Thứ 4, 27/11/2024, 23:55[GMT+7]

COVID-19 tới 6h sáng 21/5: Cảnh báo khả năng xuất hiện biến thể mới; Bắc Kinh duy trì chống dịch nghiêm ngặt

Thứ 7, 21/05/2022 | 07:05:39
2,353 lượt xem
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 691.000 ca mắc COVID-19 và 1.024 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 526 triệu ca, trong đó trên 6,29 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Australia (49.921 ca), Mỹ (44.770 ca) và Đức (40.651 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (145 ca), Mỹ (125 ca) và Tây Ban Nha (101 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 84,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,7 triệu ca mắc và trên 667.000 ca tử vong.

CDC Châu Phi cảnh báo về khả năng xuất hiện biến thể mới

Quyền Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), Ahmed Ogwell, cảnh báo một biến thể mới của COVID-19 có thể sẽ sớm xuất hiện ở châu Phi.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của cơ quan này, ông Ogwell nói rằng "gia tăng số trường hợp nhiễm bệnh là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy có khả năng rất lớn rằng một biến thể mới, dễ lây lan hơn, sẽ xuất hiện".

Theo số liệu của CDC châu Phi, lục địa này đã chứng kiến mức tăng trung bình 36% số ca mắc mới COVID-19 mới trong 4 tuần vừa qua, với các khu vực Trung Phi và Đông Phi báo cáo mức tăng số ca mắc mới lần lượt là 113% và 54%.

Ông Ogwell cho biết: "Chúng tôi cần thực hiện nhiều thử nghiệm và giải trình tự gen để có thể hiểu được nơi bùng phát và xác định biến thể nào đang xuất hiện". Ông cũng kêu gọi tăng cường triển khai tiêm chủng để giải quyết dứt điểm vấn đề tiêm chủng yếu kém diễn ra trên lục địa. Ông lưu ý: "Chúng tôi nhận thấy rõ ràng sự gia tăng số ca tử vong do đại dịch khi các ca bệnh gia tăng trong bốn tuần qua".

Theo CDC châu Phi, 5 quốc gia châu Phi báo cáo số ca nhiễm mới COVID-19 được xác nhận cao nhất trong tuần qua gồm: Nam Phi 50.404 ca, Tanzania 1.482 ca, Namibia 1.054 ca, Zimbabwe 910 ca và Burundi với 817 ca.

CDC Mỹ khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Chú thích ảnhNhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ.  

Ngày 19/5, một ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí với khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường cho trẻ em độ tuổi từ 5-11, ít nhất 5 tháng sau khi hoàn thành liều vaccine cơ bản.

Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị trên dựa vào cơ sở dữ liệu của CDC, trong đó cho thấy hiệu quả của hai mũi vaccine giảm dần theo thời gian và việc tiêm mũi tăng cường ở các nhóm tuổi lớn hơn có tác dụng giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và nhập viện.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky bày tỏ ủng hộ kết quả bỏ phiếu của Ủy ban Tư vấn thực hành tiêm chủng, theo đó giúp việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 được chấp thuận rộng rãi hơn. Bà Walensky nhấn mạnh 18 triệu liều vaccine đã được sử dụng cho nhóm tuổi này là minh chứng cho độ an toàn của vaccine, do đó cần tiếp tục hưởng ứng để nhiều trẻ em được bảo vệ hơn trước các nguy cơ từ COVID-19.

Tại cuộc họp, hãng dược phẩm Pfizer công bố dữ liệu cho thấy mũi vaccine thứ 3 giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ trước tác động của biến thể Omicron đối với trẻ em khỏe mạnh ở lứa tuổi từ 5-11. CDC cũng đưa ra dữ liệu an toàn cho thấy tỷ lệ mắc viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ở độ tuổi này cũng thấp hơn đáng kể so với lứa tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành.

Hiện chỉ khoảng 29% trẻ em tại Mỹ trong độ tuổi 5-11 đã hoàn thành liều tiêm cơ bản vaccine ngừa COVID-19. Hiện vẫn chưa có vaccine ngừa COVID-19 nào được cấp phép sử dụng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Nhiều công ty dược phẩm đang cân nhắc tiến hành bào chế lại vaccine ngừa COVID-19 nhằm vào các biến thể mới vào mùa Thu này. Tiến sĩ Amanda Cohn của CDC cho biết loại vaccine này sẽ không có sẵn cho trẻ em ngay vì vaccine tiêm cho trẻ em có công thức khác so với cho người lớn.

Ngày 17/5, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Trung Quốc: Bắc Kinh duy trì các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt

Chú thích ảnhNhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/5/2022. 

Ngày 20/5, giới chức thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết thành phố này sẽ duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt trong bối cảnh lực lượng chức năng vẫn phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các cuộc xét nghiệm sàng lọc. 

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn chính quyền thủ đô Bắc Kinh Từ Hòa Kiến (Xu Hejian) cho biết dịch vụ ăn, uống tại các nhà hàng vẫn bị cấm, trong khi học sinh vẫn chưa được tới trường học trực tiếp. 

Trong 24 giờ, kể từ 15h00 ngày 19/5 đến 15h00 ngày 20/5, Bắc Kinh ghi nhận thêm 54 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 52 người được phát hiện qua các chuỗi lây nhiễm và 2 trường hợp được phát hiện qua việc xét nghiệm sàng lọc.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 vừa qua, theo đó áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, yêu cầu người dân làm việc tại nhà và đóng cửa nhiều cửa hàng và trung tâm giải trí.

 

Chú thích ảnhNhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022. 

Còn tại thành phố Thượng Hải, đã ghi nhận một số ca mắc mới COVID-19 ngoài khu vực cách ly. Đây là những ca lây nhiễm mới phát hiện được lần đầu tiên sau 5 ngày thành phố này không có ca mắc mới nào, làm dấy lên quan ngại nhà chức trách sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt tại khu vực có ca mắc.

Theo đó, trong ngày 19/5, thành phố 25 triệu dân này đã ghi nhận 3 ca mắc mới ngoài khu vực cách ly tại quận Thanh Phố. Cả ba ca mắc này đều là thành viên trong một gia đình, đã tiêm 3 mũi vaccine và được phát hiện là mắc bệnh khi thực hiện xét nghiệm định kỳ. Giới chức địa phương cho biết những ca mắc này không rời khỏi nơi cư trú trong 14 ngày trở lại đây, song có tới ít nhất 4 địa điểm, trong đó có một siêu thị. Hiện lực lượng chức năng đã đóng cửa toàn bộ những khu vực này để khử khuẩn. Hơn 200.000 người dân tại nơi 3 ca mắc sinh sống đã buộc xét nghiệm lại và đều có kết quả âm tính.

Việc một quận tại Thượng Hải ghi nhận ca mắc mới được cho là sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa trở lại của thành phố này vào ngày 1/6 tới. Giới chức thành phố cho biết kể từ ngày 22/5 tới, các công viên tại các khu ngoại ô Thượng Hải và các tuyến tàu điện ngầm sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các hoạt động vui chơi bên trong công viên vẫn phải tạm dừng.

Trong bối cảnh số ca mắc giảm dần, Thượng Hải đã cho phép lượng người lưu thông trên đường phố nhiều hơn. Các khu vực dân cư quản lý số người ra khỏi nhà thông qua thẻ thông hành để ra ngoài đi bộ hoặc đến các siêu thị.

Hàn Quốc cho phép học sinh mắc bệnh đến trường thi

Chú thích ảnhHọc sinh tới trường tại Soeul, Hàn Quốc ngày 8/6/2020.  

Trong bối cảnh tình hình kiểm soát dịch bệnh tiếp tục cải thiện, ngày 20/5, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị mắc COVID-19 sẽ được phép tham gia các kỳ thi ở trường bắt đầu từ học kỳ này.

Theo thông báo của Bộ trên, học sinh đã mắc COVID-19 sẽ vẫn bị cấm đến trường. Tuy nhiên, nếu muốn thi, những em này sẽ được phép đến trường và dự thi nhưng phải tuân theo hướng dẫn nghiêm ngặt.

Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp Hàn Quốc dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi cuối kỳ từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Bộ Giáo dục cho biết các trường học được yêu cầu chuẩn bị các phòng thi riêng biệt, xác định những thí sinh nhiễm virus SARS-CoV-2 và báo cáo danh sách cho cơ quan y tế một ngày trước kỳ thi. Các trường học cũng phải thực thi các quy tắc về giãn cách nghiêm ngặt, bao gồm đeo khẩu trang, ăn riêng và ngồi so le, để ngăn dịch bệnh lây lan.

Kể từ tháng 4 vừa qua, dư luận đã kêu gọi nới lỏng quy định hạn chế tham gia thi cử đối với các học sinh bị mắc COVID-19, khi biến thể Omicron làm tăng mạnh số bệnh nhân là học sinh trước thềm kỳ thi giữa kỳ. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục vẫn giữ nguyên chính sách này, viện dẫn lý do vấn đề công bằng với những học sinh đã bỏ lỡ kỳ thi do bị ốm trong các học kỳ trước. Bộ cho biết có thể gỡ bỏ lệnh cấm nếu các cơ quan y tế thay đổi quy định tự cách ly đối với bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong ngày 20/5, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn quy định tự cách ly bắt buộc 7 ngày ngày đối với bệnh nhân COVID-19 thêm 4 tuần, cho đến ngày 20/6. Bộ Giáo dục cho biết chính phủ vẫn đưa ra một ngoại lệ, theo đó tạo điều kiện cho phép học sinh đến trường thi trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tính đến sáng 20/5, Hàn Quốc đã ghi nhận 25.125 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh từ khi bùng phát dịch lên 17.914.957 ca. Theo KDCA, số lượng ca mắc COVID-19 theo ngày đã giảm đều đặn trong tuần này và ở mức dưới 30.000 ca. Làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron ở Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào giữa tháng 3 với số lượng ca mắc hằng ngày lên tới hơn 620.000 ca. Hàn Quốc hiện đã dỡ bỏ hầu hết các quy định liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 trong lộ trình khôi phục đời sống thường nhật cho người dân.

Đức đưa quy định tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế vào Hiến pháp

Chú thích ảnhNhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Munich, Đức. 

Tòa án Hiến pháp CHLB Đức đã phán quyết rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là bắt buộc đối với nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, và điều này được quy định trong Hiến pháp Đức.

Tòa án Hiến pháp Đức đã bác bỏ các khiếu nại đối với quy định tiêm chủng bắt buộc, khẳng định rằng việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương được đặt lên hàng đầu. Phán quyết của tòa án nêu rõ các nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, nhà dưỡng lão cũng như các phòng khám, dịch vụ cấp cứu, trung tâm phẫu thuật và cơ sở cho người khuyết tật đều phải thực hiện quy định này.

Tòa án thừa nhận rằng với luật vừa được chính thức ban hành, những người làm việc trong các lĩnh vực y tế hoặc chăm sóc sức khỏe mà không muốn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ phải tự giải quyết vấn đề bằng cách đổi việc làm hoặc nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế hoặc chăm sóc sức khỏe là biện pháp duy nhất để bảo vệ người cao tuổi và người bệnh, nhóm có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 và có nhiều khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã hoan nghênh phán quyết trên của Tòa án Hiến pháp và cảm ơn các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng trên toàn quốc. Ông khẳng định: "Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương".

Trên thực tế, từ giữa tháng 3 vừa qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe ở Đức đều phải chứng minh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc chứng nhận mới khỏi bệnh, nếu không muốn đối mặt với hình thức phạt tiền, thậm chí cấm làm việc.

Bỉ không bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng

Kể từ ngày 23/5, việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng ở Bỉ như tàu điện, tàu điện ngầm, xe buýt, tàu hỏa, xe taxi. 

Chú thích ảnhNgười dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Brussels, Bỉ .  

Tại cuộc họp ngày 20/5, Ủy ban Tham vấn quốc gia về COVID-19 (CODECO) quyết định người dân chỉ bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tại các phòng mạch tư như nha khoa, trị liệu, tâm lý, nếu không thể đảm bảo khoảng cách 1,5 m, thì người dân vẫn được khuyến nghị đeo khẩu trang. 

 Bên cạnh đó, CODECO cũng quyết định bãi bỏ tất cả hạn chế đi lại, theo đó các biện pháp còn lại liên quan đến cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm cũng được dỡ bỏ, ngoại trừ những người trở về từ một quốc gia - nơi biến thể đáng lo ngại vẫn hoành hành. CODECO cũng thông báo ngừng triển khai phong vũ biểu - công cụ cung cấp hiệu lực của các biện pháp mới trong trường hợp số ca lây nhiễm vượt quá mức nhất định.

Đây là những biện pháp hạn chế cuối cùng mà Chính phủ Bỉ dỡ bỏ. Điều này là cho thấy một cuộc sống hoàn toàn bình thường đã quay trở lại quốc gia châu Âu này như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Các biện pháp mà CODECO vừa đưa ra dựa trên những số liệu về dịch bệnh. Hiện Bỉ chỉ còn chưa đầy 300 bệnh nhân phải điều trị tích cực, tỷ lệ lây nhiễm của virus dưới 1 và trên hết là 79% số dân số (9,1 triệu người) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 60% số dân số (7,1 triệu người) đã tiêm 2 mũi vaccine.

Gần 30% người trưởng thành Canada đã nhiễm biến thể Omicron

Chú thích ảnhNhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Toronto, tỉnh Ontario, Canada.  

Trong nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học của viện Angus Reid thuộc Đại học Toronto (Canada) đã tiến hành phân tích hơn 5.000 mẫu máu của người trưởng thành Canada trong khoảng thời gian từ ngày 15/1 đến ngày 15/3.

Kết quả cho thấy ước tính có khoảng 9 triệu người trong số 29,7 triệu người trưởng thành Canada mắc COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron vào đầu năm nay, trong khi con số này trong 4 đợt lây nhiễm trước đó chỉ 10%. Trong số những ca mắc đó có 1 triệu người trong số 2,3 triệu dân số trưởng thành chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, chiếm 40% tổng số người trưởng thành chưa được tiêm phòng.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy mỗi mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và lần nhiễm bệnh trước đó đều giúp tăng khả năng miễn dịch. Những người trưởng thành đã tiêm 3 mũi vaccine hoặc từng mắc COVID-19 có khả năng được bảo vệ cao nhất.

Trao đổi với báo giới, Tiến sĩ Patrick Brown, một nhà thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu và Đại học Toronto, cho biết Canada đã giữ cho mức độ lây nhiễm tự nhiên nói chung ở mức thấp - có lẽ dưới 10% dân số trưởng thành trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Do đó, Canada phải dựa vào tiêm chủng, đặc biệt người trưởng thành cần tiêm đủ 2 mũi cơ bản và 1 mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ người trưởng thành tiêm vaccine mũi tăng cường vẫn thấp hơn mức lý tưởng.

Theo thống kê của trang worldometers.info, đến nay, Canada đã ghi nhận hơn 3,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 40.600 bệnh nhân không qua khỏi vì căn bệnh này.

Indonesia lạc quan chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu

Chú thích ảnhNhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bandung, Tây Java, Indonesia.  

Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy khẳng định rằng quốc gia này “rất lạc quan” chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời Bộ trưởng Muhadjir nhắc lại rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã cho phép người dân không mang khẩu trang, đặc biệt là ở các địa điểm ngoài trời. Trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm về tổng thể, dù còn tăng ở một số thành phố như Jakarta. Tuy nhiên, sự gia tăng này không theo “cấp số nhân”.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho rằng mức độ nhận thức cao của cộng đồng đối với các quy định y tế là yếu tố thúc đẩy chính phủ quyết định nới lỏng các hạn chế phòng chống COVID-19. Ông Budi cho biết bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu là bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian mở không đông người. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động trong nhà, cũng như khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Các đối tượng dễ bị tổn thương và những người có các triệu chứng mắc COVID-19 cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang.

Ngoài bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trong các hoạt động ngoài trời, Chính phủ Indonesia cũng đã hủy bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc antigen đối với du khách trong nước và quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ.

Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm đối phó với COVID-19, tính đến ngày 20/5, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 6.052.100 ca mắc COVID-19, trong đó có 156.513 ca tử vong.

Theo baotintuc.vn