Thứ 5, 28/11/2024, 15:04[GMT+7]

Số ca mắc mới tăng vọt tại Hàn Quốc, các biến thể COVID-19 mới có thể lây nhiễm ở chuột

Thứ 6, 21/01/2022 | 08:13:28
2,395 lượt xem
Đến sáng 21/1, thế giới có trên 341,68 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,58 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 341,68 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 70,13  triệu ca mắc và gần 882.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 323.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra 99,5% số ca mắc COVID-19 tại Mỹ, theo dữ liệu mới được công bố của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. CDC Mỹ dự đoán, nước này dường như đang bước qua đỉnh của làn sóng mới nhất do biến thể Omicron, dù số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với bất kỳ làn sóng dịch nào trước đó và số người nhập viện cũng đang ở mức cao nhất.

Số ca mắc có chiều hướng đi ngang trong những ngày trở lại đây. Một số chuyên gia y tế cho rằng, Mỹ có thể sẽ sống chung với một loại virus chỉ gây ra bệnh từ nhẹ đến trung bình ở hầu hết những người được tiêm chủng. Tuy nhiên, cho đến nay, nhận định này vẫn chưa có gì chắc chắn.

Dữ liệu được CDC thống kê cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ đã lên tới đỉnh điểm vào ngày 13/1 vừa qua với 795.000 người. Số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh và giảm cũng nhanh. Diễn biến dịch này có thể tương tự các quốc gia khác như Nam Phi, Anh và Pháp. Đặc biệt, chiều hướng sụt giảm số ca mắc mới được ghi nhận rõ rệt nhất ở các bang đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 lần này, bao gồm New York, New Jersey và Maryland. 

Hàng trăm triệu thiết bị y tế như khẩu trang và bộ xét nghiệm COVID-19 sẽ được cấp phát miễn phí cho người dân Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Đây là nỗ lực phòng chống dịch mới nhất vừa được Chính phủ Mỹ đưa ra.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 201, nước này ghi nhận tổng cộng trên 38,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 487.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 621.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 23,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Thủ tướng Anh đã thông báo kết thúc việc áp dụng các biện pháp kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron. Chính quyền Anh nhận định, hiện nước này đã qua đỉnh về số ca bệnh do biến thể Omicron gây ra nhờ một loạt các biện pháp. Anh là nước đầu tiên cấm việc đi lại với các địa điểm có Omicron ở nước ngoài, tái áp đặt các biện pháp khuyến cáo làm việc tại nhà, đeo khẩu trang, và giấy thông hành vaccine. Đặc biệt, nước Anh đã triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm mũi vaccine nhắc lại (mũi vaccine thứ 3), đẩy mạnh xét nghiệm và phân bổ thuốc điều trị tới những người có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Kết quả, là dù số ca mắc tăng kỷ lục nhưng số bệnh nhân nhập viện hoặc tử vong không tăng cùng tốc độ. Một phần nguyên nhân cũng được xác định là do độc lực nhẹ của Omicron. Tới lúc này, Anh khẳng định, 3 vũ khí chính chống dịch vẫn là vaccine, thuốc kháng virus và xét nghiệm.

Số ca mắc mới tăng vọt tại Hàn Quốc, các biến thể COVID-19 mới có thể lây nhiễm ở chuột - Ảnh 1.

Hiện Anh đã qua đỉnh về số ca bệnh do biến thể Omicron gây ra nhờ một loạt biện pháp. (Ảnh: AP)


Theo Bộ Y tế Ukraine, ngày 20/1 nước này ghi nhận 18.479 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, số ca mắc mới tại Ukraine đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 3 ngày. Trước đó, nước này ngày 19/1 ghi nhận 12.815 ca mắc mới và ngày 18/1 ghi nhận 8.558 trường hợp. Cơ quan y tế Ukraine dự báo, nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của biến thể Omicron vào cuối tháng 1 và trong tháng 2 tới.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Ukraine đã ghi nhận tổng cộng gần 3,8 triệu ca mắc và 98.843 người tử vong.

Bộ trưởng Du lịch các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí mở cửa trở lại ngành du lịch trong khu vực nhằm phục hồi ngành này trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Quyết định được đưa ra Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25 diễn ra theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến tại thành phố biển Sihanoukville, Campuchia.

Theo các Bộ trưởng, ngành du lịch của ASEAN đã sẵn sàng mở cửa trở lại và sẽ phục hồi nhanh chóng. Ngành du lịch các nước sẽ thực hiện mọi khả năng phối hợp, hợp tác để quá trình tái mở cửa ngành du lịch diễn ra hiệu quả và ổn định. Các bộ trưởng cũng nhất trí áp dụng hệ thống công nhận vaccine ngừa COVID-19 theo tiêu chuẩn thống nhất giữa các nước ASEAN, đồng thời hoan nghênh việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm vaccine ở từng quốc gia thành viên để mở cửa lại ngành du lịch ASEAN.

Từ đầu tháng 2, Thái Lan sẽ nối lại chương trình "Test and Go" (Xét nghiệm và Đi). Theo đó, sau hơn 1 tháng tạm dừng, chương trình đã được mở lại và mở rộng cho du khách tới từ tất cả các quốc gia được đến Thái Lan thay vì chỉ có 63 nước như trước đây.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Thái Lan cho biết, theo quy định mới, thay vì xét nghiệm một lần khi đến nơi, du khách sẽ phải thực hiện 2 lần xét nghiệm PCR, lần đầu là ngày đầu tiên đến và lần hai vào ngày thứ 5 sau khi đến. Du khách sẽ phải trình chứng nhận đặt phòng khách sạn đủ điều kiện cho ngày thứ nhất và ngày thứ 5 (có thể là hai khách sạn khác nhau), biên lai trả trước chi phí 2 lần xét nghiệm cùng hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận tiêm vaccine.

Cũng từ đầu tháng 2, các khu vực du lịch theo mô hình "Hộp cát" sẽ được mở rộng thêm ở 2 tỉnh là Trat và Chonburi cùng với những khu vực được phê duyệt trước đó là Phuket, Krabi, Phang Nga và Surat Thani.

Bộ Y tế Philippines ngày 20/1 thông báo, nước này ghi nhận thêm 31.173 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 3,32 triệu trường hợp. Philippines cũng xác định thêm 110 người tử vong COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 53.153. Trong đó, 67 người tử vong trong tháng 1 này và số còn lại tử vong trong tháng 12/2021. Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết, 844 khu vực tại Manila và các khu vực khác có những ổ dịch lớn đang bị phong tỏa.

Malaysia sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5 -11 tuổi từ tháng 2 tới. Liều lượng vaccine tiêm cho nhóm đối tượng này chỉ bằng 1/3 so với liều tiêm dành cho người từ 12 tuổi trở lên. Ủy ban đặc biệt về đảm bảo tiếp cận nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của Malaysia (JKJAV) cho biết, những trẻ em ở độ tuổi này sẽ chỉ được phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 dành riêng cho trẻ nhỏ của hãng Pfizer vốn đã được kiểm chứng đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Trẻ có bệnh nền hoặc có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm trước. Tuy nhiên, những trẻ có tiền sử sốc phản vệ với các loại thuốc hoặc thực phẩm sẽ không được phép tiêm. Đồng thời, những trẻ có phản ứng dị ứng trong vòng 72 giờ sau khi tiêm mũi 1 sẽ không được phép tiêm mũi 2.

Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày tại Hàn Quốc đã tăng lên mức hơn 6.000 ca lần đầu tiên sau 27 ngày, trong bối cảnh có nhiều quan ngại dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do sự lây lan của biến thể Omicron. Theo thông báo ngày 20/1 của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 6.601 ca mắc mới COVID-19, trong đó 6.357 người lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên 712.503 trường hợp. Trước đó, số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc đã duy trì ở mức dưới 6.000 từ ngày 24/12/2021.

Ngày 20/1, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 28 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi do đại dịch ở nước này lên 6.480 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc hiện là 0,91%.

Số ca mắc mới tăng vọt tại Hàn Quốc, các biến thể COVID-19 mới có thể lây nhiễm ở chuột - Ảnh 2.

Dự báo, có hơn 1 tỷ 180 triệu lượt chuyến đi trong kỳ Xuân vận năm nay ở Trung Quốc. (Ảnh: AP)


Một hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật Bản đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là loại vaccine đầu tiên được cấp phép tiêm cho trẻ em độ tuổi này tại Nhật Bản. Sớm nhất từ tháng 3 tới, khoảng 7 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi ở Nhật Bản sẽ được tiêm phòng vaccine này.

Liều lượng của trẻ em bằng 1/3 liều của người lớn. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine này tại Mỹ và nhiều nước khác cho thấy, hiệu quả bảo vệ lên đến hơn 90% đối với trẻ em từ 5-11.

Tại Trung Quốc, mùa Xuân vận về quê ăn Tết kéo dài 40 ngày. Dự báo, có hơn 1 tỷ 180 triệu lượt chuyến đi, nhiều hơn năm trước hơn 1/3. Vừa đảm bảo đủ phương tiện cho lượng lớn người dân đi lại, vừa giữ an toàn, phòng dịch bệnh lây lan là nhiệm vụ kép nặng nề của các cơ quan chức năng nước này.

Ngoài huy động mạnh các phương tiện cho những tuyến trọng điểm, ngành đường sắt phối hợp với các tỉnh thành để triển khai phương án ứng phó khi có ca bệnh. Vé được bán trên mạng suốt 24/24 giờ và sẵn sàng hoàn vé không mất phí cho bất cứ trường hợp nào muốn hủy. Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn được cấp tự động miễn phí. Hành khách lên tàu là những người có mã sức khỏe màu xanh khỏe mạnh, có lịch sử không đến vùng dịch và có giấy xét nghiệm.

Trung Quốc hiện có hơn 80 khu vực nguy cơ dịch trung bình đến cao. Ngày 20/1, Trung Quốc ghi nhận 66 ca mắc mới. Đến nay, tổng số ca nhiễm ở nước này là 105.411 trường hợp, bao gồm 4.636 bệnh nhân thiệt mạng.

Ngày 20/1, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ nhỏ từ 5-11 tuổi từ ngày 21/1 trong bối cảnh số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng gia tăng. Đối với vaccine của Sinovac, từ 8h ngày 21/1, phụ huynh có thể đặt lịch hẹn và đưa trẻ đến tiêm tại các trung tâm tiêm chủng cộng đồng hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em. Ngoài ra, chính quyền đặc khu sẽ cung cấp lịch hẹn đặc biệt cho các trường và dịch vụ đưa đón, cũng như bố trí các trạm tiêm chủng lưu động để tiêm cho trẻ tại trường học. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ nhỏ nên tiêm mũi vaccine thứ 2 cách mũi thứ nhất 28 ngày.

Hong Kong sẽ triển khai đặt lịch hẹn tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech cho nhóm đối tượng này từ ngày 9/2 và tiến hành tiêm từ ngày 16/2. Các chuyên gia khuyến cáo, mũi vaccine thứ 2 nên cách mũi thứ nhất ít nhất 12 tuần.

Kết quả nghiên cứu mới công bố của một nhóm các nhà sinh vật học thuộc Đại học bang Georgia (Mỹ) cho thấy, một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm qua đường hô hấp ở loài chuột hoang, không giống như chủng ban đầu được ghi nhận ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Viruses cho thấy, biến thể Alpha được ghi nhận lần đầu tại Anh và biến thể Beta được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi có khả năng tự nhân trong phổi của chuột hoang. Nhà virus học và miễn dịch học Mukesh Kumar, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định, sự tiến hóa này của virus đồng nghĩa, chuột thí nghiệm thông thường giờ đây là mô hình hữu ích để các nhà khoa học tìm hiểu về virus, gồm cả những tác động COVID-19 kéo dài và thử nghiệm những liệu pháp điều trị khả thi.

Theo ông Kumar, kết quả nghiên cứu cho thấy, virus hiện có thể lây nhiễm sang các loài động vật dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, vì vậy gây ra nhiều quan ngại hơn về các loài dơi, gặm nhấm và nhiều thú vật hoang khác do có thể xuất hiện biến chủng nguy hiểm ở động vật và lây sang người.

Dù vẫn coi đại dịch COVID-19 là mối quan ngại lớn nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, các quốc gia thành viên dỡ bỏ hoặc giảm bớt các lệnh cấm đi lại trên phạm vi quốc tế. Theo Ủy ban Khẩn cấp của WHO, không nên coi chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 là cách thức và điều kiện duy nhất để cho phép đi lại trên phạm vi quốc tế do việc tiếp cận vaccine còn hạn chế cũng như tình trạng phân phối vaccine không công bằng.

Trước đó, cuối năm 2021, WHO đã khuyến nghị các nước không nên hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đánh giá của tổ chức này, các lệnh cấm đi lại đại trà không những không ngăn được biến thể Omicron lây lan trên toàn cầu mà còn tạo gánh nặng đối với đời sống của người dân.

Theo vtv.vn