Làn sóng lây nhiễm mới đe dọa Đông Âu, số ca mắc Omicron ở Campuchia tăng 4 lần trong tuần qua
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 79,56 triệu ca mắc và hơn 947.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 41.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Chính quyền thành phố New York (Mỹ) thông báo đã sa thải hơn 1.400 nhân viên công vụ của bang vì không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thị trưởng New York nhấn mạnh, các nhân viên nhà nước là những người làm việc ở tuyến đầu chống đại dịch COVID-19. Do đó, họ cần chứng tỏ việc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người dân New York và bảo vệ chính bản thân mình bằng cách tiêm vaccine. Thị trưởng New York cũng cho biết, ngay trước hạn cuối vào ngày 11/2, nhiều nhân viên trong các đơn vị hành chính đã nộp bằng chứng cho thấy họ đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Số nhân viên công vụ chưa tiêm chủng đã nhanh chóng giảm so với một tuần trước đó.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, công dân Mỹ không nên đi du lịch đến sáu quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hàn Quốc, Azerbaijan và Belarus do dịch COVID-19 đang lan rộng tại đây. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng xếp hạng tư vấn du lịch của mình trong ngày 14/2 cho Hàn Quốc, Indonesia và Azerbaijan lên "Cấp độ 4: Không nên đi du lịch".
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,69 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 509.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 638.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 27,54 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang dịch chuyển sang khu vực Đông Âu, đồng thời hối thúc các nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cùng các biện pháp khác. Trong tuyên bố vào ngày 15/2, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, trong hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi tại 6 quốc gia Đông Âu gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Nga và Ukraine. Hiện 10 quốc gia khu vực Đông Âu đều đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron.
WHO hối thúc các nước Đông Âu đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: AP)
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu, trong đó có CH Czech và Ba Lan, đã thông báo khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 vào tháng 3 tới nếu các ca mắc mới COVID-19 duy trì đà giảm.
Theo ông Kluge, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron vẫn đang hiện hữu, đồng thời biến thể Delta vẫn lây lan mạnh, hiện không phải là thời điểm dỡ bỏ các biện pháp được cho là hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong đó có đeo khẩu trang trong không gian kín.
COVID kéo dài (Long COVID) dường như ít có nguy cơ ảnh hưởng đến những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hơn là những người chưa được tiêm phòng. Đây là kết luận mới trong bản đánh giá về 15 nghiên cứu do Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) thực hiện và công bố ngày 15/2. Trong bản đánh giá của UKHSA, cơ quan này cho biết, nguy cơ bị các triệu chứng COVID kéo dài ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna, hay vaccine một mũi của J&J thấp hơn 50% so với những người chưa được tiêm vaccine.
Theo giáo sư Mary Ramsay, người phụ trách hệ miễn dịch tại UKHSA, những nghiên cứu này làm tăng thêm những lợi ích tiềm năng của việc tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng COVID-19. Bà nhấn mạnh tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân khỏi bị các triệu chứng COVID kéo dài khi người đó chẳng may bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời cũng hỗ trợ giảm thiểu sự tác động của bệnh này trong dài hạn.
UKHSA ước tính, 2% dân số Anh đã mắc các triệu chứng của COVID kéo dài, trong đó triệu chứng phổ biến nhất là suy nhược cơ thể, hụt hơi, đau mỏi cơ và khớp. Trong số 4 nghiên cứu so sánh các triệu chứng COVID kéo dài trước và sau khi tiêm chủng, 3 nghiên cứu cho rằng nhiều người đã ghi nhận các triệu chứng COVID kéo dài được cải thiện hơn là xấu đi sau khi tiêm chủng. Ba nghiên cứu khác cho thấy triệu chứng COVID kéo dài được cải thiện ở những người đã tiêm phòng.
Từ ngày 15/2, tại Italy, tất cả những người lao động trên 50 tuổi cả trong khu vực nhà nước và tư nhân bắt buộc phải có siêu thẻ xanh, được cấp cho những người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, mới được đến nơi làm việc. Theo quy định tiêm chủng bắt buộc mới được áp dụng cho tất cả người dân trên 50 tuổi tại Italy, bao gồm cả công dân nước ngoài, lao động tự do và người thất nghiệp, những người lao động chưa tiêm vaccine sẽ bị đình chỉ công tác mà không được trả lương, còn những người đi làm mà không có siêu thẻ xanh có nguy cơ bị phạt từ 600 - 1.500 Euro (680 - 1.701 USD). Người sử dụng lao động cũng có nguy cơ bị phạt từ 400 - 1.000 Euro nếu vi phạm các quy định mới này.
Ngoài những người trên 50 tuổi, từ ngày 15/2, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng trở thành quy định bắt buộc đối với nhân viên các trường đại học và người làm việc trong các học viện đào tạo âm nhạc, nghệ thuật và khiêu vũ. Người lao động dưới 50 tuổi vẫn chỉ cần thẻ xanh được cấp cho những người có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính để được đến nơi làm việc. Quy định bắt buộc những người trên 50 tuổi phải tiêm vaccine dự kiến có hiệu lực cho đến ngày 15/6 tới, tuy nhiên có thông tin cho rằng quy định này có thể được gia hạn.
Chính quyền tỉnh Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, vừa thông báo quyết định dỡ bỏ hệ thống hộ chiếu vaccine kể từ ngày 1/3 tới, đồng thời đẩy nhanh giai đoạn 2 của tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Mặc dù vậy, các tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục yêu cầu chứng nhận về việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Đáng chú ý, các yêu cầu về việc đeo khẩu trang sẽ vẫn được chính quyền Ontario áp dụng vào thời điểm này. Tất cả các hạn chế về sức chứa trong các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 17/2.
Singapore ngày 15/2 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 19.420 ca, tăng gấp đôi so với hơn 9.000 bệnh nhân của một ngày trước đó. Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này từ tháng 1/2020 tới nay.
Số liệu cập nhật của Bộ Y tế nước này cho biết, trong số ca mắc mới trên có tới 19.179 người lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 241 trường hợp nhập cảnh. Phần lớn các ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART). Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore là 497.997 trường hợp. Singapore cũng ghi nhận thêm 7 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 913 bệnh nhân.
Mặc dù số ca mắc tăng cao nhưng phần lớn chỉ có triệu chứng nhẹ và điều trị tại nhà, Singapore chỉ có thêm 23 người phải nhập viện, nâng tổng số bệnh nhân đang phải điều trị lên 1.355 ca, trong đó 140 ca phải hỗ trợ thở oxy và 23 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.
Ngày 15/2, Thái Lan báo cáo 14.373 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)
Kết quả khảo sát trực tuyến của Trung tâm Virus học lâm sàng thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết, hầu hết các phụ huynh tại nước này đều đồng tình với chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Cuộc khảo sát trên được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 11 - 13/2 với tổng cộng 1.588 cha, mẹ có con/em trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi. Những người tham gia khảo sát có nghề nghiệp, thành phần khác nhau, nhưng hầu hết đều sống ở thủ đô Bangkok và các vùng phụ cận.
Trong số các phụ huynh tham gia cuộc khảo sát trên, 75% khẳng định sẽ đồng ý cho con/em đi tiêm, trong khi 24% còn lại không đồng ý. Về loại vaccine mong muốn được sử dụng cho con/em của mình, 59% các phụ huynh lựa chọn vaccine của hãng Pfizer-BioNTech, 30% chọn vaccine của hãng Sinopharm, vaccine của Sinovac là 5,6%. Phần lớn những phụ huynh không muốn con mình tiêm vaccine là vì lo ngại trước các tác dụng phụ.
Ngày 15/2, Thái Lan báo cáo 14.373 ca mắc mới. Hiện tổng công trên 2,62 triệu người ở nước này mắc bệnh, bao gồm gần 22.500 người thiệt mạng.
Số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Campuchia đã tăng gấp 4 lần trong tuần qua, gây sức ép nặng nề đối với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế Campuchia thông báo, ngày 14/2, nước này ghi nhận các trường hợp nhiễm Omicron đã tăng gấp 5 lần, lên 512 trường hợp so với 100 người nhiễm hồi tuần trước. Các chuyên gia y tế Campuchia lo ngại, tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng do người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp y tế sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch phục hồi.
Ủy ban Giáo dục và khoa học thuộc đảng dân chủ tự do LDP cầm quyền của Nhật Bản đang dự thảo nghị quyết kêu gọi chính quyền nước này cho phép sinh viên nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản. Dự thảo kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ưu tiên cho phép sinh viên nước ngoài vào nước này, bất kể là sinh viên tự trả học phí hay nhận học bổng của chính phủ, đồng thời không đưa các đối tượng này vào diện giới hạn số lượng nhập cảnh. Dự thảo cũng kêu gọi việc xem xét số ngày cách ly với các sinh viên nước ngoài một cách phù hợp. Ủy ban trên bày tỏ lo ngại, các sinh viên nước ngoài đang lựa chọn các quốc gia khác để du học.
Chính quyền thành phố Tô Châu, trung tâm công nghiệp công nghệ cao ở miền Đông Trung Quốc, đã hạn chế việc tiếp cận một số tuyến đường cao tốc, sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong ngày 15/2, Tô Châu đã ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có biểu hiện triệu chứng. Trong số các ca mắc mới có ca nhiễm biến thể Omicron.Tô Châu đã tạm ngừng hoạt động của một số dịch vụ xe bus đường dài, đóng cửa một số tòa nhà liên quan và khuyến cáo người dân không nên rời nơi ở trong trường hợp không cấp thiết. Thành phố này đã đóng cửa lối vào 15 cao tốc và yêu cầu cả tài xế lẫn hành khách di chuyển qua những tuyến đường còn lại phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ.
Ngày 15/2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 80 ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, đến nay Trung Quốc đã có tổng cộng 107.094 trường hợp nhiễm bệnh có biểu hiệu triệu chứng được xác nhận, trong đó bao gồm cả các ca lây nhiễm trong cộng đồng và nhập cảnh.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo