Thứ 4, 15/01/2025, 16:42[GMT+7]

Trung Quốc ghi nhận hàng chục ca Covid-19 mới trong cộng đồng, WHO khuyến cáo tiêm kết hợp vaccine

Thứ 2, 20/12/2021 | 09:30:51
1,763 lượt xem
Đến sáng 20/12, thế giới có trên 274,93 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 274,93 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 51,7 triệu ca mắc và hơn 827.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 31.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế trưởng của Nhà Trắng, cho rằng, một số xét nghiệm nhanh có thể không phát hiện được biến thể Omicron mới, do đó, không phải tất cả xét nghiệm đều cho kết quả chính xác đối với biến thể này. Theo ông Fauci, đa số các ca lây nhiễm COVID-19 hiện nay ở Mỹ vẫn là do biến thể Delta, nhưng biến thể mới Omicron được cho có khả năng lây lan mạnh hơn Delta cũng đang gây nhiều thách thức. Hiện giới chức y tế Mỹ đang nỗ lực xác định những loại xét nghiệm nào không cho kết quả chính xác đối với Omicron.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 477.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 617.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Thị trưởng thủ đô London của Anh đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do tình hình dịch COVID-19 đang xấu đi nhanh chóng, đặc biệt là trước việc biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh. Việc đưa ra tuyên bố này giúp thành phố London tránh bị gián đoạn các dịch vụ ở tuyến đầu và triển khai nhanh chóng vaccine mũi 3, cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị dịch vụ, khẩn cấp được ưu tiên đặc biệt. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, thành phố London đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu với hơn 26.000 trường hợp.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 19/12 cho biết, Anh không loại trừ khả năng áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch COVID-19 trước lễ Giáng sinh trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh. Anh đã chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh trong ngày 18/12 và giới chức nước này cho rằng, đó mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Ngày 19/12, Anh ghi nhận 82.886 ca mắc mới COVID-19.

Chính phủ Anh đang theo dõi những dữ liệu mới nhất về COVID-19 gần như hàng giờ và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan mạnh. Đây là khẳng định được Bộ trưởng Y tế nước này Sajid Javid đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Sky News ngày 19/12. Theo ông Javid, phân tích dữ liệu cho thấy, khoảng 60% tổng số ca COVID-19 mới ở Anh là biến thể Omicron lây lan nhanh. Khi được hỏi về việc áp đặt các biện pháp hạn chế trở lại, Bộ trưởng Y tế Anh cho biết sẽ dựa trên tình hình phân tích dữ liệu và thảo luận với các nhà khoa học, các cố vấn để đưa ra phương án đối phó kịp thời và hợp lý.

Thủ đô Paris của Pháp đã quyết định hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa cũng như tổ chức lễ hội trên đại lộ Champs Elysees trong đêm Giao thừa đón năm mới 2022. Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo, các bữa tiệc ngoài trời và bắn pháo hoa quy mô lớn sẽ bị cấm trong đêm Giao thừa, đồng thời khuyến cáo mọi người, ngay cả khi đã tiêm phòng đầy đủ, phải tự xét nghiệm COVID-19 trước khi cùng nhau dự tiệc cuối năm

Bộ trưởng Y tế Pháp xác nhận, từ 7 - 10% số ca mắc COVID-19 mới ở Pháp có thể là do biến thể Omicron. Trung bình 3 ngày trở lại đây, Pháp ghi nhận khoảng 60.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Hiện có gần 3.000 người đang phải nằm phòng hồi sức tích cực do COVID-19 ở Pháp. Do phải ứng phó với biến thể Omicron, Pháp rút ngắn khoảng cách giữa liều thứ 3 và liều thứ 2 của vaccine xuống còn 4 tháng thay vì 5 tháng như trước đây.

Trung Quốc ghi nhận hàng chục ca COVID-19 mới trong cộng đồng, WHO khuyến cáo tiêm kết hợp vaccine - Ảnh 1.

7 - 10% số ca mắc COVID-19 mới ở Pháp có thể là do biến thể Omicron. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Hà Lan thông báo, nước này sẽ bước vào đợt phong tỏa trong dịp Giáng sinh. Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh, phong tỏa là việc "không thể tránh khỏi" trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 5 do biến thể Omicron.

Trong đợt phong tỏa lần này, tất cả những cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát sẽ phải đóng cửa đến ngày 14/1/2022. Các trường học phải đóng cửa ít nhất là đến ngày 9/1/2022. Các hộ gia đình được khuyến cáo không tiếp đón nhiều hơn 2 khách tại nhà và các cuộc tụ tập bên ngoài được giới hạn tối đa dành cho 2 người.

Đức đã bổ sung Anh vào danh sách những nước được đánh giá là có nguy cơ cao về COVID-19, đồng nghĩa với việc bị áp dụng những quy định đi lại ngặt nghèo hơn. Những hành khách nhập cảnh vào Đức từ Anh sẽ phải trả qua 2 tuần cách ly ngay cả khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, Anh ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức cao nhất từ khi bắt đầu đại dịch, trong đó riêng ngày 17/12 lên đến 90.000 ca.

Tại Canada, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao do biến thể Omicron. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 4.652 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên trên 1,87 triệu ca, trong đó có 30.042 người thiệt mạng.

Sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron đặt ra nhiều quan ngại trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn Canada không liên quan các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi hoặc về từ nước ngoài. Số ca nhiễm biến thể mới này được ghi nhận ở cả những người đã tiêm và chưa tiêm phòng cũng như những người từng mắc COVID-19.

Ngày 19/12, New Zealand thông báo phát hiện 5 ca nhiễm biến thể Omicron là các hành khách quốc tế nhập cảnh, nâng tổng số trường hợp nhiễm biến thể mới tại nước này lên là 13 người. Hiện 4 trong số các ca nhiễm Omicron hiện vẫn đang ở khu cách ly, một người đã phục hồi và kết thúc cách ly.

Ngày 19/12, New Zealand ghi nhận 59 ca mắc mới. Hiện thành phố Auckland, lớn nhất cả nước, và một phần của North Island đều đang ở mức cảnh báo "dịch bệnh đỏ", trong khi phần còn lại của New Zealand đều ở mức cam.

Đến nay, New Zealand ghi nhận tổng cộng 13.425 ca mắc COVID-19. Khoảng 90% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Hiện giới chức New Zealand yêu cầu phân tích chuỗi gene đối với toàn bộ ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh để đề phòng biến thể mới Omicron lây lan rộng. Mọi khách hàng trên các chuyến bay có ghi nhận ca nhiễm Omicron đều được yêu cầu cách ly 10 ngày tại những cơ sở gần biên giới.

Malaysia ngày 19/12 ghi nhận 3.108 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên trên 2,7 triệu người. Ngoài ra, với thêm 19 bệnh nhân không qua khỏi, số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này tăng lên thành 31.092 người. Chỉ riêng trong ngày 18/12, Malaysia đã tiêm phòng tổng cộng 71.650 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tính đến nay, khoảng 79,4% dân số nước này đã tiêm ít nhất một mũi, trong khi 78,2% đã tiêm đủ hai mũi.

Bộ Y tế Malaysia chủ trương đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, đặc biệt là mũi tiêm tăng cường và nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó với sự lây lan của biến thể này. Malaysia chỉ cho phép tổ chức các buổi lễ đón năm mới hay Giáng sinh quy mô nhỏ và những người tham dự cần phải tự xét nghiệm COVID-19 trước.

Cùng với đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng đưa ra các quy định mới đối với người đến từ Anh, nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Những người này sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly và tất cả kết quả sẽ phải thông báo trên ứng dụng quản lý COVID-19 của Chính phủ. Ngoài ra, Malaysia cũng đưa thêm 9 quốc gia vào danh sách các nước bị xếp vào hạng có nguy cơ cao

Trung Quốc ghi nhận hàng chục ca COVID-19 mới trong cộng đồng, WHO khuyến cáo tiêm kết hợp vaccine - Ảnh 2.

Ngày 19/12, Trung Quốc ghi nhận 83 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Campuchia ngày 19/12 xác nhận, nước này phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Hai bệnh nhân này gồm một người Campuchia, 47 tuổi, từ bang Texas (Mỹ) quá cảnh ở Seoul (Hàn Quốc) về nước; một người Campuchia 33 tuổi từ Pháp nhập cảnh sau chặng dừng chân ở Singapore. Cả hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron này hiện đang được điều trị tại Viện Lao quốc gia Campuchia ở Phnom Penh.

Trước đó, trong ngày 17/12, Bộ Y tế Campuchia đã công bố phát hiện trường hợp nhiễm Omicron thứ hai tại nước này là một công dân Iran, 25 tuổi, từ Kenya nhập cảnh Campuchia. Bộ Y tế Campuchia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch.

Trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, số ca mắc mới trong ngày 19/12 ở nước này đã giảm xuống dưới ngưỡng 7.000 ca, lần đầu tiên trong năm ngày trở lại đây. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) cho biết đã ghi nhận thêm 6.236 ca mắc mới, trong đó có 6.173 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc là 565.098 người. Số ca bệnh mới trong ngày 19/12 đã giảm nhẹ so với mốc cao kỷ lục 7.850 ca hôm 15/12 và mức 7.313 ngày 18/12. Trong các trường hợp mắc mới, có 12 ca nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, tổng số ca nhiễm biến thể này tại Hàn Quốc hiện tăng lên thành 178.

Cũng theo KDCA, số ca nguy kịch ngày 19/12 đã tăng lên mức cao chưa từng có với 1.025 bệnh nhân kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc. Ngoài ra, với thêm 78 bệnh nhân không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện lên tới 4.722 ca.

Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch. Các quy định đi lại được siết chặt nghiêm ngặt vào thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần. Quyết định trên được đưa sau khi xuất hiện 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron từ nước ngoài và một người trong nội địa, cùng hàng chục ca mắc mới trong cộng đồng.

Tại buổi họp báo, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Mễ Phong nhấn mạnh, Trung Quốc ngày càng đối mặt với áp lực lớn bởi biến chủng Omicron lây lan khắp thế giới và đã xuất hiện tại nước này. Ông nhấn mạnh, sắp bước vào 2 đợt lễ lớn với hành trình của hàng tỷ chuyến đi, các biện pháp phòng chống dịch phải xác định ca bệnh theo hướng động một cách chính xác, khoa học, phù hợp với từng hoàn cảnh và khoanh vùng nhanh chóng.

Cục Hàng không Trung Quốc khuyến cáo, người dân đi lại trong dịp lễ tết cần phải cập nhật đầy đủ những yêu cầu phòng dịch của nơi đến và đi. Hầu hết các địa phương đều yêu cầu người từ địa phương khác phải xét nghiệm axit nucleic âm tính trong 48 tiếng. Hiện nay, các tỉnh thành đang làm rất chặt chẽ trong giám sát khách du lịch thông qua đăng ký tại các khách sạn, với sự tham gia của cả cơ quan công an. Nhiều thành phố lớn, khu công nghiệp đã kêu gọi người dân không về quê ăn Tết để hạn chế dịch lây lan. Trung Quốc vẫn xem phòng chống ca nhập cảnh là trọng tâm nên siết chặt kiểm soát dịch tại thành phố cửa khẩu, hầu như đóng cửa với du khách quốc tế, còn các chuyên gia từ nước ngoài vào phải cách ly tập trung 14 - 21 ngày.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 19/12 công bố báo cáo cập nhật cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 83 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 44 trường hợp trong cộng đồng. Trong tổng số ca lây nhiễm cộng đồng, có 31 ca tại tỉnh Chiết Giang, 10 tại tỉnh Thiểm Tây và 3 tại tỉnh Quảng Đông.

Nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta và không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể này có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta. Đây là kết quả nghiên cứu mà Đại học Hoàng gia London vừa công bố. Nghiên cứu phân tích kết quả của bệnh nhân dương tính với với virus SARS-CoV-2 ở nước này từ ngày 29/11 đến ngày 11/12. Kết quả cho thấy nguy cơ nhập viện và các triệu chứng biểu hiện của Omicron không khác nhiều so với Delta, còn nguy cơ tái nhiễm cao gấp 5,4 lần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cần có thêm một tháng dữ liệu thực tế về số bệnh nhân phải điều trị tích cực và tử vong để đánh giá đúng về biến thể Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố báo cáo đánh giá hiệu quả của việc tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 được bào chế theo các công nghệ khác nhau. Cụ thể, hiệu quả của việc tiêm 2 mũi kết hợp sử dụng công nghệ vector như vaccine của hãng Astra Zeneca và công nghệ mRNA như vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna có thể đạt từ 61-91% miễn dịch. Trong khi tiêm vaccine cùng công nghệ mRNA (ví dụ 2 mũi Pfizer) hiệu quả trung bình có thể đạt 69-90%, còn tiêm vaccine cùng nền tảng vector (ví dụ 2 mũi AstraZeneca) đạt hiệu quả từ 43%-89%. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng dẫn nguồn tham khảo các nghiên cứu thực hiện ở Anh và Chile chứng minh, việc tiêm mũi thứ 3 khác loại với 2 mũi chính cũng có hiệu quả cao ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng.

Theo vtv.vn