Thứ 4, 27/11/2024, 23:51[GMT+7]

COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/5: Thế giới giảm mạnh ca tử vong; Các hãng vaccine chuyển hướng sản xuất mũi tăng cường

Thứ 3, 10/05/2022 | 08:06:06
364 lượt xem
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 263.789 trường hợp mắc COVID-19 và 729 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 517 triệu ca, trong đó trên 6,27 triệu người không qua khỏi.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 517.459.567 ca, trong đó có tổng cộng 6.277.143 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 471 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 38 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 9/5, thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 38 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.

Chú thích ảnh

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga.  

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 40.000 ca), trong khi Pháp là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 130 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 72 ca tử vong. Trong ngày 9/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 6.400 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (55 ca).

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. 

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.

Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, với 83.581.715 ca mắc và 1.024.546 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 43.105.401 ca mắc và 524.093 ca tử vong. Với 30.564.536 ca mắc và 664.189 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc.  

Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 3.207 ca nhiễm mới, trong đó có 1.422 ca tại thủ đô New Delhi. Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn Ấn Độ đã tăng thêm 29 ca lên 524.093 ca. Cho đến nay, Ấn Độ đã điều trị thành công cho 42.560.905 bệnh nhân mắc COVID-19. Số người đã xuất viện trong 24 giờ qua là 3.410 người.

Tại Pakistan, Viện Y tế quốc gia ngày 9/5 cho biết nước này đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.2.12.1 đầu tiên của Omicron. Chi tiết lịch sử đi lại của người này không được công bố. Viện này cảnh báo biến thể phụ BA.2.12.1  đang khiến số ca nhiễm tăng lên tại một số quốc gia, đồng thời khuyến nghị người dân nên tiêm phòng COVID-19, đặc biệt là những người đã đến hạn tiêm mũi tăng cường.

Tại Malaysia, giới chức y tế đã ghi nhận 2.153 ca nhiễm mới, trong đó có 2.151 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 8/5, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 4.458.889 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 35.583 ca. Trong số 22.556 bệnh nhân vẫn đang điều trị, có 88 người đang được điều trị tích cực. Số bệnh nhân phục hồi đã tăng 2.869 người lên 4.400.750 người.

Hiện có 85,1% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Tỷ lệ tiêm đủ hai mũi và tiêm mũi tăng cường lần lượt là 82% và 49,1%.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/4/2022. 

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia cho biết ngày 8/5, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 401 ca nhiễm mới có triệu chứng trong cộng đồng, trong đó có 322 ca tại Thượng Hải, 33 ca tại Bắc Kinh và 28 ca tại Quảng Đông. Trong số 3.859 ca nhiễm mới không triệu chứng tại Trung Quốc đại lục, có 3.625 ca tại Thượng Hải. Số bệnh nhân vẫn đang điều trị tại các bệnh viện của Trung Quốc đại lục là 8.736 người.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) ngày 9/5 đã ghi nhận 20.601 ca mắc COVID-19 mới, giảm mạnh so với con số 40.064 ca mới vào ngày 8/5 và 39.600 ca mới vào ngày 7/5 vừa qua. Tính đến ngày 8/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 17.564.999 ca. Số ca tử vong tăng thêm 40 ca lên 23.400 ca với tỷ lệ tử vong ở mức 0,13%. Số ca nhiễm mới hằng ngày tại Hàn Quốc thường giảm vào các ngày Thứ Hai do số lượng xét nghiệm có xu hướng giảm vào cuối tuần.

Tuần trước, Hàn Quốc đã bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ tại các cuộc tụ tập có sự tham gia của 50 người trở lên. Trong những tuần qua, số ca nhiễm mới hằng ngày của Hàn Quốc đã liên tục giảm sau khi đạt đỉnh ở mức hơn 620.000 ca vào giữa tháng 3 do biến thể Omicron lan nhanh.

Chú thích ảnh

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand.  

Tại châu Đại Dương, Bộ Y tế New Zealand ngày 9/5 đã ghi nhận 6.407 ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó có 2.066 ca tại Auckland – thành phố lớn nhất nước này. Ngoài ra, New Zealand cũng ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 là du khách nước ngoài. Như vậy, New Zealand có tổng cộng 3 ca nhiễm biến thể này, tất cả đều tới từ Nam Phi.

Tại giai đoạn này, New Zealand đánh giá các các biện pháp nhằm ứng phó với biển thể Omicron vẫn phù hợp để kiểm soát số ca nhiễm liên quan đến biến thể phụ BA.5. Bộ Y tế New Zealand sẽ tiếp tục theo dõi tình hình bởi sẽ cần vài tuần đến vài tháng để đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của một biến thể hoặc biến thể phụ mới. Tính đến ngày 9/5, New Zealand ghi nhận tổng cộng 992.732 ca mắc COVID-19 và hơn 800 ca tử vong. Quốc gia này hiện không giới hạn số người tham gia các cuộc tụ họp.

Tại Australia, chuyên gia truyền nhiễm của Đại học South Australia, ông Adrian Esterman cảnh báo số ca tái nhiễm của nước này đang trên đà tăng trong bối cảnh khả năng miễn dịch tự nhiên của cộng đồng giảm dần, sau khi làn sóng dịch bệnh liên quan biến thể Omicron đạt đỉnh vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Ông nhấn mạnh chính quyền các địa phương đều không có hệ thống theo dõi các trường hợp tái nhiễm, khiến các chuyên gia phải dựa vào số liệu từ bên ngoài.

Chú thích ảnh

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand.  

Kể từ giữa tháng 4, số ca nhiễm mới hằng ngày tại Australia vẫn ổn định ở mức 40.000 ca. Trong ngày 8/5, số ca điều trị tại các bệnh viện ở Vùng lãnh thổ thủ đô Australia đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là 76 ca.

Theo báo Canberra Times, các biến thể phụ hiện nay đã cho thấy khả năng né miễn dịch được tạo ra từ tiêm phòng hoặc lần lây nhiễm trước đó. Ngày càng nhiều người Australia có kết quả dương tính với COVID-19 lần hai. Tuy nhiên, chuyên gia Esterman cho rằng số ca nhiễm tăng lên vào mùa Đông sẽ không có tác động mạnh tới hệ thống y tế như những đợt dịch trước đó.

Trong khi đó, nhà chức trách kêu gọi tất cả người dân Australia nhanh chóng tiêm phòng cúm để tránh nguy cơ gây quá tải cùng lúc cho hệ thống y tế.

Các hãng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đang chuyển trọng tâm sang sản xuất mũi vaccine tăng cường, một thị trường nhỏ hơn và cạnh tranh hơn. Các giám đốc điều hành (CEO) các hãng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, trong đó có Pfizer Inc và Moderna Inc bày tỏ tin tưởng rằng phần lớn người dân đã tiêm chủng muốn tiêm mũi vaccine tăng cường. Cho đến nay, hơn 5 tỉ người trên toàn thế giới đã tiêm chủng.

Chú thích ảnh

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand.  

Trong năm tới, phần lớn các vaccine ngừa COVID-19 sẽ là mũi vaccine tăng cường hoặc mũi vaccine đầu tiên dành cho trẻ em vốn vẫn đang được cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Dự báo, hãng Pfizer và đối tác BioNTech SE của Đức, Moderna sẽ vẫn đóng vai trò chủ chốt trên thị trường vaccine ngừa COVID-19 cho dù nhu cầu về vaccine trên toàn thế giới sẽ giảm.

Hãng sản xuất vaccine Novavax Inc của Mỹ và CureVac NV của Đức, hiện đang hợp tác với hãng dược Glaxo SmithKline để bào chế mũi vaccine tăng cường. Trong khi đó, vai trò của hãng dược AstraZeneca Plc và Johnson&Johnson dự báo sẽ giảm tại thị trường này.

Các nhà phân tích dự báo vào năm 2023, hãng Pfizer/BioNTech đạt doanh thu trên 17 tỉ USD từ mũi vaccine tăng cường trong khi của hãng Moderna là 10 tỉ USD, chỉ bằng một nửa doanh thu dự báo tương ứng là 34 tỉ USD và 23 tỉ USD mà các hãng kỳ vọng đạt được trong năm nay.

Trong suốt 20 năm qua, Mỹ là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu để xét nghiệm và điều trị bệnh nhân nhiễm virus HIV, cứu sống khoảng 21 triệu người.

Giờ đây, các cơ quan y tế toàn cầu và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực để đưa các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thuốc kháng virus đắt tiền điều trị COVID-19 đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Chú thích ảnh

Vaccine Abdala ngừa COVID-19 của Cuba.  

Tuần này, Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh phương châm "xét nghiệm toàn cầu để điều trị" tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế về dịch COVID-19 lần thứ hai - một cuộc họp trực tuyến quy tụ sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tạo động lực mới cho công cuộc ứng phó với đại dịch trên toàn cầu.

Tại Mỹ, nơi thuốc kháng virus điều trị COVID-19 được bày bán rộng rãi, sáng kiến “xét nghiệm để điều trị” của Tổng thống Biden cho phép nhiều bệnh nhân đến hiệu thuốc, xét nghiệm COVID-19 và nhận đơn thuốc miễn phí ngay tại chỗ nếu họ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những nỗ lực như vậy có thể sẽ bị hạn chế hơn nhiều cho đến khi các loại thuốc generic (bản sao của thuốc với thành phần hoạt chất tương tự nhau) được bày bán, có thể là vào năm 2023. Tuy nhiên, nỗ lực toàn cầu phải đối mặt với một số trở ngại và bất bình đẳng giống như đã tồn tại cách đây hai thập niên.

Theo  baotintuc.vn