Thứ 5, 28/11/2024, 03:51[GMT+7]

Mũi vaccine thứ 4 giúp giảm 78% nguy cơ tử vong, Trung Quốc có hơn 1.200 ca COVID-19 cộng đồng mới

Thứ 2, 28/03/2022 | 08:54:05
2,266 lượt xem
Đến sáng 28/3, thế giới có trên 481,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,14 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 481,8 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,61 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 2.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng mỗi ngày ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào năm 2020, mặc dù nhiều người dân nước này vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường. Số liệu từ Our World in Data cho thấy, mức bình quân số liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng trong 7 ngày vừa qua ở Mỹ đã giảm xuống còn 127.000 mũi/ngày, đánh dấu sự sụt giảm kể từ tháng 1/2022, khi hơn 1 triệu mũi tiêm mỗi ngày được thực hiện. Theo dữ liệu của nhật báo Washington Post, số người được tiêm vaccine đã giảm xuống còn 182.000 người/ngày.

Trong khi số người Mỹ tiêm 2 liều vaccine đã tăng lên mức 75% ở các đối tượng là người trưởng thành, số lượng tiêm mũi tăng cường lại ở mức thấp hơn. Mũi tiêm tăng cường có vai trò đặc biệt quan trọng khi đối mặt với biến thể Omicron, chủng virus có khả năng tránh được sự bảo vệ của 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng một nửa dân số nước này đủ điều kiện vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường. Tình trạng đó khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ gia tăng tiềm tàng về số lượng ca mắc mới COVID-19, như đang bắt đầu xảy ra ở châu Âu, ngay cả khi tỷ lệ tiêm mũi tăng cường cao hơn so với nhiều quốc gia khác.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 658.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,83 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng 1 triệu ca trong tuần kết thúc vào ngày 19/3, lên 4,3 triệu ca. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 tại Anh hiện ở mức 1/16 người trong bối cảnh biến thể phụ BA.2 của Omicron lây lan nhanh tại nước này. Tất cả các vùng của Anh, trừ Bắc Ireland, đều ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới gia tăng, đặc biệt ở Scotland, nơi tỷ lệ mắc COVID-19 đạt kỷ lục mới với 1/11 người. Vào tuần trước đó, số ca mắc COVID-19 tại Anh là 3,3 triệu ca.

Số liệu mới nhất này được cho là phản ánh chính xác nhất về tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Các chuyên gia cho biết, số ca mắc mới tăng cao đồng nghĩa với việc số ca nhập viện do COVID-19 cũng sẽ tăng, mặc dù vaccine giúp ngăn chặn nhiều trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng.

Mũi vaccine thứ 4 giúp giảm 78% nguy cơ tử vong, Trung Quốc có hơn 1.200 ca COVID-19 cộng đồng mới - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng 1 triệu ca trong tuần kết thúc vào ngày 19/3.  

Ông Ian Barr, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác nghiên cứu về bệnh cúm thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm tại Australia sau đại dịch COVID-19. Ông Barr đưa ra cảnh báo trên khi có nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên của người dân Australia đối với cúm mùa có thể đã suy giảm trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành.

Trong năm 2021, Australia có 598 ca nhiễm cúm, mức thấp nhất từ trước đến nay và không có trường hợp tử vong nào, nhờ các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Năm 2019, nước này có tới 313.033 ca nhiễm cúm, trong đó có 953 ca tử vong.

Về dịch COVID-19, ngày 27/3 Australia ghi nhận 46.502 ca mắc mới và 11 người tử vong trên cả nước.

Bộ Y tế New Zealand cho biết, ngày 27/3, nước này ghi nhận 10.238 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand, tập trung số ca nhiễm mới cao nhất, với 1.886 trường hợp.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng 597.745 ca mắc.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, ngày 27/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 1.217 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng, phần lớn tập trung tại tỉnh Cát Lâm (1.071 người). Ngoài ra, có 37 ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh

Theo ủy ban trên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 143.240 ca mắc, bao gồm cả các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và người nhập cảnh, trong đó có 4.638 bệnh nhân tử vong. Hiện vẫn còn 27.567 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Trung Quốc đại lục.

Thượng Hải, thành phố lớn nhất tại Trung Quốc, tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chức thành phố khẳng định, chính quyền sẽ nỗ lực để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện do lo ngại những tác động kinh tế của biện pháp này.

Hiện Trung Quốc đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể Omicron lây lan nhanh, khiến số ca mắc mới hàng ngày tăng cao chưa từng thấy.

Ngày 27/3, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã rút ngắn lệnh đình chỉ bay đối với các hãng hàng không được phát hiện chở hơn 3 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại điểm đến, trong bối cảnh số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục giảm.

Trong một tuyên bố, chính quyền Hong Kong cho biết, từ ngày 2/4, lệnh đình chỉ bay đối với các hãng hàng không phát hiện chở trên 3 hành khách mắc COVID-19 sẽ được giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Bên cạnh đó, nếu một chuyến bay đơn lẻ có một người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và ít nhất một trường hợp không tuân thủ việc xét nghiệm trước khi đến, hãng hàng không đó sẽ bị cấm bay trong vòng 7 ngày.

Mũi vaccine thứ 4 giúp giảm 78% nguy cơ tử vong, Trung Quốc có hơn 1.200 ca COVID-19 cộng đồng mới - Ảnh 2.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hong Kong đang giảm đi.  

Tuần trước, Hong Kong đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm đối với các chuyến bay đi và đến từ 9 nước gồm Canada, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Anh, Mỹ, Pháp, Australia và Philippines.

Trong 24 giờ qua, Hong Kong ghi nhận 8.037 ca mắc mới COVID-19 và 151 ca tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại đây dưới mốc 10.000 ca. Chính quyền Hong Kong dự kiến sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo từng giai đoạn kể từ ngày 21/4, theo đó, cho phép dùng bữa tại nhà hàng sau 18h với tối đa 4 người/bàn, tăng so với mức tối đa 2 người/bàn như hiện nay.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, những nỗ lực nhằm kiểm soát dịch COVID-19 của đặc khu sẽ tập trung vào các viện dưỡng lão và những người sống trong những cơ sở này.

Từ 0h ngày 1/4, cư dân tại đặc khu hành chính Hong Kong đáp ứng đủ điều kiện sẽ được quay trở lại Hong Kong. Những người không phải cư dân Hong Kong chưa được phép lên máy bay từ bất kỳ khu vực nào ở nước ngoài. Trưởng Đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhắc lại rằng, quyết định này không có nghĩa là nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh. Bà cũng dự đoán, Hong Kong sẽ có thêm nhiều ca bệnh “nhập khẩu”, nhưng dữ liệu cho thấy, hầu hết các trường hợp này không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ và có thể kiểm soát được.

Bộ Y tế Malaysia thông báo, ngày 2/3, nước này có thêm 20.923 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia lên trên 4,12 triệu người. Đa số ca mắc mới nói trên là lây nhiễm trong cộng đồng với 20.695 cư dân. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Malaysia đã có 34.751 người tử vong do dịch bệnh này.

Hiện 84,1% dân số nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 79% đã hoàn thành tiêm chủng cơ bản và 47,8% đã tiêm mũi tăng cường.

Nghiên cứu riêng rẽ của hai tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel công bố ngày 26/3 cho biết, mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 ngoài giảm nguy cơ lây nhiễm có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm y tế Clalit lấy số liệu của trên 563.450 bệnh nhân tuổi từ 60 đến 100. Các chuyên gia của Clalit kết luận, nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi cũng theo dõi hiệu quả của mũi vaccine bổ sung đối với 100.000 người trên 60 tuổi tại Israel trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022. Kết quả cho thấy, mũi vaccine thứ 4 mang lại hiệu quả cao hơn 73% so với 3 mũi trước đó trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng.

Người nhiễm cùng lúc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và virus cúm có nguy cơ tử vong cao gấp đôi, còn nguy cơ phải thở máy tăng gấp 4 lần. Đây là nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí uy tín về y khoa The Lancet. Nghiên cứu thực hiện đối với 305.000 người ở Anh nhập viện vì COVID-19, trong số này có 227 bệnh nhân nhiễm cả COVID-19 và cúm. Tình trạng bệnh của họ nghiêm trọng hơn nhiều so với nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, những phát hiện này cho thấy cần tăng cường xét nghiệm cúm ở người mắc COVID-19 phải nhập viện.

Thế giới đang ghi nhận sự gia tăng các loại virus gây bệnh đường hô hấp theo mùa thông thường khi người dân nối lại cuộc sống bình thường mới và không áp dụng các biện pháp phòng dịch. Vì vậy, theo các nhà khoa học, điều quan trọng nhất là mọi người phải tiêm phòng đầy đủ để có kháng thể phòng ngừa cả hai loại virus trước khi quá muộn.

Theo vtv.vn