Thứ 7, 11/01/2025, 16:13[GMT+7]

Mối quan hệ đối tác chiến lược Đức-Israel

Thứ 7, 17/09/2022 | 17:18:23
3,259 lượt xem
Thủ tướng Israel Jair Lapid đã có chuyến thăm đầu tiên tới Đức với tư cách người đứng đầu Chính phủ Israel. Các nhà lãnh đạo hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác song phương, nhằm giúp nhau vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, bảo đảm an ninh quốc gia đồng thời tìm kiếm sự đồng điệu trong vấn đề hạt nhân Iran.

Hai nhà lãnh đạo Đức và Israel tại cuộc họp báo ở Berlin.

Phát biểu sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Israel, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Scholz cho biết, đã có cuộc thảo luận rất tốt đẹp với người đồng cấp Israel, khẳng định Đức và Israel là đồng minh, đối tác chiến lược của nhau và quan hệ song phương sẽ được mở rộng hơn nữa.

Ông ủng hộ việc xuất khẩu khí đốt của Israel và nhấn mạnh rằng, bất kỳ đóng góp cung cấp khí đốt thay thế nào đều hữu ích. Ngay cả khi khí đốt của Israel không đến Đức, mặt hàng này vẫn sẽ có mặt trên thị trường thế giới và do đó giúp hạ nhiệt mức giá cao như hiện nay. Nhà lãnh đạo Đức cho biết, nước này đang làm việc với các đối tác về cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển khí đốt từ các đối tác mới.

Mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Israel là nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược với Đức trên nhiều lĩnh vực và phối hợp lập trường với Berlin về vấn đề hạt nhân Iran. Theo Thủ tướng Jair Lapid, Israel muốn hỗ trợ Đức và châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Israel có thể tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và hy vọng kế hoạch này có thể được thực hiện sớm nhất trong năm tới.

Với các mỏ khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải, Israel được cho là có thể thay thế khoảng 10% lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga trước đây. Israel đã ký hợp đồng với Ai Cập và Ủy ban châu Âu (EC) để cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) qua Ai Cập. Ngoài ra, Israel có lợi thế về khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, có thể hợp tác tốt với Đức và các quốc gia EU khác.

Quan hệ đối tác giữa Đức và Israel trong lĩnh vực năng lượng giúp bảo đảm lợi ích chung của hai nước trong phát triển các công nghệ nhằm cung cấp năng lượng đáng tin cậy, bền vững với giá cả phải chăng, chú trọng tới việc mở rộng hệ thống năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ năng lượng mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thăm Israel hồi tháng 3 vừa qua và sau chuyến thăm này, hai bên đã ký một thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Thỏa thuận này xác định các lĩnh vực hợp tác quan trọng trong tương lai giữa Israel và Đức, bao gồm năng lượng tái tạo, an ninh mạng cho cơ sở hạ tầng năng lượng, đổi mới công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên và ứng dụng hydro.

Trong chuyến thăm Đức của người đứng đầu Chính phủ Israel lần này, hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng được quan tâm thúc đẩy. Israel và Đức đã xác nhận hai bên đàm phán về việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel cho quốc gia châu Âu.

Thủ tướng Israel Jair Lapid đã tiết lộ các cuộc thảo luận trong một cuộc phỏng vấn công khai với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Berlin rằng, Israel sẽ đóng góp một phần trong việc xây dựng lực lượng phòng thủ mới của Đức, chủ yếu trong lĩnh vực phòng không.

Sự hợp tác này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Đức và phục vụ nhằm bảo đảm an ninh hơn nữa cho châu Âu. Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Đức cũng từng thông báo rằng Berlin đang thảo luận về việc mua sắm hệ thống này. Các nhà lập pháp Đức cũng coi việc mua hệ thống phòng thủ này là một lựa chọn tốt để bảo vệ nước Đức.

Theo một số ước tính, Israel có thể bán hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 với giá khoảng 2 tỷ euro và dự kiến việc này có thể được triển khai vào năm 2025. Hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn Arrow 3 do Aerospace Industries của Nhà nước Israel sản xuất. Với việc tên lửa có thể đạt độ cao 100km và có tầm bắn 2.400km, hệ thống phòng không của Israel có thể đánh chặn các mối đe dọa tầm xa và tấn công các tên lửa hạt nhân, sinh học và thậm chí cả tên lửa hóa học một cách an toàn.

Theo nhandan.vn



  • Từ khóa