Thứ 5, 28/11/2024, 18:49[GMT+7]

Biến thể Omicron lan rộng, Philippines, Malaysia “oằn mình” hứng chịu bão dữ

Thứ 6, 24/12/2021 | 14:15:27
1,654 lượt xem
Biến thể Omicron "vươn vòi bạch tuộc", lây lan khắp nơi, Philippines, Malaysia phải hứng chịu bão lũ dữ dội là những chủ đề nóng trên thế giới tuần này.

Ảnh: AP

Người dân châu Âu kém hào hứng đón Giáng sinh

Giai điệu rộn ràng quen thuộc mùa Giáng sinh nhưng lời bài hát lại không vui chút nào. Biến thể Omicron xuất hiện và đại dịch COVID-19 tiếp tục đeo bám chúng ta năm thứ 2 liên tiếp. Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến tâm lý người dân thế giới trong mùa lễ hội cuối năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, Omicron đã xuất hiện ở khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Mỹ, Omicron đang trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch COVID-19, là nguyên nhân gây ra 3/4 số ca nhiễm mới trong tuần qua.

Ở nhiều quốc gia phương Tây, Giáng sinh là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Các gia đình, các nhóm bạn sẽ tập trung về nhà nhau hoặc tới nhà hàng ăn mừng ngày lễ. Tuy nhiên, trong năm nay ở châu Âu, các lệnh hạn chế tụ tập, hạn chế đi lại được áp đặt khiến không khí mùa lễ hội bớt đi sự náo nhiệt, người dân cũng không còn hào hứng ăn mừng Giáng sinh như mọi năm.

Giáng sinh năm nay có phần lặng lẽ vì số ca COVID-19 gia tăng, đặc biệt với sự lan rộng của biến thể Omicron. Như vậy lại thêm một năm nữa các nước châu Âu phải trải qua mùa Giáng sinh buồn do đại dịch COVID-19.

Nóng trong tuần: Biến thể Omicron lan rộng, Philippines, Malaysia “oằn mình” hứng chịu bão dữ - Ảnh 1.

Nhiều nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trước lễ Giáng sinh và năm mới. (Ảnh: AP)

Thời gian tiêm mũi tăng cường ngày càng được rút ngắn

Biến thể Omicron xuất hiện khiến hàng loạt quốc gia phải rút ngắn thời gian chờ giữa mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ hai và mũi thứ ba, hay còn được gọi là liều tăng cường. Ban đầu, CDC Mỹ khuyến cáo nên tiêm mũi tăng cường 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và mối đe dọa từ biến thể mới, thời gian chờ tiêm mũi thứ ba đã được rút xuống xuống còn 6 tháng rồi 3 tháng. Giới chức Y tế Mỹ, Anh, Đức và cả Hàn Quốc đều cho rằng, việc tiêm mũi tăng cường sớm là cần thiết.

Theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí The Lancet, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sẽ suy giảm sau 3 tháng kể từ khi tiêm hai mũi. Kết quả này có được sau khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu của 2 triệu người ở Scotland và 42 triệu người ở Brazil đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đưa ra khuyến nghị có thể tiêm mũi tăng cường chỉ 3 tháng sau mũi vaccine thứ hai. Tuy nhiên, việc áp dụng thế nào là tùy theo diễn biến dịch bệnh của từng quốc gia và do mỗi nước tự quyết định.

Nóng trong tuần: Biến thể Omicron lan rộng, Philippines, Malaysia “oằn mình” hứng chịu bão dữ - Ảnh 2.

Mũi vaccine tăng cường được kỳ vọng là "tấm khiên" giúp chống lại Omicron. (Ảnh: AP)

Malaysia hứng chịu bão lũ "trăm năm có một"

Tuần vừa qua, Đông Nam Á phải hứng chịu bão lũ cường độ mạnh mà hiếm khi xảy ra trong tháng cuối năm. Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn hoành hành, những thảm họa thiên nhiên này càng như thử thách sự dũng cảm và niềm tin của con người. Trận mưa lũ tuần qua ở Malaysia được nhận định là "trăm năm có một" khi đã đã tàn phá 8 bang của nước này, khiến hơn 65.000 người phải sơ tán, 27 người thiệt mạng.

Mưa lớn cắt đứt nhiều tuyến đường quan trọng, khiến nhiều thành phố, ngôi làng chìm trong nước lũ. Người dân đã bị mắc kẹt trong nhà nhiều ngày trước khi được lực lượng cứu hộ đến giải cứu bằng thuyền. Nước lũ hiện đang rút dần nhưng số người thiệt mạng có khả năng tiếp tục tăng do vẫn còn người bị mất tích.

Nóng trong tuần: Biến thể Omicron lan rộng, Philippines, Malaysia “oằn mình” hứng chịu bão dữ - Ảnh 3.

Trận mưa lũ tuần qua ở Malaysia được nhận định là "trăm năm có một". (Ảnh: AP)

Người dân Philippines bàng hoàng trở về nhà sau siêu bão Rai

Trong khi đó, tại Philippines, số người tử vong tiếp tục tăng nhiều ngày sau khi cơn bão Rai quét qua. Từ mức không đáng lo ngại, Rai trở thành siêu bão chỉ sau 24 tiếng đồng hồ, khiến Philippines không kịp ứng phó và chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong những ngày cuối năm, những người sống sót sau bão rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi không có nhà ở, không có lương thực đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày.

Siêu bão Rai quét qua và xé toạc nhiều nhà cửa, trường học và bệnh viện, nhà bị tốc mái, cây bật gốc, cột điện đổ la liệt... sau khi cơn bão dữ quét qua.

"Giúp tôi với, tôi đói quá" là nội dung dòng chữ trên tấm bảng của một người đàn ông sống sót sau khi bão Rai qua đi. Hiện những gì còn lại ở thành phố Surigao, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão, là những đống hoang tàn, đổ nát. Những người sống sót đang rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" và đang khẩn thiết kêu gọi trợ giúp.

Nóng trong tuần: Biến thể Omicron lan rộng, Philippines, Malaysia “oằn mình” hứng chịu bão dữ - Ảnh 4.

Siêu bão Rai nghiêm trọng với mức tàn phá kỷ lục cả về người và của tại Philippines. (Ảnh: AP)

Những người sống sót sau bão đang kêu gọi trợ giúp nơi trú tạm và xin được cung cấp thực phẩm, nước uống. Không những thiếu nhu yếu phẩm, người dân thành phố Surigao còn phải đối mặt những vụ "hôi của" đã lác đác xuất hiện.

Máy bay chở thực phẩm, nước và vật tư y tế đã được điều động, trong khi máy móc hạng nặng được đưa đến hiện trường để dọn dẹp những con đường ngổn ngang cột điện và cây đổ. Tuy nhiên, quá trình này cần có thời gian bởi hậu quả sau bão là quá nặng nề.

Theo vtv.vn