Thứ 5, 28/11/2024, 02:45[GMT+7]

Kiểm soát dịch bệnh lâu dài

Chủ nhật, 24/04/2022 | 13:59:24
3,416 lượt xem
Thêm nhiều nước dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi xu thế giảm số ca mắc mới và tử vong tiếp diễn trong tuần tính đến sáng 24/4.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ.

Nguồn cung dồi dào hơn giúp các nước đẩy mạnh chiến dịch bao phủ vaccine toàn dân, tiếp thêm động lực để các quốc gia tiến nhanh hơn trên con đường trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Tuy nhiên, các chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Thượng Hải (Trung Quốc); số ca mắc tại Ấn Độ có ngày tăng gấp đôi trong 24 giờ; dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron khiến 50% số bang của Mỹ ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trong khi Canada đối mặt với làn sóng dịch bệnh nhiều bất ổn nhất từ trước tới nay... cho thấy cuộc chiến phòng chống virus SARS-CoV-2 sẽ còn kéo dài.

Theo trang worldometers.info, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu tuần qua giảm lần lượt 21% và 15% so với 7 ngày trước đó. Châu Á có tốc độ giảm mạnh ở các mức 31% và 22%. Biểu đồ dịch bệnh Nam Mỹ cũng cùng chung xu hướng giảm ở cả 2 chỉ số (17% và 23%). Châu Âu ghi nhận giảm lần lượt là 20% và 11%. Riêng châu Phi, cả hai chỉ số tăng lần lượt 24% và 6%.

Tình hình dịch bệnh nhìn chung cải thiện tiếp tục tạo đà cho nhiều quốc gia thúc đẩy kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế đã vạch ra trước đó. Singapore quyết định hạ cấp độ cảnh báo dịch bệnh từ mức da cam (mức cảnh báo cao thứ hai, chỉ dưới mức cảnh báo cao nhất là đỏ, được áp dụng từ tháng 2/2020) xuống vàng, dỡ bỏ quy định hạn chế số lượng người tụ tập, không bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời, các công ty có thể yêu cầu 100% người lao động trở lại nơi làm việc, quy định giãn cách xã hội cũng sẽ không còn là điều bắt buộc, các sự kiện được tổ chức tối đa công suất, Cảnh báo nguy cơ sức khỏe (HRN) đối với những người có tiếp xúc gần không còn xuất hiện, việc sử dụng các phần mềm truy vết tiếp xúc như TraceTogethe hay SafeEntry được gác lại và đất nước mở cửa hơn nữa biên giới.

Thiên đường du lịch Đông Nam Á Thái Lan cũng nhanh chóng công bố những thay đổi lớn trong các quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, theo đó, từ ngày 1/5 bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi đến đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ, chỉ xét nghiệm sau khi nhập cảnh, kể cả những người đã tiêm chủng đầy đủ. Chương trình “Xét nghiệm & Lên đường” (Test & Go) dành cho du khách nước ngoài sẽ không còn tồn tại từ ngày 1/5. Thái Lan cũng nới lỏng việc kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc, chấm dứt các vùng kiểm soát dịch (màu da cam) ở 20 tỉnh.

Chú thích ảnhMột điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc.  

Hàn Quốc từ tuần tới nới lỏng quy định phòng dịch tại các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe buýt. Từ ngày 18/4, nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, chỉ duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Các doanh nghiệp nhỏ được phép hoạt động mà không bị hạn chế về thời gian và công suất, hạ cấp độ cảnh báo dịch bệnh xuống mức nghiêm trọng thứ hai trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ. Đáng chú ý, Hàn Quốc đang từng bước đưa việc dạy và học trở lại bình thường với quyết định từ ngày 1/5 tới, tất cả học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc sẽ trở lại trường học trực tiếp, với chương trình các môn học và hoạt động ngoại khóa như bình thường.

Là nước tiên phong trong các chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19, Israel đánh dấu thêm một cột mốc mới trong chiến lược sống chung với COVID-19 bằng quyết định dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín từ ngày 23/4.

Bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo từ ngày 25/4 tới sẽ thực hiện báo cáo tổng hợp hằng tuần về dịch COVID-19 thay vì báo cáo hằng ngày, đánh dấu thêm một bước chuyển sang giai đoạn mới sống chung an toàn với đại dịch. Giới hạn số lượng hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ được dỡ bỏ. Ngoài bang NSW, ba địa phương khác của Australia cũng đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với người tiếp xúc gần là Vùng Thủ đô Canberra, bang Queensland và Victoria.

Từng là một điểm nóng dịch bệnh của châu Mỹ và thế giới trong năm đầu dịch bệnh bùng phát và hiện vẫn nằm trong nhóm 3 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Brazil đã chính thức thông báo quyết định chấm dứt giai đoạn khẩn cấp về y tế quốc gia được áp dụng từ  tháng 2/2020. Quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá về khả năng phản ứng của hệ thống y tế công cộng, những thay đổi tích cực của tình hình dịch tễ trên cả nước, cũng như những kết quả tích cực của chiến dịch tiêm vaccine quốc gia.

Mỹ đã đưa khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ra khỏi danh sách khuyến cáo không đi du lịch liên quan đến dịch COVID-19. Như vậy, Mỹ không còn xếp bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào vào nhóm thuộc diện cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ của nước này.

Tại Việt Nam, tuần qua, chương trình tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả đã trở thành trọng tâm của nỗ lực quốc gia nhằm sống chung an toàn với COVID-19. Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 23/4, cả nước đã tiêm gần 212 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%, hơn 53% được tiêm mũi 3; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của nhóm từ 12-17 tuổi lần lượt là 100% và 96%. Hơn 374 nghìn liều vaccine mũi 1 đã được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.


Chú thích ảnhNhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 23/4/2022.  

Tuy nhiên, tuần qua, chính quyền thành phố Thượng Hải phải triển khai hàng loạt chiến dịch nhằm chặn đứng tất cả các chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng sớm nhất có thể, trong đó có hạn chế các hoạt động đi lại và tập trung đông người. Ngày 23/4, Thượng Hải ghi nhận 39 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa từ đầu tháng để ngăn chặn dịch.

 Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng khi số ca mắc mới tại đây tăng trở lại trong những ngày qua. Giới chuyên gia y tế Nhật Bản cũng cảnh báo nguy cơ số ca mắc sẽ tăng khi giới trẻ nước này tỏ ra “thờ ơ” với mũi tiêm tăng cường. Hàn Quốc ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm các biến thể phụ XE và XM, trong đó XE - biến thể phụ tái tổ hợp giữa hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của Omicron được đánh giá có tốc độ lây nhiễm cao hơn khoảng 10% so với Omicron.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3, song cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng bởi nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm. 

Trong khi đó, các nhà dịch tễ học nhận định trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, giai đoạn tái nhiễm COVID-19 càng được rút ngắn. Phó Giáo sư Jason Kindrachuk tại Đại học Manitoba (Canada) cho rằng nhiều khả năng các biến thể này "né" được một số phản ứng miễn dịch có được từ đợt mắc COVID-19 trước đó. Điều này đồng nghĩa chúng ta không có mức độ bảo vệ chống nguy cơ lây nhiễm bệnh tương tự như đã từng có trước đây. Bà Cynthia Carr, nhà dịch tễ học kiêm nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu dịch tễ học Research EPI, cho rằng càng nhiều người mắc bệnh, càng có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.

Có thể thấy những kết quả khả quan trong phòng chống dịch giúp thế giới sẵn sàng để trở lại những ngày tháng bình thường. Tuy nhiên, khi WHO vẫn chưa có những quyết định mới về chuyển trạng thái dịch bệnh, vẫn khuyến cáo về những diễn biến có thể khó lường, hầu hết các quốc gia cũng thận trọng nới lỏng đi kèm với những khuyến nghị về việc tuân thủ các quy định phòng dịch tối thiểu. Tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vaccine vẫn được đề cao ở hầu hết các quốc gia để hướng tới mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh về lâu dài.

Theo  baotintuc.vn