Indonesia có ca mắc biến thể mới cộng đồng đầu tiên, 5 nước có tỷ lệ lây nhiễm Omicron cao nhất thuộc châu Âu
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 53,95 triệu ca mắc và hơn 841.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 130.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo giảm thời gian cách ly đối với những người bị nhiễm COVID-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. CDC Mỹ khuyến cáo, sau thời gian cách ly 5 ngày nói trên, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong 5 ngày tiếp theo để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Đối với những người đã tiêm vaccine COVID-19 và tiêm liều tăng cường, CDC Mỹ cho biết không cần phải cách ly nhưng nên đeo khẩu trang trong 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm.
New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, đã bắt đầu yêu cầu 184.000 doanh nghiệp trên địa bàn chứng minh toàn bộ nhân viên của họ đã tiêm phòng COVID-19. Nhân viên nào chưa tiêm bị cấm tới nơi làm việc. Doanh nghiệp có khả năng bị phạt từ 1.000 USD trở lên nếu không tuân thủ quy định.
Toàn bộ người dân thành phố tuổi từ 12 trở lên cũng phải trình bằng chứng đã tiêm vaccine mới được vào nhà hàng, phòng tập gym hay rạp chiếu phim. Trẻ em từ 5 đến 11 tuổi phải có chứng nhận tiêm ít nhất một liều vaccine để vào nhà hàng hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Con số ca mắc mới ở bang New York đang tăng vọt, đáng chú ý là số lượng nhập viện ở trẻ em tăng gấp 4 lần.
Thành phố New York sẽ tăng cường xét nghiệm cho học sinh trong bối cảnh số trẻ em phải nhập viện đang gia tăng tại đây, qua đó đảm bảo cho học sinh vẫn có thể tiếp tục đến trường và chỉ những em có kết quả xét nghiệm dương tính mới cần nghỉ ở nhà. Trước đây, chỉ cần một hoặc vài em dương tính với COVID-19 là cả lớp hoặc thậm chí cả trường sẽ phải cách ly và chuyển sang học trực tuyến. Thành phố New York có hệ thống trường công lớn nhất nước Mỹ với khoảng 1,1 triệu học sinh. Trong những ngày gần đây, số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 đã tăng gấp 5 lần.
Giới chức thành phố New York cho biết sẽ kiên quyết không quay lại chế độ cách ly hàng loạt hay học trực tuyến khiến trẻ em phải dừng tất cả các hoạt động học đường.Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 28/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,79 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 480.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp thêm hai loại vaccine COVID-19 và thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng Merck. Vaccine mới được phê duyệt mang tên Corbevax, do công ty Biological-E ở thành phố Hyderabad sản xuất, là loại vaccine tiểu đơn vị protein. Trong khi đó, vaccine Covovax, được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ ở thành phố Pune theo giấy phép của Novavax, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ, là loại vaccine dựa trên hạt nano. Thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir được cho là một loại thuốc đầy hứa hẹn cho những người mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, dễ sử dụng dưới dạng thuốc viên.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới với hơn 618.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Trong lúc số ca COVID-19 đang tăng mạnh trên toàn cầu, một số nước châu Âu đã ghi nhận những kỷ lục mới và buộc phải công bố các biện pháp hạn chế ngay sau lễ Giáng sinh. Giới chức Liên minh châu Âu lo ngại, dù phần lớn các nước đã nâng cao biện pháp phòng dịch nhưng nguy cơ làn sóng dịch mới sẽ bùng phát sau kỳ nghỉ lễ này vẫn còn cao, nhất là khi biến thể Omicron đã xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Theo hãng tin AFP, 5 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Omicron cao nhất thế giới trong tuần qua đều thuộc châu Âu. Đáng chú ý, Đan Mạch và Ireland tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát. Với hơn 16.000 ca nhiễm trong vòng 24 giờ, Đan Mạch lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt ngưỡng 15.000 trường hợp. Trong khi đó, Ireland có 672 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Từ khi dịch bùng phát cho đến giữa tháng 12 này, Ireland chưa từng ghi nhận quá 200 ca/ngày.
