Thứ 3, 26/11/2024, 20:50[GMT+7]

Singapore cấp phép vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng - 4 tuổi, hàng không Malaysia bỏ quy định đeo khẩu trang

Thứ 6, 30/09/2022 | 06:28:24
3,463 lượt xem
Đến sáng 30/9, thế giới có trên 622,11 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,546 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 622,11 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 98,1 triệu ca mắc và hơn 1,083 triệu trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,58 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,34 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 29/9, Pháp ghi nhận 51.366 ca mắc COVID-19 mới, 33 trường hợp tử vong.

Người trẻ ở Pháp hiện đã nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống hiện tại và triển vọng tương lai so với thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Đây là kết quả khảo sát mới được Viện Thanh niên và phổ cập giáo dục Pháp (INJEP) công bố ngày 27/9.

Đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của giới trẻ Pháp khi các hợp đồng làm việc không thể tiếp tục được gia hạn và chuyển đổi từ giáo dục trực tiếp sang trực tuyến. Trong khi đó, ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine và tình trạng lạm phát tăng đang tiếp tục gây thêm áp lực.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trạng thái tinh thần năm 2022, khoảng 48% người trả lời đã miêu tả với những từ ngữ tích cực hơn, trong khi 33% dùng những từ ngữ tiêu cực. Trong khi đó, 67% những người khảo sát cho biết cuộc sống hiện tại đáp ứng kỳ vọng cho năm 2022. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi khảo sát được thực hiện vào năm 2016. Về kỳ vọng trong 5 năm tới, nhóm nữ giới có câu trả lời tiêu cực hơn nam giới. Điều này có thể là do thực tế rằng phụ nữ có ít điều kiện thuận lợi về việc làm và tài chính hơn và họ cũng phải đảm nhận công việc chăm sóc con cái.

Tại Brazil, tổng trên 34,69 triệu người đã nhiễm COVID-19, mức cao thứ tư thế giới, bao gồm gần 686.000 trường hợp tử vong vì đại dịch này, cao thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ.

Giới chức Anh cảnh báo, số ca mắc cúm và COVID-19 gia tăng có thể khiến nước này đối mặt một mùa đông khó khăn và làm gia tăng áp lực đối với hệ thống y tế công vốn đã căng thẳng.

Kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan mạnh năm 2020, vào mùa đông hàng năm Anh đều đưa ra cảnh báo nguy cơ bùng phát đồng thời dịch bệnh này và dịch cúm mùa. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế tiếp xúc và giãn cách xã hội được áp dụng để phòng dịch COVID-19 đã góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm cúm. Sau khi các nước gỡ bỏ những biện pháp phòng dịch từ đầu năm nay, tiếp xúc xã hội đã khôi phục gần như bằng mức trước đại dịch, và đây là yếu tố gây lo ngại về nguy cơ cao dịch bệnh dễ lây lan trong khi tỷ lệ người có miễn dịch với bệnh cúm khá thấp.

Singapore cấp phép vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng - 4 tuổi, hàng không Malaysia bỏ quy định đeo khẩu trang - Ảnh 1.

Số ca mắc mới và bệnh nhân phải nhập viện do COVID-19 tại Anh đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Do đó, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng cúm và vaccine phòng COVID-19, coi đây là giải pháp để ngăn chặn nguy cơ dịch cúm và COVID-19 gia tăng trong mùa đông sắp tới.

Số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân phải nhập viện do bệnh này tại Anh đang có dấu hiệu tăng trở lại sau khi giảm vào mùa hè. Theo bà Susan Hopkins, người đứng đầu bộ phận giám sát y tế của UKHSA, nhiều biến thể virus đang lưu hành hiện nay có thể tránh phản ứng miễn dịch ở một mức độ nào đó.

Trong năm nay, tại Anh có khoảng 33 triệu người trong diện được tiêm miễn phí vaccine phòng cúm và 26 triệu người đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Người cao tuổi và người có bệnh lý nền thuộc diện cần tiêm chủng cả 2 loại vaccine này, trong khi trẻ nhỏ có thể tiêm vaccine phòng cúm.

Ngày 29/9, vaccine Comirnaty phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi tại Singapore. Theo Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS), phác đồ tiêm chủng cơ bản ở nhóm tuổi này sẽ bao gồm 3 liều 3 microgram, 2 liều đầu tiên được tiêm cách nhau 3 tuần và liều thứ 3 được tiêm sau liều thứ 2 ít nhất 8 tuần.

Trong một tuyên bố, HSA đánh giá, lợi ích của việc sử dụng vaccine Comirnaty ở trẻ em trong độ tuổi này vượt trội so với rủi ro. Dữ liệu lâm sàng mà họ xem xét bao gồm một nghiên cứu được hãng Pfizer thực hiện với khoảng 1.800 trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi tham gia. Kết quả cho thấy, đáp ứng miễn dịch ở trẻ nhỏ được tiêm 3 liều vaccine tương đương với phản ứng miễn dịch ở người lớn từ 16 đến 25 tuổi được tiêm 2 liều cao hơn, là 30 microgam. Do đó, có thể suy ra rằng 3 liều vaccine ở trẻ nhỏ có thể cung cấp mức độ bảo vệ tương đương với 2 liều ở người lớn.

HSA cũng cho biết, dữ liệu thực tế ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã được tiêm 2 liều vaccine của hãng Pfizer tại Singapore cho thấy hiệu quả chống lại các biến thể phụ Omicron là khoảng 40% và giảm tới hơn 80% khả năng phải nhập viện.

Đây là loại vaccine thứ 2 được HSA cấp phép sử dụng tại Singapore cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi, sau vaccine Spikevax của hãng dược phẩm Moderna. Vaccine Spikevax đã được HSA cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng đến 17 tuổi vào ngày 24/8 vừa qua.

Tập đoàn Hàng không Malaysia, công ty mẹ của hãng hàng không Malaysia Airlines, cho biết, quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay sẽ được dỡ bỏ và có hiệu lực ngay lập tức, trừ khi các quốc gia điểm đến bắt buộc deo khẩu trang. Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia cho rằng Malaysia nên dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các chuyến bay thương mại.

Trước đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hàng không Malaysia đã thông báo cho Bộ trưởng Bộ Y tế nước này về các tính năng có sẵn trên máy bay. Theo đó, hệ thống lưu thông không khí trong cabin, nơi không khí cabin được làm mới từ 20 - 30 lần/giờ, và việc sử dụng bộ lọc hiệu quả cao có khả năng lọc 99,9% chất gây ô nhiễm trong không khí, bao gồm virus và vi khuẩn.

Thuốc xịt mũi ngừa COVID-19 do Thái Lan nghiên cứu và sản xuất sẽ có mặt trên thị trường từ ngày 1/10 tới, đúng thời điểm “xứ sở chùa vàng” hạ cấp độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 xuống thành “bệnh truyền nhiễm cần theo dõi”.

Singapore cấp phép vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng - 4 tuổi, hàng không Malaysia bỏ quy định đeo khẩu trang - Ảnh 2.

Đài Loan đã báo cáo 6,3 triệu trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ đầu năm.

Thuốc xịt mũi “Vaill CoviTRAP” có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bám vào bề mặt bên trong của khoang mũi nhờ trong thành phần có chứa chất phủ Hydroxypropyl Methyl Cellulose (HPMC) giúp giảm tải lượng virus trong khoang mũi. Để đạt hiệu quả phòng bệnh, thuốc phải được xịt 3 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 6 tiếng.

Từ ngày 13/10, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ chấm dứt kiểm dịch COVID-19 bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh và chào đón khách du lịch trở lại.

Đây là một bước quan trọng trong kế hoạch mở cửa trở lại với thế giới của Đài Loan. Đài Loan đã giữ nguyên một số quy định về nhập cảnh và kiểm dịch COVID-19 khi phần lớn phần còn lại của châu Á nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn. Trước đó, vào tháng 6, Đài Loan đã giảm số ngày kiểm dịch cần thiết đối với khách đến từ 7 ngày trước đó.

Đài Loan đã báo cáo 6,3 triệu trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ đầu năm do biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn. Với hơn 99% người nhiễm không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, chính quyền vùng lãnh thổ này đã nới lỏng các hạn chế trong "mô hình Đài Loan mới".

Hành khách nhập cảnh vẫn phải theo dõi sức khỏe của họ trong khoảng thời gian 7 ngày và làm các xét nghiệm nhanh, nhưng khách du lịch sẽ được phép quay trở lại.

Chính quyền Đà Loan trước đó cho biết họ đang hướng tới việc mở cửa trở lại vào ngày 13/10. Một loạt biện pháp khác có hiệu lực từ ngày 29/9 như không áp dụng quy định xét nghiệm PCR cho khách đến và việc miễn thị thực nhập cảnh sẽ được nối lại cho công dân của tất cả các quốc gia trước đây từng được hưởng quy chế đó.

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, công dân Đài Loan và du khách nước ngoài không bị cấm xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại, nhưng phải cách ly tại nhà hoặc trong khách sạn trong tối đa hai tuần.

Tập đoàn dược phẩm Shionogi của Nhật Bản cho biết, thuốc điều trị COVID-19 của tập đoàn này đã làm giảm đáng kể các triệu chứng bệnh so với giả dược trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở châu Á. Thuốc tên Ensitrelvir này đáp ứng chỉ tiêu chí chính trong một thử nghiệm lâm sàng thực hiện trên các bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình và phần lớn đã tiêm vaccine, giúp giảm 5 triệu chứng chính của bệnh COVID-19 do biến thể Omicron trong vòng 72 giờ kể từ khi có triệu chứng.

Cơ quan Quản lý dược phẩm Nhật Bản trước đó đã từ chối phê chuẩn khẩn cấp cho sử dụng thuốc này với lý do muốn có thêm số liệu về tính hiệu quả. Cũng có quan ngại thuốc có thể gây nguy cơ cho thai nhi dựa trên kết quả từ nghiên cứu trên động vật. Shionogi cho biết đã chia sẻ dữ liệu từ nghiên cứu giai đoạn 3 với các cơ quan chức năng.

Thuốc Ensitrelvir, còn có tên S-217622 và tên biệt dược Xocova, sẽ cạnh tranh với thuốc điều trị COVID-19 từ Pfizer và Merck vốn đã được phê chuẩn tại Nhật Bản và các nước khác. Shionogi đã ký hợp đồng bán khoảng 1 triệu liều cho Chính phủ Nhật Bản, chỉ còn chờ được phê chuẩn.

Tổng Giám đốc Shionogi, Isao Teshirogi cho biết, sản lượng hàng năm của thuốc có thể đạt 10 triệu liều. Tập đoàn đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ cho thử nghiệm giai đoạn 3.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa