Chủ nhật, 12/01/2025, 19:03[GMT+7]

Số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc và UAE tăng mạnh, làn sóng BA.4 và BA.5 ở Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 7

Thứ 4, 15/06/2022 | 07:57:35
909 lượt xem
Đến sáng 15/6, thế giới có trên 541,43 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,33 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 541,43 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 87,45 triệu ca mắc và hơn 1,036 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 29.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,23 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 668.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,49 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Châu Âu và một số quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi sát sao nguy cơ lây lan của các dòng phụ mới của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5. Động thái này được đưa ra sau khi các nước ghi nhận sự gia tăng trở lại của các ca nhiễm COVID-19.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo, 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp EU trong vài tuần tới. Điều quan trọng, mặc dù hai biến thể phụ này không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng do COVID-19 nhưng vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.

Các biến thể mới BA.4 và BA.5 phát hiện ở Nam Phi hiện đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giám sát. Hai biến thể phụ mới này có những đột biến gene có thể lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm nhờ vaccine hoặc do từng mắc COVID-19 trước đó.

Ngày 14/6, Bộ Y tế New Zealand thông báo ghi nhận 6.133 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế New Zealand, trong số các ca mắc mới có 1.800 ca được ghi nhận ở Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 82 người mắc COVID-19 nhập cảnh. Hiện vẫn còn 377 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 7 trường hợp đang được điều trị tại khoa chăm sóc tích cực.

Kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng trên 1,24 triệu ca mắc COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc và UAE tăng mạnh, làn sóng BA.4 và BA.5 ở Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 7 - Ảnh 1.

Ngày 14/6, New Zealand ghi nhận 6.133 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, mức cao kỷ lục.  

Nam Phi là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong do COVID-19 nhất ở châu Phi, với hơn 3,9 triệu người được xác nhận mắc bệnh và hơn 101.000 ca tử vong. Ban đầu Nam Phi rất chật vật đáp ứng nhu cầu vaccine phòng bệnh do nguồn cung hạn chế và các cuộc đàm phán để mua vaccine kéo dài, tuy nhiên hiện tại nước này đã được cung cấp nhiều vaccine.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 13/6, chỉ có hơn 50% người trưởng thành ở Nam Phi (khoảng 40 triệu người) được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19. Trong những tháng gần đây, tốc độ tiêm chủng tại nước này đã bị chậm lại mặc dù Chính phủ đã nỗ lực tăng nguồn cung vaccine.

Số ca mắc COVID-19 tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tăng gấp đôi chỉ trong 1 tuần qua. Theo số liệu được ghi nhận, ngày 14/6, số ca mắc tại nước này là hơn 1.300 ca, tăng hơn 2 lần so với tuần trước. Trước tình trạng này, giới chức UAE kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch, bao gồm đeo khẩu trang trong không gian kín, chấp hành các quy định cách ly khi nhiễm bệnh.

Các nước vùng vịnh khác như Kuwait, Saudi Arabia cũng ghi nhận tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19.

Chính phủ Indonesia dự báo, số ca nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại nước này sẽ đạt đỉnh vào tháng 7 tới, tức là 1 tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Quốc gia Đông Nam Á này đã xác nhận 8 ca nhiễm các biến thể nói trên, trong đó có 3 ca nhập cảnh. Ngay sau đó, số ca mắc đã tăng hơn 500 ca/ngày, nhiều nhất là ở thủ đô Jakarta.

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Sadikin cho biết, số ca nhiễm các biến thể dòng phụ nói trên đang gia tăng tại một số nước, nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với dòng chính Omicron. Chính phủ nước này hiện đang tiếp tục theo dõi các bệnh nhân khác có thể nhiễm biến thể này tại Jakarta, West Java, Banten, và Bali, đồng thời đẩy mạnh tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng trở lại mốc gần 10.000 vào ngày 14/6. Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực là số ca tử vong vì căn bệnh này ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 0,13%. Tính đến ngày 14/6, đã có gần 87% dân số nước này đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và khoảng 65% dân số đã tiêm mũi nhắc lại đầu tiên.

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho biết sẽ khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ để nhanh chóng bổ sung nguồn lao động nhập cư đến nước này làm việc. Theo đó, từ nay đến hết tháng 8 tới, Hàn Quốc sẽ hoàn tất các thủ tục để sớm tiếp nhận khoảng 26.000 lao động nhập cư, những người đã nhận được giấy phép lao động của Hàn Quốc nhưng không thể đến nước này cho ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sau đó, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2022, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận thêm khoảng 28.000 lao động nước ngoài.

Các lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt cá tại Hàn Quốc đã và đang gặp phải tình trạng thiếu lao động sau đại dịch COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc và UAE tăng mạnh, làn sóng BA.4 và BA.5 ở Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 7 - Ảnh 2.

Số ca sốt tại Triều Tiên đã giảm mạnh trong ngày 14/6.  

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, trong 24 giờ qua, Triều Tiên đã ghi nhận 32.810 ca sốt, 46.260 trường hợp phục hồi và 1 ca tử vong trên cả nước. Theo Trung tâm Ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, kể từ cuối tháng 4, Triều Tiên có tổng cộng hơn 4,5 triệu ca sốt, trong đó có 444.480 người phục hồi (chiếm tỷ lệ 98,715%) và ít nhất 57.780 người đang điều trị (1,283%).

Sau hơn 1 tháng khởi động hệ thống chống dịch khẩn cấp tối đa, công tác chống dịch tại Triều Tiên đã bước sang giai đoạn mới với việc duy trì biện pháp phong tỏa, song song với việc ngăn chặn virus lây lan tại quốc gia này. Cơ quan chống dịch khẩn cấp trung ương đã đề ra các kế hoạch phù hợp và cung cấp những hướng dẫn chi tiết nhằm chặn đứng nguy cơ virus lây lan thông qua việc đóng cửa hoàn toàn biên giới trên bộ, trên không và trên biển, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn chống dịch và kiểm soát nghiêm ngặt việc thực hiện. Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh sản xuất nhiều chất khử trùng và các loại vật tư y tế khác nhau.

Tại Trung Quốc, 2 thành phố là Bắc Kinh và Thượng Hải lại phải siết chặt kiểm soát khi dịch bệnh trở lại tại một số điểm nóng.

Bắc Kinh đã phát hiện gần 200 ca dương tính tại quán bar Heaven Supermarket ở quận Triều Dương. Quận này sẽ xét nghiệm đại trà miễn phí liên tiếp trong 3 ngày 13 - 15/6 cho 3,5 triệu dân. Chuyên gia nhận định, biến thể Omicron gây ra đợt dịch này khó phát hiện và có tốc độ lây nhanh hơn năm 2020, đồng thời cảnh báo nguy cơ dịch lây lan sang các tỉnh lân cận là khó tránh khỏi.

Các nhà chức trách Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra quán bar được cho là trung tâm khởi phát hàng trăm ca COVID-19 ở thủ đô Trung Quốc trong vài ngày qua. Các nhân viên chuyên môn đến từ nhiều cơ quan chính quyền Bắc Kinh sẽ phối hợp để điều tra và xử lý quán bar Heaven Supermarket "một cách nhanh chóng, chặt chẽ và nghiêm túc". Bên cạnh đó, tất cả những quán bar, câu lạc bộ đêm, tụ điểm karaoke, quán cà phê Internet và các tụ điểm giải trí khác của thành phố đang được kiểm tra.

Theo vtv.vn