Thứ 2, 13/01/2025, 06:45[GMT+7]

Thủ đô Trung Quốc siết chặt chống dịch, Nhật Bản phát hiện ca đầu tiên nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn

Thứ 4, 27/04/2022 | 08:18:14
2,135 lượt xem
Đến sáng 27/4, thế giới có trên 510,44 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,24 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 510,44 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,75 triệu ca mắc và hơn 1,018 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 21.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã lần đầu tiên cấp phép đầy đủ cho việc sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir của hãng dược phẩm Gileadcho trẻ nhỏ từ 28 ngày tuổi trở lên. Quyết định trên được đưa ra sau nhiều tháng kể từ khi FDA mở rộng đối tượng sử dụng thuốc này với trẻ em dưới 12 tuổi và cân nặng ít nhất 3,5 kg. Quyết định mới đánh dấu lần đầu tiên một loại thuốc điều trị COVID-19 được cấp phép chính thức sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi.

Theo quy định mới, thuốc Remdesivir được phép kê đơn cho trẻ đã nhập viện hoặc có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa và đang gặp nguy cơ bệnh trở nặng.

Vaccine vẫn là nhân tố quan trọng giúp trẻ em tránh diễn tiến bệnh nặng phải nhập viện. Đây là kết quả nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố. Theo kết quả của nghiên cứu này, số trẻ em chưa tiêm vaccine phải nhập viện vì COVID-19 cao gấp đôi so với trẻ cùng độ tuổi đã được tiêm phòng.

Nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên dữ liệu từ các bệnh viện thuộc 14 bang của Mỹ, tập trung vào 400 trẻ em độ tuổi từ 5 - 11 trong khoảng thời gian bùng phát làn sóng lây nhiễm Omicron tại Mỹ từ tháng 12 /2021 đến tháng 2/2022. Các chuyên gia nhận thấy, trẻ em bị mắc COVID-19 sau khi tiêm cũng không phải sử dụng biện pháp trợ thở khi nhập viện.

Ngày 26/4, Nhà Trắng thông báo đang tìm cách mở rộng việc tiếp cận thuốc uống điều trị COVID-19 thông qua việc tăng gấp đôi số điểm cấp phát thuốc miễn phí hiện nay. Kể từ tuần này, các hiệu thuốc tham gia vào chương trình dược phẩm liên bang về phân phối thuốc điều trị COVID-19 miễn phí có thể đặt trực tiếp từ Chính phủ Mỹ, thay vì qua chính quyền bang như hiện nay. Với cơ chế hiện hành, Mỹ hiện có 20.000 điểm cấp phát thuốc điều trị COVID-19. Chính quyền Mỹ dự định sớm tăng số đại lý nhận phân phối trực tiếp lần lượt lên 30.000 điểm và 40.000 điểm trong những tuần tới.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,06 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Ngày 26/4, Cơ quan kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa COVID-19 là Covaxin và Corbevax lần lượt cho trẻ từ 6-12 tuổi và trẻ từ 5-12 tuổi. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này ghi nhận sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong các trường học.

DCGI cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine trên dành cho trẻ em sau các khuyến nghị của Ủy ban chuyên gia về COVID-19 thuộc Tổ chức Kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương Ấn Độ (CDSCO). Trên tài khoản mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya nêu rõ: "Cuộc chiến chống COVID-19 của Ấn Độ đang ngày càng mạnh mẽ hơn".

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,35 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Israel cho biết, qua xét nghiệm kháng nguyên (PCR) tại sân bay quốc tế, nước này đã phát hiện 3 trường hợp mắc biến thể mới của chủng Omicron. Biến thể phụ của chủng Omicron được đặt mã số là BA.4, vốn lây lan nhanh chóng tại Nam Phi và có tỷ lệ tử vong cao. Ba trường hợp vừa phát hiện mắc biến thể này là khách du lịch trở về từ Nam Phi, Singapore và Italy.

Thông cáo của Bộ Y tế Israel cho biết, hiện chưa có nhiều thông tin liên quan biến thể này, nhưng khẳng định các cơ quan chức năng đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan các ca bệnh mới.

Thủ đô Trung Quốc siết chặt chống dịch, Nhật Bản phát hiện ca đầu tiên nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn - Ảnh 1.

Israel đã ghi nhận 3 trường hợp mắc biến thể mới BA.4 của chủng Omicron.  

Ngày 26/4, Campuchia chính thức bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trên cả nước. Đây là quyết định được Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra. Theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen, sau 10 ngày thử nghiệm bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại 4 tỉnh phía Bắc gồm Ratanakiri, Mondulkiri, Stung Treng và Preah Vihear, tỉ lệ nhiễm COVID-19 tại các địa phương này không tăng. Dựa trên kết quả này, Campuchia quyết định dỡ bỏ bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng trên cả nước kể từ ngày 26/4. Tuy nhiên, những nơi có không gian kín, tập trung đông người như phòng họp, rạp chiếu phim, nơi làm việc… vẫn bắt buộc đeo khẩu trang.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, chi phí để mua khẩu trang của người dân trên toàn Campuchia mỗi ngày lên đến khoảng 100.000 USD. Việc bỏ quy định đeo khẩu trang sẽ giúp giảm bớt một phần chi phí cho người dân.

Ngày 26/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo, theo kết quả xét nghiệm PCR, nước này chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 và không có trường hợp tử vong mới.

Cùng ngày, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết đã tổ chức cuộc họp thảo luận về điều kiện và biện pháp liên quan đến việc mở cửa hoàn toàn đất nước kể từ đầu tháng 5. Các thủ tục cho phép du khách nhập cảnh sẽ giống như trước khi có dịch COVID-19 và bổ sung thêm giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, có xác nhận xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh để không phải cách ly y tế.

Đây là một trong những chính sách thu hút khách du lịch đến Lào, góp phần giải quyết khó khăn kinh tế quốc gia, tạo thêm việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19. Việc mở cửa đón du khách trở lại được kỳ vọng giúp Lào cải thiện đáng kể nguồn thu nhập trong bối cảnh đất nước đang có nhu cầu ngoại hối lớn để phục vụ phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, nước này chưa xác định thời điểm COVID-19 sẽ được xếp vào bệnh đặc hữu. Các yếu tố chính được xem xét cho điều này bao gồm tỷ lệ nhiễm virus và tử vong, cũng như số lượng thuốc và vật tư y tế mà Thái Lan đang có.

Khi được hỏi về sự sụt giảm số lượng các ca lây nhiễm, Bộ trưởng Charnvirakul cũng cho biết, các trường hợp nghiêm trọng và tử vong sẽ trở thành mối quan tâm chủ yếu, không phải số ca lây nhiễm hàng ngày.

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết sẽ thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 27/4. Bộ Y tế Malaysia đã bàn bạc vấn đề này một cách cẩn trọng và sẽ trình đề xuất lên nội các vào ngày 27/4 và nếu được thông qua, Bộ Y tế Malaysia sẽ công bố các biện pháp mới.

Do số ca mắc giảm mạnh nên hệ thống y tế Malaysia đã giảm áp lực đáng kể. Tuy nhiên, Bộ Y tế Malaysia vẫn rất cẩn trọng để tránh xảy ra sai sót trong quá trình nới lỏng những quy định về phòng dịch. Trước đó, từ ngày 1/4, Chính phủ Malaysia đã từng bước nới lỏng quy trình giám sát phòng dịch khi COVID-19 dần trở thành bệnh đặc hữu.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc bắt đầu tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đợt xét nghiệm này sẽ diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 30/4 tại 11 khu vực. Trước đó, quận Triều Dương ở thủ đô Bắc Kinh đã triển khai 3 đợt xét nghiệm khi ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất trong đợt bùng phát này.

Để phòng chống dịch bệnh, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã dừng toàn bộ hoạt động tập trung đông người như biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, triển lãm hàng tiêu dùng cũng như các chương trình khuyến mãi, công trình xây dựng và cải tạo nhà ở... Từ ngày 26/4 đến ngày 30/4, thành phố sẽ tiến hành 3 đợt xét nghiệm axit nucleic hàng loạt đối với 10 quận và khu phát triển kinh tế công nghệ Bắc kinh. Như vậy, sẽ có khoảng 90% dân số được đưa vào diện xét nghiệm. Chính quyền thành phố cũng khuyến nghị các công ty làm việc từ xa, đình chỉ các hoạt động đông người như các buổi biểu diễn, sự kiện thể thao và hội chợ thương mại. Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo nên ở lại thành phố trong đợt nghỉ lễ 1/5 sắp tới, giảm bớt các cuộc tụ tập và tiệc tùng.

Chính quyền Bắc Kinh khẳng định đảm bảo ổn định nguồn cung nhu yếu phẩm cho thành phố với hơn 20 triệu dân này.

Thủ đô Trung Quốc siết chặt chống dịch, Nhật Bản phát hiện ca đầu tiên nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn - Ảnh 2.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ trên 21 triệu cư dân.  

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 26/4 thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 2 năm qua đối với những người không phải là cư dân thành phố này. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 tại Hong Kong đang có chiều hướng giảm bớt.

Theo quy định mới, những người không phải cư dân Hong Kong, đã tiêm phòng đầy đủ và có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được phép nhập cảnh Hong Kong từ ngày 1/5 tới. Quyết định mới này đã nới lỏng một trong các lệnh cấm đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới được áp đặt từ tháng 3/2020.

Theo số liệu thống kê, gần 1,2 triệu người trong số 7,4 triệu dân Hong Kong đã mắc COVID-19 trong gần 4 tháng của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Gần 9.000 người đã tử vong.

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa thông qua kế hoạch giới hạn đối tượng được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 4, đồng thời phê chuẩn việc giảm khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ ít nhất 6 tháng hiện nay xuống còn 5 tháng. Theo kế hoạch này, việc tiêm mũi vaccine thứ 4 dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5. Các đối tượng được tiêm mũi này gồm người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền. Nhật Bản sẽ sử dụng vaccine của các hãng Pfizer và Moderna để tiêm mũi thứ 4.

Trước đó, dựa trên các dữ liệu nghiên cứu và tình hình tiêm vaccine ở nước ngoài, hội đồng chuyên môn của MHLW khẳng định độ an toàn và mức độ hiệu quả nhất định của mũi tiêm thứ 4.

Số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, hơn 50% dân số nước này đã được tiêm mũi 3 vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, trong đó 86,9% là những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi vaccine tăng cường ở nhóm trẻ hơn vẫn khá thấp, với lần lượt 30,1% và 33,2% ở nhóm trong độ tuổi 20 và 30.

Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu lắng dịu ở Nhật Bản. Ngày 26/4, Nhật Bản ghi nhận thêm 28.495 ca nhiễm mới và 36 người tử vong. Đến nay, hơn 7,68 triệu người ở Nhật bản đã mắc COVID-19.

MHLW thông báo, một thiếu niên ở nước này đã phải nhập viện vì nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Đây là ca nghi ngờ mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đầu tiên được báo cáo ở Nhật Bản.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ca mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đầu tiên được phát hiện tại Scotland (Vương quốc Anh) ngày 5/4 vừa qua. Tính tới ngày 21/4, có ít nhất 169 trẻ mắc bệnh ghi nhận tại 11 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, trong đó 1 bệnh nhi đã tử vong.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thủ đô Seoul cho biết sẽ nối lại các hoạt động lễ hội ngoài trời trên địa bàn thủ đô với sự tham gia trực tiếp của đông đảo mọi người.

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng, nội tiết tố Progesterone có thể kích hoạt phản ứng bẩm sinh của cơ thể con người chống lại virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, làm dấy lên hy vọng đây sẽ trở thành giải pháp hỗ trợ điều trị bệnh truyền nhiễm này.

Progesterone là nội tiết tố được sinh ra trong buồng trứng của phụ nữ và giúp cơ thể chuẩn bị cho việc mang thai. Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Signal Transduction and Targeted Therapy số ra ngày 25/4, nội tiết tố này có thể cải thiện mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 trên chuột thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán phát hiện ra rằng, Progesterone tạo ra các gene kháng virus và thúc đẩy phản ứng kháng virus bẩm sinh trong tế bào và loài gặm nhấm, trong khi việc loại bỏ thụ thể progesterone có tác dụng ngược lại.

Các nhà nghiên cứu phát hiện tỷ lệ nghịch giữa lượng Progesterone ở một số bệnh nhân COVID-19 với nguy cơ trở nặng của bệnh nhân này. Nghiên cứu chỉ rõ rằng, Progesterone đóng vai trò như một chất thử điều hòa miễn dịch tiềm năng đối với các bệnh truyền nhiễm và viêm như COVID-19.

Theo vtv.vn