Thứ 5, 28/11/2024, 16:48[GMT+7]

Số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ tăng lên mức cao chưa từng thấy, Trung Quốc cơ bản kiểm soát ổ dịch ở Tây An

Thứ 6, 07/01/2022 | 09:25:08
3,064 lượt xem
Đến sáng 7/1, thế giới có trên 299,79 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,48 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 299,79 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 59,1 triệu ca mắc và hơn 854.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 324.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca mắc hàng ngày ở mức cao chưa từng thấy do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (CDC) Mỹ đã đề xuất tiêm mũi tăng cường với vaccine của Pfizer cho nhóm tuổi từ 12 -15, mở đường cho những mũi tiêm đầu tiên có hiệu lực vào sáng 6/1 (theo giờ địa phương). Một hội đồng chuyên gia của CDC đã bỏ phiếu đề xuất việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Pfizer sau khi xem xét dữ liệu vào ngày 5/1. Giám đốc CDC Rochelle Walensky là người ký cuối cùng vài giờ sau đó.

Sau kỳ nghỉ đông kéo dài hơn 10 ngày, các trường học Mỹ một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục đóng cửa khi biến thể mới Omicron bùng phát. Và thực tế là nhiều trường đã phải trì hoãn thời gian đón học sinh trở lại lớp. Hơn 3.200 trường công lập trên khắp nước Mỹ cũng đã phải đóng cửa trong tuần này khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh sau kỳ nghỉ đông kéo dài. Tuần trước, có hơn 126.000 ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em, con số cao nhất ở Mỹ kể từ đầu đại dịch và cao gấp đôi so với hai tuần trước đó

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 6/1, nước này ghi nhận 90.928 ca mắc mới, tăng gấp gần 4 lần kể từ đầu năm. Số trường hợp nhiễm mới này chủ yếu đến từ các thành phố nơi biến thể Omicron đã vượt qua biến chủng Delta. Các quan chức y tế Ấn Độ cho biết, phần lớn những người bị nhiễm không có hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ và đã nhanh chóng hồi phục tại nhà.

Bộ Y tế liên bang Ấn Độ đã xác định, Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai và Bengaluru là một số khu vực cần được quan tâm chính, mặc dù giới chức các bang lo ngại, dịch bệnh sẽ sớm lan đến vùng nông thôn, nơi có hệ thống cơ sở y tế yếu kém. Đến nay, tổng cộng trên 35,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 482,800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 619.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu 22,35 người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Brazil thông báo, nước này sẽ triển khai việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11 trên cơ sở tự nguyện, đồng thời hủy kế hoạch tiêm chủng phải có chỉ định của bác sĩ.

Anh đang duy trì quan điểm sống chung với dịch khi tiếp tục nới lỏng các quy định phòng dịch bất chấp tỷ lệ mắc COVID-19 đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Số liệu chính thức của Chính phủ Anh công bố cho thấy, cứ 15 người Anh thì có hơn một người mắc COVID-19. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát. Thủ đô London ghi nhận tỷ lệ mắc cao nhất với tỷ lệ cứ 10 người có 1 người dương tính.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson tiếp tục tuyên bố nới lỏng các quy định phòng dịch. Theo đó kể từ ngày 7/1, người đã tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần phải làm xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào Anh. Và từ ngày 9/1, thay vì phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai sau khi nhập cảnh, những người tới Anh sẽ chỉ cần làm xét nghiệm nhanh.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ tăng lên mức cao chưa từng thấy, Trung Quốc cơ bản kiểm soát ổ dịch ở Tây An - Ảnh 1.

Anh sẽ tiếp tục nới lỏng các quy định phòng dịch. (Ảnh: AP)

Vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi và vaccine dành cho trẻ em sẽ được lưu hành ở Nga trong năm nay. Đây là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia dịch tễ học và vi sinh Gamaley của Nga. Trước mắt, người dân Nga có thể sẽ được tiếp cận loại vaccine Sputnik V dạng xịt mũi, loại vaccine này có thể xâm nhập hiệu quả vào vòm hầu họng bạch huyết để hình thành phản ứng miễn dịch cục bộ, tạo ra một lớp bảo vệ hệ hô hấp trên vốn là nơi virus thường xâm nhập đầu tiên.

Trong khi đó, vaccine "Sputnik M", loại vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em, sẽ được lưu hành trong 6 tháng tới. Ngoài ra, vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) cũng có thể được phê duyệt tại Nga.

