Thứ 5, 28/11/2024, 05:40[GMT+7]

COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ, Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát dịch mạnh nhất

Thứ 4, 16/03/2022 | 09:00:06
895 lượt xem
Đến sáng 16/3, thế giới có trên 461,11 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,07 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 461,11 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,22 triệu ca mắc và 991.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 8.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến liên quan đến biến thể phụ BA.2 của Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan nhanh ở nước này. Người phát ngôn Nhà trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ hiện đã ghi nhận khoảng 35.000 ca nhiễm Omicron tàng hình và con số đó có thể tiếp tục tăng trong những tuần tới. Do vậy, nước này cần bổ sung cho quỹ phòng chống dịch COVID-19 để ứng phó với biến thể này. Theo đánh giá ban đầu, "Omicron tàng hình" có thể lây lan nhanh hơn Omicron bản gốc 30%. Tuy nhiên, các vaccine và phương pháp điều trị hiện có vẫn có hiệu quả đối với biến thể này.

Theo CDC Mỹ, dữ liệu từ mạng lưới phân tích nước thải được dùng để dự báo xu hướng dịch COVID-19 tại Mỹ cho thấy, số ca mắc tăng nhẹ trở lại ở nhiều địa phương. Hơn 1/3 địa điểm lấy mẫu nước thải tại Mỹ ghi nhận xu hướng gia tăng ca mắc trong giai đoạn từ ngày 1 - 10/3 dù số ca mắc được báo cáo vẫn đang ở mức thấp. Trên thực tế, ở nhiều vùng trên toàn nước Mỹ, người dân đã trở lại làm việc trực tiếp trong khi các quy định về đeo khẩu trang cũng đã được nới lỏng, đây đều là những yếu tố dẫn tới số ca mắc tăng. Trong khi đó, thời tiết ấm hơn cũng là lý do làm tăng số người ra ngoài và số người mắc bệnh, được xem là những yếu tố giúp bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm và giữ số ca mắc ở mức thấp.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,99 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 655.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,38 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Từ ngày 18/3, Anh sẽ chấm dứt tất cả hạn chế đi lại vốn được áp đặt nhằm phòng chống COVID-19, tạo thuận lợi cho việc mở cửa trở lại du lịch sau gần 2 năm đóng cửa. Từ 4h ngày 18/3 (giờ địa phương), du khách đến nước này sẽ không còn phải điền biểu mẫu thông tin định vị hành khách. Đáng chú ý, những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải thực hiện xét nghiệm trước và sau khi đến Anh.

Là một trong những nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế nghiêm ngặt nhất ở châu Âu vào thời kỳ đỉnh dịch COVID-19, giờ đây Anh trở thành quốc gia cởi mở hơn nhiều nước châu Âu khác và Mỹ, nơi vẫn áp dụng một số hạn chế, trong đó có yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm vaccine.

COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ, Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát dịch mạnh nhất - Ảnh 1.

Anh sẽ chấm dứt tất cả hạn chế đi lại từ ngày 18/3.  

Chính quyền vùng Scotland thuộc Vương quốc Anh sẽ nhóm họp trong ngày 15/3 để quyết định xem liệu có nên dỡ bỏ toàn bộ những biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19 còn lại đúng như kế hoạch hay không, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng mạnh trở lại.

Pháp đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19, người dân được phép quay trở lại quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim... mà không cần xuất trình giấy xác nhận tiêm vaccine. Động thái này diễn ra chưa đầy một tháng trước vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và ngay khi số ca mắc COVID-19 mới trong ngày có xu hướng tăng trở lại. Một số nhà khoa học đặt câu hỏi về việc liệu đây có phải thời điểm quá sớm để nới lỏng hạn chế không, trong khi người dân Pháp lại tỏ ra phấn khởi khi cuối cùng họ cũng được quay trở về cuộc sống trước kia.

Từ tuần này, người dân Pháp sẽ không bị yêu cầu xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng COVID-19 để vào quán bar, hộp đêm, viện bảo tàng, sân vận động. Khẩu trang cũng không cần phải đeo trong các trường học, văn phòng và cửa hàng trên khắp nước Pháp, dù việc này vẫn là bắt buộc trong bệnh viện và phương tiện giao thông công cộng.

Khả năng một người cùng lúc nhiễm 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là có, nhưng rất hiếm và chỉ xảy ra trong một số trường hợp nhất định. Các chuyên gia New Zealand đã giải thích điều này trong bài viết đăng ngày 15/3 trên stuff.co.nz, trang mạng tin tức phổ biến nhất tại New Zealand.

Các chuyên gia cho rằng, dù việc đồng nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 là rất hiếm, nhưng tình trạng lây nhiễm kép các virus gây bệnh đường hô hấp khác rất phổ biến. Phó Giáo sư Jo Kirman tại Đại học Otago đã tham gia nghiên cứu về virus gây bệnh đường hô hấp, trong đó có virus RSV, ở trẻ sơ sinh và trẻ em tại New Zealand. Trong một nghiên cứu từ cách đây vài năm, bà cho biết có một số lượng lớn trẻ bị nhiễm đồng thời 2 hoặc 3 loại virus đường hô hấp.

Australia thông báo sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm du thuyền tới nước này từ ngày 17/4 tới. Quyết định này nằm trong kế hoạch sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao tại nước này. Như vậy, Australia sẽ chấm dứt những hạn chế cuối cùng liên quan đại dịch COVID-19 sau 2 năm ứng phó với dịch bệnh.

Trước đó, Australia cấm du thuyền tới nước này từ tháng 3/2020 sau khi các du thuyền được xác định là nguồn gây ra 20% số ca lây nhiễm ở nước này. Trước đại dịch, Australia từng chào đón hơn 600.000 du thuyền vào năm 2019 với doanh thu lên tới 43 tỷ USD.

Ngày 15/3, Bộ Y tế Thái Lan đã cấp phép sử dụng nửa liều vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA cho mũi tiêm thứ ba nhằm khuyến khích người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính, tiêm nhắc lại. Phát biểu họp báo, Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết, các số liệu gần đây cho thấy, hầu hết các ca tử vong do COVID-19 là người cao tuổi. Do đó, Bộ Y tế Thái Lan đã quyết định giảm một nửa liều vaccine của Pfizer-BioNTech để tiêm cho nhóm tuổi này. Đây cũng là liều lượng tiêm đại trà cho người dân muốn tiêm mũi thứ 4. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần một nửa liều vaccine bằng công nghệ mRNA cũng có thể cải thiện khả năng miễn dịch.

COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ, Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát dịch mạnh nhất - Ảnh 2.

Thái Lan ngày 15/3 ghi nhận 19.742 ca mắc mới.  

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Thái Lan, nước này ngày 15/3 ghi nhận 19.742 ca mắc mới và 70 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca mắc từ đầu dịch ở nước này là trên 3,22 triệu trường hợp, trong đó có 23.851 người không qua khỏi. Hiện khoảng 83% số người cao tuổi của Thái Lan đã tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 và 78,5% đã tiêm mũi thứ hai, trong khi 32% đã tiêm mũi nhắc lại.

Trang Facebook chính thức của Bộ Y tế Malaysia (MOH) ngày 15/3 cho biết, số trẻ em mắc COVID-19 nhập viện cần điều trị tại các đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) tăng đáng kể. Theo đó, số trẻ mắc COVID-19 ở mức độ 4 và 5 tăng 94% (Malaysia phân mức độ nhiễm virus SARS-CoV-2 làm 5 mức độ, trong đó 5 là mức nặng nhất cần phải thở máy). Các chuyên gia y tế cũng bày tỏ lo ngại các trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em ở Malaysia cũng gia tăng trong thời gian gần đây.

Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại Mỹ cũng cho thấy, COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ phát hiện, trẻ dưới 18 tuổi từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 166% so với những trẻ chưa nhiễm virus này. Cũng theo nghiên cứu này, những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 116% so với những người mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp trong thời kỳ trước đại dịch.

Tạp chí y khoa Diabetes Care cũng đưa tin, số trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 tại Anh tăng khi đại dịch lên đến đỉnh điểm tại nước này vào năm 2020.

Ngày 15/3 là ngày thứ tư liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục vượt 300.000 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận 362.328 ca mắc mới COVID-19 (phần lớn là lây nhiễm trong cộng đồng), mức cao thứ hai sau mức kỷ lục 383.664 trường hợp ghi nhận ngày 12/3 và tăng mạnh so với 309.790 bệnh nhân ngày 14/3. Hàn Quốc cũng có thêm 293 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng từ đầu dịch đến nay lên 10.888 trường hợp trong tổng số trên 7,22 triệu trường hợp nhiễm bệnh.

Kể từ đầu năm đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tăng mạnh, với mức tăng từ 4 chữ số lên 6 chữ số trong khoảng 3 tuần trong tháng 2.

Ngày 15/3, Trung Quốc ghi nhận 5.280 ca COVID-19 mới, cao gấp hơn 2 lần so với con số của ngày trước đó và là mức nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tỉnh Cát Lâm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với hơn 3.000 trường hợp mắc mới.

Kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát quy mô lớn thông qua chiến lược "Zero COVID-19" nghiêm ngặt, bao gồm phong tỏa cứng, bắt buộc phần lớn cư dân phải ở trong nhà của họ.

Tuy nhiên, ngày 15/2/2022 là ngày thứ sáu liên tiếp có hơn 1.000 trường hợp mắc mới được ghi nhận tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Ít nhất 11 thành phố, quận/huyện trên toàn Trung Quốc đã bị đóng cửa vì đợt bùng phát dịch mới nhất, bao gồm cả trung tâm công nghệ phía Nam Thâm Quyến, nơi sinh sống của 17 triệu người.

Theo vtv.vn