Thứ 7, 27/07/2024, 03:16[GMT+7]

Áp lực nặng nề trong tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga

Thứ 5, 10/03/2022 | 15:41:44
881 lượt xem
Giá dầu thô tăng mạnh sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga. “Đòn trừng phạt” mà Mỹ nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga cũng khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu không khỏi lao đao bởi phải tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Đường ống dẫn của Gazprom tại một cơ sở xử lý gas tại Nga.

Anh cho biết sẽ giảm dần và chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, trong khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt mục tiêu giảm hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, giá dầu Brent tăng 6,8% lên mức 131,63 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 6,7%, lên mức 127,44 USD/thùng. Tại Mỹ, giá xăng dầu đã lên cao kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít), mức tăng được đánh giá có thể đe dọa sự ổn định của nền kinh tế số một thế giới, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân “xứ cờ hoa”. Theo số liệu năm 2021, khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ là nhập của Nga. 

Là quốc gia tiêu thụ khoảng 18,2 triệu thùng dầu mỗi ngày hồi năm 2020, chủ yếu cho giao thông, vận tải, sản xuất điện và sưởi, Mỹ khó tránh khỏi khó khăn khi cuốn vào “cuộc chiến dầu mỏ” với Nga. 

Mặc dù Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược hiện có khoảng 727 triệu lít dầu, giới chuyên gia vẫn cho rằng động thái này cũng không thể giúp hạ nhiệt giá xăng dầu ngay lập tức. Các công ty hóa dầu phải cắt giảm sản lượng trong hơn hai năm qua do các nền kinh tế phải đóng cửa vẫn chưa thể trở lại sản xuất ở mức như trước đại dịch. 

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng dầu khí trên thị trường toàn cầu giảm khoảng một triệu thùng mỗi ngày khi mà chính Mỹ chỉ sản xuất khoảng 19 triệu thùng dầu tinh chế mỗi ngày. Để giải tỏa nỗi lo bị ảnh hưởng nguồn cung dầu thô, chính quyền Mỹ dự định sẽ đàm phán để tăng nguồn cung dầu từ các nước sản xuất dầu lớn như Venezuela, Iran và Saudi Arabia trong thời gian tới.

Nước Anh tuyên bố đến cuối năm nay sẽ loại bỏ dần dầu và các sản phẩm dầu mỏ nhập từ Nga, vốn chiếm 8% nhu cầu của Anh. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt của Anh không được áp dụng đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung ở “xứ sở sương mù”. Anh cho biết đang nghiên cứu các lựa chọn để chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu mặt hàng này. 

Dù biện pháp của Chính phủ Anh được đánh giá là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này, với việc giá xăng và dầu diesel tăng cao trong bối cảnh thị trường hỗn loạn, nhưng Anh vẫn tỏ ra lạc quan cho biết phần lớn dầu thô nhập khẩu  đến từ những đối tác đáng tin cậy như Mỹ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh.     

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch cắt giảm hai phần ba lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga trước năm 2030, chuyển sang các nguồn cung  thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Thủ tướng Italia đã điện đàm với Tổng thống Azerbaijan về hợp tác năng lượng, trong bối cảnh Italia nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan thông qua đường ống Trans Adriatic.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Tập đoàn British Petroleum (BP) của Anh thông báo sẽ không ký các hợp đồng mới để mua dầu mỏ và khí đốt Nga, song để ngỏ khả năng từ bỏ chính sách này nếu có mối đe dọa đối với an ninh nguồn cung năng lượng cho người tiêu dùng. TotalEnergies SE cũng thông báo chấm dứt mua dầu của Nga, đồng thời lưu ý rằng một trong những nhà máy lọc dầu của công ty ở Đức vẫn tiếp tục nhận dầu thô của Nga, do không có giải pháp thay thế. 

Giới phân tích cho rằng, quyết định của Mỹ và các đồng minh nhằm trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Nga sẽ làm gia tăng tác động đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch Covid-19. Là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Nga đóng vai trò quan trọng trong ổn định thị trường năng lượng. 

Mặc dù Mỹ không phải là khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của Mỹ dường như đang phải chịu sức ép chưa từng có để đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ “xứ bạch dương”.


Theo nhandan.vn