Thứ 4, 15/01/2025, 05:58[GMT+7]

Số ca mắc mới ở nhiều nước châu Âu cao kỷ lục, số người tử vong có thể tăng do Omicron lây lan nhanh

Thứ 4, 19/01/2022 | 07:54:56
575 lượt xem
Đến sáng 19/1, thế giới có trên 333,57 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 333,57 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 67,95 triệu ca mắc và hơn 875.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 194.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số ca mắc mới COVID-19 tại các viện dưỡng lão ở nước này đang tăng lên mức cao mới trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron trên toàn nước Mỹ. Trong tuần kết thúc hôm 9/1 vừa qua, các viện dưỡng lão ghi nhận hơn 32.000 ca mắc mới, tăng gấp gần 7 lần so với cách đây một tháng. Ngoài ra, có tổng cộng 645 ca tử vong vì COVID-19 tại các viện dưỡng lão được ghi nhận trong cùng thời gian trên, tăng 30% so với tuần trước đó. Các chuyên gia y tế bày tỏ quan ngại rằng, số ca tử vong có thể tiếp tục tăng khi biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên toàn nước Mỹ.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 18/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 37.600 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 486.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19. Ấn Độ trong 24 giờ qua đã ghi nhận hơn 238.000 ca nhiễm mới và 162 người tử vong.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 621.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 23 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 18/1, Nga thông báo có thêm 31.252 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 6/12/2021, đưa tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước lên hơn 10,86 triệu trường hợp. Ủy ban phòng chống dịch COVID-19 của Nga cũng ghi nhận thêm 688 ca tử vong trong ngày qua, nâng tổng số người không qua khỏi lên 322.687 bệnh nhân. Trong khi đó, có thêm 24.564 ca khỏi bệnh, đưa tổng số bệnh nhân phục hồi lên 9.902.935 người.

Thủ đô Moscow là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất với 8.342 ca mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 28/10/2021. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cùng ngày cho biết, đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 1.682 ca mắc biến thể Omicron ở 42 khu vực. Theo số liệu chính thức mới nhất, khoảng 80 triệu người Nga đã tiêm ít nhất một liều vaccine tính đến ngày 14/1 và khoảng 77 triệu người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Romania chứng kiến số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong 3 tháng qua. Với 16.760 ca ghi nhận trong ngày 18/1, số ca mới trong ngày tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước và tiến gần đến mốc cao kỷ lục 18.863 ca hồi tháng 10/2021. Tuy nhiên số ca nhập viện vẫn tương đối thấp.

Ở cao điểm làn sóng dịch thứ 4 hồi cuối tháng 10 và tháng 11/2021, Romania đứng đầu các danh sách toàn cầu về số ca tử vong mỗi ngày/1 triệu dân. Dịch COVID-19 đã làm gần 60.000 người tử vong tại đất nước 20 triệu dân này. Romania là quốc gia tiêm vaccine COVID-19 ít thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) với chỉ gần 41% dân số được tiêm đủ liều.

Số ca mắc mới ở nhiều nước châu Âu cao kỷ lục, số người tử vong có thể tăng do Omicron lây lan nhanh - Ảnh 1.

Ngày 18/1, Nga thông báo có thêm 31.252 ca mắc mới COVID-19. (Ảnh: AP)


Bộ Y tế Bulgaria ngày 18/1 cho biết, trong 24 giờ qua, số ca mới lên đến mốc cao kỷ lục 9.996 ca, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 830.604 trường hợp. Mốc cao kỷ lục về số ca trong ngày trước đó là 7.062 vào ngày 12/1/2021. Về tình hình tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu, Bulgaria là thành viên tiêm ít nhất EU với chỉ 28,3% dân số hoàn thành các mũi tiêm cơ bản.

Ngày 18/1, Australia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao chưa từng có tại nước này. Biến thể Omicron đang khiến dịch lây lan với tốc độ nhanh , khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện cũng tăng kỷ lục. Nước này có thêm 74 ca tử vong vì COVID-19 tại 3 bang đông dân nhất là New South Wales, Victoria và Queensland, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 trên cả nước lên 2.757 trường hợp .

Đợt bùng phát dịch hiện nay tại Australia được nhận định là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Số người phải nhập viện và phải điều trị tích cực nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện. Giới chức y tế Australia cảnh báo, những người trẻ tuổi chưa tiêm phòng COVID-19 sẽ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các ca bệnh phải nhập viện tại Australia.

Pháp ngày 19/1 ghi nhận số ca mắc mới/ngày cao chưa từng thấy với 464.769 trường hợp. Số ca mắc COVID-19 nhập viện cũng tăng cao nhất kể từ tháng 11/2020, trước khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai tại nước này. Cụ thể, số ca mắc COVID-19 nhập viện đã tăng 888 ca lên 25.775 người. Số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị trong bệnh viện cao nhất trước đó là hơn 25.000 ca ghi nhận ngày 17/12/2020. Viện nghiên cứu Pasteur tuần trước cho biết, đơn vị này từng dự báo, số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 1, tiếp đó số ca nhập viện sẽ lập đỉnh vào nửa cuối tháng này.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 đã bùng phát tại Ba Lan và số ca mắc mới sẽ có thể sớm tăng lên các mốc cao kỷ lục. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielski nêu rõ, Ba Lan đang phải đương đầu với làn sóng dịch thứ 5. Giới chức y tế dự báo, số ca mắc mới sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 2 tới với khoảng 60.000 ca/ngày.

Ba Lan ngày 18/1 ghi nhận 19.652 ca mắc mới và 377 người tử vong vì COVID-19. Đến nay, tổng cộng trên 4,34 triệu ca mắc và 102.686 người tử vong vì COVID-19 đã được ghi nhận ở nước này.

Bộ Y tế Canada đã phê duyệt thuốc kháng virus điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer có tên là Paxlovid. Paxlovid là thuốc điều trị COVID-19 đường uống đầu tiên có thể được sử dụng tại nhà. Trong bối cảnh nguồn cung Paxlovid đang vô cùng hạn chế, Canada ưu tiên sử dụng thuốc này cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất, bao gồm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng và nhóm trên 60 tuổi chưa được tiêm chủng.

Người bị nhiễm COVID-19 bắt đầu uống Paxlovid trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, Paxlovid giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 sinh sôi, có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ phải nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Israel sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với các bệnh nhân COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày với điều kiện không có triệu chứng của bệnh. Quyết định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/1. Theo đó, những người đã tiêm vaccine sẽ cần có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vào ngày thứ 4 và thứ 5 để có thể kết thúc cách ly. Những người chưa tiêm vaccine cần tiến hành xét nghiệm vào ngày thứ 5 tại cơ sở y tế.

Thủ tướng Israel Bennett cho biết, quyết định này một mặt tiếp tục bảo đảm sức khỏe cộng đồng, mặt khác giúp duy trì nền kinh tế. Theo Bộ Y tế Israel, 3 ngày đầu tiên nhiễm bệnh là giai đoạn dễ truyền bệnh nhất.

Kết quả sơ bộ của một nghiên cứu do Trung tâm Y tế Sheba của Israel tiến hành cho thấy, liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 không đủ để bảo vệ trước biến thể Omicron. Có sự gia tăng kháng thể sau khi tiêm liều vaccine thứ 4, cao hơn mức của liều thứ 3. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều người đã tiêm liều vaccine thứ 4 vẫn bị nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, có thể thấy vaccine có hiệu quả rất tốt chống các biến thể Alpha và Delta, nhưng chưa đủ hiệu quả trước biến thể Omicron.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ hạ mức cảnh báo dịch COVID-19 cũng như xem xét nới lỏng thêm các hạn chế nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nêu rõ, cảnh báo dịch COVID-19 sẽ được hạ từ mức 4 hiện nay xuống còn mức 3.

Thái Lan ghi nhận thêm 6.397 ca mắc mới COVID-19 và 18 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ đầu dịch tới nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng trên 2,33 triệu ca mắc COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 21.959 người ở Thái Lan, trong đó có 258 người kể từ đầu năm nay.

Bộ Y tế Lào đã kêu gọi người dân tiếp tục thận trọng và tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19. Trong cuộc họp báo tại thủ đô Vientiane vào ngày 18/1, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Lào, Sisavath Southaniraxay nhấn mạnh: "Số ca mắc mới COVID-19 mới tại Lào và các nước láng giềng tiếp tục gia tăng và chúng ta phải duy trì các biện pháp phòng dịch, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ như người cao tuổi và những người có bệnh nền".

Các biện pháp này gồm không tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay có cồn, hoặc xà phòng. Những người có triệu chứng COVID-19 hoặc mới tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, được khuyến cáo mạnh mẽ xét nghiệm virus.

Bộ Y tế nước này ngày 18/1 cho biết, Lào ghi nhận 733 ca mắc mới COVID-19 và 3 ca tử vong do COVID-19 trên cả nước, trong đó có 3 ca nhập cảnh. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 126.066 ca, trong đó có 500 người tử vong.

Số ca mắc mới ở nhiều nước châu Âu cao kỷ lục, số người tử vong có thể tăng do Omicron lây lan nhanh - Ảnh 2.

Malaysia sẽ mở cửa 4 trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi. (Ảnh: AP)


Bộ Y tế Malaysia ngày 18/1 cho biết, kể từ ngày 19/1, Bộ này sẽ mở cửa 4 trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi. Những trung tâm tiêm phòng tích hợp nói trên sẽ được bố trí tại Thung lũng Klang, bao gồm Trung tâm Thương mại Thế giới, trung tâm tiêm chủng đặt tại sân vận động Axiata Arena ở khu ngoại ô Bukit Jalil, Trung tâm Hội nghị ý tưởng ở thành phố Shah Alam và Trung tâm tiêm chủng Sokka Gakkai Hall ở thành phố Klang, bang Selangor.

Tính đến ngày 17/1, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được tiêm chủng tăng cường ở Selangor, Lãnh thổ Liên bang Kuala Lumpur và Putrajaya, Negeri Sembilan, Melaka, Penang cũng như Sarawak đã vượt mức 70%. Tính đến ngày 18/1 Malaysia ghi nhận tổng cộng trên 2,8 triệu ca mắc COVID-19 và 31.809 người tử vong do dịch bệnh này.

Omicron đang là mối lo của nhiều quốc gia, cả với đất nước đông dân nhất thế giới. Trung Quốc dự báo, lưu lượng hành khách di chuyển trong đợt về quê đón Tết (Xuân vận) năm nay sẽ tăng so với năm 2021. Hàng loạt thành phố của Trung Quốc đã thông báo siết chặt quy định đi lại khi Tết Nguyên đán cận kề, giữa mối lo về biến thể Omicron.

Cuối tuần qua, thủ đô Bắc Kinh đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron lây lan cộng đồng. Cho đến nay, ít nhất 5 tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã ghi nhận ca nhiễm Omicron cộng đồng, trong khi 14 tỉnh thành phát hiện biến thể này ở những người nhập cảnh.

Một phần nữa trong các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc nước này đã hủy kế hoạch bán vé xem Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 cho công chúng và chỉ cho phép những người có giấy mời được tới xem sự kiện thể thao này

Năm 2021, Ban tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 cho biết, sự kiện sẽ không mở đón khán giả quốc tế nhưng sẽ cho phép khách trong nước tới xem. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải hủy bỏ trong ngày 17/1 khi Trung Quốc ghi nhận 223 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất theo ngày kể từ tháng 3/2020. Và các ca mắc lại được phát hiện khi chỉ còn vài tuần là diễn ra sự kiện thể thao trọng đại.

Nhật Bản đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể đầu dịch với hơn 30.000 trường hợp trong 24 giờ. Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch áp đặt tình trạng bán khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 12 tỉnh thành. Dự kiến, bắt đầu từ ngày 21/1 cho tới ngày 13/2, các hoạt động ăn uống và tụ tập đông người sẽ được siết chặt để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét dừng chương trình, hoạt động không hạn chế đối với người đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện Chính phủ Nhật Bản đang tham vấn các chuyên gia trước khi công bố quyết định chính thức vào ngày 20/1.

Một hình thức xét nghiệm PCR nhạy hơn cho phép phát hiện liệu người dương tính với SARS-CoV-2 có thể lây truyền bệnh hay không. Thành tựu nghiên cứu mới này vừa được các nhà khoa học tại trường Đại học Exeter, Anh công bố. Xét nghiệm PCR kiểu mới này chỉ cho kết quả dương tính khi người được xét nghiệm có thể lây bệnh cho người khác. Trong khi đó, kiểu test PCR cũ chỉ tập trung phát hiện sự tồn tại của virus và cho kết quả dương tính ngay cả khi người đó đã không còn truyền bệnh nữa.

Cũng theo các nhà khoa học, vào ngày thứ 5 từ khi mắc COVID-19, cứ 3 người sẽ có 1 người có tải lượng virus còn hoạt động đủ để truyền bệnh. Phương pháp xét nghiệm PCR mới này được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng người khỏi bệnh phải cách ly lâu hơn cần thiết.

Một trong những vấn đề sức khỏe liên quan đến hậu COVID-19 là nhiều bệnh nhân cảm thấy không khỏe trong nhiều tuần hoặc vài tháng, sau khi khỏi bệnh. Đây được gọi là Di chứng hậu nhiễm cấp tính virus SARS-CoV-2 (PASC). Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, số bệnh nhân COVID-19 nữ tìm đến những cơ sở điều trị các triệu chứng của PASC cao gấp 3-4 lần so với nam giới.

Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi tham gia vào nghiên cứu này là 85 ngày. Theo nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ tàn tật cao hơn khi tuổi ngày càng cao so với nam giới, nên các di chứng hậu nhiễm cấp tính virus SARS-CoV-2 ở phụ nữ cần được đánh giá cẩn thận hơn. Các triệu chứng của tình trạng này khác nhau, từ những vấn đề như khó thở, mệt mỏi, thay đổi vị giác và khứu giác cho đến những vấn đề về tâm lý như rối loạn tinh thần hay suy giảm nhận thức. Giới chuyên gia cho rằng, việc suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần vì COVID-19 có thể làm giảm chất lượng cuộc sống cá nhân cũng như sức khỏe toàn xã hội.

Theo vtv.vn