Thứ 2, 13/01/2025, 02:22[GMT+7]

COVID-19 tới 6h sáng 22/5: Nguy cơ tái nhiễm Omicron cao gấp 18 lần; Triều Tiên nói đã kiểm soát dịch

Chủ nhật, 22/05/2022 | 09:19:10
1,457 lượt xem
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 584.000 ca mắc và 667 ca tử vong. Viện Y tế quốc gia Italy cho biết nguy cơ bị tái nhiễm đã tăng gấp 18 lần với biến thể Omicron, trong khi Triều Tiên tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát.

Triều Tiên huy động quân đội tham gia vận chuyển thuốc men tại Bình Nhưỡng.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 22/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 526.966.451 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.299.408 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 584.518 và 667 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 496.757.959 người, 23.909.084 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 38.195 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Australia dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 46.628 ca; Nhật Bản đứng thứ hai với 39.001 ca; tiếp theo là Mỹ (29.365 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 102 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 76 ca và Australia 49 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.964.627 người, trong đó có 1.028.780 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.136.340 ca nhiễm, bao gồm 524.348 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.778.607 ca bệnh và 665.595 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 195,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 153,4 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 100,4 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,3 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương trên 8,3 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022. 

Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 18 lần với biến thể Omicron

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn lời bà Anna Teresa Palamara, người phụ trách các bệnh truyền nhiễm của Viện Y tế quốc gia Italy (ISS), cho biết nguy cơ bị tái nhiễm với COVID-19 đã tăng gấp 18 lần với biến thể Omicron.

Phát biểu khi công bố báo cáo giám sát đại dịch COVID-19 hằng tuần của ISS và Bộ Y tế Italy ngày 20/5, bà Palamara nêu rõ: "Các ca tái nhiễm đang gia tăng, lên trên 6% tổng số ca nhiễm mới. Tuy nhiên những ca tái nhiễm này không phải các ca bệnh nặng".

Báo cáo trên cũng cho biết tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 của Italy tuần này đã giảm xuống 0,89 so với 0,96 của tuần trước, cho thấy sự lây lan có xu hướng giảm dần. Số ca mắc trung bình trên 100.000 dân tuần này cũng giảm xuống 375/100.000, so với con số 458/100.000 dân của tuần trước. Tỷ lệ số ca mắc mới được phát hiện thông qua theo dõi tiếp xúc và theo dõi hoạt động là ổn định, ở mức 12% so với 13% của tuần trước. Số ca mắc mới được phát hiện thông qua các triệu chứng đã tăng nhẹ, từ 43% lên 45%. Số ca mắc mới COVID-19 tại Italy đã giảm đều đặn trong vài tuần qua.

Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế, trong ngày 19/5, Italy có 26.561 ca mắc COVID-19 mới và 89 ca tử vong, so với 30.317 ca mắc mới và 108 ca tử vong. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính cũng giảm xuống 11,4%, so với mức 12,2% ngày 19/5.

Chú thích ảnh

Hình ảnh minh họa vaccine phòng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.  

Triều Tiên đạt tiến triển trong công tác kiểm soát dịch

Ngày 21/5, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nhận định tình hình dịch bệnh tại nước này đã ổn định và được kiểm soát.

Cụ thể, KCNA dẫn thông tin từ Trung tâm Xử lý dịch bệnh khẩn cấp quốc gia cho biết trong 24 giờ - từ 18h ngày 19/5 đến 18h ngày 20/5 - nước này ghi nhận hơn 219.030 người bị sốt, hơn 281.350 bệnh nhân bình phục và 1 người tử vong.

Tính từ cuối tháng 4 đến tối 20/5, tổng số trường hợp bị sốt được ghi nhận tại Triều Tiên là 2.460.640 người, trong đó hơn 1.768.080 người đã bình phục và ít nhất 692.480 người đang điều trị. Số người tử vong là 66 người.

Chú thích ảnh

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp bàn các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 tại Bình Nhưỡng, ngày 14/5/2022.  

So với giai đoạn đầu khi số ca sốt đột ngột tăng, Triều Tiên hiện đã đạt được một số thành tựu khi tăng cường nghiên cứu và phân tích sự thay đổi trong diễn biến của bệnh, cũng như những phản ứng và dấu hiệu lâm sàng trong quá trình điều trị. Công tác kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ người dân đang được đẩy mạnh trên toàn quốc. 

KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên nhằm thảo luận các chiến lược chống dịch. Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối ưu hóa chính sách chống dịch, đồng thời thực hiện tất cả những bước đi cần thiết nhằm phục hồi kinh tế.

Cùng ngày, Mỹ và Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên. Trong tuyên bố chung được đưa sau hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ Triều Tiên phòng dịch bệnh. 

Triều Tiên đã áp đặt các biện pháp phong tỏa biên giới nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới năm 2020 và chưa thông báo ca mắc nào tại nước này. Tuy nhiên, ngày 12/5, KCNA đưa tin nhà chức trách đã thu thập mẫu bệnh phẩm từ một nhóm bệnh nhân tại thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 8/5 và kết quả giải mã gene các mẫu bệnh phẩm này đã phát hiện dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Do đó, nhà chức trách Triều Tiên tuyên bố triển khai hệ thống kiểm soát virus ở "mức khẩn cấp cao nhất".

Chú thích ảnh

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại nhà ăn của một nhà máy ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 16/5/2022.  

Moderna cung cấp vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi vào tháng 6

Trả lời phỏng vấn của tờ The Wall Street Journal mới đây, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Moderna của Mỹ, ông Ste’phane Bancel cho biết nếu được các cơ quan quản lý Mỹ cho phép, Moderna sẵn sàng cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi từ tháng 6 năm nay. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ dự kiến sẽ tiến hành cuộc họp trong tháng 6 để xem xét đề nghị của Moderna về việc cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. 

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ông Ste’phane Bancel hy vọng cuộc họp sẽ diễn ra đầu tháng 6 và nếu được phép thì Moderna sẵn sàng sản xuất và chuyển vaccine đến các hiệu thuốc và phòng khám nhi. 

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/4/2022.  

Hiện nay, trẻ em dưới 5 tuổi của Mỹ chưa được phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19. Do đó, nếu FDA cấp phép cho vaccine của Moderna thì đây sẽ là lần đầu tiên các phụ huynh ở Mỹ có thể cho trẻ dưới 5 tuổi đi tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Nghiên cứu cho thấy các liều vaccine của Moderna dành cho trẻ em có liều lượng bằng 1/4 so với liều lượng của người lớn, kích thích các phản ứng miễn dịch một cách an toàn đối với trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine hiện khá khiêm tốn đối với nhóm tuổi này so với người lớn. Moderna hiện đang thử nghiệm một liều tăng cường có điều chỉnh để hướng đến phòng ngừa đồng thời cả biến thể Omicron và virus gốc.
 

Chú thích ảnh

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại một trường học ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên.  

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần của người dân Canada

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần của người dân Canada.
Theo Chỉ số sức khỏe tâm thần hàng tháng của LifeWorks - công ty công nghệ và dịch vụ nguồn nhân lực của Canada, 46% người dân nước này đang cảm thấy gia tăng độ nhạy cảm với căng thẳng so với hồi trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần tổng thể; 49% người Canada đang làm việc nói rằng họ nhận thấy đồng nghiệp của mình nhạy cảm hơn với căng thẳng, với 46% cảm thấy điều tương tự đối với bản thân họ. Ngoài ra, 45% người Canada có việc làm cho biết đại dịch đã tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LifeWorks Stephen Liptrap cho biết những tác nhân gây căng thẳng bên trong và bên ngoài ở môi trường làm việc tiếp tục gây khó khăn cho người Canada trong việc quản lý sức khỏe tâm thần “một cách lành mạnh”.

Chú thích ảnh

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand.  

Theo LifeWorks, những người được hỏi dưới 40 tuổi có nguy cơ gia tăng độ nhạy cảm với căng thẳng cao hơn 50% so với những người lớn tuổi hơn. Những người bị giảm lương hoặc làm việc ít giờ hơn cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng này cao hơn 30%.  17% người Canada đang vật lộn với căng thẳng hoặc sức khỏe tâm thần không có khả năng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.
Chỉ số sức khỏe tâm thần tổng thể tháng 4 của LifeWorks đã cải thiện nửa điểm so với tháng trước, song vẫn "thấp hơn rất nhiều" so với trước đại dịch.

Chỉ số hàng tháng mới nhất của LifeWorks dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến bằng tiếng Anh và tiếng Pháp với 3.000 câu trả lời được thu thập từ ngày 7 - 22/4. Tất cả những người được hỏi đều cư trú tại Canada và hiện đang làm việc hoặc đã làm việc trong vòng 6 tháng qua./.

Chú thích ảnh

Trẻ em chờ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Long Beach, California, Mỹ.  

Philippines ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4

Ngày 21/5, Bộ Y tế Phillipines (DOH) thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron tại nước này. Bệnh nhân là một công dân Philippines vừa tới Trung Đông vào đầu tháng.

Theo DOH, bệnh nhân không có triệu chứng và đã về Philippines vào ngày 4/5. Người này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khoảng 4 ngày sau đó. DOH cho biết BA.4 là biến thể gây quan ngại, đồng thời cảnh báo biến thể này nhiều khả năng có thể lây lan nhanh do né tránh được hàng rào miễn dịch. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) không nhận thấy sự thay đổi nghiêm trọng nào giữa các ca nhiễm BA.4 với những ca nhiễm các biến thể phụ khác của Omicron, song DOH cho rằng Philippines vẫn cần thận trọng, bởi xu hướng lây lan nhanh có thể khiến số ca nhiễm tăng mạnh, gây áp lực cho hệ thống y tế. Do đó, DOH hối thúc chính quyền tại địa phương ghi nhận ca nhiễm BA.4  đầu tiên nhanh chóng truy vết và cách ly những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh nhân.

Các biến thể phụ BA.4 và BA.5 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi lần lượt vào tháng 1 và tháng 2 năm nay. Kể từ thời điểm đó, BA.4 và BA.5 đã trở thành những biến thể chủ đạo tại quốc gia này.

Tính đến ngày 21/5, Philippines ghi nhận tổng cộng 3.688.508 ca mắc COVID-19, trong đó có 60.455 ca tử vong. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Philippines đã trải qua 4 làn sóng dịch bệnh với số ca nhiễm mới theo ngày đạt đỉnh ở mức 39.004 ca vào ngày 15/1 vừa qua.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, miền bắc Italy, ngày 11/1/2022 

Theo baotintuc.vn