Thứ 7, 11/01/2025, 13:01[GMT+7]

Vụ đánh bom cầu Crimea có thể làm leo thang xung đột ở Ukraine

Chủ nhật, 09/10/2022 | 11:40:23
1,656 lượt xem
Vụ đánh bom xe tải ngày 8/10 đã làm sập một đoạn của cây cầu nối Crimea với đại lục Nga, đồng thời làm gián đoạn một động mạch cung cấp chính cho lực lượng của Nga ở miền nam Ukraine.

Cầu Crimea gồm hai đường chạy song song dành cho tàu hỏa và ô tô. Hai nhịp của phần cầu cho ô tô đã bị sập.

Theo hãng tin AP, người phát ngôn của nghị viện khu vực Crimea ngay lập tức cáo buộc Ukraine về vụ tấn công, mặc dù Điện Kremlin không đổ lỗi. Kiev không tuyên bố trách nhiệm về vụ nổ mặc dù trước đó giới chức Ukraine từng nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công cầu.

Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia của Nga cho biết, vụ đánh bom xe tải đã khiến 7 toa tàu chở nhiên liệu bốc cháy và gây "sập một phần ở hai nhịp cầu".

Bán đảo Crimea có giá trị biểu tượng đối với Nga và là chìa khóa để duy trì các hoạt động quân sự của nước này ở phía nam Ukraine. Nếu cây cầu không còn khai thác được, việc vận chuyển nguồn cung cấp đến bán đảo sẽ trở nên khó khăn hơn đáng kể, nhất là trong bối cảnh Ukraine đang thúc đẩy một cuộc phản công.

Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia của Nga chỉ rõ rằng vụ nổ và hỏa hoạn đã dẫn đến sập hai nhịp ở một trong hai đường dẫn bên cầu ô tô, trong khi một đường dẫn khác không bị ảnh hưởng.

Bộ Năng lượng Nga cho biết Crimea có đủ nhiên liệu trong 15 ngày, đồng thời cho biết thêm họ đang tìm cách để bổ sung dự trữ.

Nhà chức trách đã đình chỉ lưu thông tàu chở khách qua cầu cho đến khi có thông báo mới. Tổng thống Putin cũng ra lệnh thành lập một hội đồng chính phủ để đối phó với tình huống khẩn cấp.

Video đám cháy ngùn ngụt trên cầu Crimea và một đoạn cầu dành cho ô tô bị sập (Nguồn: Twitter)

Cây cầu dài 19 km bắc qua eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov được khánh thành vào năm 2018 và là cây cầu dài nhất ở châu Âu. Nó đã cung cấp một liên kết thiết yếu giữa đại lục Nga với Bán đảo Crimea, mà Moskva đã sáp nhập vào năm 2014.

Dự án trị giá 3,6 tỷ USD này là một biểu tượng hữu hình cho các tuyên bố chủ quyền của Moskva đối với Crimea. Đây là liên kết trên bộ duy nhất của Nga với bán đảo cho đến khi các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine ở cực bắc của Biển Azov sau các cuộc giao tranh ác liệt, đặc biệt là xung quanh thành phố Mariupol. Qua đó, Nga đã xây dựng được một hành lang trên bộ tới Crimea vào đầu năm nay.

Người phát ngôn của nghị viện khu vực ở Crimea đã đổ lỗi cho Ukraine về vụ nổ, nhưng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, nói rằng cầu sẽ được sửa chữa kịp thời.

Hình ảnh nhân viên an ninh kiểm tra chiếc xe tải được cho là nổ bom sau đó trên cầu Crimea, trước khi cho phép xe lưu thông vào cầu. Ảnh: D.M

Hình ảnh nhân viên an ninh kiểm tra chiếc xe tải được cho là nổ bom sau đó trên cầu Crimea, trước khi cho phép xe lưu thông vào cầu.  

Trong khi đó, lãnh đạo tại quốc hội của đảng “Người phục vụ Nhân dân” của Tổng thống Zelensky ngày 8/10 đã không tuyên bố về trách nhiệm của Kiev trong vụ việc, nhưng ám chỉ đó là hậu quả của việc Moskva sáp nhập Crimea, nỗ lực tích hợp bán đảo này với đại lục Nga.

“Công trình xây dựng bất hợp pháp của Nga đang bắt đầu đổ nát và bốc cháy. Lý do rất đơn giản: nếu bạn tạo ra thứ gì đó gây nổ, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ nổ”, ông David Arakhamia, lãnh đạo đảng “Người phục vụ Nhân dân”, viết trên Telegram. "Và đây mới chỉ là khởi đầu”, ông Arakhamia nói.

Đoàn tàu cháy ngùn ngụt trên phần cầu đường sắt, trong khi cầu dành cho ô tô bị sập 2 nhịp. Ảnh: D.M

Đoàn tàu cháy ngùn ngụt trên phần cầu đường sắt, trong khi cầu dành cho ô tô bị sập 2 nhịp. 

Cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, Mykhailo Podolyak đăng dòng tweet: “Crimea, cây cầu, sự khởi đầu. Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy".

Trong khi đó, tại Moskva, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng “phản ứng của chế độ Kiev đối với việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự cho thấy bản chất khủng bố của họ”.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết quân đội Nga đang chiến đấu ở các khu vực Mykolaiv, Kryvyi Rih và Zaporizhia ở miền nam Ukraine có thể nhận được tất cả các nguồn cung cấp cần đến thông qua các hành lang trên bộ và trên biển hiện có, bất chấp sự cố với cầu Crimea.

Khói đen bốc lên từ cầu Crimea nhìn từ xa. Ảnh: TASS

Khói đen bốc lên từ cầu Crimea nhìn từ xa. 

Vào tháng 8, Nga cũng đã hứng chịu một loạt vụ nổ tại một căn cứ không quân và kho vũ khí ở Crimea.

Vụ nổ trên cầu Crimea xảy ra vài giờ sau khi các vụ nổ làm rung chuyển thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine vào rạng sáng 8/10, tạo ra những đám khói cao ngút trời và gây ra một loạt vụ nổ thứ cấp.

Thị trưởng Kharkiv, Ihor Terekhov cho biết trên Telegram rằng các vụ nổ vào sáng sớm là kết quả của các cuộc tấn công tên lửa vào trung tâm thành phố. Ông Terekhov nói rằng các vụ nổ đã gây cháy tại một trong những cơ sở y tế của thành phố và một tòa nhà không người cư trú. Không có báo cáo về thương vong.

Trước vụ tấn công vào cầu Crimea chỉ hai ngày, Tổng thống Nga Putin đã ký vào các văn bản tuyên bố 4 khu vực của Ukraine là lãnh thổ của Nga, bao gồm cả khu vực Zaporizhzhia, nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Ukraine và nhiều quốc gia đã lên án việc Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine, coi đây là hành động không có giá trị pháp lý.

Theo baotintuc.vn 

  • Từ khóa