Thứ 2, 13/01/2025, 15:50[GMT+7]

Hàn Quốc đối mặt làn sóng lây nhiễm nặng nề nhất, Trung Quốc có số ca mắc mới/ngày cao chưa từng thấy

Thứ 2, 14/03/2022 | 09:16:16
2,149 lượt xem
Đến sáng 14/3, thế giới có trên 457,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 457,7 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,17 triệu ca mắc và hơn 993.7 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 2.300người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hai năm sau khi đại dịch COVID19 bùng phát, mặc dù số ca nhiễm mới vẫn còn cao nhưng số ca nhập viện và tử vong tại Mỹ đã giảm đáng kể. Do đó, nhiều bang của Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch. Người dân Mỹ không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang sau một thời gian dài đã quen thuộc. Tuy nhiên, việc trở lại một cuộc sống bình thường mới không phải là dễ dàng. Đối với hàng triệu người dân Mỹ vốn đã quen với việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, việc dỡ bỏ các quy định này giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm nhưng kèm theo đó là sự thất vọng, bực bội và bất an.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,99 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 515.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 655.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên29,35 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Australia đang thảo luận về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Australia khẳng định sẽ cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, nếu chuyển sang giai đoạn phòng dịch mới, nước này sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người bệnh.

Australia đang trong Giai đoạn D của chính sách sống chung với COVID, theo đó sân bay đã mở cửa trở lại, khách quốc tế có thể đến, miễn trừ cách ly đối với những người muốn nhập cảnh. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, các quy định cách ly đang gây nhiều khó khăn cho giới doanh nghiệp. Australia có thể tiến tới sống chung với COVID-19 như bệnh cúm.

Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, từ ngày 14/3, nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người từ 80 tuổi trở lên đã được tiêm mũi tăng cường. Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cũng sẽ mở rộng triển khai đối với những người có hệ miễn dịch kém, nhóm đến nay vẫn chưa phải là đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo ông Castex, trong 4,1 triệu người trên 80 tuổi ở Pháp, có 3,1 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Hàn Quốc đối mặt làn sóng lây nhiễm nặng nề nhất, Trung Quốc có số ca mắc mới/ngày cao chưa từng thấy - Ảnh 1.

Australia đang cân nhắc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19.  


Pháp đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại. Từ ngày 14/3, Pháp sẽ bỏ quy định yêu cầu xuất trình thẻ thông hành vaccine trước khi vào các nơi công cộng cũng như quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín. Dù các quy định phòng dịch đang được nới lỏng, Thủ tướng Castex cho biết, ông khuyến nghị những người có sức khỏe kém nên đeo khẩu trang trong không gian kín và ở nơi đông người.

Tính đến 9h ngày 13/3, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc vẫn ở mức trên 350.000 trong ngày thứ hai liên tiếp. Đây là làn sóng lây nhiễm mạnh nhất ở Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 350.176 ca mắc COVID-19.

Làn sóng lây nhiễm mạnh do biến thể Omicron đã khiến số ca mắc mới ở Hàn Quốc tăng vọt, vượt mốc 300.000 ca/ngày trong hơn một tuần qua. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng và số ca tử vong cũng gia tăng. Theo dự báo của cơ quan y tế Hàn Quốc, làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron có khả năng đạt đỉnh trong những tuần tới, với số ca mắc trung bình ở mức 370.000 ca/ngày.

Nhật Bản sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá với mức độ dịch COVID-19, thay vì căn cứ vào số ca mắc mới mỗi ngày sẽ chuyển sang căn cứ vào xu hướng tăng giảm dịch bệnh, tỷ lệ sử dụng giường bệnh cũng như áp lực với hệ thống y tế. Các thay đổi này sẽ là cơ sở quan trọng để Nhật Bản đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh phù hợp.

Hiện nay, tiêu chí để dỡ bỏ việc áp dụng các biện pháp trọng điểm tại các địa phương là số ca mắc mới và áp lực đối với hệ thống y tế phải giảm xuống mức thấp đã không còn phù hợp. Do đó, Ủy ban chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản đã đã quyết định, nếu số ca mắc mới và áp lực đối với hệ thống y tế vẫn cao, nhưng chỉ cần có xu hướng giảm, có thể dỡ bỏ áp dụng các biện pháp trọng điểm tại các địa phương, bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội.

Cùng với việc thay đổi các tiêu chí đánh giá mức độ dịch COVID-19, Nhật Bản cũng triển khai những biện pháp linh hoạt đối phó với dịch bệnh như quay trở lại cho phép sử dụng chứng nhận tiêm chủng và chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 để tham gia các sự kiện và hoạt động kinh tế, xã hội một cách bình thường. Bên cạnh đó, các sự kiện có quy mô lớn sẽ được tổ chức mà không giới hạn số người tham dự với điều kiện sự kiện sẽ diễn ra trật tự và có kế hoạch phòng dịch chi tiết.

Ngày 13/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 1.900 ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng với hơn 1.400 ca không triệu chứng được phát hiện cùng ngày, số ca nhiễm theo ngày ở Trung Quốc lên tới trên 3.400 trường hợp, tăng gấp đôi so với một ngày trước đó và là mức cao nhất trong 2 năm qua.

Số ca mắc mới tăng mạnh trên toàn quốc đã buộc giới chức Trung Quốc phải đóng cửa trường học ở Thượng Hải. Lệnh phong tỏa cũng đã được thực thi ở một vài thành phố ở miền Đông Bắc, trong bối cảnh gần 19 tỉnh trên cả nước đang đối phó với các ổ dịch bùng phát do biến thể Omicron và Delta gây ra.

Hàn Quốc đối mặt làn sóng lây nhiễm nặng nề nhất, Trung Quốc có số ca mắc mới/ngày cao chưa từng thấy - Ảnh 2.

Số ca mắc mới ngày 13/3 tại Trung Quốc cao chưa từng thấy trong 2 năm đại dịch diễn ra ở nước này.  


Thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân đã tổ chức xét nghiệm đại trà ở nhiều khu vực, khuyến cáo người dân không ra khỏi địa bàn nếu không cần thiết. Hơn 100 công viên phải đóng cửa. Nhiều điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố giảm công suất phục vụ, bắt buộc người vào phải trình mã quét sức khỏe, mã hành trình không qua vùng dịch, kết quả xét nghiệm âm tính…Các lớp học từ mẫu giáo đến Trung học cơ sở chuyển sang học online.

Thành phố Bắc Kinh khuyến cáo, người dân vào thành phố nên xét nghiệm, hạn chế tụ tập trên 7 người. Người từ nơi khác đến được khuyến cáo ở nhà 7 ngày. Tại tỉnh Cát Lâm, nơi dịch nặng nề nhất, thành phố Trường Xuân với 9 triệu dân bị phong tỏa, cách chức Thị trưởng thành phố Cát Lâm.

Chính quyền thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, đã ban bố lệnh phong tỏa thành phố ngày 13/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi ghi nhận 66 ca mắc mới ở thành phố này. Theo đó, chính quyền thành phố khoảng 17 triệu dân này yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao. Trong những ngày gần đây thành phố này đã đóng cửa các địa điểm tổ chức sự kiện không thiết yếu và cấm các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan chỉ đạo, các địa phương có dịch triển khai biện pháp mạnh nhất như đẩy mạnh xét nghiệm đại trà, sàng lọc dịch tễ, nhất là khu vực cảng biển, cảng hàng không, khép kín ổ dịch, nhanh chóng khống chế dịch lây lan.

Trong một động thái mới, cơ quan y tế nước này vừa cho phép người dân mua kit tự xét nghiệm COVID-19 tại các nhà thuốc, trên các trang thương mại trực tuyến. Lâu nay, việc xét nghiệm chỉ có cơ quan y tế thực hiện. Trung Quốc vừa phê duyệt 5 loại kit xét nghiệm kháng nguyên do các công ty nội địa sản xuất và cam kết giá bán thấp nhất.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu thảo luận cách thức và thời điểm để kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19 gây ra. Tại các cuộc thảo luận kín tại Tổ chức Y tế Thế giới, các chuyên gia đang tập trung xem xét những điều kiện nào sẽ báo hiệu rằng tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được tuyên bố cách đây hai năm sẽ kết thúc.

Cuộc thảo luận đang dừng ở các điều kiện để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp, và WHO hiện chưa xem xét đưa ra tuyên bố như vậy. WHO vốn thận trọng khi đưa ra tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu cũng như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyết định chấm dứt sẽ do Tổng Giám đốc WHO đưa ra sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia.

Theo vtv.vn