Thứ 4, 15/01/2025, 05:31[GMT+7]

Ngày thứ 7 liên tiếp Philippines ghi nhận hơn 30 nghìn ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày

Thứ 3, 18/01/2022 | 08:01:05
1,059 lượt xem
Tính đến sáng 18/1, thế giới ghi nhận 329 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 5,55 triệu trường hợp tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Manila, Philippines ngày 14/1.

Philippines hôm qua đã ghi nhận hơn 37 nghìn ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 3,2 triệu ca. Đây là ngày thứ bảy liên tiếp Philippines ghi nhận hơn 30 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Trong khi đó, số trường hợp nhập viện do COVID-19 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là gần 291 nghìn ca.

Philippines đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ tư trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tiếp lập đỉnh trong những ngày gần đây. Nguyên nhân là do người dân di chuyển nhiều, việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch chưa đầy đủ và các biến thể Omicron và Delta lây lan nhanh.

Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 6.929 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn so với 8.077 ca một ngày trước đó. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 2.331.414 ca mắc COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 21.938 người ở Thái Lan, trong đó có 240 người được ghi nhận kể từ đầu năm 2022.

Bộ Y tế Lào ngày 17/1 cho biết trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 602 ca mắc mới, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 2 ca tử vong. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Lào chỉ ở mức 3 con số, sau khi vọt lên trên 1.000 ca vào ngày 14/1 vừa qua. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 125.333 ca, trong đó có 497 ca tử vong. Trong bối cảnh Lào sắp bước vào giai đoạn có nhiều lễ hội, Bộ Y tế Lào khuyến cáo người dân giảm quy mô các lễ hội và chỉ thực hiện nghi thức truyền thống nhằm hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Ngày thứ 7 liên tiếp Philippines ghi nhận hơn 30 nghìn ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)


Cùng ngày, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận 3.859 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 696.032 ca. Con số này đã giảm xuống dưới 4.000 ca sau khi số lượng xét nghiệm giảm đi trong cuối tuần qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 6.333 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm đột phá ở nước này đang tăng mạnh và đến nay ghi nhận tổng cộng 199.749 ca, là những trường hợp vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm phòng COVID-19.

Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 đang lây lan nhanh ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, buộc chính phủ nước này phải cân nhắc khả năng đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm. Ngày 16/1, Nhật Bản ghi nhận 25.658 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh 26.924 ca được ghi nhận vào ngày 23/8/2021. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày. Đáng chú ý, số ca mắc mới ở Tokyo lên tới 4.172 ca, tăng gấp 3,4 lần so với một tuần trước đó, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 đã gần chạm ngưỡng 20%, ngưỡng mà chính quyền thủ đô sẽ phải yêu cầu chính quyền trung ương cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Ngoài Tokyo, nhiều tỉnh ở khu vực phía Tây như Osaka, Hyogo và Hiroshima và tỉnh Fukuoka ở phía Tây Nam đều ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục, tương ứng 3.760, 1.343, 1.280 và 1.290 ca.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHS) ngày 17/1 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 223 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Theo NHS, trong số các ca mắc mới trên có 163 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 60 ca nhập cảnh. Như vậy, tính đến hết ngày 16/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 105.087 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong. Một số thành phố tại Trung Quốc đang căng mình ứng phó với các đợt bùng phát dịch COVID-19 liên quan các biến thể Omicron và Delta, trong bối cảnh chỉ còn hơn nửa tháng nữa Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ chính thức khởi tranh.

Ngày thứ 7 liên tiếp Philippines ghi nhận hơn 30 nghìn ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày - Ảnh 2.

Chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN


Tại châu Âu, Viện Robert Kock (RKI) của Đức ngày 17/1 thông báo tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 ngày ở nước này tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục, với 528,2 ca/100.000 dân, tăng mạnh so với tỷ lệ 375,7 ca hồi tuần trước. RKI vừa ghi nhận 34.145 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, cao hơn khoảng 8.900 ca so với mức ghi nhận hồi tuần trước. Hôm 14/1 vừa qua, số ca mắc mới ở Đức lần đầu vượt ngưỡng 90.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát. Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo tình hình dịch bệnh ở nước này trong những tuần tới sẽ diễn biến rất phức tạp do làn sóng lây lan biến thể Omicron. Ông dự báo sẽ có thêm hàng trăm nghìn ca mắc COVID-19 trở nặng và hàng nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.

Quốc hội Pháp đã thông qua lần cuối các biện pháp phòng dịch mới nhất của chính phủ. Đáng chú ý là việc áp dụng thẻ thông hành vaccine. Theo đó, người dân Pháp phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine khi vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và tàu hỏa đường dài. Hiện nay, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể vào những địa điểm trên nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Pháp đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 5 với số ca nhiễm mới theo ngày thường xuyên ở mức hơn 300 nghìn ca. Tính đến nay, gần 78% dân số Pháp đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết tính đến tối 16/1, số ca mắc COVID-19 trong khu vực đã lên tới 10.327.787 ca. Số ca tử vong do COVID-19 là 234.267 ca trong khi số bệnh nhân phục hồi là 9.224.148 ca. Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ethiopia nằm trong số những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất châu lục. Cụ thể, tính đến tối 16/1, Nam Phi ghi nhận 3.556.633 ca mắc COVID-19, mức cao nhất châu lục, tiếp đến là Maroc với 1.045.250 ca. CDC châu Phi cho biết xét theo số ca nhiễm, miền Nam châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19, tiếp theo là các khu vực miền Bắc và miền Đông châu Phi, trong khi Trung Phi là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất.

Theo vtv.vn