Chủ nhật, 28/07/2024, 03:30[GMT+7]

Australia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay

Thứ 5, 30/12/2021 | 07:58:21
1,231 lượt xem
Tính đến sáng sớm nay, thế giới ghi nhận hơn 283 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 5,4 triệu trường hợp tử vong.

Người dân bang New South Wales đổ xô đi xét nghiệm khi bang này liên tục phá vỡ các kỷ lục về ca mắc Covid-19 mới trong ngày.

Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận 1.042 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 13 ca tử vong. Bộ Y tế Lào cho biết, sau 3 ngày tăng ở mức ba chữ số, số ca mắc mới tại nước này trong ngày 29/12 lại tăng lên 4 chữ số, phản ánh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, tổng số ca mắc tại Lào là 108.782 ca, trong đó có 355 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận 5.409 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 5.283 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày đầu tiên trong 3 ngày qua, số ca mắc mới tại Hàn Quốc vượt trên 5.000 ca/ngày. Trong 24 giờ qua Hàn Quốc có 109 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 558 ca. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp Năm mới, Hàn Quốc đã áp đặt các biện pháp phòng dịch điều chỉnh trên cả nước như hạn chế các sự kiện tập trung đông người, giảm thiểu số người tụ tập tại khu vực thủ đô và các địa phương trên cả nước, cũng như giảm giờ hoạt động của các cơ sở dịch vụ. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 2/1. Dự kiến, trong ngày 31/12, Hàn Quốc sẽ công bố quyết định về việc có hay không gia hạn quy định này.

Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 502 ca mắc mới trong ngày 29/12, đánh dấu lần đầu chỉ số này vượt mức 500 trong 2 tháng qua và gây lo ngại cho cộng đồng trong bối cảnh nhiều hoạt động đi lại tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 76 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ giữa tháng 10. Dù số ca mắc mới ở thủ đô và nhiều nơi khác bắt đầu tăng nhưng tổng số ca mắc mới nhìn chung còn thấp. Tại Tokyo, số ca mắc mới trong 7 ngày gần nhất là trung bình 44,9 ca/ngày, tăng 57% so với 7 ngày trước đó. Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp khẩn cấp về kiểm soát biên giới để ngăn chặn biến thể Omicron được áp dụng từ ngày 29/11, trong đó có việc không cấp phép nhập cảnh mới đối với người nước ngoài đến từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ. Theo đó, các biện pháp kiểm soát biên giới, dự kiến sẽ chỉ có hiệu lực tới ngày 31/12/2021, sẽ "tiếp tục có hiệu lực trong thời gian tới".

Australia ngày 29/12 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do sự lây lan của biến thể Omicron. Trong 24 giờ qua, Australia có thêm 16.500 ca mắc mới, cao hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 11.300 ca trong ngày 28/12. Số ca mắc mới tại New South Wales - bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến thể Omicron, tăng gần gấp đôi lên trên 11 nghìn ca so với mức hơn 6 nghìn ca một ngày trước đó. Hiện, Australia đang phải vật lộn đối phó với làn sóng lây nhiễm Omicron. Chính phủ Australia cho biết, sẽ rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống còn 4 tháng bắt đầu từ ngày 4/1 tới, đồng thời siết chặt một số hạn chế, trong đó có quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm trong nhà.

Australia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 1.

Khách du lịch thoải mái nghĩ dưỡng sau khi chính phủ thiết lập điểm tiêm chủng lưu động tại Benidorm, Tây Ban Nha, ngày 17/11. Ảnh: Reuters


Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ mắc COVID-19 đã vượt 1.000 ca trên 100 nghìn người lần đầu tiên, do biến thể Omicron lan nhanh. Tỷ lệ được theo dõi trong hơn 14 ngày đã tăng lên 1.206 ca trên 100 nghìn người sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, theo Bộ Y tế Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các bệnh viện không bị lâm vào tình trạng căng thẳng như trong các làn sóng dịch trước. Số ca tử vong toàn quốc chưa đến 100 ca/ngày. Thủ tướng Tây Ban Nha cho rằng nguyên nhân là tỷ lệ tiêm vaccine cao. Hiện gần 80% dân số Tây Ban Nha đã tiêm 2 mũi vaccine và chương trình tiêm tăng cường đang được thúc đẩy.

Tại Hà Lan xác nhận biến thể Omicrontrở nên phổ biến ở quốc gia này, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng số người nhập viện. Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan cho biết mặc dù mức độ lây nhiễm đã giảm xuống 9.213 trường hợp mắc bệnh ngày 28/12, nhưng khả năng lây nhiễm mạnh của biến thể Omicron sẽ dẫn đến các trường hợp nhiễm mới trong những ngày tới và gia tăng số người nhập viện.

Tương tự, Omicron hiện là biến thể chủ đạo gây COVID-19 tại Thụy Sĩ và thậm chí đã khiến những người từng tiêm liều vaccine tăng cường cũng phải nhập viện điều trị. Thụy Sĩ hiện là một trong số những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất châu Âu, trong đó mức độ lây nhiễm trong những người ở độ tuổi 20 là nghiêm trọng nhất. Ngày 28/12, Thụy Sĩ ghi nhận hơn 13.000 trường hợp mắc mới. Con số này dự kiến sẽ đạt 20.000 ca/ngày vào tháng tới. Tính đến nay, đất nước 8,6 triệu dân này đã có hơn 1,27 ca mắc. Khoảng 67% dân số nước này đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản, 22% dân số đã tiêm mũi thứ ba.

Phần Lan thông báo cấm nhập cảnh đối với những du khách chưa tiêm phòng. Theo đó, chỉ những du khách nước ngoài có xét nghiệm âm tính với virus và có giấy chứng nhận đã hoàn tất tiêm chủng cơ bản vaccine phòng bệnh hoặc đã từng mắc căn bệnh này mới được phép nhập cảnh. Những trường hợp chưa tiêm chủng ngừa COVID-19 sẽ không được nhập cảnh Phần Lan, trừ khi họ là công dân của nước này, những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu và các nhà ngoại giao. Quy định mới trên cũng sẽ được áp dụng cả với các công dân Liên minh châu Âu (EU) muốn tới Phần Lan.

Đức cũng siết chặt các quy định trên toàn quốc, ngay cả đối với những người đã tiêm chủng và phục hồi sau khi mắc, nhằm kiềm chế sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, các cuộc tụ họp của những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc giới hạn ở mức tối đa 10 người. Những người chưa tiêm chủng có thể tụ họp với tối đa hai người khác ngoài gia đình. Những quy định này không áp dụng đối với trẻ dưới 14 tuổi. Ngoài ra, các hoạt động tụ tập đón Giao thừa và bắn pháo hoa trong những ngày cuối năm sẽ bị cấm trên toàn quốc.

Theo vtv.vn