Số ca nhập viện do COVID-19 ở Đức đang có xu hướng giảm, ngay cả khi số ca mắc mới tiếp tục tăng và biến thể Omicron ngày càng phổ biến. Theo số liệu tại Đức, số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục buồn kể từ đầu tháng 12, trong đó số ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng mạnh với hơn 35.000 trường hợp. Mặc dù số ca trung bình tháng 12 cao hơn 88% so với một năm trước nhưng số người nhập viện ở Đức hiện thấp hơn khoảng 36% so với cùng thời điểm vào năm 2021.

Tác dụng của tiêm chủng với số ca nhập viện thể hiện rõ nhất ở những nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, những người chưa được tiêm vaccine có nguy cơ nhập viện cao hơn nhiều so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc tăng cường.

Quốc hội Pháp ngày 6/1 đã thông qua dự luật chuyển "Giấy thông hành y tế" thành "Thẻ vaccine". Mục tiêu là nhằm siết chặt các hạn chế xã hội đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, khoảng 5 triệu công dân Pháp từ 12 tuổi trở lên nếu chưa tiêm vaccine sẽ không được phép đến các địa điểm giải trí như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim… hay sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Dự luật cũng có điều khoản tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng giấy thông hành y tế giả, coi đây là hành vi cố ý gây nguy hiểm cho cộng đồng. Dự luật "Thẻ vaccine" sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện Pháp vào đầu tuần tới.

Với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao, số ca nhiễm COVID- 19 mới hàng ngày ở Australia đã tăng lên mức đỉnh điểm vào ngày 6/1 với 72.508 trường hợp. Thực trạng trên đã khiến các bệnh viện bị quá tải. Trong khi đó, những quy định về cách ly đã dẫn đến sự thiếu hụt lao động, gây căng thẳng cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng tại Australia.

Trước tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19, Thủ tướng Scott Morrison ngày 6/1 khẳng định, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang chịu trách nhiệm đảm bảo cung cấp các xét nghiệm kháng nguyên nhanh và sẽ thực hiện cam kết này. Thủ tướng Morrison cho biết, Australia sẽ có 200 triệu bộ xét nghiệm nhanh vào tuần tới. Tuy nhiên, chỉ những nhóm đối tượng được ưu tiên bao gồm khoảng hơn 6 triệu người mới được cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm này, với số lượng 10 bộ trong vòng 3 tháng.

Ngày 6/1, Thái Lan đã nâng mức cảnh báo COVID-19 sau khi số ca nhiễm bệnh tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Omicron ở nước này. Đây là thông tin do quan chức y tế cấp cao Thái Lan cho biết. Cụ thể, Thái Lan đã nâng mức cảnh báo COVID-19 từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Theo đó, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khả thi có thể được áp đặt thực hiện theo, chẳng hạn như đóng cửa các khu vực có nguy cơ cao và đưa ra những hạn chế đối với việc đi lại trong nước hoặc tụ tập nơi công cộng.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Thái Lan tăng mạnh kể từ đầu năm 2022. Thái Lan đã báo cáo 5.775 trường hợp mắc mới vào ngày 6/1, tăng 48% so với ngày trước đó và cao gần gấp đôi số trường hợp nhiễm mới vào ngày 1/1. Chính quyền Thái Lan lo ngại, số ca mắc mới hàng ngày có thể tăng lên hàng chục nghìn trường hợp.

Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm hai liều vaccine COVID-19 cho khoảng 69,1% dân số ước tính khoảng 72 triệu người, nhưng mới chỉ có 10,9% số dân Thái Lan được tiêm nhắc lại.

Trước làn sóng biến thể Omicron đang gia tăng và sự hối thúc của các tổ chức xã hội Malaysia về khả năng cấm công dân ra nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Y tế nước này Khairy Jamaluddin khẳng định sẽ tiếp tục ứng phó theo cách thức phù hợp, có hiệu chỉnh và không sử dụng biện pháp cực đoan như đóng cửa biên giới. Hiệp hội Y khoa Malaysia ngày 6/1 cũng lên tiếng phản đối việc đóng cửa biên giới quốc tế như một cách để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 sau khi phát hiện đa số ca nhiễm biến thể Omicron là từ những người Malaysia hành hương trở về.

Tính đến ngày 4/1, Malaysia đã phát hiện 122 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 54 người là du khách nước ngoài. Ngày 6/1, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết, Cơ quan Kiểm soát dược phẩm (PBKD) của nước này đã phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ tăng lên mức cao chưa từng thấy, Trung Quốc cơ bản kiểm soát ổ dịch ở Tây An - Ảnh 2.

Tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Philippines tăng lên mức cao nhất 36,9%. (Ảnh: AP)

Philippines ngày 6/1 thông báo tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên mức cao nhất là 36,9% và nước này đã ghi nhận 17.220 ca mắc mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 2.888.917 trường hợp. Bộ Y tế Philippines cũng cho biết, hiện có 43 người nhiễm biến thể Omicron đã được xác nhận, tăng 29 trường hợp. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 51.743 bệnh nhân sau khi có thêm 81 người không qua khỏi.

Các biến thể Omicron và Delta có khả năng lây truyền cao đang khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh tại Philippines. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng trên cả nước và ở Vùng đô thị Manila. Để ngăn dịch bệnh lây lan, Chính phủ nước này đã cấm tụ tập đông người và kêu gọi người dân khẩn trương đi tiêm chủng.

Bộ Y tế Lào ngày 6/1 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.083 ca mắc mới COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 2 người tử vong do COVID-19. Sau 4 ngày giảm xuống mức 3 chữ số, số mắc mới trong ngày 6/1 tại nước này lại tăng lên 4 chữ số, tăng 247 trường hợp so với ngày 5/1. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 347 ca cộng đồng trong một ngày.

Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 115.870 ca, trong đó có 411 người tử vong.

Bộ Y tế Nhật Bản thông báo quyết định cho phép người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tự cách ly ở nhà trong một số trường hợp nhất định. Theo đó, các địa phương có thể cho phép người nhiễm biến thể Omicron cách ly tại nhà với điều kiện địa phương đó đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho việc điều trị tại nhà như có thuốc chữa COVID-19 dạng uống.

Ngoài ra, tất cả những người có tiếp xúc gần với người nhiễm biến thể Omicron cũng có thể tự cách ly ở nhà nếu tỷ lệ sử dụng giường ở các bệnh viện hoặc cơ sở lưu trú chỉ định dành cho bệnh nhân COVID-19 vượt quá 50% trong 3 tuần.

Thủ đô Tokyo thông báo có thêm 641 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6/1, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ ngày 18/9/2021. Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6 khi số ca mắc mới tăng vọt giữa lúc biến thể Omicron lây lan mạnh. Số ca mắc mới hàng ngày của Tokyo đã tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong 3 ngày kể từ khi chạm mốc 103 vào ngày 3/1, lần đầu tiên chạm ngưỡng 3 chữ số trong khoảng 3 tháng qua. Trên toàn quốc, lần đầu tiên số ca mắc mới hàng ngày ở Nhật Bản vượt mốc 4.000 người là vào ngày 18/9/2021.

Số ca mắc mới COVID-19 của Hàn Quốc trong ngày 6/1 vượt 4.000 ca ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh nước này duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn do lo ngại về sự tái bùng phát dịch và sự lây lan của biến thể Omicron. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nước này ngày 6/1 có thêm 4.123 ca mắc mới, gồm 3.931 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 635.792 ca, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp số người nhiễm mới ngày ở mức trên 4.000 với 4.443 ca ghi nhận ngày trước đó.

Hàn Quốc cũng thông báo thêm 49 ca tử vong, đưa tổng số người thiệt mạng lên 5.887. Con số này thấp hơn 57 ca tử vong ngày trước đó và tỉ lệ tử vong là 0,9%.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cơ bản được kiểm soát được ổ dịch COVID-19 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Số ca nhiễm cộng đồng tại Tây An đã gần như về 0. Thành phố Tây An ngày 6/1chỉ ghi nhận 63 ca nhiễm mới COVID-19, đều là các trường hợp tại các khu cách ly, phong tỏa sau hơn 2 tuần thắt chặt các biện pháp hạn chế. Mặc dù đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh nhưng giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp hạn chế phòng dịch. Tất cả các chuyến bay quốc tế tại sân bay quốc tế Hàm Dương, Tây An đã bị tạm dừng từ ngày 5/1. Các chuyến bay nội địa đã bị đình chỉ trước đó.

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ. Theo đó, các chuyến bay chở khách từ 8 quốc gia nói trên sẽ không được phép hạ cánh tại Hong Kong (Trung Quốc) và những người đã ở lại các quốc gia này sẽ không được phép lên các chuyến bay tới Hong Kong (Trung Quốc), bao gồm cả các chuyến bay quá cảnh.

Ngoài ra, kể từ 7/1, Hong Kong (Trung Quốc) sẽ cấm ăn tối trong nhà hàng sau 18 giờ, đóng cửa một số khu vui chơi giải trí. Các sự kiện lớn sẽ bị hủy trong thời gian từ ngày 7/1 - 20/1. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong hai tuần, kể từ ngày 8/1.

Theo vtv.vn