Thứ 3, 26/11/2024, 22:47[GMT+7]

Singapore cấp phép vaccine hiệu quả với nhiều biến thể, Trung Quốc tăng cường phòng chống dịch COVID-19

Thứ 6, 16/09/2022 | 07:48:23
231 lượt xem
Đến sáng 16/9, thế giới có trên 615,74 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,52 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 615,74 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 97,35 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,077 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận hơn 17.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo, mùa cúm đến trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan có thể khiến hệ thống chăm sóc y tế quá tải. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bang Utah, ông Brandon Webb cho biết: "Nếu chúng ta chứng kiến mùa cúm từ mức trung bình đến cao, với 300.000 - 400.000 ca nhập viện, trong khi vẫn phải xử lý làn sóng dịch COVID-19 trong mùa thu và đông, điều đó có thể khiến các hệ thống y tế trên khắp đất nước quá tải". Chuyên gia trên cũng cho rằng mức độ nghiêm trọng của cúm mùa thay đổi theo năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ lệ miễn dịch và chủng cúm lưu hành. Theo ông Webb, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng toàn cầu nói chung và tại Mỹ nói riêng đang ở mức thấp kỷ lục.

Trong khi đó, báo Washington Post đưa tin, người dân Mỹ sẽ phải trả tiền tiêm vaccine ngừa và thuốc điều trị COVID-19 từ tháng 1/2023 vì Quốc hội sắp hết tiền.

Đầu tháng 9 này, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết, Chính phủ nước này đang lên kế hoạch thương mại hóa các loại vaccine ngừa COVID-19, cũng như những loại thuốc điều trị căn bệnh này từ đầu năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ chỉ có vaccine thông qua các hãng bảo hiểm hoặc tự chi trả.

Từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Chính phủ Mỹ phân phát miễn phí vaccine cho người dân. Khi Chính phủ ngừng cung cấp miễn phí vaccine, khoảng 8% người Mỹ không có bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngay cả những người được hưởng bảo hiểm cũng phải trả một khoản chi phí trong khi giá cả sinh hoạt đang tăng chóng mặt tại Mỹ. Theo báo Washington Post, nhiều người sẽ không có đủ tài chính để tiêm phòng mũi thứ tư.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,83 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 15/9, Pháp báo cáo 33.263 trường hợp nhiễm mới.

Brazil có trên 34,6 triệu ca mắc COVID-19, cao thứ tư thế giới, và hơn 685.000 người tử vong vì dịch bệnh này, chỉ sau Mỹ.

Singapore cấp phép vaccine hiệu quả với nhiều biến thể, Trung Quốc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Học sinh ở Italy đã trở lại trường học và không bị bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp. 

Ngày 15/9, học sinh tại nhiều nơi ở Italy đã trở lại trường học và lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các em không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp hoặc phải chấp hành quy định giãn cách xã hội như học trực tuyến ở nhà. Phát biểu trước ngày các em trở lại trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Italy Patrizio Bianchi nhấn mạnh rằng cả nước cần sự khởi đầu mới. Chính phủ cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 đã kết thúc, nhưng luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Bộ Giáo dục Italy đã ban hành thông tư mới, có hiệu lực từ ngày 1/9 sau khi quy định hạn chế khẩn cấp COVID-19 đối với các trường học hết hiệu lực, nêu rõ rằng mặc dù học sinh không phải đeo khẩu trang trong lớp học nhưng các nhân viên trường học và học sinh có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng vẫn sẽ phải đeo khẩu trang FFP2. Ngoài ra, những giáo viên chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng có thể trở lại giảng dạy trên lớp.

Bộ Y tế Italy cũng xác nhận học sinh không còn phải đeo khẩu trang trong lớp học, nhưng cảnh báo rằng các cơ quan y tế sẽ đánh giá tình hình dịch tễ học theo từng bước và Italy đã dần chuyển các quy định phòng chống COVID-19 từ bắt buộc sang khuyến nghị khi nước này nới lỏng các biện pháp trong trường học.

Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Italy (AIFA) đã phê duyệt những vaccine sửa đổi chống lại các biến thể mới Omicron 4 và 5, ưu tiên tiêm cho các trường hợp có nguy cơ và những người trên 60 tuổi. Trong một thông báo, AIFA cho biết, vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường sẽ ưu tiên những trường hợp có nguy cơ phát triển những bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả người dân đều có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều nhắc lại theo chỉ định của bác sĩ hoặc tự lựa chọn.

Dự kiến khoảng 19 triệu liều vaccine mới sẽ được triển khai trong tháng 9, trong đó đối tượng được phép tiêm chủng ở độ tuổi 12 và việc tiêm vaccine trên cơ sở tự nguyện. Bộ Y tế Italy cũng khuyến cáo đối tượng ưu tiên là những trường hợp trên 60 tuổi, người già yếu, nhân viên y tế và phụ nữ mang thai.

Đại dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa đối với các nước châu Phi do tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh thấp. Quyền Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) châu Phi Ahmed Ogwell Ouma đã đưa ra cảnh báo trên vào ngày 15/9.

Quyền Giám đốc CDC châu Phi nêu rõ, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan và với tỷ lệ tiêm vaccine thấp hiện nay, đại dịch vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với các nước châu Phi. Ông cho biết, hiện mới chỉ có khoảng 22% dân số châu lục này đã tiêm đủ mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19. CDC châu Phi đang tập trung tăng tỷ lệ này thay vì mua thêm các loại vaccine mới có khả năng ngăn ngừa các biến thể nguy hiểm như Omicron.

Các nước châu Phi đang nỗ lực để sớm có được nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh các nước giàu tích trữ vaccine và hoạt động logistic thời gian gần đây không thực sự thuận lợi.

Singapore đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine phòng COVID-19 được điều chỉnh để có hiệu quả với nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2. Loại vaccine này sẽ được dùng cho mũi tăng cường. Đây là loại vaccine hiệu quả với nhiều biến thể đầu tiên được cấp phép sử dụng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Singapore cấp phép vaccine hiệu quả với nhiều biến thể, Trung Quốc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Singapore đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Spikevax do Moderna phát triển.

Vaccine Spikevax do Moderna phát triển có hiệu quả cả với virus gốc và dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Vaccine được sử dụng để tiêm liều tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ các mũi cơ bản phòng COVID-19.

Cơ quan y tế Singapore khẳng định đã thận trọng đánh giá các dữ liệu từ các nghiên cứu tiền lâm sàng của Moderna, các thử nghiệm lâm sàng trên người, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Kết quả cho thấy, việc sử dụng vaccine cho mũi tăng cường mang lại lợi ích vượt trội so với các nguy cơ tiềm tàng để bảo vệ con người trong bối cảnh virus vẫn tiếp tục biến đổi.

Chính phủ Malaysia đã đặt mua vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới có khả năng kiềm chế các biến thể của virus SARS-CoV-2. Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, nước này đã đặt hàng hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và cơ chế COVAX (cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine toàn cầu). Theo ông Khairy, với lô vaccine thế hệ mới này, Chính phủ nước này sẽ không tổ chức tiêm đại trà, thay vào đó sẽ tập trung tiêm miễn phí cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Đề cập đến việc Malaysia dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín kể từ ngày 7/9 vừa qua, Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cho biết, từ nhiều tháng trước, Chính phủ Malaysia đã chỉ đạo Cục An toàn sức khỏe lắp đặt lại hệ thống thông gió trong các tòa nhà văn phòng và không gian kín để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Tại Trung Quốc, công tác phòng chống dịch COVID-19 đang được tăng cường. Dù số ca mắc mới mỗi ngày không nhiều nhưng danh sách các thành phố bị đưa vào diện quản lý tĩnh tiếp tục được nối dài.

Tại thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, qua phân lập, cơ quan chức năng phát hiện biến thể Omicron có 2 vị trí đột biến mới chưa từng ghi nhận tại Trung Quốc. Dịch lây truyền theo cụm gia đình diễn biến phức tạp nên công tác phòng chống hết sức khó khăn.

Thủ đô Bắc Kinh, từ nguồn lây do sinh viên từ các tỉnh về, mỗi ngày có hàng chục ca mắc mới nên Bắc Kinh đã kiểm soát nghiêm ngặt người tỉnh thành khác vào. Khi vào thành phố này không được tụ tập, ăn uống chỗ đông người trong 7 ngày, trong vòng 3 ngày ở nhà phải xét nghiệm 2 lần. Bắc Kinh vẫn duy trì xét nghiệm đại trà mỗi tuần 3 lần cho 23 triệu dân hơn 3,5 tháng nay.

Tại tỉnh Hà Bắc, giáp ranh thủ đô Bắc Kinh, thành phố Tam Hà vừa phong tỏa 4 ngày để xét nghiệm toàn dân 4 đợt, tạm dừng các tuyến xe khách, xe bus, taxi. Trừ những người làm nhiệm vụ cấp bách, phòng chống dịch, chữa cháy, những ai ra đường phải có giấy phép. Nhân viên nhà nước làm việc tại nhà.

Biện pháp xét nghiệm đại trà thường xuyên được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khuyến cáo là cần thiết. Hiện nay phổ biến các tỉnh thành một tuần xét nghiệm từ 1 đến 3 lần. Khi đi máy bay, tàu cao tốc, xe đường dài, tất cả hành khách đều phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 48 tiếng.

Sắp tới là kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc kéo dài một tuần vào đầu tháng 10, chính quyền nước này khuyến khích người dân đi chơi tại chỗ, không đi du lịch xuyên tỉnh. Còn khoảng một tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc nên khi xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng, phần lớn các địa phương phong tỏa ngắn ngày, tập trung lực dập dịch ngay.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa