Thứ 6, 26/07/2024, 19:27[GMT+7]

Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Ba Lan và động thái của EU

Thứ 6, 29/04/2022 | 08:31:13
5,701 lượt xem
Ngày 27/4, Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga - Gazprom thông báo họ đã tạm dừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria vì các công ty hai nước này đã không trả tiền hàng khí đốt Nga bằng đồng Rúp.

Tập đoàn Gazprom.

Đây là động thái đánh dấu sự “leo thang căng thẳng” tiếp tục xảy ra giữa Nga và phương Tây với mục đích từ phía Nga muốn làm suy yếu các đồng minh của Ukraine khi họ vừa hỗ trợ Ukraine vũ khí để chiến đấu. Đồng thời, đây cũng là một trong những kế hoạch của ông Putin trong việc tăng mệnh giá đồng Rúp sau khi nó bị giảm mạnh bởi các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt.

Gazprom cho biết các dịch vụ cung cấp khí đốt sẽ không được diễn ra cho đến khi thanh toán được hoàn tất bằng đồng Rúp.Thông báo này được tuyên bố sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia và vùng lãnh thổ “không thân thiện” phải thanh toán khí đốt Nga bằng đồng Rúp vào ngày 31/3 trước đây.

Đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã thực hiện việc thanh toán trước cho giao dịch sắp tới, Nga vẫn giữ vững yêu cầu của mình và cho rằng các giao dịch mua mới vẫn cần phải được thanh toán bằng đồng Rúp, nếu không “các hợp đồng này hoàn toàn phải dừng lại”.

Đồng Rúp (bên trái) và Đô-la Mỹ (bên phải).

Trước tình hình đó, Tập đoàn năng lượng sở hữu nhà nước PGNIG của Ba Lan đã xác nhận nguồn cung của họ từ Gazprom đã bị cắt nhưng cho biết công ty vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng trong nước. Trong quý đầu tiên của năm nay, công ty này đã nhập khẩu 53% nguồn khí đốt từ Gazprom, cho rằng động thái của Nga đã vi phạm hợp đồng và nói thêm, công ty sẽ thực hiện các bước để đảm bảo ổn định nguồn cung khí đốt. Phó Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này có thể đối phó vấn đề nguyên liệu mà không có khí đốt của Gazprom vì đã "đưa ra một số quyết định nhiều năm trước để chuẩn bị cho một kịch bản xấu như vậy". 

Công ty phân phối khí đốt tự nhiên lớn nhất của Bulgaria – Bulgargaz,xuất khẩu 50 tỷ mét khối khí đốt từ Nga mỗi năm, phụ thuộc đến 90% nguồn khí đốt từ quốc gia này. Các nhà phân tích chỉ ra rằng “Với lượng khí đốt nhập khẩu chiếm đến 18% tổng nguồn lưu trữ năng lượng quốc gia, Bulgaria cần phải hành động nhanh chóng để đảm bảo an ninh nguồn cung cấp khí đốt, mặc dù mùa đông đã kết thúc sẽ làm giảm nhu cầu về khí đốt”. 

Bộ trưởng Năng lượng Alexander Nikolov cho biết Bulgaria đã tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên và sẵn sàng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và đồng thời cũng đang tìm cách tăng các lô hàng khí đốt từ Azeri để giải quyết vấn đề năng lượng. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn

Jason Bordoff - Giám đốc chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia cho biết, giá năng lượng tăng cũng có thể làm xấu đi nền kinh tế toàn cầu đã bị cản trở bởi lạm phát. "Nếu Nga thực sự cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho phần lớn châu Âu, đặc biệt là Đức, nó sẽ gây ra ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng", ông nói. Bordoff cho biết sẽ quá khó để tìm đủ nguồn cung cấp năng lượng thay thế để lấp đầy khoảng trống trong thời gian ngắn, điều này có thể dẫn đến sự phân phối năng lượng không đồng đều và giá khí và năng lượng tự nhiên có thể sẽ tăng cao trở lại.

Động thái của EU như thế nào?

Tháng 3 trước đó, Liên minh châu Âu đã cam kết sẽ loại bỏ nguồn nhiên liệu của Nga vào năm 2030, bắt đầu bằng cách cắt giảm nhập khẩu khí vào hai phần ba vào cuối năm nay. 

Vào 27/4, sau quyết định của Gazprom, bà Ursula von der Leyen đã phát biểu cho rằng "hành động của Gazprom khi đơn phương ngừng giao khí đốt cho khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền".

West Targets Russia's Wealthiest by Limiting 'Golden Passports'

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Liên minh châu Âu về động thái của Gazprom .

Chủ tịch Ủy ban châu Âu mô tả quyết định này là “không hợp lý và không thể chấp nhận được", nhấn mạnh rằng điều này càng cho thấy “sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp khí đốt”.

Theo bà Ursula von der Leyen, Brussels sẽ làm việc để đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế và duy trì mức dự trữ năng lượng cao nhất có thể cho các nước thành viên. Nhà lãnh đạo EU nói thêm rằng các kế hoạch dự phòng cho kịch bản như vậy ở các nước thành viên EU đã được chuẩn bị trước đó đồng thời tiết lộ rằng “các đối tác quốc tế” có thể giúp liên minh này “đảm bảo nguồn cung năng lượng thay thế”.

Bà Ursula von der Leyen cho biết: "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng quyết định của Gazprom có tác động ít nhất có thể đến người tiêu dùng châu Âu. Hôm nay, Điện Kremlin một lần nữa thất bại trong nỗ lực chia rẽ các quốc gia thành viên. Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu sắp kết thúc". 

Bà Ursula von der Leyen cảnh báo các nhà nhập khẩu EU rằng trừ khi hợp đồng cung ứng được tính bằng đồng rúp, việc nhượng bộ nhu cầu của Điện Kremlin và thanh toán bằng đồng rúp sẽ vi phạm lệnh trừng phạt. Bà khẳng định: "Đó sẽ là hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt, mang lại rủi ro cao cho các công ty bởi khoảng 97%" hợp đồng của EU quy định rõ các khoản thanh toán sử dụng euro hoặc USD”.

Tuy nhiên, trong cùng ngày, Bloomberg đưa tin ít nhất 10 nước châu Âu đã mở tài khoản để trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp, 4 trong số đó đã bắt đầu thanh toán theo đề xuất của Moskva.

Đàm Yến - Theo BBC News/ Reuters/ The Washington Post