Thứ 2, 13/01/2025, 18:51[GMT+7]

Số ca nhiễm mới COVID-19 trên thế giới giảm mạnh, khu vực châu Á vẫn gia tăng

Thứ 3, 01/03/2022 | 11:59:12
4,313 lượt xem
Tính đến sáng 1/3, thế giới ghi nhận 436 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 5,97 triệu trường hợp tử vong.

Người dân di chuyển trên đường phố tại New York, Mỹ, ngày 9/2/2022.

Tình dịch bệnh tại hầu hết các nước trên thế giới đều đang theo chiều hướng tích cực khi số ca nhiễm mới không ngừng giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước, đặc biệt khu vực châu Á đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng do sự lây lan của biến thể Omicron.

Tại những nước có tình hình dịch bệnh thuyên giảm như Mỹ, bang New York quyết định chấm dứt quy định đeo khẩu trang tại các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em từ ngày 2/3. Các quy định mới được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 25/2 đã nới lỏng hướng dẫn về việc đeo khẩu trang trong nhà trên hầu hết cả nước. Hướng dẫn mới nhất cơ quan này liên quan đến môi trường học đường khuyến nghị chỉ nên đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, thay vì sử dụng biện pháp phòng dịch này ở mọi nơi.

Thị trưởng New York Eric Adams ngày 27/2 cho biết thành phố sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang học đường vào ngày 7/3 nếu không có "đột biến" trong các ca COVID-19 từ nay đến ngày 4/3.

Số ca nhiễm mới COVID-19 trên thế giới giảm mạnh, khu vực châu Á vẫn gia tăng - Ảnh 1.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lưu động tại Auckland (New Zealand), ngày 16/10/2021. 

New Zealand bắt đầu dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc tại các khách sạn đối với công dân trở về từ nước ngoài. Đây là lần đầu tiên sau gần 2 năm, người New Zeland từ nước ngoài về nước mà không cần phải cách ly bắt buộc tại các khách sạn, vừa tốn kém vừa thiếu chỗ.

Theo kế hoạch ban đầu, người trở về vẫn phải tự cách ly, tuy nhiên, trong phát biểu mới bà Adern cho biết sẽ không có yêu cầu này. Bên cạnh đó, Thủ tướng New Zealand cũng thông báo sẽ đẩy nhanh quá trình mở trở lại biên giới với mọi du khách, nhưng chưa công bố thời gian cụ thể. Bà Adern cho biết hiện nay biến thể Omicron đã lan rộng trong cộng đồng nên việc hạn chế tại biên giới không còn phát huy nhiều tác dụng như trước, do đó việc dỡ bỏ hạn chế sẽ được đẩy nhanh.

Trong khi đó, nước láng giềng Australia ngày 28/2 ghi nhận hơn 15.000 ca mắc mới COVID-19 và 12 ca tử vong. Trong tuần qua, mỗi ngày Australia ghi nhận trung bình 23.082 ca mắc mới. Hiện nước này có 1.995 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 137 người trong khu điều trị đặc biệt.

Ngày 28/2, số ca mắc COVID-19 mới tại Brunei lần đầu tiên vượt 4.000 ca/ngày (4.095 ca). Trước khi tăng lên con số kỷ lục này, số ca mắc mới tại Brunei trong 6 ngày trước đó liên tục vượt 3.000 ca/ngày.

Số ca nhiễm mới COVID-19 trên thế giới giảm mạnh, khu vực châu Á vẫn gia tăng - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 25/2/2022.


Trong khi đó, giới chức y tế Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết không loại trừ khả năng áp dụng phong tỏa toàn thành phố trong tháng 3 tới khi tiến hành chiến dịch xét nghiệm toàn diện bắt buộc sàng lọc COVID-19.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay Hong Kong ghi nhận hơn 600 ca tử vong. Số ca tử vong đang tăng mạnh với 83 ca ghi nhận ngày 27/2, hơn 300 ca tử vong đã được ghi nhận trong tuần qua, chủ yếu là những người chưa tiêm phòng. Các chuyên gia y tế dự báo số người tử vong vì COVID-19 tại Hong Kong có thể lên đến 3.200 người vào giữa tháng 5 tới.

Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận tổng cộng hơn 171.000 ca mắc, trong đó có khoảng 160.000 ca ghi nhận từ đầu tháng 2 này trong làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra. Hiện tỷ lệ tử vong trong 7 ngày tại Hong Kong là 8/1 triệu dân. Phần lớn người tử vong là người già, trong bối cảnh virus đang tấn công mạnh các trại dưỡng lão ở thành phố dân cư đông đúc này. Trong ngày 28/2, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 từ Trung Quốc đại lục đã tới Hong Kong hỗ trợ khu hành chính đặc biệt này ứng phó với dịch COVID-19.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm khá chậm, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 10 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo.Theo dự kiến, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ trao đổi với thống đốc các tỉnh, thành đó để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và tham vấn với các chuyên gia y tế trước khi đưa ra quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm khoảng 2 tuần trước thời điểm các biện pháp này hết hạn vào ngày 6/3 tới.

Theo vtv.vn