Thứ 2, 13/01/2025, 09:38[GMT+7]

Hàng loạt hệ lụy sức khỏe hậu COVID-19, biến thể siêu lây nhiễm tái tổ hợp từ chủng BA.1 và BA.2

Chủ nhật, 03/04/2022 | 08:21:22
1,715 lượt xem
Đến sáng 3/4, thế giới có trên 490,67 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,17 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 490,67 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,82  triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 6.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,02 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 521.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Các trường học tại vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã nối lại hoàn toàn hoạt động dạy và học trực tiếp sau hơn hai năm chuyến sang hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19. Quyết định nối lại học trực tiếp được đưa ra vào thời điểm bắt đầu năm học mới sau cuộc họp của Cơ quan Xử lý thảm họa Delhi (DDMa) trong tháng 2 vừa qua. Đây là lần đầu tiên 100% lớp học trực tiếp được mở lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ.

Các trường học ở New Delhi lần đầu tiên phải đóng cửa từ tháng 3/2020. Tiếp đó, tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước cũng tạm ngừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Trong hai năm qua, nhiều trường đã duy trì song song cả hai hình thức học và dạy.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 660.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 và có thể loại bỏ dần các biện pháp phòng chống COVID-19 còn lại trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến ngày 31/12. Với tình trạng khẩn cấp kết thúc, Ủy ban chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Italy về các biện pháp chống dịch COVID-19 và văn phòng của quan chức phụ trách phòng chống COVID-19, Tướng Francesco Figliuolo, đã ngừng hoạt động. Thay thế hai cơ quan này là một đơn vị đặc trách của Bộ Y tế Italy, được giao nhiệm vụ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 và áp dụng các biện pháp khác liên quan đến đại dịch, sẽ hoạt động cho đến cuối năm 2022.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza nói: "Đại dịch vẫn chưa kết thúc, chỉ là Italy hiện xử lý chúng bằng các công cụ thông thường. Thách thức thực sự và quan trọng nhất hiện nay là xây dựng lại một dịch vụ y tế quốc gia mới".

Hàng loạt hệ lụy sức khỏe hậu COVID-19, biến thể siêu lây nhiễm tái tổ hợp từ chủng BA.1 và BA.2 - Ảnh 1.

Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19.  

Chính phủ Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 vào ngày 31/1/2020 và đã gia hạn vài lần. Cho đến nay, Italy có khoảng 14,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 159.000 ca tử vong. Gần 90% số người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine đủ liều và khoảng 38,8 triệu/59 triệu dân đã được tiêm liều vaccine tăng cường.

Australia tiếp tục tiến thêm một bước trong việc thúc đẩy loại bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, khi Ủy ban Bảo vệ sức khỏe Australia (AHPPC) đưa ra khuyến nghị chính thức về vấn đề này.

AHPPC khuyến nghị loại bỏ quy định cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 nhưng cần căn cứ vào từng khu vực và mức độ rủi ro. AHPPC nhấn mạnh: "Ở những nơi bắt buộc phải kiểm dịch, tại thời điểm này, quy định cách ly 7 ngày vẫn còn thích hợp". Trước đó, ngày 23/3, AHPPC đã tiến hành cuộc họp tổng kết lại kết quả đối phó với đại dịch COVID-19, xác định mục tiêu tiếp theo và đưa ra các biện pháp trong thời gian tới.

AHPPC khuyến nghị rằng sau đỉnh điểm của làn sóng dịch COVID-19 do biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là "Omicron tàng hình"), thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần nên được thay thế bằng các biện pháp y tế khác, có thể bao gồm xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên. Các biện pháp khác được đề xuất bao gồm yêu cầu những người tiếp xúc gần phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, làm việc tại nhà nếu khả thi và hạn chế tiếp cận các khu vực có nguy cơ cao. Theo AHPPC, những người tiếp xúc gần với người bệnh cũng cần theo dõi các triệu chứng và cách ly nếu xuất hiện các triệu chứng.

Malaysia đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỷ Ringgit (RM) doanh thu từ du lịch.

Phó Tổng Giám đốc Bộ Nội vụ Malaysia Zakaria Shaaban cho biết, các điểm làm thủ tục nhập cảnh tại 183 cửa khẩu trên khắp đất nước đã sẵn sàng tiếp nhận khách du lịch, đồng thời sẵn sàng mở thêm các điểm làm thủ tục khi cần thiết.

Theo Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Malaysia Iskandar Mizal Mahmood, hãng đã chuẩn bị cho sự kiện này từ nhiều tháng trước, hợp tác với Bộ Giao thông và Bộ Y tế để tạo thuận lợi cho quá trình nhập cảnh và thời gian chờ đợi của du khách. Theo đó, các tình nguyện viên và nhân viên đã được huy động tại các sân bay để hỗ trợ khách du lịch, đặc biệt là về việc sử dụng ứng dụng phần mềm cài đặt trên điện thoại di động MySejahtera, phần mềm tích hợp bao gồm thông tin du khách và chứng chỉ tiêm vaccine …

Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản và các nước, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng số lượng người được phép nhập cảnh mỗi ngày, đồng thời hạ mức cảnh báo công dân nước này hạn chế đi lại tới các quốc gia khác. Như vậy, sau một thời gian thắt chặt chính sách nhập cảnh và đi lại, Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế này, thích ứng hơn với xu hướng mở cửa trên thế giới.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng số lượng người được phép nhập cảnh vào nước này mỗi ngày từ 7.000 hiện nay lên mức 10.000 người từ ngày 10/4 tới, song song với việc nới lỏng này là các biện pháp kiểm dịch sẽ được tăng cường ở sân bay. Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của các nước cũng như nhu cầu nhập cảnh vào nước để có các biện pháp nới lỏng nhập cảnh phù hợp, xu hướng là sẽ tiếp tục mở cửa để đáp ứng lưu lượng người muốn nhập cảnh ngày càng lớn.

Hàng loạt hệ lụy sức khỏe hậu COVID-19, biến thể siêu lây nhiễm tái tổ hợp từ chủng BA.1 và BA.2 - Ảnh 2.

Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế nhập cảnh và đi lại.  

Cùng với biện pháp nới lỏng nhập cảnh, Nhật Bản đã hạ thấp cảnh báo đi lại từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2 trên thang 4 cấp độ với 106 nước, đồng thời duy trì khuyến cáo đi lại cấp độ 2 đối với 39 nước khác, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Đối với các nước ở cấp độ 2, Nhật Bản khuyến cáo công dân không nên đi du lịch nếu không cần thiết và nên hoàn thành việc tiêm chủng trước khi đi. Trong khi đó, 56 quốc gia khác, chủ yếu ở Trung Đông và Châu Phi, vẫn ở mức cảnh báo cấp độ 3, cấp độ "khuyến nghị ngừng đi du lịch".

Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Omicron. Biến thể được đặt tên là XE này được phát hiện lần đầu ở Anh vào ngày 19/1. Biến thể XE là một dạng biến thể tái tổ hợp, là kết hợp của các biến thể BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron.

Những ước tính từ những ngày đầu cho thấy, XE có tốc độ tăng trưởng lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn biến thể phụ BA.2 của Omicron khoảng 10%. Tuy nhiên, điều này cần thêm thời gian và nghiên cứu để khẳng định. Những dữ liệu ban đầu về tỷ lệ tăng trưởng số ca mắc do nhiễm XE không cho thấy sự khác biệt đáng kể với BA.2. Tuy nhiên, Cố vấn y khoa chính tại Cơ quan An ninh y tế Anh cho biết, XE là một biến thể tái tổ hợp đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng lây nhiễm không giống các biến thể trước. Hiện XE vẫn chiếm phần rất nhỏ trong tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới.

Những người mắc COVID-19 nhẹ vẫn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch và não một năm sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Các hệ lụy lâu dài bao gồm hàng loạt triệu chứng liên quan đến phổi, tim, hệ thần kinh, hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 10 - 20% người mắc COVID-19 gặp các vấn đề sức khỏe trong trung hạn hoặc dài hạn do căn bệnh này.

Tiến sĩ Siddharth Singh, Giám đốc Khoa tim mạch hậu COVID-19 tại Viện Tim mạch Smidt ở Los Angeles, nhận định, tỷ lệ trên tưởng chừng nhỏ nhưng COVID-19 đã ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người. Chỉ riêng tại Mỹ, khoảng 80 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.

Hiện có nhiều câu hỏi hơn là đáp án liên quan đến COVID-19, như nhóm người nào có nguy cơ cao nhất bị các vấn đề hậu COVID-19 và các vấn đề này sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhất trí cho rằng, những người mắc COVID-19 cần nắm được những nguy cơ như bệnh tim mạch và đột quỵ, sức khỏe tâm thần, mệt mỏi...

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 bào chế theo công nghệ mRNA sẽ ít có biến chứng tim hơn so với việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là kết quả nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ công bố ngày 1/4. Kết quả nghiên cứu trên đã một lần nữa ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 bào chế theo công nghệ mRNA cho tất cả những người từ 5 tuổi trở lên, bất kể ở mũi thứ nhất, mũi thứ hai hay liều tăng cường, đối với tất cả các nhóm lứa tuổi và giới tính đều có hiệu quả.

Theo vtv.vn