COVID-19 tới 6h sáng 25/5: Dự báo dịch trong 5 năm tới; Triều Tiên giảm mạnh ca sốt và tử vong
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 528.679.927 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.303.127 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 572.691 và 1.264 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 499.093.576 người, 23.283.224 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 37.991 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 54.198 ca; Australia đứng thứ hai với 42.759 ca; tiếp theo là Mỹ (37.832 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 182 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil với 178 ca và Đức 141 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 85.152.708 người, trong đó có 1.029.308 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.141.200 ca nhiễm, bao gồm 524.490 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.778.815 ca bệnh và 665.905 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 195,6 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 154,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 100,68 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,4 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12,1 triệu ca và châu Đại Dương trên 8,44 triệu ca nhiễm.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022.
Số ca sốt mới tại Triều Tiên tiếp tục giảm
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/5, sau khi hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp tối đa được kích hoạt, tỷ lệ sốt và tử vong tại nước này đã giảm đáng kể, trong khi số người phục hồi tăng lên.
Cụ thể, theo số liệu của Cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, trong vòng 24 giờ, tính từ 18h ngày 22/5 đến 18h ngày 23/5, Triều Tiên ghi nhận thêm hơn 134.000 người bị sốt, ít hơn khoảng 33.000 người so với ngày trước đó. Như vậy, so với mức đỉnh là khoảng 393.000 người sốt trong ngày 15/5, số ca sốt mới theo ngày đã giảm còn 1/3. Trong khi đó, số người phục bình phục là hơn 213.000 người, và không có thêm trường hợp tử vong nào.
Tổng cộng Triều Tiên đã ghi nhận hơn 2,94 triệu ca sốt, trong đó 2,54 triệu người đã hồi phục và 68 người đã tử vong kể từ cuối tháng 4.
Xe cứu thương di chuyển trên đường phố tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 23/5/2022.
Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học và tình hình phòng chống dịch trên cả nước, các ngành y tế công và các viện nghiên cứu khoa học của Triều Tiên đã đưa ra các phương pháp điều trị mới, trong đó phân loại bệnh nhân theo độ tuổi, nghề nghiệp, thể trạng và các bệnh mãn tính, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất các bộ xét nghiệm và thuốc chữa bệnh.
Triều Tiên đã áp đặt các biện pháp phong tỏa biên giới nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới năm 2020. Ngày 12/5 vừa qua, KCNA đưa tin nhà chức trách đã thu thập mẫu bệnh phẩm từ một nhóm bệnh nhân tại thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 8/5 và kết quả giải mã gene các mẫu bệnh phẩm này đã phát hiện dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Do đó, nhà chức trách Triều Tiên tuyên bố triển khai hệ thống kiểm soát virus ở "mức khẩn cấp cao nhất".
Triều Tiên huy động quân đội tham gia vận chuyển thuốc men tại Bình Nhưỡng ngày 16/5/2022.
Viễn cảnh dịch COVID-19 trong 5 năm tới
Trong một nghiên cứu của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) vừa công bố, các nhà nghiên cứu đã phân tích và đưa ra 3 viễn cảnh dịch bệnh COVID-19 trong 5 năm tới.
Theo đó, các nhà nghiên cứu tại ISC cho rằng rất có thể vào năm 2027, COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung nhưng vẫn sẽ gây ra những đợt dịch theo mùa, đòi hỏi phải có các loại vaccine cập nhật để ứng phó. Phần lớn dân số chưa tiêm phòng COVID-19 trên thế giới chủ yếu vẫn sẽ nằm ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi có nguy cơ mất an ninh lương thực và hệ thống y tế có thể sụp đổ. Với tiến trình phục hồi và tỷ lệ tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 không đồng đều giữa các quốc gia, nghiên cứu cảnh báo tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trên thế giới.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran.
Trong một viễn cảnh bi quan hơn vào năm 2027, thế giới có chưa đến 70% dân số đã tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như phong tỏa diện rộng sẽ được áp dụng ở một số quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những biến động xã hội nghiêm trọng như trường học đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian dài, trong khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao sẽ cản trở nỗ lực tiêm chủng và làm phát sinh thêm xung đột. Thậm chí, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, nhiều quốc gia sẽ chuyển sang đảo ngược các chính sách bảo vệ môi trường nhằm khắc phục tác động kinh tế do COVID-19 gây ra.
Kịch bản thứ ba và lạc quan nhất, đó là nỗ lực hợp tác toàn cầu sẽ khiến COVID-19 trở thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn và không còn là căn bệnh được ưu tiên giải quyết cấp bách. Vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối công bằng hơn trên toàn cầu - bao phủ hơn 80% dân số - trong khi không còn cần phải đóng cửa các trường học cũng như áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Các chuyên gia cho rằng nhờ nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, thế giới có khả năng giải quyết tốt hơn các cuộc khủng hoảng khác như khủng hoảng an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
Nhà dịch tễ học tại Đại học Otago (New Zealand), Giáo sư Michael Baker, nhận định nghiên cứu của ISC được công bố vào thời điểm ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc. Ông Baker cảnh báo virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục biến đổi để né tránh miễn dịch và tăng tỷ lệ tái nhiễm, dẫn đến những làn sóng lây nhiễm tiếp theo trên toàn cầu.
Diễu hành trong lễ hội Songkran ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 13/4/2022.
Nỗ lực giải mã nguyên nhân gây "COVID kéo dài"
Ngày 23/5, các bác sĩ và các nhà khoa học tại Mỹ đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên nhằm giải mã nguyên nhân khiến một số người phải vật lộn với hội chứng COVID kéo dài (Long COVID) - một trong những “bí ẩn” lớn nhất trong đại dịch COVID-19.
Ngay đại dịch COVID-19 bùng phát, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã bắt đầu phân tích bệnh án của hàng trăm bệnh nhân nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến những người này mắc hội chứng COVID kéo dài. Song song với đó, hơn 130 thử nghiệm đã được thực hiện này nhằm xác định một loạt câu hỏi: Liệu có bất kỳ tổn thương nào đối với các cơ quan quan trọng trong cơ thể họ hay không? Liệu virus SARS-CoV-2 còn ẩn náu trong cơ thể họ và gây các vấn đề về sức khỏe hiện nay? Hệ thống miễn dịch của họ có bị “chọc thủng”, khiến họ bị ốm mặc dù virus đã biến mất ?
Tiến sĩ Michael Sneller phụ trách nghiên cứu cho biết điều trước tiên các nhà khoa học ghi nhận là hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau nhiều tháng nhưng vẫn có các triệu chứng mệt mỏi, sương mù não, đau đầu, tức ngực và nhiều biểu hiện khác. Tuy nhiên, họ khẳng định số người gặp các triệu chứng trên không chiếm tới 50% số ca đã khỏi bệnh. Con số thực tế có thể thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, ngay cả con số thực chỉ chiếm một phần nhỏ thì vẫn có rất nhiều người gặp phải hội chứng này.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/5/2022.
Điều thứ hai là các nhà khoa học hiện chưa thể tìm thấy bằng chứng về việc virus vẫn tồn tại hoặc ẩn náu trong cơ thể. Họ cũng không tìm được bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức hoặc hoạt động sai cách có thể gây ra tổn thương cho các cơ quan chính trong cơ thể. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu nhận thấy ngày càng nhiều phụ nữ mắc hội chứng COVID kéo dài và trải qua cảm giác lo lắng khi gặp phải vấn đề này. Theo Tiến sĩ Sneller, điều này không đồng nghĩa các vấn đề của họ là do tâm lý. Tiến sĩ Sneller hy vọng những phát hiện bước đầu của ông và các cộng sự sẽ giúp các bác sĩ hiểu được phần nào vấn đề của người bệnh và có thể tập trung vào những biện pháp hữu ích, như các phương pháp trị liệu vật lý và nhận thức hành vi.
Tiến sĩ Sneller cho biết thêm rằng ông và các cộng sự tại NIH đang tiếp tục tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn và chuyên sâu hơn với hàng nghìn bệnh nhân nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây hội chứng COVID kéo dài.
Mỹ: Số trẻ mắc COVID-19 tăng 72% trong 2 tuần
Theo báo cáo mới nhất của Viện nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi, công bố ngày 23/5, trong tuần qua, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 107.000 ca mắc COVID-19 là trẻ em, tăng 72% so với cách đây hai tuần.
Đây là tuần thứ 6 liên tiếp số trẻ em mắc COVID-19 tăng tại Mỹ. Như vậy kể từ khi bùng phát đại dịch, đến nay Mỹ có 13,3 triệu trẻ em dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý là trong số này có tới 316.000 trẻ được ghi nhận mắc trong 4 tuần vừa qua. Từ đầu năm tới nay, có gần 5,4 triệu trẻ ở Mỹ mắc COVID-19.
Báo cáo trên cũng cho biết trẻ em chiếm 19% tổng số ca mắc tại Mỹ. AAP cho biết cần khẩn cấp thu thập thêm dữ liệu chi tiết về tuổi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh liên quan đến các biến thể mới cũng như các tác động tiềm ẩn về lâu dài.
Báo cáo nêu rõ: “Không thể phủ nhận các tác động trước mắt của đại dịch đối với sức khoẻ trẻ em, nhưng chúng ta cần xác định và giải quyết các tác động lâu dài đến tâm, sinh lý và xã hội của thế hệ thanh thiếu niên này”.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ.
Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ gần đây bày tỏ lo ngại khi nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, chưa đủ điều kiện để tiêm chủng ngừa COVID-19 theo hướng dẫn của Cục Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm (FDA), đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhập viện lớn nhất trong số bất kỳ nhóm tuổi nào dưới 18 trong giai đoạn biến thể Omicron hoành hành.
Mũi thứ 4 vaccine mRNA có thể tăng gấp đôi kháng thể so với mũi 3
Mũi thứ 4 vaccine công nghệ mRNA ngừa COVID-19 có thể giúp tăng nồng độ kháng thể và phản ứng miễn dịch của tế bào T cao hơn so với mũi thứ 3. Đây là dữ liệu cuộc thử nghiệm được công bố mới đây tại Anh.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với 166 người trưởng thành đã tiêm mũi thứ 3 vaccine mRNA của hãng Pfizer/BioNTech sau khi hoàn thành liều cơ bản với vaccine cùng loại hoặc vaccine công nghệ vector của hãng AstraZeneca. Những người này được lựa chọn ngẫu nhiên để tiêm mũi thứ 4 vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna (công nghệ mRNA). Một nửa số người tham gia thử nghiệm trên 70 tuổi và thời gian trung bình kể từ mũi tiêm thứ 3 là 7 tháng.
Kết quả cho thấy, 2 tuần sau mũi tiêm thứ 4, nồng độ kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2 cao gấp đôi nồng độ kháng thể được tạo ra ở thời điểm 4 tuần sau mũi tiêm thứ 3. Nồng độ kháng thể sau mũi thứ 4 của vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna là tương đương.
Trong khi đó, phản ứng miễn dịch từ tế bào T cũng tăng mạnh sau 14 ngày kể từ mũi vaccine mRNA thứ 4, nhanh hơn so với 28 ngày sau mũi thứ 3. Tuy nhiên, kết quả này chỉ ghi nhận ở những tình nguyện viên đã tiêm 3 mũi đầu tiên vaccine của Pfizer/BioNTech và mũi thứ 4 là vaccine của Moderna.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/4/2022.
Indonesia xác định sẽ mất hơn 6 tháng để ghi nhận đại dịch COVID-19 kết thúc
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono cho biết sẽ mất hơn 6 tháng để theo dõi tình hình dịch COVID-19 và xác nhận đại dịch kết thúc ở Indonesia.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện Indonesia (DPR), Thứ trưởng Harbuwono nêu rõ: "Chưa đến lúc đề cập giai đoạn bệnh đặc hữu. Tình hình hiện nay là đại dịch được kiểm soát. Còn phải qua một số giai đoạn nữa".
Theo ông Harbuwono, một trong những thông số để Indonesia bước vào giai đoạn an toàn là duy trì chỉ số lây nhiễm (RT) dưới 1 trong hơn 6 tháng. Chỉ số RT phản ánh số ca nhiễm mới trong cộng đồng sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát đại dịch, chẳng hạn như hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM), tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các biện pháp khác được áp dụng ở Indonesia.
Ông Harbuwono cho rằng có một số giai đoạn để xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu, một trong các giai đoạn đó là khi RT ít hơn 1 trong hơn 6 tháng. Ngoài ra, Indonesia vẫn cần theo đuổi mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia nêu rõ COVID-19 không phải là đại dịch đầu tiên bùng phát trên thế giới. Do đó, quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu phụ thuộc vào việc virus SARS-CoV-2 biến mất hoàn toàn.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản ngày 8/8/2021.
Ông Harbuwono nhấn mạnh thêm rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá COVID-19 chưa trở thành bệnh đặc hữu trên toàn cầu và vẫn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC). Điều này đồng nghĩa tình hình dịch bệnh vẫn được theo dõi sát và đánh giá thường xuyên cả về lâm sàng cũng như tại các phòng thí nghiệm trên thế giới.
Theo số liệu cập nhật tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 23/5, số người tiêm đủ liều 2 mũi vaccine tại nước này là 166,9 triệu người, trong khi mục tiêu bao phủ vaccine là hơn 208 triệu người.
Trung Quốc: Giằng co cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Bắc Kinh
Trong khi COVID-19 trên toàn Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm trong tuần qua, với tổng số ca nhiễm mới hằng ngày đã xuống dưới 1.200, cuộc chiến chống dịch tại thủ đô Bắc Kinh của nước này vẫn đang trong tình thế giằng co. Mặc dù giới chức Bắc Kinh đã áp đặt nhiều biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, nhưng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại đây đã tăng lên đỉnh mới vào hôm 22/5 vừa qua, khiến giới chuyên gia y tế phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh hơn.
Tháng trước, số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày ở Bắc Kinh ở khoảng 50 người. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ (tính đến 15h ngày 22/5), số ca nhiễm trong đợt dịch lần này đã tăng lên mức kỷ lục trong một ngày là 99 người, với 83 ca được xác nhận và 16 ca nhiễm không triệu chứng. Mặc dù trong 24 giờ tiếp theo số ca nhiễm mới giảm xuống còn 63, nhưng các chuyên gia cảnh báo, con số này có khả năng sớm vượt quá 100 mỗi ngày nếu công tác phòng chống dịch bị buông lỏng.
Người dân di chuyển trên một đường phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/5/2022.
Trước tình trạng này, nhà chức trách và các cộng đồng dân cư ở Bắc Kinh đã liên tục siết chặt công tác phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm sớm dập tắt làn sóng dịch lần này. Ngày 23/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đã thị sát một số nơi báo cáo xuất hiện các ca nhiễm ở Bắc Kinh. Bà kêu gọi cơ quan chức năng phản ứng nhanh hơn để xóa sổ càng sớm càng tốt các ổ dịch bên ngoài những khu vực được kiểm soát. Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan lưu ý rằng dịch bệnh ở Bắc Kinh nhìn chung đang được kiểm soát, nhưng vẫn những ca nhiễm rải rác. Vì vậy, không được phép buông lỏng công tác phòng chống dịch.
Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng hiện vẫn khó có thể dự đoán về một sự chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch ở Bắc Kinh và nhiều khả năng làn sóng dịch lần này có thể kéo dài đến tháng 6. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng hiện nay hy vọng nhiều hơn là thách thức vì ngày càng có nhiều loại thuốc đang được nghiên cứu và phát triển, trong khi tỷ lệ tiêm chủng cho người dân cũng gia tăng mạnh.
Theo baotintuc.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII