẫn tiếp tục hoành hành và bệnh cúm mùa bước vào giai đoạn cao điểm, nước Mỹ có nguy cơ sẽ phải đối mặt cùng lúc 3 làn sóng dịch. Đây là cảnh báo mới được đưa ra của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

Theo mô hình mới được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phân tích, tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ đã tăng gấp 7 lần chỉ trong một tuần. Với tốc độ như vậy, Omicron có thể tạo ra áp lực lên hệ thống y tế Mỹ vốn đã căng thẳng vì biến thể Delta. Cùng với sự gia tăng số ca bệnh cúm mùa, tổng cộng 3 làn sóng dịch này đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân Mỹ, đặc biệt tại những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Giới chức y tế Mỹ nhấn mạnh, dữ liệu ban đầu cho thấy, những người được tiêm chủng đầy đủ và được tiêm liều tăng cường được bảo vệ hiệu quả trước Omicron. Tuy nhiên, họ tỏ ra khá lo lắng về việc hiện số người tiêm liều tăng cường tại Mỹ còn thấp. Trong tổng số 200 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, mới chỉ có hơn 1/4 tiêm liều tăng cường.

Theo tuyên bố của chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci, không cần phải tiêm mũi tăng cường là vaccine đặc hiệu dành riêng cho biến thể Omicron. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Fauci cho biết, tiêm mũi tăng cường với các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có sẽ phòng ngừa được biến thể Omicron, không cần phải sử dụng vaccine dành riêng cho việc ngừa biến thể này.

Theo dữ liệu từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, mặc dù hiệu quả của hai liều vaccine Moderna đối với Omicron thấp nhưng mức độ bảo vệ sẽ tăng lên và có thể ngừa biến thể này sau khi tiêm liều thứ ba khoảng 2 tuần.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 16/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 476.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Đến cuối tháng 12/2021 mới có thể có được những kết luận chính xác về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Gene và Sinh học tích hợp Ấn Độ (IGIB) đã đưa ra đánh giá trên, đồng thời bác bỏ những kết luận cho rằng biến thể Omicron chỉ gây biến chứng nhẹ.

Tuy nhiên, ông Anurag Agrawal cảnh báo, dù chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ, các biến thể cũng có khả năng khiến hệ thống chăm sóc y tế tại các nước suy sụp. Do đó, ông cho rằng Ấn Độ vẫn nên hy vọng về hiện thực tốt đẹp nhất, nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó cho kịch bản xấu nhất, bởi với quy mô dân số đông như Ấn Độ, số ca bệnh nặng cũng đủ làm sập hệ thống y tế trên toàn quốc.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã bắt đầu triển khai tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi nhằm chặn chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19 và duy trì các hoạt động học đường. Vaccine ngừa COVID-19 sử dụng cho trẻ 5 - 11 tuổi có liều lượng thấp hơn so với vaccine dùng cho người 12 tuổi trở lên.

Biến thể Omicron cũng đang lây lan với tốc độ cực nhanh, có thể sẽ trở thành chủng lây nhiễm chủ đạo tại châu Âu trong tháng 1/2022. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các số liệu cho thấy, cứ sau 2-3 ngày, số ca mắc mới lại tăng gấp đôi. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng cảnh báo, việc biến thể Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viện và tử vong tại châu lục này.

Liên tiếp ghi nhận ca mắc Omicron ở Đông Nam Á, Mỹ đối mặt cùng lúc 3 làn sóng dịch ngay từ đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Omicron sẽ trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại châu Âu. (Ảnh: AP)


Cơ quan này khuyến nghị, các hệ thống y tế phải hành động ngay lập tức để tăng cường năng lực, trong khi các chính phủ không được loại bỏ các biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang và làm việc từ xa.

Một thế hệ vaccine COVID-19 mới không sử dụng kim tiêm và có thể chống lại các chủng virus Corona trong tương lai đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng tại Anh. Đó là vaccine DIOSynVax, được đưa vào cơ thể bằng cách phun nhiều tia mạnh để truyền dung dịch vaccine qua da. Đây được xem là lựa chọn tốt cho những người sợ tiêm bằng mũi kim. Các vaccine COVID-19 hiện nay sử dụng gene lấy từ protein gai của virus để mã hóa kháng nguyên, từ đó giúp hệ miễn dịch sinh kháng thể, nhận biết và tự vệ khi virus tấn công. Trong khi đó, vaccine DIOSynVax sử dụng các biện pháp dự đoán virus sẽ biến đổi như thế nào để bắt chước kháng nguyên của cả dòng virus corona lớn hơn, vì vậy các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giúp tạo ra sự bảo vệ rộng hơn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tiếp tục kêu gọi người dân nước này đi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3. Nguyên nhân là do số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đang tăng mạnh. Ngày 15 và 16/12, Anh đều ghi nhận hơn 78.000 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Trước đó, phát biểu trên sóng truyền hình vào tối 12/12, Thủ tướng Johnson tuyên bố, tất cả công dân Anh từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường trong tháng 12 này, để phòng ngừa sự lây lan của biến thể Omicron. Đây sẽ là một thách thức với ngành y tế Anh, vì trung bình mỗi ngày phải có khoảng 1 triệu liều vaccine được tiêm.

Kể từ cuối tuần này, Pháp sẽ đình chỉ các hoạt động du lịch không thiết yếu từ nước này tới Anh và ngược lại. Quyết định nhằm làm kìm hãm sự lây lan của Omicron, biến thể đang gây ra số ca mắc COVID-19 cao chưa từng thấy tại Anh. Theo đó, từ đêm 18/12 tới, Pháp sẽ yêu cầu du khách thông báo lý do cấp thiết khi di chuyển từ Pháp tới Anh (hoặc ngược lại), kể cả đối với những trường hợp đã được tiêm phòng đầy đủ.

Quy định mới vẫn cho phép các công dân Pháp hoặc thuộc Liên minh châu Âu từ Anh trở về Pháp. Tuy nhiên, họ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính và phải cách ly 7 ngày khi tới Pháp.

Chính phủ liên bang Canada đã thay đổi hướng dẫn đi lại chính thức, khuyến cáo người dân tránh tất cả các chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài ở thời điểm hiện tại. Khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới. Cơ quan Y tế công cộng Canada sẽ tăng cường chương trình xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh tại các sân bay của nước này.

Hiện Chính phủ Canada đang xem xét khôi phục một số biện pháp phòng dịch, trong đó có việc hành khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không phải trở lại cách ly ở khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đang gây ra nhiều lo ngại trên thế giới. Thời gian này, các nước Đông Nam Á liên tiếp ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể này, mới nhất là Indonesia.

Ca bệnh tại Indonesia là một nhân viên bệnh viện ở thành phố Jakarta và không ra nước ngoài trước đó. Ngoài ra, Indonesia cũng đang tiến hành giải trình tự gene của 5 trường hợp nghi nhiễm khác, bao gồm hai người Indonesia mới trở về từ Mỹ và từ Anh và ba công dân Trung Quốc hiện đang được cách ly ở Manado, tỉnh Bắc Sulawesi. Chính phủ Indonesia đang chờ kết quả giải trình tự gene để xác định những trường hợp trên có mắc biến thể Omicron hay không.

Hai ngày trước, Campuchia và Philippines cũng đã thông báo những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Như vậy, cùng với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đông Nam Á hiện có 6 nước ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này. Các chuyên gia nhận định, diễn biến này làm gia tăng tình trạng bất an, nhưng khuyến nghị các nước ứng phó dịch thận trọng và bình tĩnh.

Ngày 16/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông cũng yêu cầu các quan chức nhà nước không đi du lịch các nước khác, ít nhất là cho đến khi tình hình lắng xuống

Ông Widodo nhấn mạnh, dư luận không nên hoang mang với những phát hiện về biến thể Omicron. Theo ông, biến thể mới chưa thể hiện tính chất nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân đã tiêm vaccine.

Liên tiếp ghi nhận ca mắc Omicron ở Đông Nam Á, Mỹ đối mặt cùng lúc 3 làn sóng dịch ngay từ đầu năm 2022 - Ảnh 2.

Malaysia ban bố các hạn chế mới nhằm đối phó với biến thể Omicron. (Ảnh: AP)


Ngày 16/12, Bộ Y tế Malaysia cho biết, các buổi lễ đón năm mới quy mô lớn tại nước này bị cấm do quan ngại về biến thể Omicron có thể lây lan. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Khairy Jamaluddin, quyết định trên được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận thêm ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron và ít nhất 18 người khác nghi nhiễm. Bộ cũng sẽ thông báo các biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Những buổi lễ đón năm mới hay Giáng sinh quy mô nhỏ được phép tổ chức, trong đó người tham dự được yêu cầu tự xét nghiệm COVID-19 trước.

Bộ Y tế Malaysia cũng đưa ra các quy định mới đối với người đến từ Anh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Bắt đầu từ ngày 17/12, người đến từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly và tất cả kết quả sẽ phải thông báo trên ứng dụng quản lý COVID-19 của chính phủ.

Ngoài ra, danh sách các nước bị xếp vào hạng có nguy cơ cao được tăng lên 9 nước. Người đến từ Anh, Mỹ, Australia, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Nigeria và Ấn Độ, nơi biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng được yêu cầu đeo thiết bị theo dõi điện tử ở cổ tay khi đến và trong thời gian cách ly. Người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Malawi vẫn không được phép nhập cảnh Malaysia vào thời điểm hiện tại.

Thái Lan đã ghi nhận 11 ca nhiễm biến thể Omicron. Các chuyên gia y tế cảnh báo, số ca nhiễm mới biến thể Omicron tại nước này có thể gia tăng sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Các chuyên gia y tế Thái Lan cho biết, đến nay tất cả các ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này đều là người đến từ nước ngoài. Hiện vẫn chưa có bệnh nhân nào nhiễm biến thể Omicron ở Thái Lan cần phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.

Chính phủ Thái Lan hiện vẫn chưa quyết định có điều chỉnh các biện pháp phòng chống COVID-19 hay không sau ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron ở Anh, đồng thời hối thúc tất cả các khu vực phải tuân thủ những hướng dẫn phòng chống dịch bệnh. Cho đến nay, Thái Lan đã có hơn 2,1 triệu ca nhiễm và trên 21.000 người tử vong do COVID -19.

Hàn Quốc ngày 16/12 cho biết sẽ khôi phục các biện pháp hạn chế sau hơn 1,5 tháng nới lỏng. Quyết định được đưa ra do số ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này đang tăng cao. Kể từ ngày 18/12 đến ngày 2/1/2022, quy định tập trung đông người được giới hạn không quá 4 người. Các nhà hàng, quán cà phê, quán bar phải đóng cửa trước 21h. Những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình hoặc sử dụng các dịch vụ mang đi hoặc giao hàng tận nơi.

Ngày 16/12, Hàn Quốc ghi nhận hơn 7.622 ca nhiễm mới COVID-19, số bệnh nhân nặng cũng tăng cao ở mức gần 1.000 ca. Hiện 92% người trưởng thành ở Hàn Quốc được tiêm phòng đầy đủ, nhưng số ca mắc mới đã tăng gần gấp 5 lần kể từ khi các quy định được nới lỏng vào tháng 11, trong khi số ca nghiêm trọng đã tăng gấp 3 lần.

Năm 2022 sẽ là năm thế giới chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19, đây là nhận định được Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Phát biểu trong chương trình hỏi đáp trực tuyến của WHO, đại diện của chương trình này khẳng định, hiện thế giới có đủ công cụ để chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19 trong năm tới.

Một trong những công cụ đó là vaccine. Chiến lược của WHO là đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, với 70% dân số thế giới được tiêm đủ vaccine vào giữa năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới hối thúc các nước cần nhanh chóng có hành động để hạn chế dịch lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan.

Theo vtv.vn