Thứ 5, 28/03/2024, 18:24[GMT+7]

Nhật Bản đạt gần 90% miễn dịch cộng đồng với COVID-19, Canada dỡ bỏ tất cả hạn chế biên giới

Thứ 4, 28/09/2022 | 07:59:37
5,554 lượt xem
Đến sáng 28/9, thế giới có trên 620,98 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,542 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 620,98 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 97,95 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,082 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Giới chức y tế Mỹ đã cảnh báo, khi các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 được dỡ bỏ và nhiều người quay trở lại công sở và trường học, số ca cúm mùa sẽ tăng trở lại và thậm chí có thể vọt lên mức trước đại dịch. Tại Mỹ, mùa cúm thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Trong mùa 2020 - 2021, đợt cúm đầu tiên xuất hiện song song với dịch COVID-19, nhưng số ca mắc khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trong mùa 2021 - 2022, dịch cúm có dấu hiệu bùng phát trở lại và nguyên nhân một phần là do các lệnh hạn chế phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ.

Khi nước Mỹ bước vào những tháng lạnh hơn, mọi người sẽ dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn, cộng với việc lệnh hạn chế không còn áp dụng. Do đó, dự đoán virus cúm sẽ dễ lây lan hơn trong năm nay. Mặc dù chưa thể nói rõ chi tiết về mùa cúm sắp tới nhưng các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tiêm vaccine phòng cúm. Việc bảo đảm tất cả mọi người đều được tiêm phòng là một bước quan trọng để ngăn ngừa các ca nhiễm cúm trở nặng, nhập viện và tử vong.

Hiện CDC Mỹ có một chương trình mới gọi là "Hợp tác công bằng vaccine". Theo đó, họ sẽ tài trợ cho các đối tác ở cấp độ quốc gia, tiểu bang và địa phương để tăng nhận thức về vaccine ở tất cả các nhóm chủng tộc và dân tộc. Mặc dù tình hình của Mỹ tốt hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu đại dịch nhưng COVID-19 cùng với cúm vẫn sẽ lây lan và lưu hành trong mùa thu và mùa đông. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tiêm các liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,57 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,23 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 27/9, Pháp ghi nhận 73.639 ca mắc mới và thêm 40 người thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil có tổng số người nhiễm bệnh cao sau Mỹ, Ấn Độ và Pháp với trên 34,68 triệu trường hợp, nhưng số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ với gần 685.900 bệnh nhân.

Nhật Bản đạt gần 90% miễn dịch cộng đồng với COVID-19, Canada dỡ bỏ tất cả hạn chế biên giới - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở khu vực Bắc Âu. 

Số ca mắc COVID-19 và nhập viện do bệnh này đang gia tăng ở Bắc Âu, nơi thời tiết lạnh hơn phần còn lại của châu Âu. Trước đó, các cơ quan y tế công của nhiều nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm tăng trở lại trong giai đoạn thu - đông này. Dịch COVID-19 kết hợp với sự gia tăng ca nhiễm các loại virus đường hô hấp khác trong mùa đông sẽ gây thêm áp lực cho hệ thống y tế. Trước tình hình này, Cố vấn y tế của Cơ quan Y tế Anh Susan Hopkins đã kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm vaccine nhanh chóng tiêm phòng nhằm cường miễn dịch trước mùa đông.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo, Thủ tướng nước này Olaf Scholz đã dương tính với COVID-19. Thủ tướng Scholz hiện có triệu chứng cảm lạnh nhẹ và đang cách ly tại Phủ Thủ tướng. Ông đã hủy bỏ tất cả các buổi xuất hiện trước công chúng trong tuần này tuy nhiên sẽ tham dự các cuộc họp dự kiến theo hình thức trực tuyến.

Ông Scholz vừa trở về Berlin sau chuyến công du kéo dài 2 ngày tới khu vực bán đảo Arab, trong đó ông đã tới thăm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar.

Đức đang triển khai tiêm vaccine mũi tăng cường cho người cao tuổi và những người bị bệnh nền trước mùa đông. Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, COVID-19 vẫn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng việc kết thúc đại dịch có thể sớm xảy ra nếu các nước xử lý đúng.

Chính phủ Canada thông báo sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế ở biên giới liên quan đến đại dịch COVID-19 kể từ ngày 1/10, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay/tàu hỏa và kiểm tra y tế. Các biện pháp y tế được loại bỏ đối với khách du lịch bao gồm yêu cầu cách ly, sử dụng ứng dụng ArriveCan, xét nghiệm COVID-19 và chứng nhận tiêm phòng.

Ông Marco Mendicino, Bộ trưởng Bộ An ninh Công cộng Canada, cho biết, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng ArriveCan để tải lên các tài liệu du lịch nhưng không bắt buộc. Ông Mendicino giải thích: "Canada đã vượt qua đại dịch mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đó là lý do tại sao chúng tôi có thể công bố bước đi quan trọng này".

Những người đến Canada bị mắc COVID-19 sẽ được khuyến cáo cách ly theo quy định về y tế công cộng của địa phương.

Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh COVID-19 của Nhật Bản đạt khoảng 90% tại các khu vực dân cư lớn sau làn sóng dịch do biến thể Omicron mới đây. Đây là kết quả một nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu chính sách Tokyo được đăng tải vào ngày 27/9 đánh giá về mức độ miễn dịch tại 12 tỉnh đông dân nhất của Nhật Bản.

Nhật Bản đạt gần 90% miễn dịch cộng đồng với COVID-19, Canada dỡ bỏ tất cả hạn chế biên giới - Ảnh 2.

Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh COVID-19 của Nhật Bản đạt khoảng 90%.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng này có được là nhờ hiệu quả của các chiến dịch tiêm phòng vaccine và cả miễn dịch tự nhiên ở người sau khi đã nhiễm bệnh. Người dân ở các địa phương Tokyo, Osaka và Okinawa chủ yếu có kháng thể là do đã mắc bệnh, đặc biệt trong làn sóng dịch thứ 7 đạt đỉnh vào tháng 8 vừa qua.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, khoảng 65% dân số Nhật Bản đã tiêm ít nhất 1 liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ tại Mỹ. Tuần trước, các cơ sở y tế tại Nhật Bản đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine tăng cường là loại vaccine được điều chỉnh nhằm vào biến thể Omicron.

Chính phủ Nhật Bản sẽ điều chỉnh cách thống kê số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn quốc kể từ ngày 26/9 nhằm giảm tải công việc hành chính cho các cơ sở y tế. Theo đó, nước này sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết về tình trạng bệnh COVID-19 của những trường hợp có nguy cơ biến chứng cao, là người trên 65 tuổi và trường hợp có bệnh nền. Đối với các trường hợp còn lại, Chính phủ Nhật Bản chỉ yêu cầu báo cáo số lượng và độ tuổi.

Quyết định điều chỉnh cách tính số ca mắc COVID-19 được Chính phủ Nhật Bản triển khai từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, việc thực hiện được ủy quyền cho các chính quyền địa phương tự quyết định, do đó không mang tính thống nhất trên toàn quốc. Kể từ ngày 26/9, việc điều chỉnh này sẽ được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc, với mục tiêu các cơ sở y tế sẽ giảm tải công việc hành chính và tập trung khám, điều trị cho các trường hợp các nguy cơ biến chứng cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã đề xuất Chính phủ nước này chi 2,1 tỷ Baht (55,3 triệu USD) trong ngân sách dự phòng để tri ân đội ngũ tình nguyện viên tham gia nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nước này đang tiến tới hạ mức đánh giá độ nghiêm trọng của dịch bệnh này.

Khoản tiền trên là phần bồi dưỡng cho công việc của các tình nguyện viên trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, khi COVID-19 vẫn được xem là "bệnh truyền nhiễm nguy hiểm" tại Thái Lan. Giới chức Thái Lan khẳng định, đội ngũ tình nguyện viên y tế cơ sở đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần vào các nỗ lực kiểm soát đại dịch. Một phần chính sách của Bộ Y tế Thái Lan là đảm bảo các tình nguyện viên được quan tâm đầy đủ cho đến khi đại dịch chấm dứt.

Từ ngày 1/10 tới, Thái Lan sẽ hạ cấp dịch COVID-19 xuống thành "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi". Các tình nguyện viên y tế cộng đồng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho đất nước sang thời kỳ hậu đại dịch.

Trang Thai PBS World (Thái Lan) ngày 27/9 cho biết, thuốc xịt mũi ngừa COVID-19 do Thái Lan nghiên cứu và sản xuất sẽ có mặt trên thị trường từ ngày 1/10 tới, đúng thời điểm “xứ sở chùa vàng” hạ cấp độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 xuống thành “bệnh truyền nhiễm cần theo dõi”.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa