Thứ 4, 15/01/2025, 15:55[GMT+7]

Châu Âu ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, Trung Quốc có số ca nhiễm cộng đồng cao nhất trong 21 tháng

Thứ 2, 27/12/2021 | 08:03:24
559 lượt xem
Đến sáng 27/12, thế giới có trên 280,15 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,41 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 280,15 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 53,12  triệu ca mắc và hơn 837.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 48.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các hãng hàng không Mỹ đã hủy bỏ gần 1.000 chuyến bay vào ngày Giáng sinh, ngày thứ hai liên tiếp số chuyến bay lớn bị hủy do tình trạng lây nhiễm COVID-19 gia tăng. Tổng cộng có 957 chuyến bay trong ngày Giáng sinh, bao gồm cả các chuyến bay nội địa và quốc tế, đã bị hủy bỏ, tăng từ 690 chuyến vào đêm Giáng sinh, theo kết quả một thống kê đang được thực hiện trên trang web theo dõi chuyến bay FlightAware.com. Gần 2.000 chuyến bay bị hoãn.

Theo các hãng hàng không, số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đội bay và dịch vụ mặt đất, khiến họ không còn đủ nhân sự làm việc. Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch đi lại, nhiều hành khách vẫn cố gắng chờ đợi hoặc đổi chuyến do vẫn muốn tổ chức lễ Giáng sinh và năm mới như kế hoạch. Cơ quan An ninh giao thông vận tải Mỹ đã ghi nhận hơn 2 triệu hành khách làm thủ tục tại các sân bay, tăng 144.000 lượt so với thời điểm trước đại dịch. Giới chức Mỹ lo ngại, lượng lớn người đi lại trong dịp lễ cuối năm có thể gây nên làn sóng dịch mới trong vài tuần tới

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,78 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 479.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ngày 26/12, chính quyền New Delhi thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở thủ đô của Ấn Độ từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (theo giờ địa phương). Sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/12. Quyết định này được đưa ra khi thủ đô của Ấn Độ ghi nhận 290 ca mắc mới COVID-19, tăng 16% so với ngày 25/12 và có một trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Theo thông tin từ cơ quan y tế, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ở New Delhi đã tăng lên 0,5%, mức độ nghiêm trọng. Với tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở mức 0,5% trong 2 ngày liên tiếp, chính quyền New Delhi đã nâng mức cảnh báo lên màu vàng, dẫn đến một loạt biện pháp hạn chế bổ sung. Thời gian hoạt động của các cửa hàng, trung tâm thương mại cung cấp hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu sẽ bị hạn chế. Các nhà hàng trong thành phố được phép hoạt động với 50% công suất tới 22h, trong khi các địa điểm giải trí khác đều phải đóng cửa.

Ấn Độ sẽ triển khai tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 cho các nhân viên y tế và tuyến đầu từ ngày 10/1/2022. Thông báo của Thủ tướng Narendra Modi được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tăng lên trên khắp Ấn Độ. Ông Modi cũng cho biết, những người từ 15 - 18 tuổi sẽ bắt đầu được tiêm vaccine từ ngày 3/1 và người trên 60 tuổi mắc các bệnh nền sẽ được tiêm mũi tăng cường sau khi có khuyến nghị của bác sĩ.

Chính phủ của Thủ tướng Modi đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tiêm ít nhất một liều cho 88% trong số 944 triệu dân số đủ điều kiện, và 61% được tiêm đủ hai liều. Các chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ cần tăng gấp đôi chiến dịch tiêm chủng và mở rộng phạm vi bao phủ vaccine để ngăn chặn một đợt gia tăng các ca nhiễm mới có thể xảy ra.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 618.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,23  triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia châu Âu đang diễn biến phức tạp và vượt ngưỡng kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Châu Âu đang có một kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới trầm lắng do biến thể Omicron khiến số ca mắc COVID-19 ở khu vực này tăng cao kỷ lục. Đây đã là năm thứ hai nhiều nước phải áp dụng những hạn chế để phòng dịch trong dịp nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm.

Giới chức châu Âu nhận định, mức độ tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân sẽ là yếu tố quyết định châu Âu có thể sớm kiểm soát đại dịch. Bên cạnh những biện pháp hạn chế, các nước châu Âu cũng rốt ráo triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân.

Pháp trong 24 giờ qua ghi nhận gần 27.700 ca nhiễm mới. Biến chủng Omicron cng được dự báo sẽ trở thành biến thể chủ đạo tại nước này trong khoảng 2 tuần nữa.

Trước tình hình này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có cuộc họp với các quan chức chủ chốt trong Chính phủ vào ngày 27/12 để thảo luận các biện pháp mới phòng chống dịch.

Châu Âu ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, Trung Quốc có số ca nhiễm cộng đồng cao nhất trong 21 tháng - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 tại các quốc gia châu Âu đang diễn biến phức tạp và vượt ngưỡng kỷ lục. (Ảnh: AP)

Ngày 26/12, Anh ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Anh gần lên mức 12 triệu người. Giới chuyên gia cảnh báo, tình trạng sẽ còn trầm trọng hơn khi số ca mắc COVID-19 tại nước này sẽ tiếp tục tăng cao trong tuần tới. Số người thiệt mạng tại Anh trong đợt dịch mới dự báo từ 600 - 6.000 người

Trong khi đó, tại Italy, ngày 26/12, nước này ghi nhận gần 24.900 ca nhiễm mới COVID-19. Trong khi đó, số bệnh nhân nặng cũng đang có dấu hiệu tăng. Hiện số bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện ở Italy là 9.000 trường hợp, chưa kể các bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Giới chức Thụy Sĩ vừa ban hành quy định phạt tù lên đến 5 năm đối với những người cố tình để bị lây nhiễm COVID-19 nhằm tạo miễn dịch tự nhiên. Quy định mới được đưa ra tại Thụy Sỹ sau khi xuất hiện thông tin một số người không muốn tiêm vaccine đã tổ chức các "buổi tiệc lây nhiễm" để lây lan virus với nhau nhằm mục đích có được giấy chứng nhận miễn dịch sau khi khỏi bệnh. 

Các bác sĩ cảnh báo, hành động này có thể dẫn đến tình trạng số ca mắc mới và tử vong tăng lên, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ viêm cơ tim khi tự lây nhiễm bệnh sẽ cao hơn 10 lần so với việc tiêm vaccine. Các buổi tiệc lây nhiễm bắt đầu xuất hiện sau khi Thụy Sĩ quy định chỉ có người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 mới được vào nhà hàng, quán bar và các cơ sở trong nhà từ ngày 20/12. Ngoài tình trạng tổ chức sự kiện siêu lây nhiễm, cơ quan chức năng Thụy Sĩ cũng phát hiện khoảng 8.000 giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 giả mạo tại bang St. Gallen.

Bộ Y tế New Zealand cho biết đã phát hiện thêm 7 ca nhiễm biến thể Omicron trong hai ngày qua, là những trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này lên 45 ca.

Trong hai ngày qua, New Zealand cũng ghi nhận thêm 136 ca mắc COVID-19, trong đó có 126 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 10 người nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 13.855 ca. Theo Bộ Y tế New Zealand, 91% người dân đủ điều kiện tiêm chủng đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19.

Iran đã quyết định đóng cửa biên giới đường bộ với các nước láng giềng trong 15 ngày nhằm phòng ngừa nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Theo đó, Tehran sẽ đóng cửa biên giới bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan, Azerbaijan, Pakistan và Armenia trong nửa tháng kể từ ngày 25/12. Trước đó, hôm 19/12 Iran đã phát hiện ca đầu tiên mắc biến thể Omicron là người trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tính đến ngày 25/12, có gần 60% dân số Iran đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19.

Ngày 26/12, Bộ Y tế Palestine thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại dải Gaza. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Majdi Dhair, một quan chức Bộ Y tế Palestine cho biết, bệnh nhân là một công dân bị nhiễm Omicron trong vùng lãnh thổ duyên hải này. Theo ông Dhair, điều này có nghĩa là biến thể Omicron đã xuất hiện ở Gaza và đang lây lan trong người dân nơi đây. Việc phát hiện ra ca nhiễm biến thể Omicron đặt ra một thách thức mới cho hệ thống y tế kém phát triển ở dải Gaza. Đến nay, Gaza với 2,2 triệu dân ghi nhận 189.837 ca mắc COVID-19 và 1.691 người tử vong.

Châu Âu ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, Trung Quốc có số ca nhiễm cộng đồng cao nhất trong 21 tháng - Ảnh 2.

Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 21 tháng qua. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Lào ngày 26/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 851 ca mắc mới COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 8 ca tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Lào, sau 6 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 chữ số, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số, giảm 156 ca so với ngày 25/12. Thủ đô Vientiane cũng ghi nhận số ca cộng đồng giảm 177 trường hợp so với ngày 25/12 nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 323 trường hợp trong một ngày. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 106.231 ca, trong đó có 325 người tử vong.

Trước tình hình trên, để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, Chính phủ Lào đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho người dân, tiêm mũi tăng cường cho các nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế, công an, bộ đội, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh đã được ban hành.

Bộ Y tế Indonesia thông báo, số ca nhiễm biến thể Omicron gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được phát hiện thông qua giải trình tự bộ gene tại nước này đã lên đến 46 người. Các ca nhiễm biến thể Omicron nói trên đều được phát hiện trong thời gian cách ly 10 ngày. Điều này cho thấy, thời hạn cách ly 10 ngày là phù hợp để ngăn biến thể Omicron lây lan ra bên ngoài các cơ sở cách ly.

Hôm 16/12, Indonesia công bố ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này là một nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện cấp cứu COVID-19 Wisma Atlet ở Jakarta.

Ngày 26/12, Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 21 tháng qua, trong đó, riêng số ca ở thành phố Tây An tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, Trung Quốc đại lục phát hiện thêm 158 ca lây nhiễm cộng đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 khi nước này nỗ lực khống chế dịch bệnh lây lan. Trong số ca lây nhiễm mới trong nước có đến 155 trường hợp ở thành phố Tây An. Địa phương với 13 triệu dân này đang là điểm nóng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc và đã bước vào ngày phong tỏa thứ 4.

Nếu tính cả ca nhập cảnh, Trung Quốc đại lục có 206 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, nước này có tổng cộng 101.077 người nhiễm bệnh, bao gồm 4.636 cư dân thiệt mạng.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc vừa hoàn thành việc phát triển bộ chẩn đoán PCR có khả thể xác định biến thể Omicron nhanh chóng. Cơ quan này tuyên bố, bộ xét nghiệm PCR mới có thể xác định được 5 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, bao gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta cùng biến chủng "tàng hình" Omicron. Theo cơ quan này, Hàn Quốc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới phát hiện được 5 biến thể chính trong một xét nghiệm PCR.

Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, thông thường với công nghệ giải trình tự gene hiện nay, phải mất từ 3 - 5 ngày để xác định có bị nhiễm biến thể Omicron hay không. Tuy nhiên, bộ xét nghiệm PCR mới có thể có kết quả phân tích trong vòng 3 - 4 tiếng kể từ sau khi một người bị nhiễm bệnh.

Bộ xét nghiệm mới sẽ được cung cấp cho 5 trung tâm kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trong khu vực và 18 viện nghiên cứu y tế cộng đồng, môi trường từ ngày 29/12.

Hãng Hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air đã được yêu cầu đình chỉ các chuyến bay tới Hong Kong trong vòng 2 tuần do một số hành khách trên chuyến bay tới Hong Kong hồi tuần trước bị phát hiện mắc COVID-19. Theo cơ quan y tế Hong Kong, sau khi đến đặc khu này hôm 25/12, 5 hành khách trên chuyến bay của Korean Air đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền Hong Kong đã ra quyết định đình chỉ các chuyến bay của Korean Air đến ngày 8/1/2022 nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Theo vtv.vn