Thứ 5, 28/11/2024, 15:28[GMT+7]

Trung Quốc đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng, Singapore có ca tử vong đầu tiên do Omicron

Chủ nhật, 23/01/2022 | 10:03:35
159 lượt xem
Đến sáng 23/1, thế giới có trên 349 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,6 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 349 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 71,59 triệu ca mắc và hơn 888.003 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 202.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, biến thể Omicron dường như có ít nguy cơ gây triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ hơn so với biến thể Delta. Kết luận trên dựa trên công trình nghiên cứu và phân tích hồ sơ sức khỏe của gần 80.000 trẻ em Mỹ dưới 5 tuổi đã từng mắc COVID-19 một lần.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, những trẻ mắc COVID-19 trong thời gian biến thể Omicron xuất hiện và lây lan có nguy cơ cấp cứu thấp hơn 29%. Nguy cơ phải nhập viện ở nhóm đối tượng này thấp hơn 67%, nguy cơ phải điều trị tích cực thấp hơn 68% và khả năng phải dùng máy thở thấp hơn 71% so với những trẻ nhiễm biến thể Delta.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ mới đây cho biết, 3 nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng, liều thứ 3 của vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA là chìa khóa để chống lại biến thể Omicron. Các nghiên cứu cho thấy, những người được tiêm mũi tăng cường vaccine mRNA có tỷ lệ bảo vệ khỏi việc nhập viện và các lần chăm sóc khẩn cấp là 90%. Trong khi tỷ lệ này ở những người chỉ tiêm 2 mũi sẽ bị giảm còn 57% nếu thời gian tiêm mũi 2 là trước đó 6 tháng. Người từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất từ liều tăng cường bằng vaccine của hãng Pfizer hoặc Moderna. 

Ba nghiên cứu trên nằm trong số những nghiên cứu đầu tiên tại Mỹ xem xét về tác động của liều tăng cường đối với biến thể Omicron dễ lây lan, chủng virus hiện đang chiếm 99% số ca bệnh mới tại nước này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/1, nước này ghi nhận trên 308.200 ca mắc mới, 511 người tử vong vì COVID-19. Hiện tổng cộng trên 39,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 489.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 622.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 23,75  triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Cơ quan an ninh y tế Anh đang theo dõi một dòng phụ của biến thể Omicron. Dòng phụ này đang phát triển rất nhanh và đã xuất hiện ở 40 quốc gia trên thế giới. Các nhà khoa học Anh đã xác định trình tự gene của 426 trường hợp nhiễm BA.2, một dòng phụ của biến thể Omicron. Mặc dù còn chưa chắc chắn về mức độ nguy hiểm trong những thay đổi của bộ gene của virus nhưng phân tích ban đầu cho thấy, tốc độ phát triển của dòng phụ này nhanh hơn so với biến thể Omicron gốc. 40 quốc gia đã báo cáo về sự xuất hiện các ca nhiễm dòng biến thể phụ BA.2 này, trong đó nhiều nhất là ở Đan Mạch, tiếp theo là Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore.

Ngày 22/1, Nga thông báo 57.212 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt mức cao kỷ lục trước đó là 49.513 trường hợp ghi nhận cách đây một ngày, do sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo lực lượng chuyên trách chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga, số ca tử vong trong 24 giờ qua là 681 người. Như vậy, đến nay nước này có hơn 11 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 325.400 trường hợp tử vong, mức cao nhất tại châu Âu.

Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn nước Nga tăng mạnh trong những ngày gần đây do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Tổng thống Vladimir Putin trước đó cảnh báo, nước này có 2 tuần để chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 và kêu gọi tăng cường xét nghiệm, đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng.

Trung Quốc đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng, Singapore có ca tử vong đầu tiên do Omicron - Ảnh 1.

Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn nước Nga tăng mạnh trong những ngày gần đây. (Ảnh: AP)


Kể từ ngày 23/1, người từ nước ngoài được phép nhập cảnh Australia chỉ cần làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh thay vì phải có kết quả xét nghiệm PCR như hiện nay. Thông báo mới của Chính phủ Australia được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này có thể đã vượt qua đỉnh dịch.

Cụ thể, du khách quốc tế chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính trong vòng 24 giờ tính từ khi chuyến bay khởi hành. Quy định mới đối với người nhập cảnh từ nước ngoài cũng thống nhất với các biện pháp xét nghiệm phòng dịch đang được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa. Ngoài ra, những người Australia nhiễm COVID-19 ở nước ngoài sẽ được phép trở về nước 7 ngày sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, giảm so với 14 ngày theo quy định hiện nay.

Bộ Ngoại giao Cuba cho biết, tất cả trẻ em trên 2 tuổi ở đảo quốc vùng Caribe này đều đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đánh giá chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã đạt được "kết quả xuất sắc". Theo số liệu từ Bộ Y tế Cuba, 87,5% dân số nước này đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng ngừa COVID-19 với 3 loại vaccine nội địa là Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, trong khi khoảng 4,5 triệu người trên tổng số 11,3 triệu dân nước này đã tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa virus SARS-CoV-2. Trẻ em Cuba đã trở lại trường học từ tháng 11/2021 sau một thời gian tạm thời học trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Với gần 93% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, đã được bảo vệ với ít nhất một mũi vaccine, Cuba đang vượt hầu hết các quốc gia lớn và giàu có nhất để đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cuba khẳng định, các loại vaccine do nước này tự nghiên cứu và phát triển cung cấp khả năng bảo vệ hơn 90% đối với dịch COVID-19 khi đã tiêm đủ 3 liều theo đúng lộ trình. Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ khoảng 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.

Tờ Bloomberg nhận định, Thái Lan đã cho thấy, nước này sẵn sàng sống chung với Omicron. Từ đầu tháng 2 tới, Thái Lan sẽ khởi động lại chương trình miễn cách ly với du khách nước ngoài đã được tiêm đủ liều vaccine. Đây là động thái nhằm hỗ trợ ngành du lịch vốn đã gặp khó khăn suốt 2 năm qua. Chương trình miễn cách ly tại Thái Lan bị tạm ngừng vào tháng 12/2021 do lo ngại về biến thể Omicron.

Ngày 22/1, Thái Lan ghi nhận 8.112 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng cộng trên 2,36 triệu người ở nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 22.000 trường hợp thiệt mạng.

Những người đã tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 sẽ giảm được nguy cơ tử vong do căn bệnh này đến gần 150 lần so với người chưa tiêm mũi thứ 3. Đây là thông tin từ một quan chức y tế Malaysia.

Các số liệu thống kê của Malayisa cho thấy, tỷ lệ tử vong của những người đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản thấp hơn 25 lần so với những người chưa tiêm. Trung bình trong 7 ngày, tỷ lệ tử vong ở người chưa tiêm là 14,8%, người đã tiêm các mũi cơ bản là 0,6% và người đã tiêm mũi tăng cường là 0,1%. Hiện Malaysia đã tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine tăng cường cho khoảng 40% dân số trưởng thành, mục tiêu là 80% dân số được tiêm mũi tăng cường vào cuối tháng 2 tới.

Giới chức Singapore đã cam kết mở lại biên giới và thiết lập thêm các thỏa thuận đi lại miễn cách ly. Bộ trưởng Y tế Singapore nhận định không thể kéo dài tình trạng đóng cửa biên giới trong bối cảnh kinh tế Singapore phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế.

Ngày 22/1, Bộ Y tế Singapore thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong do biến thể Omicron. Trường hợp này là một cụ bà 92 tuổi, tử vong vào ngày 20/1 sau 10 ngày bị  nhiễm virus SARS-CoV-2.  Được biết, cụ bà này chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 và không có tiền sử bệnh tật.

Trung Quốc đối mặt với làn sóng dịch nghiêm trọng, Singapore có ca tử vong đầu tiên do Omicron - Ảnh 2.

Singapore đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron. (Ảnh: AP)


Bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại Campuchia không bắt buộc điều trị tại bệnh viện. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Theo thông báo, người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia này bị phát hiện dương tính với Omicron hay các biến thể COVID-19 khác được phép điều trị tại khách sạn, đại sứ quán hoặc cơ sở tùy chọn. Công dân Campuchia bị nhiễm Omicron cũng có thể điều trị tại nhà như các trường hợp nhiễm biến thể khác. Tất cả các bệnh nhân nhiễm Omicron đang nằm viện có thể chuyển đến điều trị tại khách sạn hoặc nơi cư trú nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, việc được lựa chọn nơi điều trị không có nghĩa là bệnh nhân được tự do ra ngoài.

Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến hết ngày 21/1, nước này đã phát hiện 503 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 351 ca nhập cảnh.

Truyền thông Campuchia cho biết, bất chấp mối đe dọa từ Omicron, Campuchia vẫn đang thúc đẩy mở cửa trở lại. Bộ Y tế nước này đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Nước này cũng đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ tư cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh.

Ngày 22/1, cơ quan y tế Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo, đặc khu tài chính này đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ khi số ca mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày. Hong Kong đã phong tỏa một tòa chung cư với 3.000 cư dân trong 5 ngày. Trước đó, Hong Kong đã tiêu hủy theo hình thức nhân đạo đối với hàng nghìn con chuột hamster sau khi có nhiều mẫu cho kết quả dương tính với virus SASR-CoV-2.

Hong Kong vẫn áp dụng chiến lược "Zero-COVID", tiến hành phong tỏa, truy vết và xét nghiệm ngay khi phát hiện ca mắc mới. Các trường học, phòng tập thể dục tạm thời đóng cửa, nhà hàng đóng cửa từ 18h cho đến sau Tết Nguyên đán. Nhiều chuyến bay đến và đi từ Hong Kong bị hủy hoặc gián đoạn nghiêm trọng. Theo giới chức Hong Kong, đặc khu này khó có khả năng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau Tết Nguyên đán.

Trung Quốc hiện vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt, trong đó có việc cắt giảm các chuyến bay quốc tế đến và chính sách "ngắt mạch" cho phép tạm dừng khai thác một tuyến bay nếu có quá nhiều ca bệnh ghi nhận trong các chuyến bay theo tuyến đó. Giới chức quản lý hàng không Trung Quốc cũng từng áp dụng chính sách này để hủy các chuyến bay của một số hãng hàng không Mỹ như American, Delta và United Airlines sau khi phát hiện các hành khách đi trên các chuyến bay của các hãng này dương tính với virus khi đến dù có kết quả âm tính khi khởi hành.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 4 liên tiếp với 11.227 trường hợp trong ngày 22/1. So với trước đó một tuần, số ca mắc mới tại thành phố này tăng gần gấp 2,5 lần và cao hơn nhiều so với mức 9.699 ca ghi nhận trước đó một ngày. Ngoài ra, có thêm 3 ca tử vong vì COVID-19 và 12 ca chuyển nặng. Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 20/1, chính quyền thành phố Tokyo đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh đến ngày 13/2.

Cùng với Tokyo, nhiều khu vực khác tại Nhật Bản đang chật vật dối phó với làn sóng dịch thứ 6. Ngày 22/1, số ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận ở Nhật Bản đã vượt mốc 50.000, lập kỷ lục mới trong ngày thứ 5 liên tiếp. Tính đến ngày 22/1, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt 2,07 triệu người.

Theo vtv.vn