Châu Âu đang lo ngại nguy cơ bùng phát dịch sau kỳ nghỉ Giáng sinh. (Ảnh: AP)
Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào đúng dịp lễ Giáng sinh, khi số người mắc COVID-19 tăng rất mạnh trong suốt tuần qua. Theo số liệu của Cơ quan Y tế Pháp, đã có hơn 104.000 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 25/12. Đây là con số cao chưa từng có kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 ở nước này. Chính phủ Pháp đang tính đến phương án ứng phó với đợt bùng phát dịch mới, bao gồm yêu cầu người dân phải tiêm mũi vaccine tăng cường nếu muốn vào nhà hàng, quán cà phê hay những không gian công cộng khác, cũng như bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Italy, quốc gia đang chứng kiến số ca lây nhiễm tăng mạnh do biến thể Omicron, cũng đã đưa ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường.
Hà Lan đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt mới kể từ trước kỳ nghỉ lễ như đóng các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và ấn định thời gian các gia đình được đón khách cuối cùng trong ngày là 17h nhằm giảm thiểu nguy cơ ca nhiễm tăng đột biến hậu Giáng sinh xuống ít nhất có thể.
Kể từ ngày 27/12, các quy định mới bắt đầu có hiệu lực ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, theo đó hạn chế số lượng người có thể tụ tập tại quán rượu và nhà hàng, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện lớn trong đêm Giao thừa sắp tới.
Bồ Đào Nha cũng đã đóng cửa các quán bar và câu lạc bộ đêm đến hết ngày 9/1/2022 nhằm hạn chế lượng người tụ tập, giảm nguy cơ gây nên những ổ lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid xác nhận, Chính phủ nước này sẽ không đưa ra các biện pháp hạn chế mới ở vùng England cho đến trước năm mới 2022. Giới chức y tế Anh đang theo dõi số liệu về tình hình COVID "trên cơ sở hàng ngày", nhưng các quy định chống dịch hiện tại sẽ không thay đổi trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh khuyến cáo, người dân "duy trì thận trọng" khi đón năm mới.
Vào ngày 25/12, vùng England ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay với hơn 113.000 trường hợp dương tính với COVID-19. Hơn 89% dân số trên 12 tuổi tại Anh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 82% đã tiêm hai mũi. Hơn 56% đã tiêm mũi tăng cường.
Nhiều bang ở Australia đã yêu cầu điều chỉnh lại các quy định phòng dịch sau khi việc siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động lưu thông của người dân. Do xảy ra tình trạng quá tải ở nhiều điểm xét nghiệm tại bang New South Wales, chính quyền bang này đã kêu gọi bang Queensland chuyển từ xét nghiệm PCR bắt buộc sang xét nghiệm nhanh tại chỗ cho khách du lịch từ các bang khác. Chính quyền bang Queensland nhất trí sẽ xem xét, đồng thời sẽ bỏ quy định bắt du khách phải xét nghiệm vào thời điểm 5 ngày sau khi đến bang này.
Israel đã bắt đầu thử nghiệm tiêm mũi vaccine thứ tư tại một bệnh viện để đánh giá tác động của biện pháp này, trong khi Bộ Y tế nước này cân nhắc áp dụng trên toàn quốc. Vaccine được sử dụng là của Pfizer-BioNTech, với 150 tình nguyện viên là nhân viên của bệnh viện. Họ phải tiêm mũi 3 ít nhất được 4 tháng và kháng thể đã giảm. Thử nghiệm sẽ cho thấy mức tăng kháng thể sau mũi thứ tư, khả năng phản ứng bất lợi, và liệu mũi thứ tư có giảm nguy cơ nhiễm virus. Những người tham gia thử nghiệm sẽ được theo dõi trong 6 tháng.
Hiện Bộ Y tế Israel đang cân nhắc tiêm mũi vaccineCOVID-19 thứ tư cho nhân viên y tế và những người trên 60 tuổi do nguy cơ từ biến thể Omicron.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 28/12 cảnh báo, quốc gia Trung Đông này đang tiến gần tới một làn sóng lây nhiễm COVID-19 "chưa từng có" do biến thể Omicron gây ra. Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Israel đã siết chặt các quy định giãn cách xã hội để ngăn chặn biến thể Omicron, bao gồm việc kiểm tra nghiêm ngặt chứng nhận tiêm chủng đối với người ra vào các trung tâm thương mại. Theo thông báo của Bộ Y tế Israel, biến thể Omicron chiếm 50% tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại nước này.
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công nhận "chứng chỉ kỹ thuật số COVID" trên ứng dụng Mor Prom do Thái Lan cấp là tương đương với chứng chỉ của châu Âu. Đây là thông báo được người phát ngôn Chính phủ Thái Lan đưa ra. Quyết định trên sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2022. Việc EU công nhận chứng chỉ kỹ thuật số COVID của nước này sẽ cho phép người dân Thái Lan đến các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu và tham gia các hoạt động hoặc sử dụng các dịch vụ tại các nước này. Tuy nhiên, người dân Thái Lan được khuyến cáo nên tuân thủ các biện pháp y tế cũng như các yêu cầu về kiểm dịch của từng quốc gia ở EU.
Trước Thái Lan, Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên kết nối chứng chỉ số COVID của mình với hệ thống của Liên minh châu Âu.
Indonesia đã ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên trong cộng đồng. (Ảnh: AP)
Cơ quan chuyên trách phòng chống COVID-19 của thủ đô Vientiane (Lào) vừa ra thông báo yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm phục vụ những loại đồ uống có cồn tại các nhà hàng và tụ điểm giải trí khác, đồng thời nghiêm cấm việc tổ chức tụ tập, tiệc tùng dưới mọi hình thức để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022 sắp tới. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về sự bùng phát dịch do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra, trong khi tình hình dịch bệnh ở Lào vẫn diễn biến khá phức tạp.
Bộ Y tế Lào ngày 28/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 962 ca mắc mới COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 14 người tử vong. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 500 ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 107.740 ca, trong đó có 342 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia cho biết, nước này đặt mục tiêu tự sản xuất thuốc thử nhằm phát hiện biến thể Omicron. Điểm khác biệt giữa xét nghiệm PCR thông thường và PCR xác định biến thể lây nhiễm nằm ở thuốc thử đặc biệt. Bộ Y tế Indonesia đang hợp tác với các trường đại học để sản xuất những sản phẩm trong nước và hy vọng trong vòng chưa đầy ba tháng nữa sẽ phát triển được thuốc thử dùng trong xét nghiệm Omicron. Kỹ thuật xét nghiệm này chỉ mất từ 4-6 giờ và dự kiến có giá thành rẻ.
Giới chức nước này ngày 28/12 cho biết đang tiến hành truy vết tiếp xúc sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Ca nhiễm đầu tiên này là một người đàn ông 37 tuổi, đã đến một nhà hàng tại quận trung tâm ở thủ đô Jakarta vào đầu tháng 12. Người đàn ông này không ra nước ngoài hay tiếp xúc với du khách nước ngoài trong thời gian gần đây. Người này không có triệu chứng mắc bệnh và đang được cách ly tại một bệnh viện ở thủ đô. Hiện Indonesia đã có tổng cộng 47 ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron, nhưng hầu hết là các ca nhập cảnh.
Bộ Y tế Malaysia cùng ngày đã quyết định rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin nêu rõ, Ủy ban triển khai mũi tiêm tăng cường khuyến nghị tất cả những người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca nên tiêm nhắc lại sau 3 tháng kể từ liều thứ hai.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay Malaysia đã phát hiện 62 ca nhiễm biến thể Omicron, phần lớn liên quan đến những người trở về nước sau khi đi du lịch nước ngoài.
Bộ trưởng Y tế Malaysia, ông Khairy Jamaluddin cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 8 nước châu Phi, những nơi đầu tiên thông báo ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Lý do cho quyết định trên là biến thể mới đã lây lan trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ riêng ở các nước châu Phi này.
Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang gây lo ngại sẽ gây ra làn sóng dịch COVID19 thứ 6 tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát sự lây lan của biến chủng mới. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được triển khai linh hoạt nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng đưa ra các biện pháp phòng dịch linh hoạt cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới, quy chế phòng thi sẽ được điều chỉnh.
Ngày 28/12, giới chức y tế đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo siết chặt quy định cách ly với thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận chuyển hàng hóa để giảm thiểu nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Hong Kong đã phát hiện hàng chục ca nhiễm biến thể mới nhờ xét nghiệm thường xuyên trong khu cách ly, nhưng chưa có ca lây nhiễm cộng đồng nào trong những tháng gần đây. Nhiều ca mắc mới do biến thể Omicron được phát hiện trong nhóm các thành viên phi hành đoàn. Hầu hết các ca mắc mới ghi nhận gần đây trong nhóm các thành viên phi hành đoàn đều được xác nhận trong 3 ngày đầu tiên sau khi trở về.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình
- Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Khen thưởng 113 tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2024
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Dự chương trình tết sum vầy với đoàn viên, người lao động
- Trên 978.500 đại biểu tham gia hội nghị quán triệt, triển khai về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Toàn văn: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước