Đài Loan (Trung Quốc) trước đợt bùng phát dịch, châu Âu cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể COVID-19 hoàn toàn mới
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 96,46 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,072 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đưa ra khuyến nghị sử dụng làm mũi tăng cường 2 loại vaccine mới của hãng BioNTech-Pfizer và Mordena được điều chỉnh nhằm chống các biến thể của Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo đó, hai loại vaccine mới này sẽ phòng chống được cả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron vốn gây ra phần lớn các ca mắc COVID-19 tại Mỹ hiện nay. Trong đó, vaccine của BioNTech-Pfizer được khuyến nghị tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên và vaccine của Moderna dành cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Trong một tuyên bố, Giám đốc CDC Rochelle Walensky nêu rõ: "Các vaccine phòng chống COVID-19 được điều chỉnh (được dùng trong mũi tăng cường) để có thể bảo vệ tốt hơn trước biến thể gây phần lớn ca bệnh trong thời gian gần đây. Các vaccine này có thể giúp khôi phục khả năng bảo vệ đã suy giảm theo thời gian kể từ lần tiêm chủng trước, đồng thời tạo khả năng bảo vệ tốt hơn trước các biến thể mới".
Bà Walensky cho biết, khuyến nghị trên được đưa ra sau khi CDC tiến hành một cuộc thảo luận, đánh giá khoa học toàn diện đối với các vaccine này. Các vaccine được điều chỉnh này dự kiến sẽ được phân phối tại Mỹ vào đầu tuần tới.
Giới chức y tế Mỹ thông báo, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm năm thứ 2 liên tiếp trong năm 2021 và đây là 2 năm giảm mạnh nhất trong một thế kỷ qua, chủ yếu vì đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu sơ bộ của CDC Mỹ, từ năm 2020 - 2021, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm gần 1 năm, xuống còn 76,1 tuổi. Đây là mức trung bình thấp nhất kể từ năm 1996. Trước đó, trong năm 2020, tuổi thọ trung bình là 77 tuổi, cũng giảm mạnh từ mức 78,8 tuổi vào năm 2019.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,44 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 527.900 trường hợp thiệt mạng.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,56 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil có tổng số người mắc COVID-19 thấp sau Pháp với trên 34,49 triệu ca nhưng có số bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, với trên 684.000 trường hợp.
EMA đã phê chuẩn sử dụng vaccine của BioNTech-Pfizer và Mordena phiên bản điều chỉnh chống dòng phụ BA.1 của Omicron.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã hoàn tất việc xem xét và đồng ý cho sử dụng vaccine COVID-19 của BioNTech-Pfizer và Mordena được điều chỉnh phù hợp để chống dòng phụ BA.1 từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo đó, nhóm trên 12 tuổi đã tiêm phòng đầy đủ là nhóm được khuyến nghị sử dụng loại vaccine đặc hiệu với biến thể phụ BA.1.
Về mặt thủ tục, Ủy ban châu Âu (EC) cần đưa ra khuyến nghị chính thức để triển khai sử dụng loại vaccine mới này. Loại vaccine mới này được thông báo có tác dụng phòng ngừa hiệu quả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như biến thể phụ BA.1. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng loại vaccine phiên bản mới trên cũng sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc phòng ngừa các biến thể phụ của Omicron đang chiếm ưu thế.
Một biến thể hoàn toàn mới của virus SARS-CoV-2 có thể nổi lên trong mùa đông này, tuy nhiên những vaccine hiện có đủ khả năng ngăn ngừa bệnh chuyển nặng và tử vong. Đây là đánh giá được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra ngày 2/9 trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị triển khai đợt tiêm mũi tăng cường nhằm ngăn ngừa làn sóng COVID-19 mới vào cuối năm nay.
Từ ngày 9/9, Australia tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, theo đó hành khách trên các chuyến bay nội địa sẽ không còn phải đeo khẩu trang và thời gian cách ly đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố quyết định trên, cho biết việc giảm thời gian cách ly sẽ giúp khắc phục phần nào những khó khăn về thiếu lao động mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Việc giảm thời gian cách ly không áp dụng với người làm việc ở môi trường có nguy cơ cao như chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật. Theo đó, những người này vẫn phải cách ly 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, dù có triệu chứng bệnh hay không.
Theo báo cáo mới nhất, kể từ dịch COVID-19 bùng phát đến nay số ca mắc tại Australia đã vượt 10 triệu người, bao gồm 14.000 bệnh nhân không qua khỏi. Ngày 2/9, nước này ghi nhận 8.788 ca mắc mới và 42 trường hợp tử vong.
Từ ngày 1/9, thành phố Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc, sẽ thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong bối cảnh nhà chức trách đang nỗ lực dập tắt ổ dịch COVID-19 mới bùng phát tại đây. Theo thông báo chính thức, từ 18h cùng ngày, người dân thành phố phải ở trong nhà để phòng chống làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19. Mỗi gia đình sẽ được cử một người ra ngoài để mua thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu mỗi ngày, nhưng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 24 giờ trước đó.
Người dân được yêu cầu không nên rời thành phố nếu không có việc gì thực sự cần thiết. Từ ngày 1 - 4/9, tổng cộng khoảng 16 triệu dân Thành Đô sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Ngày 2/9, Trung Quốc ghi nhận 373 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng. Đến nay, Trung Quốc đại lục xác nhận 243.822 ca mắc COVID-19, bao gồm 5.226 người thiệt mạng.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), ông Lý Gia Siêu đã đề xuất thực hiện phương án cách ly đối với người Hong Kong có nhu cầu đến đại lục và Trung Quốc đại lục đã nhất trí phương án này. Theo đó, người dân Hong Kong trước khi đến đại lục phải thực hiện cách ly tại Hong Kong để phù hợp với quy định cách ly "7+3" của chính quyền trung ương để phòng chống dịch COVID-19.
Ông Lý Gia Siêu cho biết, chính quyền Hong Kong đưa ra phương án này nhằm giảm gánh nặng đối với hệ thống khách sạn ở đại lục, tận dụng cơ sở vật chất của Hong Kong, đáp ứng nhu cầu của người dân Hong Kong muốn đến đại lục. Trong những ngày gần đây, Hong Kong ghi nhận từ 8.000 - 10.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Đài Loan đang đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 mới.
Cơ quan giám sát dịch bệnh của Đài Loan (Trung Quốc) đã cảnh báo nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới trên đảo này sau khi ghi nhận 3 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 30.000 ca/ngày. Thống kê của cơ quan trên cho biết, ngày 1/9 Đài Loan ghi nhận 33.875 ca mắc mới và 36 người tử vong. Con số này trong ngày 2/9 lần lượt là 33.819 ca và 36 bệnh nhân. Đến nay, hòn đảo này đã ghi nhận tổng cộng hơn 5,37 triệu ca mắc COVID-19.
Cơ quan trên ước tính, số ca mắc mới do nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể tăng lên tới 60.000 trường hợp/ngày vào giữa tháng 9 này. Trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều trường học trên khắp đảo đã quyết định ngừng học trực tiếp dù năm học mới vừa bắt đầu hôm 30/8.
Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh, bắt đầu từ 0h ngày 3/9. Quyết định được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Ủy ban tư vấn bệnh truyền nhiễm và trên cơ sở nhận định rằng làn sóng bùng phát dịch COVID-19 hiện nay tại Hàn Quốc đã đạt đỉnh và tốc độ lây nhiễm biến thể Omicron có thể chậm lại.
Theo quy định mới, du khách vẫn cần phải làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ ngay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc. Đây được xem là "biện pháp tối thiểu" được áp dụng để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch từ bên ngoài. Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ không được chấp nhận.
Ngày 2/9, Hàn Quốc ghi nhận 89.528 ca mắc mới và 64 bệnh nhân tử vong. Hiện tổng cộng trên 23,41 triệu người ở nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 26.940 trường hợp đã thiệt mạng.
Nhật Bản đang lên kế hoạch đơn giản hóa các thủ tục kiểm dịch phòng COVID-19 ở các sân bay bằng cách cho phép người nhập cảnh làm những thủ tục cần thiết trên điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác. Cụ thể, từ giữa tháng 9 tới, Nhật Bản sẽ cho phép hành khách nhập trước tất cả các thông tin phục vụ cho việc kiểm dịch ở sân bay. Những người đã hoàn tất các thủ tục này chỉ cần xuất trình mã QR tại sân bay khi được kiểm tra.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng nâng giới hạn về số lượng người được cấp phép nhập cảnh mỗi ngày từ mức 20.000 người hiện nay lên 50.000 người, đồng thời bỏ quy định khách du lịch nước ngoài phải đăng ký tour có các hướng dẫn viên du lịch đi kèm. Nhật Bản hy vọng, các biện pháp này sẽ giúp thu hút thêm khách du lịch nước ngoài tới nước này.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng