Thứ 2, 13/01/2025, 09:39[GMT+7]

Người mắc COVID-19 tại Đức phải cách ly bắt buộc, Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới/ngày

Thứ 5, 07/04/2022 | 08:03:56
2,696 lượt xem
Tính đến sáng 7/4, thế giới ghi nhận 494,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,18 triệu trường hợp tử vong.

Người Đức đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, trong bối cảnh thành phố Thượng Hải bắt đầu triển khai đợt xét nghiệm diện rộng mới đối với hàng triệu cư dân. Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Trung Quốc đại lục phát hiện 20.472 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6/4. Đây là số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay, thậm chí cao hơn cả số ca mắc mới ghi nhận trong giai đoạn đỉnh điểm của đợt bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, hầu hết số ca mắc mới là ca không triệu chứng.

Thượng Hải, thành phố đông dân nhất ở Trung Quốc đại lục, chiếm hơn 80% tổng số ca mắc mới ở nước này. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 vẫn giữ nguyên ở 4.638 ca trong tổng số hơn 289.000 ca mắc.

Bắt đầu từ 6/4, Indonesia mở cửa 19 điểm nhập cảnh và nới lỏng chính sách cấp thị thực cho du khách quốc tế trong đó bao gồm 8 cảng biển, 7 cảng hàng không và 4 cửa khẩu trên bộ.

Du khách nhập cảnh Indonesia phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính tối đa 2 ngày trước khi khởi hành, chứng chỉ tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19 ít nhất 14 ngày trước khi khởi hành. Tuy nhiên, nước này đã bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm PCR khi đến. Bên cạnh đó, Indonesia sẽ mở rộng cấp thị thực khi đến cho du khách từ 43 quốc gia.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới vẫn dao động quanh mức 200.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan chậm lại sau khi lên đến đỉnh điểm vào tháng trước. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 286.294 ca mắc ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 14.553.644 ca. Số ca mắc mới duy trì ở mức dưới 300.000 ca/ngày trong 6 ngày liên tiếp. Số ca mắc mới hàng ngày đang giảm sau khi đạt lên mức cao nhất 621.181 ca ngày 17/3. Cũng trong ngày 6/4, số ca tử vong tăng lên 18.033 ca, tăng thêm 371 ca tính từ ngày 3/4.

Nhiều bang tại Australia đang đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. Trong đó, New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất Australia, ghi nhận số ca mắc mới tăng gần 10.000 ca trong 2 ngày. Tại New South Wales, số ca mắc trong ngày tăng ở mức báo động, với 19.183 ca mắc mới được ghi nhận ngày 5/4 và 15.572 ca ngày 4/4. Ngày 6/4, bang New South Wales công bố thêm 24.151 ca mắc và 15 ca tử vong do COVID-19. Một số trường học tại bang đã phải đóng cửa hoặc giảm số nhân viên làm việc, do dịch bệnh lây lan, buộc nhiều giáo viên hoặc học sinh, sinh viên phải nghỉ giảng dạy hoặc học trên lớp. Trước thực trạng thiếu giáo viên giảng dạy trực tiếp, Bộ trưởng Giáo dục bang New South Wales, Sarah Mitchell cho biết nhà chức trách đang cân nhắc nới lỏng các quy định cách ly đối với giáo viên.

Người mắc COVID-19 tại Đức phải cách ly bắt buộc, Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới/ngày - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4/4/2022.  

Trong khi đó, bang Queensland công bố thêm 8.534 ca mắc và 1 ca tử vong trong ngày 6/4. Dù số ca mắc tăng, nhưng từ sáng 14/4, bang này sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch trước kỳ nghỉ Lễ Phục sinh. Tại bang Victoria, có 12.150 ca mắc mới và 3 ca tử vong được ghi nhận cùng ngày. Bang Victoria hiện có 331 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 16 ca nặng cần chăm sóc đặc biệt.

Bộ Y tế Đức thông báo tiếp tục thực hiện yêu cầu người mắc bệnh phải cách ly bắt buộc thay vì thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Bộ trưởng Y tế liên bang Karl Lauterbach cho rằng COVID-19 không phải bệnh cảm cúm thông thường, do đó sau khi nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly và chịu sự kiểm soát của cơ quan y tế. Bộ trưởng Lauterbach giải thích các cơ sở y tế luôn gặp tình trạng quá tải và không thể đáp ứng nếu tiếp tục thực hiện lệnh cách ly bắt buộc. Do đó, kế hoạch ban đầu là chuyển sang thực hiện cách ly tự nguyện. Tuy nhiên, việc cách ly tự nguyện sẽ gây ra tác hại nhiều hơn lợi ích do người mắc bệnh có quyền tự quyết định việc có cách ly hay không. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng lây nhiễm mới.

Liên quan các kế hoạch mở cửa trở lại trên thế giới, Chính phủ Lào đang cân nhắc mở cửa trở lại đất nước, đón du khách nước ngoài sau khi thí điểm giai đoạn I mở cửa một phần cho các nhóm du khách nhất định. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào gửi đề xuất khuyến nghị Chính phủ Lào xem xét mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước bắt đầu từ tháng 5 tới. Theo đề xuất, Lào sẽ mở cửa hoàn toàn cho các du khách đã tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi tới nước này. Khi đến Lào, du khách chỉ phải xét nghiệm nhanh và chờ không quá 2 giờ để lấy kết quả thay vì phải xét nghiệm PCR và chờ 48 giờ như hiện nay. Các du khách nước ngoài chưa tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể nhập cảnh Lào với điều kiện phải thực hiện cách ly 7 ngày.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi nước ngoài ngày càng tăng của người dân, kể từ tháng 5 tới, Hàn Quốc sẽ tăng thêm 100 chuyến bay quốc tế mỗi tháng đến Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác không áp dụng quy định cách ly phòng dịch. Bộ trưởng Hae-cheol nhấn mạnh sau 10 tuần gia tăng số ca mắc mới, làn sóng dịch tại Hàn Quốc đã giảm tuần thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, nhu cầu đi nước ngoài của người dân được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong bối cảnh nhiều quốc gia đang dần nới lỏng các quy định cách ly sau khi vượt qua đỉnh dịch lây nhiễm biến thể Omicron. Chính vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc quyết định kể từ tháng tới sẽ tăng thêm 100 chuyến bay mỗi tháng đến những quốc gia miễn cách ly phòng dịch COVID-19 và miễn thị thực nhập cảnh, chẳng hạn như Mỹ, châu Âu, Thái Lan và Singapore.

Theo vtv.vn